Đầu tiên tôi phải nói rằng giáo dục Việt Nam rất nhiều thiếu sót và lỗ hổng. Tất nhiên là điều đó đúng ai cũng biết, nhưng để nói nó có lỗ hổng như thế nào thì không nhiều người hiểu. Như mọi người đã từng nghe rằng "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Tôi rất ủng hộ ý kiến trên. Bằng chứng đó là những cường quốc như Mỹ, Đức hay Nhật Bản, Singapore là những quốc gia có nền giáo dục đứng đầu thế giới, điều đó không phải bàn cãi, nhưng hãy thử phân tích nó một chút. Vậy theo phần lớn suy nghĩ của người Việt Nam "Giáo dục là gì?" và "Giáo dục xuất hiện ở đâu?". Xin thưa: Hầu hết những người được hỏi đều nghĩ rằng giáo dục xuất hiện ở trường học, những nơi mà có một người là giáo viên và những người có nhu cầu học đó được gọi là học sinh, hay học viên. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Trước hết, để nói về giáo dục thì đầu tiên phải nhắc tới gia đình. Quan niệm "Trăm sự nhờ thầy" bắt nguồn từ việc hiểu sai câu nói của các cụ khi xưa đó là: "Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". "Chữ" trong câu này chỉ để nói về kiến thức, nhưng tuyệt nhiên người ta tổng hợp mọi thứ từ thái độ, đạo đức và tất cả mọi thứ. Dĩ nhiên vai trò của người thầy vẫn phải dạy cho học sinh những điều đó nhưng không có nghĩa rằng người thầy chịu hoàn toàn trách nhiệm về thái độ và đạo đức của học sinh. Với tư tưởng đó sinh ra rất nhiều thế hệ các bậc phụ huynh lơ là việc dạy dỗ con cái về thái độ, và đạo đức. Với kinh nghiệm không nhiều của một giáo viên trẻ, nhưng tôi đủ để hiểu việc quản lý một lớp học mệt mỏi như thế nào. Sẽ thật mệt mỏi khi bạn đang phải giảng dạy một tiết học cho một lớp 30 học sinh nhưng chỉ có khoảng 10 học sinh trong lớp là có thái độ tích cực với môn Toán. Học sinh phải được dạy rằng dù là môn học nào cũng nên giữ một thái độ và hành động tôn trọng giáo viên trong lớp. Phụ huynh đóng vai trọ quan trọng trong việc giáo dục thái độ và đạo đức của học sinh. Vậy nên đừng chỉ tới ngày 20/11 hằng năm tới tặng hoa thầy cô là xong, giáo viên không cần ngửi hoa để cảm thấy yêu nghề đâu.
Vấn đề lại phát sinh khi một số người nói rằng môn học nào cũng rất quan trọng, nhưng phải cần nói rõ rằng môn học nào cũng rất quan trọng với xã hội nhưng không phải môn học nào cũng quan trọng đối với từng cá nhân học sinh. Với một nghệ sĩ họ không cần phải hiểu cách chứng minh hai tam giác bằng nhau và với một kĩ sư máy tình họ cũng không cần phải phân tích tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Vâng tôi đang nói về vấn đề điểm số. Học sinh chỉ cần có thái độ tích cực với môn học chứ không nhất thiết phải đạt được điểm cao trong tất cả các môn học đó. Sẽ rất nhiều người phản đối việc dùng điểm số để đánh giá học sinh. Cá nhân tôi cho rằng cần thiết phải có điểm số để đánh giá một học sinh. Cũng xin nói thêm, "đánh giá" ở đây là đánh giá về khả năng nhận thức (năng khiếu, thế mạnh) của học sinh về môn học đó. Từ đó có thể cho học sinh và phụ huynh dễ dàng nhận ra thế mạnh và điểm yếu của con em họ, không phải để học sinh đi học thêm để nâng cao điểm số. Điểm số đó sẽ cho học sinh biết được các em có thế mạnh ở môn nào, lĩnh vực nào nhằm phục vụ cho mục đích hướng nghiệp. Nhân đây nói về hướng nghiệp ở Việt Nam. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành hiện nay là 60%. Loại bỏ đi những yếu tố về thị trường lao động, vậy nghĩa là theo lý thuyết hơn quá nửa học sinh bước chân vào ngưỡng cửa Đại học không biết được các em có năng khiếu ở lĩnh vực nào, điều đó thật tệ hại! Sẽ rất kinh khủng nếu như một đất nước có hơn quá nửa người lao động không thích việc mà họ đang làm và một số lại không được đào tạo bài bản. Điều đó dẫn tới sự thụt lùi của nền kinh tế và "công lao" đó phần lớn đền từ "tình yêu" của cha mẹ đối với những đứa con của họ. Điểm số không hề xấu, học thêm cũng không hề xấu, nhưng nó chỉ tốt khi điểm số được dùng để đánh giá, hướng nghiệp học sinh và dạy thêm học thêm cũng chỉ tốt khi học sinh tự nhận thấy bản thân các em có nhu cầu cải thiện kiến thức của mình về môn học đó. Sẽ thật khó có thể phân loại nghề nghiệp mà học sinh nào cũng là học sinh giỏi (8.0) ở các môn học. Vậy mà điểm số và dạy thêm học thêm đã trở thành một cặp song đao, giết chết sức lực của cả giáo viên và học sinh. Mặc dù việc dạy thêm cũng không hẳn đến từ yếu tố phụ huynh.
"Tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho toàn ngành giáo dục (gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) là 299.325 tỷ đồng, giảm 4,7% so với dự toán năm 2020. Đó là một trong những nội dung báo cáo về hoạt động giáo dục và việc thực hiện ngân sách giáo dục năm 2021 của Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội.Qua báo cáo, Chính phủ nêu một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định."
Theo báo Vietnamnet ngày 13/10/2021
17,3% là quá cao so với con số 6.6% ngân sách cho giáo dục của Anh Quốc, nhưng mà với con số 6.6% của GDP Anh Quốc và 17,3% ngân sách cho giáo dục Việt Nam thì đó là một sự so sánh hết sức khập khiễng. Nhất là với một đất nước mà việc đóng thuế là điều dễ dàng "nộp không đủ" như Việt Nam.
Ai cũng nói rằng giáo viên thường gắn với thu nhập thấp, dĩ nhiên là việc nó không trực tiếp tạo ra của cải vật chất có thể nhận thấy bằng mắt thường. Nhưng xét về giá trị thì giáo viên là một nghề không hề dễ. Trên lớp, có những giáo viên phải nói liền 8 tiếng đồng hồ từ sáng tới chiều và tới tối muộn họ lại phải chuẩn bị bài ngày hôm sau khoảng 3-4 tiếng nữa. Có nghĩa là họ sẽ có thể phải dành 10-12 giờ trên một ngày để giải quyết hết các công việc của họ mặc cho lương của họ chỉ có từ dao động trung bình từ 4.000.000 VNĐ - 6.000.000 VNĐ. Với số tiền ít ỏi đó nếu là những người đang đọc bài viết này thì các vị có đi dạy thêm không? Và để đạt được mức thu nhập từ 10.000.000 VNĐ - 15.000.000 VNĐ mà phải làm quần quật từ 7:00 sáng cho tới 22:00 - 00:00 là một sự tra tấn khủng khiếp và vắt kiệt sức lực của họ. Sáng hôm sau họ lại trực tiếp dạy dỗ các mầm non tương lai của đất nước với tình trạng thiếu ngủ và suy nhược cơ thể. Vậy các bậc phụ huynh yêu quý mong chờ gì từ họ? Cũng xin nói thêm giáo viên ngoài việc dạy học thì còn phải gánh vác một trách nhiệm khác đó là trau dồi kiến thức, tự học nhằm nâng cao kiến thức. Vậy với quỹ thời gian 24 giờ/ ngày, giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc còn chưa xong thì nói gì tới việc tự học nâng cao kiến thức. Tôi từng học với một giáo viên rất giỏi ở cấp 3. Thầy từng nói rằng thầy đã dành không biết bao nhiêu thời gian thời thanh niên để nghiên cứu một vấn đề của toán cao cấp, nhưng sau nhiều năm phải vật lộn với việc dạy thêm kiếm tiền thì khi đọc lại thầy không thể hiểu nổi một định lý nào mà thầy đã từng chứng minh. Nhìn vào công trình nghiên cứu của mình mà không thể nhớ và hiểu được đó là một sự bất lực tới cùng cực. Bằng cách nào đó thì cái nghề của thầy đã giết chết ước mơ đóng góp trí tuệ cho đất nước.
Cuối cùng thì "Giáo dục" là một công việc cần có sự giúp đỡ từ gia đình, xã hội và nhà trường. Sẽ thật mỉa mai cho một đất nước lấy giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng nền giáo dục lại để giáo viên bị "đói", đặt áp lực lên học sinh và để nhân tài của đất nước không mặn mà gì tới việc cống hiến sức lực cho quốc gia.
Đọc thêm: