Tháng 7/2013, nữ phóng viên Miwa Sado làm việc tại đài truyền hình NHK Nhật Bản được phát hiện qua đời trên chính chiếc giường của mình, tay vẫn nắm chặt chiếc điện thoại di động với hàng trăm tin nhắn công việc. Nguyên nhân tử vong là do kiệt sức vì làm việc. Chua xót hơn, cô gái trẻ đã phải làm thêm tới 159 tiếng trong khoảng thời gian cuộc bầu cử diễn ra, chỉ nghỉ vỏn vẹn 2 ngày trong 1 tháng. Ấy chỉ là một trong rất nhiều các trường hợp “karoshi”, thuật ngữ để chỉ những người qua đời vì làm việc quá giới hạn của bản thân. “Karoshi” vẫn là vấn nạn vô cùng nhức nhối không chỉ ở Nhật Bản, mà ở tất cả mọi nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam. Cách đây 4 năm, mạng xã hội Việt Nam cũng được dịp xôn xao khi biết tin một biên tập viên dựng phim 31 tuổi đột tử trên bàn làm việc sau 40 giờ try-hard liên tục. Và hãy thử nhìn quanh, có bao nhiêu người quen của bạn đang ngày đêm cắm mắt cắm mũi vào công việc từ sớm tới tối muộn, rồi lại từ tối muộn đến 4-5h sáng hôm sau mà bỏ quên ăn uống, ngủ nghỉ hay luyện tập sức khỏe một cách hợp lý? Có khi nào chính bạn cũng thuộc nhóm này?
Thừa nhận rằng ai rồi cũng phải đi làm, kiếm tiền và lo cho bản thân. Nhưng kiếm bao nhiêu là đủ, đến khi nào thì ta biết là đủ để dừng lại và tận hưởng cuộc sống này? Tại sao thế hệ trẻ lại thèm công, khát việc đến thế? Và phải làm gì để vừa có thể tận hưởng cuộc sống một cách đầy đủ nhất mà vẫn có thể đạt được những mục tiêu to lớn trong sự nghiệp?
Hiện trạng của giới trẻ 
Tôi sẽ mô tả một ngày “điển hình” của người trẻ hiện đại đang đi làm theo như tôi quan sát như thế này. Dậy sớm rồi ăn sáng vội vã, chải chuốt thật nhanh để không bị tắc đường. Đến nơi làm việc thì ngồi dài và thực hiện các Task được giao. Trong giờ nghỉ trưa, họ order đồ ăn từ 1 quán bất kỳ dưới 70k  và đi ra ngoài chơi điện thoại hoặc ngủ gật trong một góc nhỏ. Tiếp tục với công việc cho tới lúc tan sở. Vượt qua 4-5 điểm tắc khác nhau mới lết được về nhà, uể oải và kiệt sức. Chỉ còn sức mà nằm bẹp trên giường, đến sáng hôm sau thì lặp lại y hệt. Sống như vậy thì quả thật rất mệt mỏi và nhàm chán. Ấy vậy mà vẫn có rất nhiều người chấp nhận nhịp sống đó mà tiếp tục tồn tại. 
