Bàn về: Hướng ngoại, Kỳ thị chủng tộc, và Tự tôn dân tộc
Trước hết thì tôi muốn giải thích một chút về cái tiêu đề của bài viết này. Tại sao tôi lại đặt tiêu đề với 3 khái niệm như trên? Thực...
Trước hết thì tôi muốn giải thích một chút về cái tiêu đề của bài viết này. Tại sao tôi lại đặt tiêu đề với 3 khái niệm như trên? Thực ra là vì gần đây tôi có đọc được vài bài viết ở trên trang này với nội dung đề cập đến chuyện có cần phát âm tiếng Anh giống người bản ngữ không. Tôi có để hai đường dẫn đến hai bài viết có liên quan ở dưới cho độc giả nào muốn tham khảo. Nhìn chung ban đầu vấn đề tranh luận nằm ở chỗ liệu chúng ta có nên phát âm tiếng Anh theo giọng bản ngữ hay là chúng ta có thể tự hào với việc phát âm tiếng Anh theo giọng Việt Nam, như nhiều người nói là Vietlish. Sau đó thì chủ đề được khuếch đại lên thêm một chút nữa về sự đối nghịch giữa hai xu thế đó là hướng ngoại và tự tôn dân tộc. Cái vùng vấn đề này theo tôi thấy là cái đang được nhiều người quan tâm đến. Tôi muốn viết về cái phạm trù này nhưng cũng chưa nghĩ ra được từ nào mà bao quát được hết cái chủ đề đang được bàn đến. Thế là tôi quyết đinh đặt tựa đề bao gồm 3 khái niệm mà tôi nghĩ là những trọng tâm lớn nhất của chủ đề ấy. Thoạt nhìn độc giả có thể nghĩ rằng bài viết của tôi không có trọng tâm nhưng thực ra chỉ là cái chủ đề mà tôi muốn viết về nó rộng quá. Những ai mà quan tâm cũng như ý thức được về chủ đề này chắc chắn hiểu được tôi đang muốn bàn về cái gì. Lưu ý là bài này của tôi không phải là về hai bài viết được nêu ra ở trên. Chỉ là tôi đọc được hai bài viết đó ở đây và nó liên hệ tới một cái chủ đề mà tôi muốn viết về, thế nên phạm trù được đề cập ở đây không chỉ là ở hai bài viết kia mà là về cái vấn đề lớn và bao quát hơn như tôi đã đề cập. Tôi cũng sẽ nói thêm một chút về chuyện phát âm tiếng ngoại ngữ ở đoạn sau.
Phần 1: Giải thích vấn đề
Hãy xem xét về 3 khái niệm được đưa ra ở tựa đề của bài: Hướng ngoại, kỳ thị chủng tộc, và tự tôn dân tộc. Chúng liên hệ với nhau ra sao. Trước hết là về xu thế hướng ngoại, tức là hướng ra bên ngoài đất nước của chúng ta để học hỏi những cái mới. Đây không phải là xu hướng mới ở Việt Nam mà nó đã là một hiện tượng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước rồi. Trong phần lớn lịch sử của Việt Nam thì chúng ta hướng về Trung Quốc, trung tâm của nền văn hóa Á Đông, để học hỏi. Từ lúc chúng ta bắt đầu bị Pháp đô hộ đến giờ thì có vẻ xu thế chung là hướng về phương Tây. Lịch sử cận đại của Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi xu thế này với các nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh hay Hồ Chí Minh; những người đã đi tìm cách giải quyết cho những vấn đề lịch sử của đất nước bằng cách hướng ra ngoài để tìm kiếm giải pháp. Tinh thần hướng ra ngoài để học tập là một tinh thần quý báu với bất cứ một cộng đồng nào. Bất cứ một tập thể nào cũng là một phần của nhân loại. Không ý thức được vai trò của mình trong cái tập thể lớn ấy cũng như không biết tận dụng di sản chung về văn hóa và tri thức của nhân loại là một sự uổng phí. Tuy nhiên cái gì quá cũng không tốt. Cực đoan là thường sẽ dẫn đến vấn đề. Hướng ngoại một cách cực đoan là trở thành sính ngoại. Sính ngoại tức là việc một người coi thường những giá trị của nền văn hóa mà người đó đến từ và đề cao thái quá những gì thuộc về ngoại quốc một cách cảm tính. Tất nhiên nếu như có những cái mình không bằng bên ngoài thì mình cũng phải chấp nhận, cái việc nhìn đúng được vào thực tại ấy thì lại không phải là sính ngoại. Khi có xu hướng sính ngoại thì cũng có xu hướng phản sính ngoại. Nói nôm na ra thì tức là sẽ nó những người cảm thấy khó chịu khi cộng đồng của họ bị đặt thấp hơn so với những cộng đồng khác. Mặt khác khi cộng đồng của chúng ta bắt đầu hướng ra bên ngoài (hướng ngoại - ở đây không chỉ là việc trực tiếp đi ra nước ngoài mà còn là việc tiếp xúc với những nền văn hóa ngoại quốc thông qua các phương tiện truyền thông), thì chúng ta cũng sẽ bắt gặp những hiện tượng khác vốn đã tồn tại từ trước rồi. Một trong những hiện tượng đó là hiện tượng kỳ thị chủng tộc. Một số người đưa ra quan ngại rằng người Việt hay thậm chí là người gốc Á nói chung không được đối xử công bằng ở những xứ ngoại quốc. Nhiều quan điểm đưa ra cho rằng một bộ phận người ngoại quốc (chủ yếu là đến từ Trung Quốc và phương Tây) không coi trọng người Việt chúng ta. Cái này nó đánh vào tự ái của nhiều người. Và như một phản xạ tự nhiên khi họ cảm thấy lép vế thì họ sẽ phải đi tìm một điểm tựa về tinh thần. Điểm tựa về tinh thần dễ thấy nhất là lòng tự tôn dân tộc. Nhiều người sử dụng lòng tự tôn dân tộc như một tấm lá chắn tinh thần trước hai hiên tượng sính ngoại và kỳ thị chủng tộc. Tất nhiên cũng như hiên tượng hướng ngoại, cái gì cực đoan là thường cũng dẫn đến vấn đề. Trạng thái cực đoan của tự tôn dân tộc là tự tôn dân tộc mù quáng. Tức là cái gì cũng cho mình là nhất, xem thường hoặc thậm chí là khinh thường những gì thuộc về bên ngoài – bài ngoại. Tự tôn dân tộc mù quáng thường chắc chắn sẽ dẫn đến kỳ thị chủng tộc. Đó là những cái móc xích giữa 3 khái niệm này với nhau, trong tương quan với chủ đề lớn mà chúng ta đang bàn luận.
Phần 2: Một góc nhìn khác về kỳ thị chủng tộc
Kỳ thị chủng tộc là một trong những vấn đề lớn của nhân loại. Và một trong những yếu tố làm vấn đề này trở nên phức tạp và khó giải quyết đó là việc người ta dễ bị sa đà vào “tâm lý nạn nhân”. Tâm lý nạn nhân là sao? Rất dễ hiểu, đó là tâm lý tự cho mình là nạn nhân của vấn đề mà không mảy may xem xét xem liệu bản thân có phải là một phần của vấn đề hay không. Tôi nghĩ đã có một lượng người không nhỏ trong xã hội Việt Nam của chúng ta vướng vào tâm lý nạn nhân này khi xét về phạm trù phân biệt chủng tộc. Tức là, phải, họ nhìn thấy việc người Việt bị đối xử thiếu công bằng ở nước ngoài nhưng họ có nhìn thấy cái điều ngược lại không? Câu hỏi mà tôi muốn các bạn suy nghĩ ở đây đó là liệu người Việt chúng ta có phân biệt chủng tộc hay không?
Khi một người ở Mỹ hay châu Âu không dang rộng vòng tay chào đón người Việt hòa nhập vào xứ sở của họ, chúng ta ngay lập tức cho rằng họ là người phân biệt chủng tộc. Chúng ta nghĩ rằng họ coi thường chúng ta, chúng ta ghét họ. Thế nhưng thực sự tôi xin nói với các bạn là người Việt chúng ta thậm chí còn chẳng có nổi trong đầu cái ý tưởng của việc có một người phương Tây trở thành người Việt Nam. Một người “Tây” dù có sống ở Việt Nam hàng chục năm hay thậm chí là sinh ra và lớn lên ở Việt Nam đi chăng nữa thì đối với chúng ta người đó vẫn luôn là cái “anh Tây ấy”. Gia đình của anh ta, Việt hay Tây cũng sẽ là cái gia đình của anh Tây ấy. Anh ta có vợ là người Việt Nam thì vợ của anh ta vẫn sẽ luôn là cái “cô gái lấy Tây” ấy. Anh ta có nói được tiếng Việt như người bản ngữ đi chăng nữa thì anh ta vẫn sẽ luôn là “cái anh Tây nói sõi tiếng Việt” (một sinh vật lạ trong mắt chúng ta) chứ không có bao giờ chúng ta nói anh ta là người Việt Nam cả. Cá nhân tôi biết khá nhiều người ngoại quốc ở Việt Nam, nhiều người đã sống ở đây rất lâu và có ý định ở luôn lại nhưng tôi chưa bao giờ biết đến một người nào thực sự được chấp nhận ở đây như là một người Việt cả. Trong tâm thức của từng người Việt, họ vẫn mãi sẽ luôn là những người ngoại quốc ở tại Việt Nam chứ không bao giờ là người Việt Nam.
Thật vậy, hãy cứ thử nhìn vào cách chúng ta gọi họ mà xem: “Tây”. Thực sự là bất cứ ai không phải người gốc Á chúng ta đều gọi họ là “Tây”. Người da đen đến từ châu Phi chúng ta cũng gọi họ là Tây, người Ả Rập cũng gọi là Tây. Chúng ta có cách nào để phân biệt họ không? Có, người da đen thì chúng ta gọi là Tây Đen, da trắng thì chúng ta gọi là Tây Trắng, Ả Rập nhìn đen đen thì cũng là Tây Đen nốt. Ôi các bạn Việt Nam của tôi, chúng ta thực sự là quá tinh tế! Chúng ta khá thoải mái với việc gọi một người ngoại quốc là “Tây Lông”. Nhưng các độc giả nghĩ sao nếu như bây giờ các bạn sang thăm một nước nào đó và bị gọi là “Thằng da vàng mắt híp” (Small eyes chink chẳng hạn – chinks thường là để chỉ người Tàu nhưng đôi khi với hàm ý miệt thị cũng là để chỉ cả dân gốc Á). Những người ngoại quốc đến từ các nước phát triển còn đỡ, chứ còn đến từ các nước kém phát triển hơn chúng ta nữa thì chúng ta còn chẳng mảy may để ý đến họ. Các bạn biết rằng cái sự phân biệt là rất sâu đậm khi chúng ta còn không ý thức được nó. Tức là về mặt bản chất thì chúng ta đã in nó vào trong bản năng rồi, chúng ta coi nó là điều hiển nhiên. Cái lô-gíc căn bản của việc đặt ra một kỳ vọng về nguyên tắc ứng xử cho người khác đó là chúng ta cũng phải thực hiện được chúng cái đã. Ở đây chúng ta đang kỳ vọng ở những người khác một cách ứng xử mà bản thân chúng ta còn chẳng có ý niệm gì về việc thực hiện chúng. Cái sự có đi có lại trong cách ứng xử là hoàn toàn không có.
Có một điều mà tôi nhận ra được qua những trải nghiệm của mình đó là những người sa đà vào tâm lý nạn nhân nặng nhất lại thường là những người có đóng góp vào vấn đề nhiều nhất. Những người thô lỗ nhất thường là những người có lòng tự ái cao nhất. Các độc giả đã có bao giờ trải nghiệm điều này chưa? Hay hơn nữa là đã có bao giờ các bạn bị rơi vào cái bẫy tâm lý này chưa? Thú vị thay, một người tạo ra vấn đề luôn có những cách biện dẫn để tự thuyết phục bản thân họ rằng họ là nạn nhân. Tất nhiên đây không phải để phủ nhận rằng có những nạn nhân thật và những vấn đề thật. Nhưng kể cả nếu như một người có là một nạn nhân của một vấn đề gì đó, thay vì tìm cách hiểu và cải thiện nó họ chỉ sa đà vào tâm lý nạn nhân thì bằng cách này hay cách khác họ cũng sẽ góp phần làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Một người là nạn nhân của phân biệt chủng tộc, nếu sa đà quá sâu vào tâm lý nạn nhân thay vì đi tìm hiểu bản chất của vấn đề và vượt qua cái mặc cảm ấy, thường sẽ trở thành những người phân biệt chủng tộc mạnh nhất. Hãy hiểu rằng thực sự thì con người chúng ta có những cơ chế tâm lý rất giống nhau, bất chấp sự khác biệt về văn hóa. Chỉ là dưới những hoàn cảnh khác nhau, những cơ chế tâm lý này trở nên khó nhận biết hơn nếu như chúng ta không tinh ý.
Việc một di dân gặp phải những sự kỳ thị nhất định là có. Tuy nhiên thì chúng ta cũng nên nhìn vào vấn đề từ phía còn lại. Những người mà tỏ ra những thái độ kỳ thị, họ đã sống cả đời ở trong một nền văn hóa mà họ cảm thấy rất thoải mái khi sống trong đó. Bây giờ khi một lượng lớn di dân đến đem theo những sự thay đổi không chỉ về văn hóa mà cả về nhân chủng, việc họ đặt vấn đề là hoàn toàn có thể hiểu được. Tôi phải nói ra điều này để các bạn thấy được những chuyện như thế này là những vấn đề đa chiều. Thực sự mà nói nếu như bây giờ Việt Nam phải chấp nhận một đợt di dân lớn như Đức hay một số nước châu Âu vừa qua thì tôi, với tư cách là một công dân Việt Nam, cũng sẽ lên tiếng phản đối. Tôi không thể chấp nhận một sự thay đổi quá lớn về văn hóa và nhân chủng đối với đất nước của tôi như vậy được. Nói một cách dễ hiểu hơn đối với chúng ta thì đó là việc cái lòng “tự tôn dân tộc” của họ vào cuộc. Khi nói về lòng tự tôn dân tộc của người Việt thì chẳng ai mảy may nghĩ đến những hàm ý của sự phân biệt hay kỳ thị cả. Nhưng bây giờ có ai nói đến lòng tự tôn dân tộc Mĩ hay lòng tự tôn dân tộc Anh là chắc chắn sẽ có những người quan ngại. Mà các độc giả có biết là cụm từ dân tộc Việt Nam là một cụm từ cũng có nhiều điều có thể bàn đến đấy. Dân tộc Việt Nam dịch sang tiếng Anh chính xác nó không phải là “Vietnamese people” như báo chí vẫn dịch. Vietnamese people là Nhân Dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam dịch chính xác ra là Vietnamese Ethnicity. Ethnicity là dân tộc, và một quốc gia thì có thể có nhiều dân tộc. Dân tộc Việt Nam là một nhưng Việt Nam có 54 dân tộc anh em, và người Kinh thì có tên gọi khác là người Việt. Trong mối quan hệ giữa 54 dân tộc này thì những sự kỳ thị và phân biệt là có không? Nói đến đây mới thấy nhiều người trong chúng ta mải đi phán xét xứ khác mà quên mất là ngay trong nội bộ đất nước này thôi cũng có những vấn đề tương tự.
Phần 3: Hướng ngoại và lòng tự tôn dân tộc
Trung hòa được 2 giá trị này là điều quan trọng, không để cho chúng trở nên cực đoan. Việc hướng ra bên ngoài để học hỏi và trải nghiệm văn hóa và tri thức của nhân loại là điều vô cùng thiết yếu, đặc biệt là ở trong thời đại ngày nay. Chúng ta không thể tự khép kín được. Hai thái cực cưc đoan của hai giá trị này đều là cái mà chúng ta nên tránh. Sính ngoại sẽ trở nên mất gốc và đây là một cái tệ nhưng tự tôn dân tộc một cách thái quá và mù quáng thì là một điều nguy hiểm. Thực sự mà nói thì kể cả những người “mất gốc” đi chăng nữa nhưng nếu họ sống tốt, cống hiến được cho xã hội và là một thành viên tích cực cho cộng đồng nơi họ sống thì chúng ta cũng khó trách họ được. Ngay như tôi là một người tìm thấy những giá trị trong cuộc đời gắn với chủ nghĩa dân tộc nhưng tôi cũng phải nhận định rằng chủ nghĩa dân tộc là một lựa chọn chứ không phải là một sự bắt buộc. Thế nên nếu một người nói rằng họ muốn sống tốt và trở thành một người tốt nhưng họ không muốn gắn bản thân với nơi họ được sinh ra thì chúng ta cũng không thể chỉ trích họ được. Nhưng nếu một người sa vào chủ nghĩa dân tộc mù quáng và hẹp hòi thì điều này chỉ làm cho thế giới quan của họ bị thu hẹp lại. Đi theo con đường cực đoan này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến kỳ thị chủng tộc mạnh. Mà cái điểm đáng buồn là những người đi theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nhiều trường hợp thực sự không phải là những người ái quốc chân chính. Khi một người bị cuốn vào lòng tự tôn dân tộc cực đoan thì thường là bởi vì họ yêu cái tôi của bản thân và họ tìm thấy bằng chứng cho cái sự tuyệt vời của bản thân thông qua cái lòng tự tôn ấy. Điều tương tự cũng đúng với những người bị sa vào chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Họ không yêu chủng tộc của họ mà họ yêu cái hình ảnh của bản thân khi nó được gắn vào với cái chủng tộc ấy. Hãy sử dụng lòng tự tôn dân tộc như một điểm tựa, đừng coi nó như một rào cản trong quá trình học hỏi từ thế giới bên ngoài.
Phần 4: Có cần thiết việc phát âm như người bản xứ khi học ngoại ngữ
Phần này tôi nói thêm một chút về cái chủ đề đã được bàn luận gần đây về việc học ngoại ngữ. Các độc giả có thể đọc hai bài viết về chủ đề này ở dưới. Trước hết tôi phải nói rằng trong việc giao tiếp nói chung thì cái điều tiên quyết cần phải được đảm bảo đó là chúng ta phải khiến người đối diện hiểu được những gì chúng ta nói. Để một người có thể hiểu được một thứ ngôn ngữ mà chúng ta nói ra thì bắt buộc chúng ta phải tuân thủ được những luật lệ về phát âm nhất định. Nên nhớ ở đây tôi không nói về ngữ pháp, mà tôi đang nói về ngữ âm. Trong một bài viết bàn luận về chủ đề này có người nói rằng chỉ cần đúng ngữ pháp là chấp nhận được. Làm sao mà chỉ có vậy mà chấp nhận được. Bây giờ chúng ta thay mỗi âm của họ bằng một âm Việt hóa rồi khi nói ra họ không hiểu gì thì đấy là cái lỗi của chúng ta rồi. Không thể chỉ đúng ngữ pháp mà xong được. Phải tuân thù được những quy tắc phát âm cơ bản. Đúng là có những sự biến tấu nhất đinh về mặt phát âm trong chính một ngôn ngữ nhưng về cơ bản thì chúng vẫn rất tương đồng với nhau; thanh điệu hay cách nhân âm có thể khác nhau một chút nhưng không quá nhiều được. Vì thế mặc dù chúng ta có thể không quá khắt khe rằng học tiếng ngoại ngữ thì phải nói đúng như người bản xứ nhưng chúng ta cũng phải có những ý niệm nhất định về việc ngữ âm phải ở trong cái phạm vi cho phép ấy. Tức là về cơ bản thì chúng ta cũng phải nói giống người bản xứ một chút khi sử dụng một ngôn ngữ.
Để minh chứng cho những gì tôi vừa nói thì tôi xin được đưa ra một góc nhìn rất dễ hiểu để các độc giả cảm nhận. Bây giờ hãy đặt ngược vai trò của chúng ta lại đi. Giả sử như có một người Pháp đến Việt Nam và muốn học tiếng Việt để giao tiếp. Sẽ thế nào nếu anh ta nói một thứ tiếng Việt nửa mùa lai với tiếng mẹ đẻ anh ta, nghe chỗ rõ chỗ không sau đó nói rằng anh ta nói tiếng Việt theo giọng Pháp, và rằng anh ta sẽ không cố để nói giống chúng ta mà anh ta vẫn sẽ cứ giữ nguyên thế thôi vì anh ta có lòng tự tôn dân tộc. Sự thực thì có lẽ là chúng ta cũng sẽ cố chấp nhận ở bề ngoài vì khía cạnh lịch sự, nhưng trong thâm tâm thì chúng ta sẽ không đánh giá cao khả năng ngôn ngữ của người này. Sẽ có khó khăn trong công việc, đó là điều chắc chắn. Người ta có câu: Nhập gia tùy tục. Hay như trong tiếng Anh cũng có một câu tương tự tức là khi ở thành Rome thì hãy làm giống như người ở Rome. Khi sống hoặc làm việc trong một môi trường nào đó thì nhìn chung chúng ta cũng nên cố gắng tìm một văn phong khi nói và những cách phát âm giống người bản ngữ một chút, sẽ thuận lợi hơn cho cuộc sống và công việc. Các độc giả cứ thử nghĩ mà xem, nếu như bây giờ có một anh Tây nói tiếng Việt cực kỳ giống cách chúng ta nói. Như vậy một cách tự nhiên chúng ta cảm thấy có thiện cảm với người đó hơn chứ. Thế nên nếu như mục đích của việc nói chỉ là để truyền đạt một thông tin cứng nhắc thì có thể không cần nói giống người bản địa làm gì. Tuy nhiên nếu như muốn truyền đạt điều gì đó với mục đich đi vào lòng người nghe thì chúng ta cũng nên chú ý đến cách nói chuyện của họ. Nếu chúng ta nói giống với họ, thì những gì chúng ta truyền đạt dễ đi vào lòng họ hơn. Với bất cứ một ngôn ngữ của một quốc gia hay nền văn hóa nào cũng vậy.
Vậy nếu chúng ta nói tiếng Anh trong một môi trường quốc tế thì sao? Một môi trường mà nhiều vùng miền trên thế giới sử dụng tiếng Anh với những cách phát âm có những khác biệt. Khi đó liệu có tốt không nếu như chúng ta sử dụng Vietlish của mình? Là một người Việt thì tôi xin được đưa ra một đánh giá rất thẳng thắn như sau. Vietlish với đại đa số người sử dụng đều rất khó nghe và quan trọng hơn theo tôi đánh giá là không hay. Singlish theo tôi thấy cũng không hay. Cách phát âm của người Ấn Độ khi dùng tiếng Anh hay hơn là Vietlish và Singlish. Người Nga nói tiếng Anh theo giọng của họ cũng khá hay, tất nhiên cũng hay hơn Vietlish và Singlish. Nhìn chung theo tôi thấy đại đa số các nước ở châu Âu nói tiếng Anh theo giọng của họ đều hay hơn Vietlish của chúng ta. Tiếng Anh của người Mĩ, theo tôi đánh giá là rất hay, nghe rất rõ ràng và rành mạch. Tại sao tôi lại có cảm nhận này? Đây phải chăng là sự thiên vị của một kẻ sính ngoại nào đó? Không phải. Sự thực nó là như vậy. Một bài hát hay thì dù nó có được hát bằng một thứ tiếng mà không hiểu gì tôi vẫn cứ thấy nó hay. Một bài hát dở thì dù là hát bằng tiếng mẹ đẻ tôi vẫn cứ thấy nó chán.
Cảm nhận là như vậy nhưng trên thực tế tôi cũng có những giả thuyết nhất định để lý giải cái sự hay dở trong chuyện lai tiếng này. Theo tôi thấy thì có lẽ là vì tiếng Anh và tiếng Việt có cách phát âm và thanh điệu rất khác nhau nên khó mà có thể lai hai thứ tiếng này lại được. Sở dĩ tiếng Anh giọng Nga hay là tiếng Anh giọng châu Âu nghe có vẻ thuận tai hơn rất nhiều có lẽ là bởi vì những ngôn ngữ này có những điểm tương đồng rất lớn với nhau về ngữ âm. Không khó để hiểu được bởi lẽ những nước này ở trong cùng một khối văn hóa với nhau. Trường hợp của Ấn Độ thì có lẽ là vì họ sử dụng tiếng Anh như là một ngôn ngữ chung và trung gian cho cả nước họ rất lâu rồi (Ấn Độ có rất nhiều thứ tiếng, tiếng Anh gần như là một thứ tiếng trung gian để vùng này giao tiếp với vùng kia) nên có lẽ lâu dần thì nó cũng trơn. Với giả định này thì có lẽ nếu như cho một người Anh và một người Việt cùng học tiếng Trung Quốc, khả năng người Việt nói tiếng Trung hay hơn là rất cao. Bởi vì tiếng Việt có nhiều tương đồng về mặt phát âm với tiếng Trung hơn là tiếng Anh. Tóm lại những cái sự hay dở của các chất giọng này là có thật. Thế nên những ai muốn học ngoại ngữ cũng nên để ý khía cạnh này. Có thể mình nói vẫn có yếu tố của chất giọng Việt nhưng cũng cố gắng đưa vào những cái hay từ những chất giọng kia. Đừng vì tự ái này nọ mà để thiệt mình.
Bài viết khá dài. Cám ơn vì đã dành thời gian để đọc!
Hai bài viết về chủ đề học tiếng Anh:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất