Bạn có biết: Ý chí là một tài nguyên hữu hạn ?

"Sự suy giảm cái tôi" là cái quần què gì ?

Sự suy giảm cái tôi (Ego depletion) là một khái niệm trong tâm lý học cho rằng sự tự kiểm soát và ý chí (ego) là một nguồn tài nguyên hữu hạn và có thể bị cạn kiệt theo thời gian (depletion).
Nghĩa là khi bạn phải đưa ra một quyết định và tự kiểm soát bản thân theo quyết định đó (tui sẽ đưa một vài ví dụ ở phần sau để bạn dễ hiểu hơn), thì ý chí của bạn sẽ suy giảm dần. Sự suy giảm ý chí này sẽ dẫn đến việc bạn càng ngày càng khó kiểm soát bản thân trước quyết định ban đầu được đưa ra.
"Sự suy giảm cái tôi" gắn liền với việc tự kiểm soát bản thân, điều khiến con người khác với các loài động vật khác. Không chỉ xuất hiện trong một quyết định, mà "Sự suy giảm cái tôi" còn hiện diện trong mỗi quyết định của bạn.
Mô hình nè (Nguồn: thedecisionlab.com)
Mô hình nè (Nguồn: thedecisionlab.com)
Trong cuộc sống hàng ngày, phần lớn các hành vi và suy nghĩ của bạn là vô thức. Bạn thức dậy đánh răng rửa mặt, lái xe đến nơi làm, ngân nga theo một giai điệu,.. trong khi tâm trí bạn đang dành cho việc hẹn hò vào buổi tối, làm sao để làm tốt công việc, viết một bài viết trên Spiderum. Tuy nhiên mỗi khi bạn phải quyết định cho mỗi hành vi và suy nghĩ đó, ý chí cho lần quyết định tiếp theo của bạn sẽ suy giảm.
Mọi người thường được khuyến khích tập trung ý chí của mình để vượt qua bất kỳ thử thách nào; nhưng đôi khi hành động như vậy có thể khiến chúng ta mất kiểm soát sau này khi chúng ta thực sự cần.
Sự suy giảm cái tôi được nghiên cứu bởi nhà tâm lý xã hội học Roy F. Baumeister và các đồng nghiệp của ông vào cuối những năm 1990. Họ đã tiến hành một loạt thí nghiệm để nghiên cứu tự kiểm soát và tìm thấy bằng chứng về nó. Các thí nghiệm thường là việc yêu cầu người tham gia thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi tự kiểm soát, chẳng hạn như chống lại những phần thưởng hấp dẫn hoặc kìm nén biểu hiện cảm xúc.

"Nó", "Cái tôi" và "Cái siêu tôi"

