Áp dụng quy tắc 21/90 để xây dựng thói quen tốt hiệu quả
Xây dựng thói quen tốt là cách hiệu quả để bắt đầu hành trình thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, chặng đường ấy lại...
Xây dựng thói quen tốt là cách hiệu quả để bắt đầu hành trình thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Thế nhưng, chặng đường ấy lại không đơn giản chút nào.
Nếu bạn đã click vào bài viết này, thì chắc hẳn bạn đã từng là người thất bại trong việc xây dựng thói quen. Bạn đã từng lên mục tiêu rất bài bản, tràn đầy quyết tâm để xây dựng thói quen tốt cho bản thân như: viết lách, đọc sách, học tiếng anh… Thế nhưng thực tế thì sao? Bạn chỉ làm được vài ngày rồi nhanh chóng cảm thấy chán nản. Trong khi có bao nhiêu cuộc vui, hoạt động thú vị ở ngoài kia đang vẫy gọi, còn bạn thì lại phải ở nhà và hoàn thành thói quen khó nhằn đó. Rốt cục thì bạn cũng chỉ cố được vài lần nữa rồi từ bỏ.
Quá trình ấy cứ lặp đi, lặp lại. Việc tràn đầy động lực khi bắt đầu và thất bại chỉ sau vài ngày thực hiện khiến bạn chán nản. Nó khiến bạn nghĩ rằng: mình là người sống theo cảm xúc (hay còn gọi là “sống tùy hứng”), mình không thể chịu được khi áp mình vào khuôn khổ, vào một thói quen. Thực tế liệu có phải như vậy?
Mình cũng đã từng là người sống rất tùy hứng, khó để làm việc theo một khuôn khổ nào đó. Cho đến khi mình biết đến quy tắc 21/90 và bắt đầu áp dụng nó vào việc xây dựng thói quen viết cho bản thân. Mình nhận thấy: chúng ta hoàn toàn có thể tạo dựng được thói quen, xây dựng lịch trình làm việc theo khuôn khổ nếu có phương pháp tiếp cận đúng.
Vậy quy tắc 21/90 là gì? Áp dụng nó vào việc xây dựng thói quen tốt như thế nào cho hiệu quả? Hãy cùng mình tìm hiểu ngay dưới đây nhé.
Quy tắc 21/90 là gì?
Quy tắc 21/90 ra đời vào năm 1960, bởi Tiến sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Maxwell Maltz. Theo ông chúng ta mất 21 ngày để tạo thói quen và 90 ngày để thay đổi lối sống vĩnh viễn. Khi bạn muốn xây dựng thói quen tốt, bạn cần cam kết lặp lại thói quen đó trong 21 ngày liên tục. Sau 3 tuần, việc theo đuổi mục tiêu đã trở thành một thói quen. Lúc này, bạn tiếp tục thực hiện trong 90 ngày nữa. Vậy thì hành động được lặp đi, lặp lại hàng ngày ấy sẽ thực sự trở thành thói quen và thay đổi lối sống của bạn vĩnh viễn.
Đọc thêm:
Tiến sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Maxwell Maltz đã phát hiện ra điều này khi quan sát những bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ của mình trong một thời gian dài. Ông thấy rằng, sau phẫu thuật (mũi, mặt, xương hàm..) thì các bệnh nhân sẽ mất khoảng 21 ngày để quen dần với khuôn mặt mới của mình. Cũng tương tự như thế, khi ông phẫu thuật tứ chi cho một người không may bị tai nạn thì cũng mất khoảng 21 ngày các bệnh nhân mới quen với cảm giác mất mát, thiếu hụt một phần trên cơ thể.
Ông nhận định: “Các hiện tượng mà tôi nghiên cứu có khuynh hướng cần ít nhất 21 ngày thì những hình ảnh trong tư duy, hành vi cũ mới biến mất và những hình ảnh trong tư duy, hành vi mới mới bắt đầu bám trụ.” Công bố này thời bấy giờ được coi như một trong những nền tảng đầu tiên của việc nghiên cứu thói quen con người.
Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học College London cho thấy rằng, trung bình mọi người phải mất ít nhất 66 ngày trước khi thói quen trở thành một phần của lối sống. Nhờ quy tắc 21/90, bạn sẽ thực hành một thói quen mới trong 111 ngày. Nó đưa bạn vượt xa những mức trung bình – 66 ngày. Giúp gia tăng cơ hội phát triển thói quen lên tới 70%.
Những hành động nhỏ được thực hiện đều đặn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn
Hành vi của con người đều có thể dự đoán được vì các thói quen thường được cho là do việc lặp đi lặp lại liên tục các hành động theo thời gian. Như quy tắc 21/90 đã đề cập ở trên, chúng ta sẽ mất khoảng 21 ngày để tạo dựng một thói quen và 90 ngày để biến nó thành lối sống.
“95% những gì bạn đang làm đều là kết quả của thói quen” – Aristotle
Thế nhưng, mình chắc chắn bạn sẽ không thay đổi cuộc đời trong 21 ngày. Dựa trên kinh nghiệm của mình – người đã viết đều đặn mỗi ngày ít nhất 5000 từ trong vòng một năm qua, mình nghĩ rằng: nếu chúng ta lặp đi, lặp lại những hành động, thói quen tích cực sẽ tạo ra tính nhất quán trong cuộc sống, giúp chúng ta tập trung phát triển vào những khía cạnh nhất định. Từ đó, giúp chúng ta gia tăng kiến thức hoặc kinh nghiệm để nâng cao giá trị của bản thân.
Việc phát triển thói quen sẽ đi liền với kết quả theo thời gian. Sau một năm, bạn có thể gặt hái được một số lợi ích. Thế nhưng sau 10 năm, điều bạn gặt hái được không phải 10, mà thậm chí là gấp 100 lần.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect). Theo đó: “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas”. Một hành động nhỏ được lặp đi lặp lại hàng ngày sẽ có sức mạnh thay đổi nhiều điều to lớn.
Xóa bỏ trở ngại trong việc xây dựng thói quen
Sẽ không có gì thay đổi nếu chỉ biết hy vọng và mong cầu. Không có thay đổi nào trong cuộc sống được tạo ra nếu bạn không chịu thay đổi. Cứ tiếp tục mắc kẹt trong lối sống cũ, bạn chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau khi mọi người không ngừng tiến về phía trước, để rồi, cảm thấy cuộc sống thật chán nản và liên tục gặp thất bại.
5 năm kể từ thời điểm này, nếu bạn không chịu thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh hơn, bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng cơ thể suy nhược, mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, thừa cân. Nếu bạn không biết cách quản lý chi tiêu từ bây giờ, rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với nghèo khó.
Sau quá trình xây dựng thói quen viết lách cho bản thân. mình nhận thấy rằng, trở ngại chính của việc tạo dựng thói quen chính là sự phản kháng của tiềm thức. Tiềm thức của chúng ta yêu thích cuộc sống hiện tại và ghét sự thay đổi. Nó ngại phải tốn công sức để bắt đầu một cái gì đó – không bình thường.
Tuy nhiên, bằng cách sử dụng quy tắc 21/90, bạn sẽ chế ngự và khuất phục được sự “lười biếng” của tiềm thức một cách dễ dàng hơn. Chẳng hạn, thay vì nói: “Mình sẽ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh mỗi ngày”, thì hãy nói: “Chỉ cần cố gắng ăn uống lành mạnh trong 21 ngày thôi. Sau đó, mình sẽ sẽ ăn uống, tụ tập trở lại”. Đọc câu đầu nghe có vẻ hợp lý nhưng trên thực tế nó lại tạo nên sự kháng cự của tiềm thức. “Phải làm việc đó mỗi ngày ư? Ôi thật chán nản”. Và đây là lúc nhiều người bỏ cuộc.
Vậy thì nhờ quy tắc 21/90, chúng ta chỉ cần đặt ra những mục tiêu ngắn hạn trong 21 ngày để hoàn thành nó. Lúc này, tiềm thức đã nhận được đích đến và sẽ không tạo ra sự kháng cự mạnh mẽ nữa. Mà ngược lại, nó còn cho bạn sự tập trung để hoàn thành mục tiêu ấy.
Sau khi đi hết hành trình 21 ngày, bạn sẽ nghĩ rằng: “Chà, thì ra xây dựng thói quen này không khó lắm. Bây giờ mà mình bỏ thì tiếc quá. Vậy thì cứ thử cố gắng trong 90 ngày tiếp theo đi”. Vậy là bạn tiếp tục duy trì thói quen ấy trong 90 ngày nữa. Tổng cộng bạn đã thực hành một thói quen mới trong 111 ngày. Lúc này nó đã dần trở thành thành thói quen vĩnh viễn.
Làm thế nào để bắt đầu áp dụng quy tắc 21/90?
Nếu bây giờ bạn đã sẵn sàng để áp dụng quy tắc 21/90 trong việc xây dựng thói quen tốt, thì đây chính là gợi ý các bước cho bạn thực hiện. Đây cũng chính là các bước mình đang làm mỗi ngày. Nếu bạn cảm thấy nó không phù hợp, bạn hoàn toàn có thể thay đổi miễn sao hoàn thành được quy tắc 21/90 là được rồi.
