Đọc xong Chương I của cuốn “Những Kẻ Xuất Chúng” xong mình có vài suy ngẫm. Đa phần thì cảm thấy rất hài lòng và như được khai sáng vì chưa đầy 50 trang đầu tiên nhưng Malcolm Gladwell đã giải đáp được những thắc mắc của mình bấy lâu nay về câu chuyện định nghĩa giữa “thành công” và “thất bại.”
(Tác giả: Em Châu tập viết)
(Tác giả: Em Châu tập viết)

"Học giỏi thì làm bác sĩ, học dở thì đi làm rapper"

Nhớ vào khoảng thời gian mình còn học cấp hai, may mắn là gia đình mình chưa bao giờ đặt quá nhiều kỳ vọng vào điểm số và thứ hạng trong lớp cũng như mình chưa từng phải đi “học thêm” ngoài giờ học chính thức. Mình thì vẫn luôn cảm thấy mình là một đứa trẻ may mắn, vào thời điểm đó thì vẫn chưa biết tại sao. Bớt được áp lực từ phía gia đình, mình có thêm thời gian để suy ngẫm về những gì đang diễn ra xung quanh và trong đầu mình đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao có bạn học giỏi hơn và tại sao các bạn khác lại học kém hơn? Các bạn học giỏi hơn là do tài năng bẩm sinh, độ chịu khó, hay là do các yếu tố khác góp phần tạo nên những con điểm 10 hoàn hảo đó? Các bạn học kém hơn có thực sự là do các bạn kém thông minh hơn hay không?
Vào thời điểm đó mình cũng đã bắt đầu hoài nghi về những kiến thức hàn lâm và “thiên Toán” mà mình được học, không phải lúc nào mình cũng có thể giải được những bài Toán khó và hiểu được các loại lý thuyết khó nhằn. Mình có nghi ngờ về năng lực của bản thân mình không? Chắc chắn có. Nhưng thay vì so sánh và cảm thấy mình không giỏi bằng các bạn khác, mình suy nghĩ về lý do tại sao. Lúc đó mơ hồ suy ra được rằng mình không giỏi cái này thì có thể giỏi cái khác, bây giờ câu hỏi đó đã được giải đáp sau khi mình đọc các nghiên cứu về Lý thuyết Đa trí tuệ (Theory of Multi Intelligences).
Chương trình học của Việt Nam nói riêng, và vài nước châu Á nói chung, đòi hỏi cao về mảng Trí tuệ Toán học & Logic ở học sinh, và không dành quá nhiều ưu tiên cho các môn học và các hoạt động có liên quan đến Trí tuệ Thể chất, Trí tuệ Xã hội hay Trí tuệ Âm nhạc. Đến tận bây giờ khi đã vào Đại học và đi làm ở lĩnh vực Sáng tạo và Truyền thông, đúng là mình giỏi cái khác thật. Nhưng khi còn đi học cấp hai - cấp ba thì hoàn toàn lạc lối vì thế mạnh và loại trí tuệ ưu thế của mình đã chưa có cơ hội được khai thác.
Nguồn: rawpixel.com
Nguồn: rawpixel.com
“Những người đứng trước các vị vua có thể trông giống như họ đã làm tất cả một mình. Nhưng trên thực tế, họ luôn là những người thụ hưởng những lợi thế tiềm ẩn, những cơ hội phi thường và những di sản văn hóa cho phép họ học hỏi, làm việc chăm chỉ và hiểu biết về thế giới theo những cách mà những người khác không thể.”
Malcome Gladwell
Tại sao mình lại cảm thấy là mình may mắn? Vì chỉ số trí tuệ Toán học & Logic của mình đủ đạt để có thể giải được các bài toán khó, chỉ số trí tuệ Ngôn ngữ của mình đủ cao để có thể làm được những bài văn hay và tiếng Anh cũng không phải là một vấn đề quá khó. Ba “môn chính” của mình đủ điểm để vào được trường tốt lớp chuyên, tiếp cận một môi trường cho phép mình học hỏi tốt hơn và tập trung chăm chỉ hơn, từ đó cũng mở ra cho mình rất nhiều cơ hội phát triển khác. Vậy còn những bạn khác khi chỉ số của các loại trí tuệ được yêu cầu từ chương trình học không phải là điểm mạnh của các bạn thì sao?
Em trai mình là một ví dụ điển hình. Sinh ra vào tháng 11 của năm 2003 (trong chương I, Malcolm có giải thích rất rõ lí do tại sao sinh ra vào những tháng cuối năm lại là một bất lợi tiềm ẩn). Điểm số của em tại trường lớp không cao, nhưng độ hiểu biết và niềm yêu thích của em về Lịch sử thì mình phải thực sự khâm phục. Mình có thể viết được một bài văn hay, nhưng mình chắc chắn không thể đọc được một đoạn tóm tắt về một sự kiện lịch sử rồi ghi nhớ nó, phân tích rồi so sánh nó, bàn luận về nó như cách mà em trai mình làm. Mình có được đánh giá cao về khả năng viết văn của mình không? Chắc chắn có. Còn em mình với độ thông thạo về Lịch sử đáng gờm đến thế thì đã không may phải trải nghiệm những lời đánh giá thấp về năng lực vì điểm trung bình của các "môn chính" không đủ để được công nhận là em có khả năng như các bạn khác.
Nguồn; rawpixel.com
Nguồn; rawpixel.com

Cần 10,000 giờ luyện tập để trở nên “khác thường”

Tiếp tục với câu chuyện của những cơ hội phi thường tiềm ẩn, chắc chắn bạn sẽ có một câu hỏi: Vậy có tồn tại một thứ gọi là tài năng bẩm sinh không? Câu trả lời là có, dĩ nhiên sẽ có những cá nhân thông minh vượt trội mà không cần luyện tập, họ vẫn rất thông thạo và thông thái ở một lĩnh vực nào đó. Nhưng khi đi sâu vào sự nghiệp của những người có năng khiếu của thời đại, ví dụ như Bill Gates - người đã đồng sáng lập ra hãng phần mềm khổng lồ Microsoft, các nhà tâm lý học đã nhìn ra được rằng vai trò của tài năng bẩm sinh càng nhỏ và tầm quan trọng của sự chuẩn bị và luyện tập càng lớn trong quá trình hình thành nên câu chuyện thành công của ông.
“Thành tích là tài năng cộng với sự chuẩn bị” - Malcom Gladwell
Trích từ sách Những Kẻ Xuất Chúng
Sự chuẩn bị ở đây là gì? Là nhiều giờ luyện tập hằng ngày, là sự chăm chỉ và nỗ lực cố gắng để trở nên thành thạo và tài năng ở một lĩnh vực nào đó. Bill Gates thành công không chỉ nhờ vào năng khiếu bẩm sinh của riêng ông mà còn là 8 giờ luyện tập mỗi ngày, là cơ hội được vào những ngôi trường tốt với những người có cùng chí hướng như ông, là được sinh ra trong một gia đình gia giáo và là những người đầu tiên được tiếp cận với lập trình khi còn trẻ. Quá trình đó cộng lại thành gần 10,000 giờ luyện tập để cuối cùng ông gặt hái được thành công và trở thành một hiện tượng lớn của thế giới.
Chúng ta thường vô thức cho rằng thành tích của một người là do nỗ lực và tài năng bẩm sinh của một mình người đó. Nhưng trên thực tế, thành tích là sự cộng hưởng của tài năng, là sự chuẩn bị của gia đình để chúng ta có thể chớp lấy những cơ hội để học hỏi và rèn luyện, là ảnh hưởng của các giá trị của thế giới mà chúng ta đang sống và những người mà chúng ta bao quanh. Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để nâng đỡ và phát triển những cá nhân kém may mắn hơn và đưa họ đến thành công mà họ xứng đáng như bao người khác. Chúng ta thường sớm coi mọi người là thất bại và đã quá tôn sùng thành tích cá nhân mà quên mất vai trò của chính mình đối với xã hội, và chọn để tiếp tục viết tiếp những “luật chơi” không công bằng.

Kết

Trong một buổi phỏng vấn của Kanye West vào năm 2011, một trong những rapper mình rất yêu thích, Kanye đã bày tỏ nỗi thất vọng của anh về cách mà xã hội vận hành, nơi mà mọi người “trèo lên” nhau để đạt được thành tích cá nhân hơn là giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển. Mình cũng có một nỗi lòng tương tự và viết bài viết này không phải để chối bỏ nỗ lực của những người thành công và cho rằng họ ăn may. Mình viết bài này là để giúp mọi người hiểu hơn về cái cách mà những thứ xung quanh đã đóng góp nhiều phần tạo nên những thành tích mà chúng ta mong muốn với hy vọng rằng chúng ta hãy cảm thông và giúp đỡ nhau khi còn có thể.
Sau cùng, “Những Kẻ Xuất Chúng” của tác giả Malcolm Gladwell là một quyển sách hay và dễ đọc, dễ “nuốt” và cũng dễ để khởi gợi rất nhiều nguồn cảm hứng. Những chương tiếp theo của quyển sách sẽ mở ra những phát hiện mà chúng ta chưa từng nghĩ tới hiện hữu ngay trong cuộc sống hằng ngày. Tác giả sẽ dẫn bạn đến “hậu trường” của những câu chuyện thành công, và thay vì để chứng minh anh ấy là một thiên tài, Malcolm Gladwell sẽ khiến bạn cảm thấy mình là một thiên tài.