Sigmund Schlomo Freud là một nhà tâm lý học nổi tiếng, ông chính là người đưa học thuyết phân tâm tính cách "id, ego, and superego" (Nó, cái tôi và cái siêu tôi). Đây là một học thuyết được biết đến rộng rãi trong ngành tâm lý học mà chắc chắn bạn đã từng nghe qua rồi phải không ?
Sigmund Schlomo Freud (1856 -1939)
Sigmund Schlomo Freud (1856 -1939)
Lưu ý với các bạn là "cái tôi" trong "sự suy giảm cái tôi" và trong học thuyết của Freud là hai khái niệm khác nhau, sở dĩ mình nêu trong bài viết vì lý luận của Freud và nghiên cứu của Baumeister khá tương đồng, và học thuyết này của Freud cũng rất thú vị.
Freud cho rằng tâm thức của con người được chia thành 3 bộ phận: nó, tôi và cái siêu tôi. Trong đó, "nó" ám chỉ bản năng của con người, nằm ở vùng vô thức và luôn luôn tìm kiếm sự thỏa mãn cho bản thân. "Tôi" là bản ngã của con người, giúp cho chúng ta xoay sở trong thế giới thực, bạn thấy đồng nghiệp rất ngứa mắt và muốn đấm cho một cái, "cái tôi" của bạn sẽ có nhiệm vụ giữ bạn lại: "Không được, nếu đấm nó mày sẽ bị đuổi việc mất !!". "Cái tôi" như một cái cân đong đo lợi ích và cái giá phải trả cho mỗi quyết định thực hiện một hành vi của bạn; trong khi "nó" luôn luôn tìm kiếm sự dễ chịu và thoải mái nhất cho bản thân.
Có thể thấy, "nó" và "cái tôi" luôn luôn cắn lại nhau. Khi "cái tôi" bại trận trước "nó" trong việc kiểm soát hành vi, bạn chuẩn bị đấm vào mặt đồng nghiệp bằng một cú JAB. Lúc này, "Cái siêu tôi" sẽ xuất hiện với một vẻ thất vọng làm "cái tôi" phải vùng lên chiếm lại quyền kiểm soát. "Cái siêu tôi" chính là phần cảm nhận của con người về xã hội như những tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa, lý tưởng, lời dạy của cha mẹ,...
"Where id is, there shall ego be." - Sigmund Freud
Theo lý luận của Freud, nó, cái tôi và cái siêu tôi không tồn tại độc lập; chúng luôn tương tác với nhau trong tâm trí của bạn. Xung đột giữa nó, cái tôi và cái siêu tôi luôn luôn diễn ra; và Freud cho rằng sự cân bằng giữa 3 yếu tố mới tạo ra một tâm trí khỏe mạnh. Bất kỳ phần nào "mạnh" hơn phần còn lại đều gây ra những ảnh hưởng nhất định đến tính cách của bạn.
Đến đây thì bạn đã thấy sự tương đồng giữa 2 lý thuyết rồi nhỉ. Cần phải nhắc lại, "sự suy giảm cái tôi" không phải là "cái tôi" trong học thuyết của Freud. Nhưng mình nghĩ Baumeister cũng đã lấy cảm hứng cho những nghiên cứu của mình qua lý luận trên của Freud.

Ảnh hưởng của "Sự suy giảm cái tôi"

Nếu áp dụng "Sự suy giảm cái tôi" vào lý thuyết của Freud, có thể nói rằng: "nó" là một thế lực rất mạnh trong khi "cái tôi" là một võ sĩ phải rèn luyện mỗi ngày. Khi chiến đấu với "nó", "cái tôi" càng ngày càng trở nên mệt mỏi và yếu đuối và đến một thời điểm sẽ yếu thế trước "nó". Trong khoảng khắc đó, "nó" sẽ chiếm lấy bạn là điều khiển hành vi của bạn, cho đến khi "cái tôi" của bạn được hồi phục.
Sự suy giảm cái tôi diễn ra rất hàng ngày, nó diễn ra trong hầu hết các quyết định của bạn: Mình có nên ngủ thêm một chút không ? Mình có nên đi làm không ? Mình có nên đấm vào mặt đồng nghiệp không ? Mình có nên qwerty không ?.... Và như đã nói ở trên, mỗi lần bạn dùng lý trí quyết định một việc như thế, lần quyết định tiếp theo của bạn sẽ mang tính bản năng hơn.
Ok, hãy lấy ví dụ nào: Tại sao bạn không thể ăn kiêng ?
Bạn bắt đầu một kế hoạch ăn kiêng. Ngày đầu tiên bạn ăn một bữa sáng healthy với một quả chuối và một bát ngũ cốc. Bạn chuẩn bị bữa trưa gồm cơm gạo lứt và ức gà luộc để đi làm. Cả ngày trên công ty bạn còn không thèm ăn đồ ăn vặt. Buổi tối trở về bạn làm một đĩa salad.
Ngày thứ hai vẫn vậy, nhưng mọi chuyện rất khác vào ngày thứ ba. Bạn thấy rằng quyết tâm của mình ngày càng yếu đi và tối hôm đó, bạn đã không thể chống lại cơn thèm thịt của mình.
Bạn có thấy tình huống trên quen quen ?
Bạn có thấy tình huống trên quen quen ?
Điều này xảy ra bởi khi ăn kiêng, bạn đã phải tiêu tốn năng lượng tinh thần của mình trong suốt quãng thời gian ăn kiêng, chống lại sự thôi thúc của cơn thèm ăn. Nói cách khác, "cái tôi" của bạn đã bị tiêu hao. đến ngày thứ ba, "cái tôi" đã cạn kiệt và bạn đã để cơn thèm ăn chiếm lấy.
Bạn càng cố kiểm soát, thì sự tự kiểm soát của bạn càng yếu đi.