Đọc thêm:
Bước 1: Lựa chọn thói quen
Để áp dụng quy tắc này, bạn hãy bắt đầu với một thói quen nhỏ. Ví dụ: viết 100 chữ/ngày thay vì viết 1000 chữ/ngày, tập thể dục 10 phút thay vì 1 giờ, đọc 1 trang sách thay vì đọc cả 10 trang sách…
Điều này giúp bạn dễ dàng có thể hoàn thành cam kết và tạo động lực, cơ sở để phát triển lên thói quen lớn hơn. Hãy nhớ rằng, bất kỳ tiến bộ nào, dù nhỏ đến đâu, đều là tiến bộ tốt. Thực hiện mỗi ngày, bạn sẽ tiến gần hơn một bước đến mục tiêu thay đổi cuộc sống của mình.
Bước 2: Thiết lập mục tiêu trong 21 ngày
Hãy tạo một đích đến cụ thể (ở đây là 21 ngày) cho tiềm thức của bạn. Ghi chúng vào cuốn sổ, phần mềm ghi chú hoặc viết vào giấy và dán lên tường để đảm bảo bạn có thể nhìn thấy chúng thường xuyên.
Bước 3: Đưa thói quen vào danh sách công việc quan trọng cần thực hiện mỗi ngày
Hãy lập kế hoạch các công việc cần làm trong ngày và đưa thói quen cần xây dựng vào danh sách ấy. Đồng thời, xác định bạn sẽ làm vào thời gian nào, với cách thức ra sao, để tiềm thức của bạn xác định rõ các bước cần thực hiện.
Bước 4. Tập trung
Tập trung hoàn thành xong thói quen trước khi chuyển sang công việc khác.
Bước 5. Gạch bỏ thói quen trong danh sách công việc khi đã hoàn thành
Điều này giống như việc tận hưởng phần thưởng nho nhỏ mỗi khi hoàn thành công việc. Giúp bạn có thêm những cảm xúc tích cực để hoàn thành các mục tiêu tiếp theo.
Bước 6. Cam kết
Hãy luôn cam kết với mục tiêu của mình nếu bạn muốn xây dựng thói quen tốt để rồi thay đổi cuộc sống của bản thân. Quy tắc 21/90 chỉ hoạt động nếu bạn kiên định với kế hoạch của mình. Hãy nhớ rằng, bạn cần phải thực hiện liên tục. Nếu vì một lý do nào đó bạn phải nghỉ một ngày, thì hãy đảm bảo rằng, bạn không bỏ lỡ hai ngày liên tiếp.
Nếu có thể, các bạn nên rủ một vài người bạn hoặc tham gia một thử thách liên quan đến thói quen bạn muốn xây dựng để có thêm động lực và môi trường. Bạn nào muốn xây dựng thói quen viết lách thì hãy tham gia ngay Thử thách 90 ngày viết lách đang được tổ chức trong Group: Xây dựng sự nghiệp từ viết lách nhé.
“Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước, thời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay”
Ngay bây giờ, trong tay của bạn đã nắm được bí quyết thay đổi cuộc sống trong tương tai trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Việc của bạn bây giờ là: HÃY BẮT ĐẦU.
Hãy bắt đầu thực hiện theo các bước hướng dẫn trên một cách chậm rãi và kiên định. Hãy bước chậm và chắc. Đừng bước ra cổng, bắn một phát ‘rực sáng’ nếu bạn biết đó không phải là một tốc độ đều đặn. Chỉ cần can đảm vượt qua được những bước đầu tiên trong 21 ngày, bạn sẽ sang một bước phát triển mới và sự phát triển bản thân sẽ tăng vọt.
Ngay cả khi không thể hoàn thành chuỗi ngày ấy, bạn có thể thấy rằng, đây là một kinh nghiệm quý báu để có thể bắt đầu lại hành trình mới được tốt hơn. Đừng quên chia sẻ hành trình của bạn với mình và mọi người dưới comment nhé!
Bài viết thuộc danh sách bài đăng tham gia thử thách 90 ngày viết lách. Khi mình tiếp tục xuất bản các bài viết trên blog hàng ngày, mình sẽ cập nhật danh sách này cho đến khi nó có thêm 89 bài viết khác. Theo bạn liệu mình có thể viết 90 bài blog liên tục trong 90 ngày không? Cùng theo dõi tại đây nhé.
Bài viết nằm chia sẻ về chủ đề "phát triển bản thân". Bạn có thể đọc thêm những bài viết hữu ích khác tại đây.
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất