Trong khi cả thế giới đang kịch liệt phản đối chiến tranh đang diễn ra giữa hai bên, truyền thông thì thực hiện nhiệm vụ của mình, cập nhật tin tức về chiến cuộc. Còn chúng ta, những con người sống trong chiến loạn và cả trong hòa bình, đang chia rẽ nhau trên phương diện chính trị. Mọi sự căm phẫn đổ dồn về Nga lẫn Ukraine, rồi lan sang cả những địa chính trị khác trên thế giới. Mọi người thảy khẩu hiệu hòa bình bằng cả sự thù ghét, nghi ngờ vào nhau. Chúng ta đòi hỏi sự trừng phạt được thực thi, đòi hỏi hậu quả. Phải chúng ta đang đấu tranh cho hòa bình. HAIL PEACE !!!

Chiến tranh đối với những đứa sinh ra trong thập niên đầu những năm 90 như tôi là cái gì đó vừa xa xôi, lại gần như trước mắt. Chúng trải qua vừa đủ lâu để xã hội thay đổi, khắc phục những thiệt hại, vừa đủ gần để thấy được đâu đó nghe được những câu chuyện người thân mình trải qua. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, lần đầu thấy máu chảy lan ra của một người gặp tai nạn giao thông trên đường phố. Vài người xung quanh sợ hãi, cả khu dậy lên tiếng la hét gọi xe cấp cứu. Ông ngoại đã che mắt tôi trước khi tôi có thể thấy gì đó, còn ông chỉ nhìn không chớp mắt. Ngày hôm đó, sau khi nhìn người ta đưa người thanh niên đó đi, ông bất chợt khẽ nói “Sống được là tốt.” Ông ngoại từng qua quân y của Pháp, từng phục vụ trên chiến trường thời trẻ. Cuộc chiến thời ấy ông kể, người ta sẽ bắt đầu bằng một tiếng súng, rồi sau đó là tiếng thét, tiếng nổ, tiếng chửi rủa theo sau, mọi người lao lên. Ông đã từng nghe hàng chục người rên la đau đớn trong cùng một lúc, từng thấy từng bộ phận của một người đứt lìa ra sao sau một tiếng nổ, biết được máu của một người có thể chảy nhiều đến mức nào, cả những gì cận kề cái chết họ sẽ nói. Một cuộc chiến đi qua, những việc sau đó phải làm là một trải nghiệm không dễ dàng, mọi người đi lôi từng xác chết khắp chiến trường, điểm danh những người còn sống. Ngay cả người lính dũng cảm nhất và giết được nhiều địch nhất cũng đã khóc, những giọt nước mắt ấy không phải vì thua thắng của trận chiến. Sau đó, vài người sống sót sẽ chuyển đau thương thành thù hận. Không lâu, tiếng súng của một cuộc chiến khác sẽ lại nổ lên, một guồng quay mới bắt đầu, rồi người ta lại chết, thù hận lại được đổ đầy. Đó là chiến tranh, là những gì lịch sử không tài nào ghi lại. Chiến tranh sinh ra hận thù, hận thù sinh nảy sinh chiến tranh.

Và lịch sử biết chính xác những gì khi một đất nước, một dân tộc bị dồn vào đường cùng, là mục tiêu cho tất cả sự căm ghét. Phải! Chúng ta đang nói đến Phát Xít, nói về Holocaust. Một nhà lãnh đạo đứng lên dẫn dắt để hướng tất cả thù hận của một đất nước bại trận lên dân tộc Do Thái, và những gì xảy ra sau đó là lịch sử. Vậy hãy tưởng tượng điều gì xảy ra nếu cả thế giới cùng làm như thế với một đất nước.

Chúng ta, truyền thông đang dạy lũ trẻ những gì qua những thứ chúng ta đang nói, thái độ của ta với những việc đang xảy ra?

Rằng hãy căm thù, hãy lên án, hãy trừng phạt bọn kia đi chỉ vì chúng đã phá hoại “hòa bình” của thế giới ?

Lịch sử không dạy cho ta biết những gì sẽ xảy ra sao ?

Rất nhiều người trong chúng ta đang chống chiến tranh bằng lòng hận thù. Chúng ta hận thù nhưng vẫn mong hòa bình. Phải! Chúng ta đang gián tiếp tạo nên một thế hệ Hitler tương lai.

Việt Nam đáng lý ra phải là người hiểu rất rõ về điều đó. Trải qua thời kỳ bị lệnh cấm vận trừng phạt bởi quốc tế, cô lập kinh tế, hiểu rõ hậu quả để lại của nó. Những năm tháng đó, cái giúp thế hệ trước chúng ta vượt qua không phải là hận thù, mà là tha thứ, sự thấu hiểu. Chúng ta chống lại chiến tranh, chứ không phải một dân tộc, một đất nước, đơn giản là vì chiến tranh vốn dĩ không có chính nghĩa hay phi nghĩa, chiến tranh chính là phi nghĩa. Bản thân người viết phản đối chiến tranh, nhưng trên hết chúng ta phải dừng tạo thêm nỗi căm thù, thứ không chỉ giết chết một dân tộc mà cũng đồng thời giết chết đi ý niệm hòa bình, và thấu hiểu của thế hệ sau này.

ĐỘI QUÂN MỘT NGƯỜI

Image from VectorStock.com
Image from VectorStock.com
Bạn từng nghe về cụm từ “đội quân một người” bao giờ chưa?
Thế nào gọi là nhân từ trong chiến loạn?
"Đội quân một người” không phải là một cá nhân có thể một mình chống lại một quân đội như trong truyện tranh mà chúng ta thường đọc. “Đội quân một người” chính là người có thể chấm dứt chiến tranh ngay cả khi nó bắt đầu, là những người đã cứu sống hàng vạn người lính, cũng đồng thời đánh bại chục vạn kẻ địch trước mặt, là những người ngăn cho lịch sử nhân loại có thêm một dòng ghi chép về những cuộc chiến. Đó chính là nhân đạo, đó mới thực sự là anh hùng, là thứ lịch sử đáng lý ra phải ghi chép lại.
Họ là những nhà ngoại giao, đang chiến đấu trên những trận địa không khói bụi, thuốc súng, nhưng cũng đầy cam go, khắc nghiệt. Những người lính đang thực sự chiến đấu cho hòa bình.

Mong rằng một ngày nào đó, mọi cuộc xung đột trên thế giới đều có thể kết thúc bằng lý lẽ và ngòi bút.