Làm sao để cải thiện "cái tôi" ?

Sự tự kiểm soát của mỗi người cho mỗi hành vi là khác nhau. Vì thế nên bạn thấy bạn có thể kiểm soát thứ này rất tốt, nhưng bạn của bạn thì không. Tuy nhiên dù có mạnh đến đâu, thứ tài nguyên tâm trí đó của bạn vẫn là hữu hạn và nó sẽ hết nếu như bạn không bơm đầy cho nó.
Nguyên nhân của "Sự suy giảm cái tôi" rất đơn giản, đó là Glucose, một nguồn năng lượng chính của cơ thể mà hầu hết các tế bào đều dựa vào nó để hoạt động. Vì vậy cách dễ nhất để chống lại "sự suy giảm cái tôi" là bổ sung năng lượng, tất nhiên bằng cách ăn uống rồi. Vì thế nên trong hầu hết thực đơn ăn kiêng, đều có một vài bữa nhỏ để bổ sung năng lượng.
Giữ cho cái bụng của bạn không đói chỉ là một cách để ngăn chặn "sự suy giảm cái tôi". Nhưng nếu bạn muốn có một tâm trí khỏe mạnh, bạn cần phải luyện tập cho nó, và điều đó có thể làm được thông qua những phương pháp sau:
+ Duy trì một tâm trạng tích cực: Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người có tâm trạng vui vẻ thực hiện tốt các nhiệm vụ tự kiểm soát hơn.
+ Nghĩ về mục tiêu cuối cùng của bạn, bạn sẽ đạt được gì cho quyết định này; thay vì nghĩ về cảm xúc hiện tại của bạn.
+ Mỗi khi bạn mệt mỏi, hãy nghĩ về những động lực đã khiến bạn đưa ra quyết định này: gia đình, người ấy, bản thân,...
+ Nghỉ ngơi một cách đầy đủ cũng là một phương pháp.
+ Học cách kiểm soát xì trét, điều này sẽ giúp tăng cường việc tự kiểm soát của bạn. Thiền hay tập thể dục thể thao là những ví dụ cho phương pháp này.

Kết luận

Xã hội hiện nay chứng kiến sự tăng lên vượt trội của các cám dỗ, nhiều hơn bất kỳ thời đại nào trước đó; từ chiếc sofa đến chiếc điện thoại cũng có thể quyến rũ bạn. Vì vậy, học cách tự kiểm soát bản thân là một trong những yếu tố quan trọng giúp chúng ta chống lại những cám dỗ này và cải thiện đời sống cá nhân.
"Sự suy giảm cái tôi" không hẳn là một hiệu ứng xấu, đôi khi chúng ta cũng cần phải tin vào bản năng của mình. Nhưng hiểu về nó giúp chúng ta hiểu về cơ chế tự kiểm soát của bản thân.
Mỗi khi bạn cảm thấy "cái tôi" của mình đã cạn kiệt, hãy bổ sung thêm cho nó. Ăn nhẹ một chút, gọi điện cho người thân bạn bè, nghỉ ngơi, xem một bộ phim hài hước, comment xuống bài viết này hehe... Những điều này có thể giúp bạn phấn chấn hơn khi cảm thấy kiệt sức đó ;)

Lời của người viết

Mình trì hoãn bài viết này được vài tháng rồi :( Thật vui vì có thể hoàn thành nó. Tuy nhiên, toàn bộ nội dung trong bài viết là những điều cơ bản nhất của "Sự suy giảm cái tôi". Những nghiên cứu về hiệu ứng này rất sâu và rộng, mà mình cũng không thể tham khảo hết.
Những nội dung mình viết được tham khảo trong quyển sách "Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy" và Wikipedia cùng một số trang web.
"Sự suy giảm cái tôi" đến nay vẫn còn đang được nghiên cứu và thí nghiệm, vì vậy nó vẫn còn chưa hoàn thiện và còn đang tranh cãi về lý thuyết của nó. Nhưng dù sao cũng là một hiệu ứng tâm lý thú vị mà hehe.
Nếu bạn muốn tự tìm hiểu về "Sự suy giảm cái tôi" thì có thể tham khảo: