Designed by freepik
Tiếp tục câu chuyện lần trước về Echo. Trong bài viết này, người viết sẽ đi sâu vào chàng trai khai sinh ra khái niệm “thượng đẳng”, Narcissus. 
Là con trai của thần sông Cephissus, Narcissus được sinh ra với một vẻ đẹp hết sức phi lý. Hắn ta đẹp hơn hẳn mọi vị thần trên đỉnh Olympus, khiến cho bất cứ ai nhìn thấy cũng phải thèm muốn có được.
Mẹ của hắn, thần Liriope nhận được lời tiên tri cảnh báo rằng: “con trai bà sẽ có một cuộc sống trường thọ, miễn là hắn không nhìn thấy chính mình”. 
Lớn lên trong sự ca tụng và ngưỡng mộ, khi đến tuổi niên thiếu, Narcissus không thể kiếm được ai có thể làm con tim mình rung động.
Hắn để lại một hàng dài những người phụ nữ và thậm chí là các chàng trai bị tổn thương bởi sự khước từ lạnh lùng.
Narcissus luôn nghĩ rằng không có ai trên đời xứng đáng với mình. Cho đến một hôm, khi đi vào rừng, Narcissus tình cờ bị trúng tiếng sét ái tình với hình ảnh phản chiếu của bản thân, thứ được in lên mặt hồ.
Narcissus cứ ngồi đó, ngắm mình mãi, cho đến khi hắn chết bởi cơn đói. Nơi Narcissus chết, mọc lên một bông hoa tuyệt đẹp mà sau này được đặt theo tên của hắn, hoa Thủy Tiên (Narcissus).
Sự kiêu ngạo vốn là một khái niệm khá phổ biến có từ thời xa lắc xa lơ. Nhưng đến năm 1914, ái kỷ mới được nhắc đến như một thuật ngữ tâm lý học trong bài tiểu luận “On Narcissism” của Sigmund Freud (ông là một bác sĩ thần kinh và là nhà tâm lý học, đồng thời sức ảnh hưởng của ông cũng rất lớn trong lĩnh vực tâm lý học).
Tới đây có lẽ người viết đã vô tình cù lét một số người qua câu chuyện trên, có thể vài người trong số đó sẽ bỏ qua bài viết này.
Hãy khoan nhé! Narcissist cũng có người tốt và người xấu, nhưng nếu bạn đang hoặc đã từng trong mối quan hệ với một Narcissist không lành mạnh thì bài viết này là dành cho bạn.

Đọc thêm:

Chân dung của một NARCISSIST

Mọi người thường bảo tự tin là tốt, nhưng sự tự tin thông qua bộ khuếch đại sẽ trở thành căn bệnh ái kỷ. Những người Narcissist là những người bậc thầy thổi phồng bản thân, thứ vượt xa so với thực tế của họ.
Có làm mới có ăn, không làm thì ăn…xin, bạn đóng góp bao nhiêu thì bạn nhận lại giá trị tương xứng bấy nhiêu. Riêng những người Narcissist lại không nghĩ vậy, họ nghĩ mình xứng đáng được ưu ái và nhận được nhiều đặc quyền hơn người khác, dù năng lực của họ chưa cân xứng với điều đó.
Kể cả trong tình yêu, những người Narcissist thường không mảy may quan tâm đến cảm xúc của đối phương, họ sẽ không bao giờ muốn biết bạn nghĩ gì hay muốn gì. Những gì họ cần là sự tôn sùng và ngưỡng mộ. Những Narcissist không có sự cảm thông và sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả lừa lọc, lợi dụng bạn đời để tô bóng cho hình ảnh bản thân.
Khi nghiên cứu vào sâu hơn, các nhà tâm lý học lại phát hiện ra chứng rối loạn nhân cách ái kỷ lại có 2 biến thể đặc biệt đó là Grandiose Narcissism và Vulnerable Narcissism.
Designed by freepik

Những người ái kỷ thượng đẳng (GRANDIOSE NARCISSISM)

Grandiose có nghĩa là vĩ đại, hùng vĩ. Giống như tên gọi, những cá nhân thuộc nhóm này thường khá là quen thuộc với các bạn.
Họ có thể là những người nổi tiếng trong cộng đồng, như ca sĩ, diễn viên, vận động viên, người mẫu, chính trị gia hoặc là người bạn trong friend list có nhiều lượt theo dõi (không phải bất cứ ai trong những vị trí này đều là Narcissist, có nhiều người nổi tiếng nhưng vẫn rất khiêm tốn).
Những Grandiose có một sức hút mạnh mẽ đến từ sự tự tin của họ, nhiều người trong số đó còn sử dụng tính cách này vì những mục tiêu tích cực.

Đọc thêm:

Ví dụ như là vươn lên tới vị trí dẫn đầu, đạt được thành tựu, làm những điều giúp ích cho cộng đồng. Dù đôi khi những điều đó xuất phát từ sự thèm khát được nổi tiếng của họ, nhưng chung quy người viết vẫn nghĩ đó là điều tốt. 
Nhưng cái mâu thuẫn của căn bệnh này bắt đầu nguy hiểm khi họ không nhận được những gì mình mong muốn. Họ sẽ dễ trở nên bị kích động và cực kỳ hung hăng, đôi khi chính họ sẽ tự hủy hoại danh tiếng và tâm lý của mình khi không nhận được sự ủng hộ của mọi người.
Grandiose thường là những người hướng ngoại.

Những người ái kỷ dễ bị tổn thương (VULNERABLE NARCISSISM)

Nghe tên là hiểu ha, Vulnerable có nghĩa là dễ bị tổn thương. Đây là những người ái kỷ có chiều sâu nội tâm,thường là hướng nội và là nhóm người nguy hiểm nhất vì sự bất ổn trong tâm lý của họ. 
Những người ái kỷ nhạy cảm thường cực kỳ cực kỳ khó để nhận biết, họ là những bậc thầy ngụy trang và đánh du kích, họ rất kín đáo và không dễ để cho người khác thấy được sự kiêu ngạo của mình vì họ biết điều này sẽ gây tiếng xấu cho bản thân. 
Nhưng hôm nay người viết sẽ bật mí cho bạn cách để nhận biết họ. Những người ái kỷ nhạy cảm có thể là bất cứ ai xung quanh bạn, từ đứa bạn thân đố kỵ, cho đến người bạn đời lạm dụng, hoặc thậm chí là họ hàng gần xa.
BẮT ĐẦU NÀO
Ngược lại với sự cuốn hút từ những người ái kỷ thượng đẳng, mặc dù là thổi phồng bản thân, nhưng ít ra họ có căn cứ cho điều đó (Narcissus kiêu ngạo vì hắn có được sắc đẹp không ai sánh bằng).
Thì người ái kỷ nhạy cảm lại là những người không có gì nổi bật, họ che giấu nỗi sợ bị phán xét bằng cách khoác lên mình một sự khiêm tốn giả tạo.
Thay vì tận dụng sự nhạy cảm của mình để cảm thông thì những người ái kỷ nhạy cảm lại dùng nó như một thứ vũ khí tối thượng để công kích cảm xúc người khác. Họ luôn cố dìm mọi người xuống để tỏ ra vượt trội.
Điều này dẫn đến việc những người ái kỷ nhạy cảm sẵn sàng chỉ trích gắt gao những người kiêu ngạo khác. Họ đố kỵ với người khác và cho rằng người khác cũng đố kỵ với mình.
Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy được những kiểu người này trong công việc, teamwork và tình cảm. Khi có sự cố xảy ra, bạn sẽ luôn là người có lỗi, bất kể trong mọi trường hợp, họ thậm chí sẽ lôi cá nhân bạn ra để cụ thể hóa những sai lầm đó “Tính cậu như này nên sai như vậy là phải rồi” mà không mảy may đánh giá lại bản thân.
Những người ái kỷ thượng đẳng tin rằng họ hoàn hảo và mọi người cũng thấy như thế. Nhưng ngược lại, những người ái kỷ nhạy cảm thì lại tin rằng họ hoàn hảo và mọi người dường như không đủ “trình” để thấy họ như vậy.

Một đóng góp nhỏ rút ra từ kinh nghiệm của người viết

Khi bạn chủ động rời khỏi một mối quan hệ với người ái kỷ, họ sẽ cố gắng níu kéo bạn bằng cách xin lỗi (dù họ không có ý như vậy) và thể hiện rằng họ yêu thương bạn rất nhiều.
Nhưng kết quả là sẽ chẳng có gì thay đổi nếu bạn bỏ qua và tiếp tục mối quan hệ đó, có rất nhiều người lặp đi lặp lại tình trạng này và kết thúc bằng sự đau khổ cho chính mình.
Kể cả khi đã chia tay, họ sẵn sàng nói xấu bạn, hay thậm chí ngay lập tức cho bạn biết rằng họ đã ở bên người khác, để bảo vệ cái tôi của chính mình. 
Nên nhớ, bạn không thể chữa một người bị bệnh ái kỷ bằng cách yêu thương họ nhiều hơn (vì với họ không bao giờ là đủ). Đó là việc của bác sĩ, không phải của bạn.

9 DẤU HIỆU THEO TIÊU CHUẨN CHẨN ĐOÁN

Theo cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5), nếu một người có 5 trên 9 dấu hiệu dưới đây thì có thể chẩn đoán họ đã bị rối loạn nhân cách ái kỷ
1. Thổi phồng về bản thân quá mức
2. Thích thú với những ảo tưởng thành đạt, quyền lực,…
3. Tin rằng mình là người đặc biệt và duy nhất
4. Luôn có nhu cầu được ngưỡng mộ
5. Cảm thấy mọi người phải có nghĩa vụ phục vụ họ
6. Lợi dụng các mối quan hệ cho lợi ích của bản thân
7. Không có sự đồng cảm
8. Luôn đố kỵ và cho rằng người khác cũng đố kỵ với mình
9. Thể hiện thái độ, hành vi kiêu ngạo

TRÁNH XA VÀ GIÚP ĐỠ

Là một căn bệnh rối loạn nhân cách, nhưng ái kỷ rất khó để chữa trị, cốt lõi là vì bản thân những người này luôn thấy mình chẳng có vấn đề gì và họ không cần bất cứ lời khuyên nào từ người khác.
Nhưng đã là bệnh chắc chắn sẽ không tốt, những người ái kỷ rất dễ trở nên trầm cảm, nhất là với nhóm người nhạy cảm. Khi sự kỳ vọng của họ không tương xứng với những gì mà họ nghĩ là mình đáng được nhận.
Nếu đó là người thân, người bạn hay người yêu mà bạn yêu thương, dù cho những người đó đã làm gì với bạn, thì hãy dang tay giúp họ, ít ra có thể giúp họ gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn và điều trị.
Còn nếu đã cố gắng hết sức mà họ vẫn không chịu “mở lòng” nhận sự giúp đỡ thì hãy “chạy ngay đi” của Sơn Tùng nhé. 
Bình Viết Gì.