“Khi các nhà khoa học phân tích những người có vẻ như có tính tự chủ ghê gớm thì hóa ra họ không khác những người đang vật lộn là mấy. Thay vào đó, những người “kỷ luật” này giỏi hơn trong việc kiến thiết cuộc sống của mình sao cho nó không đòi hỏi ý chí và tính tự chủ phi thường” — James Clear (Atomic Habit, 2018)
Nói cách khác, người kỷ luật là người không cần dùng đến kỷ luật.. 
Kỷ luật là phẩm chất quan trọng và cần thiết, chúng ta thừa hiểu điều đó. Nhưng cách chúng ta đang sử dụng kỷ luật thì lại là câu chuyện khác. Giống như con dao hai lưỡi, tích cực, tự do hay rất nhiều khái niệm khác đều có hai mặt tốt và xấu, kỷ luật cũng như vậy. Và nếu như bạn đã gặp rất nhiều (thậm chí là chán ngấy) những câu chuyện về kỷ luật bản thân, thành công và ngành công nghiệp self-help, hãy cùng mình xem xét góc nhìn vứt bỏ kỷ luật khi xây dựng một thói quen mới.

Ngay từ bản chất, kỷ luật và thói quen đã không thuộc về nhau

Hiểu bản chất của thói quen, ta sẽ biết đó là những hành động “đáng tin cậy” mà bộ não bảo bạn nên làm gì khi gặp những vấn đề lặp đi lặp lại. Khi thông báo điện thoại trong túi quần kêu lên, bạn có hai lựa chọn: (1) Phớt lờ nó và (2) Cầm lên xem. Mình đoán đa số chúng ta sẽ lựa chọn cầm nó lên xem, tò mò sao mà chịu nổi. Rồi sau đó bạn được thỏa mãn, dopamine tiết ra, và não bạn ghi nhận vấn đề đã được giải quyết êm đẹp. Lần tới khi thông báo tiếp tục kêu, não bạn hiện lên và nói:
"Này, biết phải làm gì rồi đấy, cứ như lần trước đi. Rút ra xem đi mày, đảm bảo xem sẽ thích".
Riêng khoản này não mình quyết đoán nhanh lắm
Riêng khoản này não mình quyết đoán nhanh lắm
Giải pháp check tin nhắn kết nối với vấn đề thông báo kêu. Và bùm, bạn có thói quen cứ thấy rung ở túi quần là thò tay vào rút điện thoại ra, không cần suy gì nhiều.
Lái xe cũng tính là một thói quen. Não bạn sưu tập trọn bộ 7749 bí kíp xử lý khi gặp ổ gà, đèn đỏ hay chị ninja lead. Đó là những giải pháp đáng tin đã được bạn sử dụng từ trước, giờ chỉ cần lôi ra thực hành khi gặp lại tình huống tương tự. Như một đứa bạn khốn nạn hay phát biểu khi mình hỏi bài nó: “Cứ áp dụng công thức là ra, dễ mà”. Đó là cái cách bạn có thể vừa lái xe vừa nghĩ xem tối nay nên bỏ rau vào luộc hay nấu canh, và cuối cùng giật mình vì không biết đã về đến nhà bằng cung đường nào.
Kỷ luật, trong khi đó, là khả năng kiểm soát chặt chẽ cách bạn hành động, là những ý chí và nỗ lực bạn đặt vào một việc nhằm giữ nó đi đúng hướng, thường là để đạt được mục tiêu. Kỷ luật nhắc nhở bạn không được làm gì và phải làm gì trong từng tình huống, việc của bạn là tuân thủ những nguyên tắc đã đặt ra và rồi bạn sẽ nhận lại được kết quả như mong muốn. Kỷ luật rõ ràng là chìa khoá để giữ bạn đi đúng hướng và chinh phục mục tiêu.
Bởi vì kỷ luật yêu cầu khả năng kiểm soát hành vi, bạn luôn phải duy trì sự tập trung, năng lượng tinh thần để biết bản thân cần làm gì/không được làm gì. Trong khi đó, thói quen giúp bạn thực hiện hành động giống như bản năng, bạn không phải nghĩ nhiều về việc đó, thậm chí nó xảy ra tự động mà bạn còn không ý thức được.
Người kỷ luật đặt mục tiêu chạy 5km/ngày và phải luôn giữ cho mình ý chí tự chủ, quyết tâm (kể cả những lúc chán nản, gặp khó khăn) để cố gắng hoàn thành từng cây số. Người xây dựng thói quen chạy bộ thì khác, họ chủ động tìm cách để chạy bộ trở thành việc dễ dàng hơn, từ học cách chạy không tốn sức, thiết kế môi trường xung quanh hay đặt mục tiêu vừa tầm, cốt là để họ có thể duy trì việc chạy hằng ngày và tận hưởng nó. 
Xây dựng thói quen là chuyện bạn kiểm soát những yếu tố để hành động diễn ra dễ dàng, kỷ luật là việc bạn kiểm soát chính bản thân mình phải thực hiện hành động liên tục.
Xây dựng thói quen giúp bạn làm một việc ngày càng tự động hơn, không phải càng ngày càng phải nghĩ nhiều về việc làm sao để thực hiện nó.

Những mặt trái chết người của kỷ luật

Thứ nhất, kỷ luật là kẻ thao túng tâm lý

Ai cũng muốn có kỉ luật, ai cũng biết hôm nay mình sẽ phải làm gì nếu muốn đạt được mục tiêu. Trớ trêu thay, khó khăn luôn từ đâu đó chui ra khiến bạn nản chí, rồi có những ngày tinh thần bạn không tốt, bạn chỉ muốn dẹp quách cái trò kỷ luật kia đi. Đâu phải cứ quyết tâm và đặt mục tiêu thì mọi thứ sẽ xong xuôi đâu đúng không, mọi thứ phức tạp hơn vậy nhiều. 
Kỷ luật, thành công, động lực... là combo luôn đi liền với nhau trên internet
Kỷ luật, thành công, động lực... là combo luôn đi liền với nhau trên internet
Và kỷ luật dễ dàng hướng bạn theo cái lối suy nghĩ: “chỉ là mình chưa đủ cố gắng thôi, cứ làm đi” thay vì thực sự tư duy để tháo gỡ khó khăn: “Điều gì khiến mình không muốn làm việc này, mình sợ cái gì/thiếu cái gì, có cách nào làm nó dễ hơn không?”. Chính cái lối suy nghĩ hướng tới sức mạnh ý chí, đề cao quá mức vai trò của quyết tâm đến thành công đã khiến mọi người mù quáng làm tới thay vì tư duy khoa học để giải quyết khó khăn.
Kỷ luật chỉ cho bạn biết phải làm điều gì, nhưng lại không bảo bạn phải làm như thế nào.

Thứ hai, thực hành kỷ luật giống như nuôi ong tay áo

Bạn thực hành kỷ luật, nhưng cuối cùng nó lại làm hại bạn, thậm chí còn thốn hơn cả nuôi ong tay áo vì đó là cảm giác như bạn tự đấm vào mặt mình, tự làm hại bản thân, thông qua suy nghĩ.
Tưởng tượng vào ngày thứ 16 tập giảm cân, cơ thể bạn bắt đầu mệt mỏi do chế độ ăn uống thiếu chất và lượng, những bài tập đốt mỡ được thiết kế theo giáo trình đại trà, cam kết kết quả đầu ra trên mạng nhưng không phù hợp với bạn cho lắm. Bạn đang muốn dừng lại lắm rồi. Kỷ luật thôi thúc bạn cố gắng, nhưng lí trí bạn không còn đủ vững nữa, bạn chọn bỏ cuộc và cảm thấy như thể một thất bại rất kinh khủng.
Thế là những suy nghĩ tiêu cực hiện lên trong đầu, bạn bắt đầu trách móc tại sao bản thân lại yếu kém đến thế, tại sao người khác làm được còn mình thì không, giảm cân còn không làm nổi thì cái gì có thể nữa. Sự chán nản và thất vọng dần đưa bạn đến việc trở lại lối sống cũ, giảm cân thất bại khiến bạn ăn nhiều hơn và còn tăng nhiều hơn ban đầu, tự cho phép bản thân ngủ bù sau những ngày tháng chăm chỉ dậy sớm hay chia tay với mấy đồ healthy nhạt nhẽo để yêu lại với snack và nước ngọt.
Chính sự nghiêm khắc của kỷ luật đã gây ra tác động ngược về tâm lý thay vì thúc đẩy chúng ta cố gắng. Nó mang tới cảm giác thất bại, cảm thấy tiêu cực về bản thân khi bạn bỏ cuộc, và cảm giác đó là khởi nguồn cho những hành vi buông thả của bạn diễn ra sau đó. Kết quả là mọi thứ còn tệ hơn cả thời điểm ban đầu.
Có lẽ chúng ta cần nhiều hơn 1 cái tát
Có lẽ chúng ta cần nhiều hơn 1 cái tát

Thứ ba, kỷ luật giống như nhiệm vụ bất khả thi

Nếu bạn vẫn nghĩ chỉ cần có động lực đủ lớn, một cái đầu lạnh là có thể thực hành kỷ luật được thì bạn đã nhầm. Có những thứ mà bạn chẳng thể nào kiểm soát được cả ở bên trong lẫn từ bên ngoài, đó là sự suy giảm cái tôi và một môi trường không phù hợp.
Sự suy giảm cái tôi (Ego depletion) cho rằng khả năng tự chủ và sức mạnh ý chí của bạn là có hạn. Giống như nguồn điện trong một cục pin con thỏ, mỗi lần bạn huy động một lượng quyết tâm để thực hiện hành động thì bạn sẽ tiêu tốn một lượng năng lượng ý chí. Dần dần, sau nhiều quyết định “căng não” được đưa ra, bạn hết pin, năng lượng ý chí đã cạn, cái tôi bị suy giảm và dễ dàng đưa ra quyết định thỏa mãn tức thời và trái với kỷ luật.
Một ngày của bạn bắt đầu bằng lựa chọn nên ra khỏi giường hay ngủ thêm 5 phút, sáng nay nên mặc váy hay đồng phục đi làm, nên ăn trưa ở ngoài hay nấu cơm mang đi cho đảm bảo sức khỏe, rồi có nên tăng ca 1-2 tiếng để hoàn thành nốt công việc, mọi quyết định đều huy động kỷ luật và năng lượng ý chí của bạn ngày càng suy giảm khi về cuối ngày. Đó là lúc bạn cảm thấy mệt mỏi và cần được thả lỏng, cái tôi đã cạn kiệt và thật dễ dàng để quyết định xem netflix thay vì đọc sách, lướt điện thoại thêm nửa tiếng thay vì đi ngủ sớm.
Tóm lại là, càng kỷ luật, ý chí của bạn càng nhanh bị rút cạn và bạn càng nhanh chóng thoát khỏi trạng thái kỷ luật.
Để hiểu thêm về vấn đề này bạn có thể đọc bài viết rất hay về thuyết suy giảm cái tôi của tác giả The Duckest
Đó là từ bên trong, môi trường bên ngoài thì mọi chuyện còn khó kiểm soát hơn nữa. Người cai nghiện thuốc lá làm sao kỷ luật bản thân trong khi họ cứ liên tục ngửi thấy mùi thuốc lá xung quanh. Hay bạn muốn chạy bộ mỗi ngày nhưng nhà bạn cách công viên tới vài km và thời tiết thì ngày càng lạnh hơn. Bản thân thực hành kỷ luật đã khó khăn, nay thêm cả “ý trời” còn làm khó bạn nữa, hết cíu thật rồi.

Vậy… không có kỷ luật thì lấy gì duy trì thói quen mới?

Nếu không phải là kỷ luật, không phải nhờ sự quyết tâm, sức mạnh ý chí các kiểu thì điều gì sẽ thôi thúc bạn duy trì một thói quen hằng ngày?
Câu trả lời đó là sự dễ dàngphần thưởng.
Nếu mỗi lần thực hiện hành động tương đối dễ dàng và bạn được trả bạn một phần thưởng xứng đáng thì tỉ lệ cao là bạn sẽ muốn làm lại nó. Nếu chỉ cần tập thể dục 30 phút một ngày mà sau đó bạn cảm nhận được sự sảng khoái và giải tỏa tâm trí, bạn sẽ tiếp tục tập lần tới. Nếu chỉ học 10 từ mới tiếng Anh mỗi tối, nhưng bạn vẫn cảm thấy sự tiến bộ trong việc nghe và đọc, phần thưởng được ghi nhận và bạn sẽ muốn học liên tục.
Hãy thử với việc tập dậy sớm đi, bạn làm cho nó dễ dàng bằng cách chuẩn bị áo ấm ngay sau khi ra khỏi chăn, ngủ sớm và ăn vừa phải vào tối hôm trước để tránh bị thiếu ngủ hay đơn giản là nằm trong căn phòng tràn ngập ánh nắng khi trời sáng. Và còn gì tuyệt hơn khi bạn thức giấc và kịp ngắm mặt trời ló dạ, tận hưởng không khí yên tĩnh và trong trẻo của ngày mới, đó chính là phần thưởng xứng đáng.
Đây là phần thưởng của cá nhân mình
Đây là phần thưởng của cá nhân mình
Bản thân thói quen đã mang tới sự thỏa mãn và dễ dàng thì tự thân bạn sẽ muốn làm điều đó, không cần sự đốc thúc của kỷ luật. Và đáng lẽ ra điều chúng nên làm là ngồi xuống, suy nghĩ một chút làm sao để khiến thói quen dễ thực hiện hơn, phần thưởng trở nên rõ ràng hơn, thay vì cứ tự động viên bản thân hãy cứ cố gắng đâm đầu vào thực hiện bằng được những việc khó nhằn.
Và đó chính là điểm mấu chốt mình muốn nói tới, chúng ta cần một cách tiếp cận hiệu quả hơn để đưa những thói quen tốt vào cuộc sống của mình, không phải như cái cách truyền thông cứ thôi thúc chúng ta phải nỗ lực hơn, phải kỷ luật hơn, phải vượt khó và vô vàn thông điệp độc hại khác.

Hãy bắt đầu mọi thứ một cách đơn giản

Hồi mình mới tập chạy bộ, mình chỉ cố giữ một suy nghĩ đơn giản là cứ chạy thử xem, xa đến đây thì tốt tới đó. Nhưng mà buổi đầu mình chỉ chạy nổi có… 200m, chạy thậm chí còn thua cả mấy bà già đi bộ nên mình khá cay cú, nếu cứ thế này thì mục tiêu 5km mỗi ngày tiêu mất rồi.
Thế là mình xem Youtube, xem người ta cách thở như thế nào, dáng chạy nào là chuẩn. Lần tới chạy thì mình giảm tốc độ xuống, cố gắng lắng nghe cách cơ thể phản hồi để duy trì từng bước một. Mình không tạo áp lực về tốc độ, quãng đường gì nữa, chỉ chạy dưỡng sinh, vừa xuôi theo chiều gió vừa ngắm bầu trời chiều tháng 10 nắng nhẹ, nắng phản chiếu trên mặt hồ và mình thấy được bóng mình chuyển động trên mặt đường, mọi thứ giờ chỉ thu lại còn một điều duy nhất đó là tiếp tục sải bước, mình tập trung vào từng lần tiếp đất, từng  chuyển động của cái bóng, thi thoảng ngẩng lên để thấy bầu trời thật xanh. Và cứ như thế, mình thích chạy bộ lúc nào không hay.
Bây giờ mình đã có thể chạy 8km mỗi ngày ngon lành, nhiều người bạn mình thường hay bảo rằng: “chắc hẳn mày phải kỷ luật lắm nhỉ?”, mình luôn phải phủ nhận điều đó và giải thích rằng mọi thứ đơn giản và thoải mái hơn vậy nhiều. Thực sự thì chạy bộ là một trong những việc mà mình không cần phải nghĩ nhiều về nó, không cần phải thuyết phục bản thân ráng mà thực hiện hằng ngày. 
Điều quan trọng mình muốn nói là ai cũng có thể tận hưởng cảm giác đó, dù là chạy bộ hay làm bất cứ việc gì. Nếu một việc quá khó để bắt đầu, hãy tìm cách làm nó dễ dàng hơn. Nếu một việc quá nhàm chán để duy trì, hãy tăng thêm phần thử thách cho nó. Cứ bắt đầu với một tâm trạng thoải mái, không cần nghĩ nhiều tới quyết tâm hay những mục tiêu lớn lao. Hãy cứ tận hưởng và tìm cách để tận hưởng thứ bạn đang làm. 
Chạy là phụ, ngắm hoàng hôn là chủ yếu
Chạy là phụ, ngắm hoàng hôn là chủ yếu

Điều quan trọng hơn cả

Bài viết này mình chỉ muốn đưa ra góc nhìn về tư duy “né tránh” kỷ luật trong việc xây dựng thói quen tốt và loại bỏ thói quen xấu, thêm vào đó là những hạn chế của kỷ luật, về quan niệm sặc mùi self-help mà nhiều người hay nói về vai trò của nó đối với thành công. Bản thân kỷ luật là tốt, hãy hiểu để biết cách sử dụng kỷ luật khi ta cần bám sát một mục tiêu, không phải khi ta đang xây dựng một quá trình. 
Hơn cả một thói quen mới, đó còn là câu chuyện về hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là là một đích đến, không phải là kết quả có được sau khi ta đã chịu đựng đủ thứ khó khăn. Mà hạnh phúc nằm ở chính bản thân quá trình bạn thực hiện hành động, quá trình bạn nhập tâm vào nó, chấp nhận những thử thách, tìm ra sự lôi cuốn và tận hưởng nó cho tới khi hoàn thành. Bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng quá trình hình thành một thói quen mới một cách ý nghĩa và vui vẻ.
Liệu trải nghiệm của bạn về kỷ luật có điểm gì giống hay khác với bài viết không nhỉ? Liệu bạn có cảm thấy quan điểm trên là quá khắt khe và chưa đầy đủ về kỷ luật hay không? Hãy cho mình biết ở phần bình luận nhé. :'>