Kết quả khảo sát từ hơn 26.000 người, được Anphabe - một mạng lưới về nhân sự tại Việt Nam - công bố tại sự kiện Xây dựng nguồn nhân lực Việt Nam hạnh phúc ngày 12-10: 39% người đi làm cảm thấy không gắn kết với công việc, cơ quan, nhưng tới gần 67% trong số đó vẫn ở lại làm việc. Zombie công sở, những người chỉ biết cắm mặt vào công việc, chiếm 25%, nghĩa là cứ 4 người đang làm việc thì có 1 người làm việc kiểu "xác dưới trần mà hồn bay đâu mất". Hiện tượng này có xu hướng tăng dần ở độ tuổi trẻ hơn, với 28% ở nhóm 23-27 tuổi, nhưng khoảng 30% với nhóm 19-23 tuổi. Kéo theo đó là con số những người qua đời vì làm việc quá sức cũng tăng cao ở mọi hình thức, bao gồm đột quỵ, trụy tim, hoặc tự sát. Hơn 750.000 người chết mỗi năm vì làm việc quá sức, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới WHO
Có nhiều lý do để người ta chấp nhận với lối sống vùi đầu vào công việc đến mức đánh đổi từ cuộc sống cá nhân tới cả mạng sống của mình. Nhưng để dễ hình dung hơn, tôi sẽ chia nó thành 2 dạng nguyên nhân chính, chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này
Mỗi người đều lết mông đi làm vì một mục tiêu cá nhân khác nhau, phần lớn là để kiếm tiền. Nó quan trọng tới mức khiến người ta phải chiến đấu với 7 cái báo thức mỗi sáng. Trong xã hội mà chủ nghĩa tiêu dùng đang dần nuốt chửng từng người, để “vừa đủ ăn” ở các thành phố lớn cũng tiêu tốn một khoản kha khá. Theo Numbeo thống kê, chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một người ở Hà Nội rơi vào khoảng 10.5 triệu VNĐ, còn ở TP. HCM là hơn 11 triệu VNĐ. Trong khi đó, thu nhập bình quân của người Việt mỗi tháng là khoảng 6.6 triệu, con số này sẽ cao hơn ở thành thị. Tuy nhiên, để mua nhà thì một người cần phải làm việc liên tục hàng chục năm. Ấy là nói đến câu chuyện đao to búa lớn, chưa kể những khoản tiền chi tiêu sở thích lặt vặt của giới trẻ hiện đại như là tiền trà sữa, tiền xem phim, ngó Shopee lại thêm vào giỏ hàng. Nếu không đi làm thì đào đâu ra tiền mà ăn ngon mặc đẹp, rồi còn thỏa mãn lối sống cá nhân. 
Kiếm việc làm hiện tại cũng không hề dễ dàng. Người trẻ hiện nay phải đối mặt với thị trường việc làm cạnh tranh khắc nghiệt, với số lượng ứng viên nhiều hơn số lượng vị trí công việc nên luôn có một áp lực vô hình là cần phải giữ và làm tốt công việc hiện tại. Chỉ tính riêng trong quý 1 năm 2023, tình trạng thất nghiệp của thanh niên độ tuổi 15-24 đã đạt tới 7.61%, cao gấp 3.38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước, tức cứ 10 thanh niên sẽ có 1 người thất nghiệp. Mà đó lại toàn là những người đã qua đào tạo có bằng cấp, ấy vậy mà vẫn phải tranh đấu giành giật nhau từng tí một. 
Áp lực đến từ gia đình cũng là một lý do khiến nhiều người không được theo đuổi con đường mà bản thân mong muốn. Giống như cái câu mà các bậc phụ huynh hay dùng để đốc thúc con cái, "Bằng tuổi mày, nó mua nhà, mua xe, tháng kiếm chục triệu”. Dẫu biết tài chính là nỗi lo của mọi thế hệ. Các bậc cha mẹ cũng chỉ muốn hướng tới mục tiêu chính đáng: con cái họ có thể độc lập và tự chủ tài chính. Nhưng những kỳ vọng này thường dẫn tới nhiều trường hợp trớ trêu khi giới trẻ không được phép chọn con đường sự nghiệp cho bản thân mình, dẫn đến mất đi hứng thú, tinh thần và mục đích trong quá trình làm việc. Áp lực này có thể khiến cho người trẻ cảm thấy cảm giác bị đặt nặng và phải có nghĩa vụ đáp ứng mọi kỳ vọng do người ngoài đặt lên chứ không còn là do mục đích cá nhân của họ nữa. 
Nhưng đôi khi, áp lực có thể từ chính cá nhân giới trẻ mà sinh ra, trở thành một dạng nguyên nhân chủ quan. Cũng câu chuyện “bằng tuổi mà người ta thế nọ thế kia”, điều này đánh rất mạnh vào cái tôi vốn vẫn còn đang quá lớn trong tâm lý của các bạn trẻ. Câu chuyện “đi làm” không chỉ đơn thuần là để kiếm tiền, mà còn là để khẳng định vị thế của bản thân trong xã hội. Thường thì điều này đúng đối với những người đã có thể tự xác định được mục tiêu và ước mơ cá nhân của chính mình. Chẳng có gì sai khi một người mong muốn trở thành nghệ sĩ dương cầm dành 40 tiếng 1 ngày để khổ luyện cả. Hay ở đâu xa, chính PewDiePie để hoàn thành được ước mơ trở thành Youtuber full-time thì chính anh cũng đã từng phải đẩy xe ra đường mà bán HotDog. Về cơ bản thì đây là bài toán được và mất, dám đánh đổi để được nhận lại. Và “áp lực” đối với nhóm này là một yếu tố phải có để nhận được thành quả. 
Có nhiều lý do thì cũng sẽ có nhiều cách được giới trẻ sử dụng để đương đầu với tình trạng này. Theo tôi quan sát thì có 3 hướng giải quyết chính. Có người thì tìm cách để thích nghi, có người không chịu được áp lực và bỏ cuộc, cũng có người cố đấm ăn xôi, chịu cực chịu khổ để cố gắng đạt được mục đích. Tôi sẽ gọi tên lần lượt 3 nhóm này là nhóm “adapt”, nhóm “quitting” và nhóm “try-hard”. 
Cách giới trẻ đương đầu
Thế hệ trẻ rất năng động, sáng tạo nhưng lại rất nhạy cảm với các tác nhân ngoại quan. Nếu đấy là môi trường làm việc tiêu cực như cấp trên khó tính, đồng nghiệp toxic… các bạn trẻ rất dễ xảy ra tình trạng stress cao, dẫn đến nhảy việc liên tục. Bởi vậy mà cách nhanh nhất để có thể thích nghi là tự thay đổi bản thân, hoặc tự thay đổi môi trường làm việc của chính mình. Chính bởi vậy mà tình trạng nhảy việc của giới trẻ mới xảy ra thường xuyên tới thế. 
Theo nghiên cứu của Fidelity, 61% người trong độ tuổi từ 25-35 ở Mỹ đã "nhảy việc" trong những năm gần đây, hoặc có ý định chuyển chỗ làm. Tương tự, khảo sát của Microsoft cũng chỉ ra có 52% GenZ và thế hệ Millennial đã cân nhắc việc chuyển chỗ làm trong năm nay. Vì sao lại có con số khổng lồ tới thế? Theo Microsoft, tỷ lệ người trẻ nghỉ việc vì vấn đề sức khỏe tinh thần hay sức khỏe thể chất chiếm 24%, sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống chiếm 24%, và công việc thiếu linh hoạt trong nơi làm việc hoặc thời gian làm việc chiếm 21%.
Còn ở Việt Nam, theo khảo sát của BritishCouncil, phần lớn người trẻ không hài lòng với công việc gần nhất của bản thân. 
Tuy chiếm số lượng lớn là như vậy, nhưng những người nhảy việc thường xuyên lại có khả năng tìm được giải pháp xử lý triệt để tình trạng zombie công sở cao hơn hẳn những người khác. Nó cũng giống như việc quẹt Tinder vậy. Mỗi nơi làm việc mới sẽ giống một cô gái mới, bạn sẽ chẳng thể biết họ có hợp với mình không cho tới khi trực tiếp nói chuyện, hay thậm chí hẹn hò với họ một khoảng thời gian để biết đó có phải một mối quan hệ lành mạnh không toxic hay không. 
Nhưng nếu bạn không thể, hoặc không có khả năng kiếm được một công việc phù hợp với nhu cầu của bản thân thì sao? Như thông số đã được đưa ra ở phần trên, tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng rất cao, trong khi chính sách trợ cấp thất nghiệp tại nước ta lại chưa được triển khai tối ưu. Những người chấp nhận thất bại sẽ bất đắc dĩ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nhưng tôi không trách họ, vì tôi nghĩ họ cũng không muốn bản thân mình rơi vào tình trạng như vậy, bỏ cuộc chỉ là một trong những quyết định họ buộc phải chọn mà thôi. Đôi khi dừng lại 1 bước sẽ khiến chúng ta có định hướng rõ ràng và dễ tiếp tục hơn. 
Vậy còn những người không thể nhảy việc, không thể bung hết sức, chẳng thể bỏ cuộc, bám lấy công việc hiện tại cho dù nó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần một cách nghiêm trọng thì sao?
Hệ quả khi Try-hard quá sức
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng phát biểu:
"Không có công việc nào đáng để đối mặt với nguy cơ bị đột quỵ hay bệnh tim"
Áp lực công việc quá lớn gây ra stress, căng thẳng, và các vấn đề sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm, và suy giảm chất lượng giấc ngủ. Ngoài ra, làm việc quá nhiều và thiếu thời gian nghỉ ngơi đủ có thể gây ra mệt mỏi, suy nhược cơ thể và điều này rất có hại sức khỏe tổng thể. Và bạn biết đấy, nếu sức khỏe không được đảm bảo, hiệu quả công việc chẳng thể được cải thiện, và nó sẽ ảnh hưởng đến cả các yếu tố khác trong cuộc sống cá nhân. 
Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân có thể gây ra sự thiếu hòa hợp trong quan hệ gia đình, tình yêu và bạn bè. Theo khảo sát của Cigna tại Mỹ, cứ 5 người trưởng thành thì có 3 người cảm thấy lạc lõng giữa guồng quay công việc và cuộc sống. Ở trong độ tuổi 18-22, con số lên tới 73%, tăng tận 69% so với 1 năm trước đó. Và hệ quả của tình trạng này là vô cùng nghiêm trọng. 
Người bị ảnh hưởng có thể cảm thấy cô đơn, xa lạ, và không có đủ thời gian, cũng chẳng còn hứng thú và sức khỏe để dành cho quan hệ xã hội và hoạt động giải trí. Người bị ảnh hưởng có thể cảm thấy mất đi ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống, chỉ tập trung vào công việc và không đủ thời gian để thưởng thức những niềm vui và sự thỏa mãn từ các hoạt động cá nhân khác, hoặc nếu có, thì những giải pháp chỉ mang hiệu quả nhất thời, ví dụ như sử dụng mạng xã hội nhiều hơn mức bình thường. 
Và tất nhiên, hệ quả không chỉ gói gọn đối với bản thân cá nhân mà còn ảnh hưởng tới người khác, đáng kể nhất là các đơn vị doanh nghiệp mà họ đang làm việc cho. Hiệu suất làm việc không đảm bảo sẽ  gây ra thất thoát tài chính và lãng phí thời gian cho cả đôi bên. Đây là những hệ quả trước mắt, còn hệ quả lâu dài thì sao? Liệu những người này có rơi vào chế độ lái tự động, mất khả năng tự suy nghĩ cho bản thân, chấp nhận trở thành 1 bánh răng trong bộ máy hay không? Và tương lai cho họ là như nào?
Lấy dẫn chứng như một trường hợp rất Karoshi rất thương tâm ở Nhật. Năm 1988, anh Hiraoka qua đời do suy tim đột ngột sau khi làm việc liên tục 15 giờ đồng hồ. Điều tra cho thấy trong hơn 28 năm làm việc tại công ty, anh Hiraoka làm việc chăm chỉ 12-16 tiếng mỗi ngày. Thậm chí trong 1 năm trước khi qua đời, bảng chấm công của anh ghi nhận hơn 1.400 giờ làm thêm, không hề có lấy một ngày nghỉ phép. Đây chỉ là một trong số hàng chục ngàn người khác tại xứ sở Hoa Anh Đào. Kể từ khi đó, bộ Lao Động Nhật Bản mới bắt đầu nhìn nhận nghiêm túc về Karoshi và thống kê số liệu về các trường hợp này, ước tính có khoảng 10.000 vụ mỗi năm, bằng hoặc cao hơn số người tử vong do tai nạn giao thông tại nước này. Tính tới năm 2021, con số các vụ Karoshi vẫn tăng 43% so với 10 năm trước, tức là vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm hiệu quả. 
Ở Việt Nam, “làm việc đến chết” chưa phải là một tình trạng được ghi nhận nghiêm túc. Con số các vụ việc vẫn chưa tới mức báo động như ở Nhật hay các nước phương Tây, nhưng không phải là nó không xảy ra.  Vậy đâu mới là lối thoát một cách tích cực và hiệu quả nhất cho tình trạng này?
Lối thoát
Có một lời khuyên từ Stefan Falk, tác giả của cuốn “Động lực nội tại” mà tôi rất thích: 
“Nếu chúng ta liên tục tránh những điều mình không thích, bộ não sẽ có phản xạ để né những thứ như vậy tốt hơn. Đồng thời, chúng ta cũng sẽ trở nên lão luyện hơn trong việc xác định ra những thứ làm chúng ta tốn thời gian và công sức.”
Chính bởi vậy, chìa khóa để thoát khỏi lối sống Zombie là rèn luyện mindset xác định thứ mình muốn và không muốn. Chẳng ai có động lực để đi làm nếu mỗi ngày lên công ty là 1 ngày tự tra tấn bản thân cả. Có thể chia nhỏ ra thành những bước rõ ràng như sau. 
Đặt mục tiêu và ước mơ: chúng ta là con người mà đã là con người thì ai cũng sẽ có mơ ước. Vậy nên nếu thời gian vội vã đã làm bạn quên đi mơ ước hoặc mục tiêu cuộc sống thì hãy ngồi xuống, nghe bản nhạc và suy ngẫm: Mình tồn tại và hành động vì điều gì? Hãy xác định những mục tiêu và ước mơ của bạn để tạo động lực và tập trung vào những điều quan trọng. 
Định rõ giới hạn: Đặt giới hạn cho công việc và không làm việc quá giờ. Hãy biết khi dừng lại, nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Tận hưởng thời gian rảnh rỗi và không để công việc chiếm hết mọi thời gian của bạn. Thay vì 8 tiếng ngồi màn hình rồi lại dùng 12 tiếng nằm dài lướt Tik Tok, tại sao bạn không thử tập thể dục, hít thở không khí, hoặc tụ tập vài người bạn nói chuyện trên trời dưới đất xem sao? Việc này còn giúp bạn quản lý stress tốt hơn mà tâm trạng tốt thì làm việc mới tốt đúng không nào ?
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ: Tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và người thân. Hãy chia sẻ những khó khăn và lo lắng với những người thân tạo động lực và sự giúp đỡ. Như tôi đã nói, chúng ta không sinh ra để có nghĩa vụ làm hài lòng người khác, nếu cảm thấy những hì vọng từ mọi người xung quanh làm bạn cảm thấy ngột ngạt thì cứ thẳng thắn để nói với họ rằng bạn không muốn như vậy và bạn không làm được. Đôi khi bạn cần chia sẻ quan điểm cá nhân, sở thích của mình để mọi người hiểu đâu mới là thứ bạn mong muốn. 
Tìm kiếm sự hỗ trợ nghề nghiệp: Nếu bạn chán công việc hiện tại, lỗi do bạn hay do công việc? hoặc không do cái gì cản, do bạn và công việc không hợp nhau thôi. Nếu áp lực công việc quá lớn, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tư vấn nghề nghiệp hoặc những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bạn quan tâm. Họ có thể cung cấp lời khuyên và hướng dẫn giúp bạn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp phù hợp và tạo ra một sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Hy vọng thông qua bài viết này, các bạn có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất, đồng thời vẫn có thể đảm bảo được mục tiêu trong công việc để phát triển sự nghiệp bản thân.