The Avengers Show.
I. Việc học TACS.

Chỉ là một trò đùa nhỏ ,_,
- Mày học trường nào thế em?
- Em học Ngoại thương ạ.
- Ờ, thế mày giỏi Tiếng Anh lắm nhỉ?
- Không ạ.
Chuyện là nếu có hoàn cảnh nào đó bắt buộc bạn phải thi Toeic ngay lập tức ở trường tôi thì hầu như đó là vì để được miễn 7 TACS ở trường. Có người bạn của tôi còn đùa:
- Mấy đứa trường khác cố gắng học giỏi tiếng anh để theo kịp chương trình trên lớp. Còn mình cố gắng học giỏi tiếng anh để không phải học tiếng anh ở trên trường.
Đó không phải chuyện đùa.
Tôi mới chỉ học có gần 3 năm ở trường thôi, cũng không phải thầy cô dạy TACS nào tôi cũng kinh qua, nhưng nhìn chung thì gần đây trường tôi cũng được một phen nháo nhào vì sinh viên biết tin Toeic 990 cũng không thể cứu chúng tôi khỏi bộ môn TACS. 
Có một sự bất mãn ngấm ngầm rồi nó bùng lên thành một cuộc biểu tình, bắt đầu từ việc ý kiến trên facebook, lập đơn với hàng trăm chữ kí sinh viên và cuối cùng là tổ chức một cuộc đối chất với trưởng khoa TACS.
Và như mọi cuộc biểu tình khác, nó cũng chẳng đi đến đâu. Ngay từ đầu tôi đã biết rằng người nắm cái cần điều khiển cuộc chơi này không phải là chúng tôi. Cuối cùng thì chúng tôi vẫn 'phải' đi học.
Lý do chúng tôi đưa ra để phản đối việc trường nâng cấp bằng TOEIC 2 kỹ năng lên 4 kĩ năng là thông tin đưa ra quá bất ngờ khiến chúng tôi không chuẩn bị trước được lịch học, và những sinh viên năm cuối chưa hoàn thành chương trình học TACS sẽ phải ở lại thêm trường 1,2 tháng chỉ để học một môn duy nhất.
Nhưng có một lý do chẳng ai nói ra, chất lượng giáo viên dạy TACS thực sự không ổn. Và điều này không phải mình tôi nghĩ thế.
Đó là những giờ học chúng tôi được phát vài tập đề photo, cho ngồi làm tầm nửa tiếng và sau đó cô ngồi đọc tờ đáp án. Những giờ học trôi qua với những tiếng thở dài, những cái đầu gục xuống bàn nối nhau, những câu chuyện phiếm kéo dài không đứt. Cho đến khi cô nói "Thôi hôm nay học thế thôi cả lớp điểm danh nhé", sức sống mới dần trở lại trên những khuôn mặt ngơ ngác còn chưa tỉnh ngủ.
Mỗi một lần học TACS lại một lần tôi nuôi hy vọng để rồi lại thất vọng.
- À, có khi lần này học Speaking and Writing để luyện thi IELTS luôn được chứ?
- Không.
Tôi rốt cuộc vẫn không hiểu được, Nhà trường không nhận ra trình độ giáo viên như thế nào hay nhận ra rồi nhưng vẫn muốn (phải) giữ lại những giáo viên như thế?
Và bởi vì càng ngày càng có nhiều sinh viên chọn con đường thi TOEIC để tránh phải học TACS nên các giáo viên bộ môn rơi vào tình cảnh thiếu thốn sinh viên để gõ đầu.
Việc cải cách từ yêu cầu 2 kĩ năng lên 4 kĩ năng là một yêu cầu cần thiết để chuẩn bị cho sinh viên kĩ năng sau khi ra trường. Xét cho cùng, câu chuyện đó sẽ là vô ích nếu nhà trường một mực ép buộc sinh viên phải đi học ở trường nhưng không có tìm cách để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.
Nó cũng giống với việc, Hà Nội một mặt đề xuất cấm xe máy nội thành nhưng không (hoặc chưa hoàn tất) nâng cao hệ thống giao thông cộng cộng đề phục vụ cho nhu cầu của những người không còn dùng xe máy để di chuyển nữa.
Cũng chỉ là câu chuyện của những người trị và những người bị trị.
Hoặc tôi lại làm quá lên mọi thứ...
II. Câu chuyện vẩy rau.
Vẩy rau là một trong những nỗi sợ thường trực của tôi.

Lần đầu tiên tôi vẩy rau, tôi hất hết tất cả mọi thứ trong rổ rau ra ngoài.
Thế là sau này khi vẩy rau tôi luôn một tay giữ đống rau một tay vẩy, và thể nào cũng có vài cọng rau bắn ra ngoài. Thế là tôi tâm niệm rằng tôi vẩy rau mà không giữ thì chỉ có nước trong rổ chẳng còn lại gì.

Ừ thì tôi cũng cầu tiến, thỉnh thoảng tôi cũng hỏi bà hay hỏi bố, là những người có kinh nghiệm và vô cùng chuyên nghiêp trong chuyện này.

Thường bố tôi cười cười, làm mẫu, và tuyệt nhiên không rơi ra cọng nào.
Tôi làm lại, một nửa số rau lại bay.

- Ơ sao bố lại vừa vẩy được sạch nước lại vừa giữ được toàn vẹn rổ rau vậy?
- Thì phải biết chỗ nào cần nhẹ nhàng chỗ nào cần vẩy mạnh chứ.
Bố càng nói tôi càng rối, thử được 3 lần kiểu "Qúa tam ba vận", không làm được lại gặp ánh mắt có chút hoang mang "Tại sao con này lại không vẩy được rau nhỉ?" của bố, thế là tôi bỏ cuộc.

Cho đến hôm qua, tôi ở nhà một mình, cầm rổ rau đẫm nước mà không bằng cách nào cho hết được. Tôi quyết định phải luyện tập cho được với sự chứng kiến của không ai cả.

Lần đầu tiên, như mọi khi, rổ rau chẳng còn lại gì.
Lần hai, lần ba rồi lần 4, rau vẫn bay bay.
Rau bay ra ngoài, tôi lại nhặt vào rổ, rồi vẩy lại.

Cho đến lần thứ nào đấy, không còn cọng rau nào bay ra ngoài nữa.
Lúc đó, tôi biết rằng vẩy rau không còn là nỗi sợ của tôi nữa.

Thực ra tôi còn nhận ra một điều là, bản chất của việc tôi sợ vẩy rau là tôi sợ bị mọi người đánh giá "Ơ, con này không biết vẩy rau à?" chứ đối với tôi việc có vẩy rau bắn ra ngoài hay không lại rất thường.

Và tôi vượt qua nỗi sợ vẩy rau bằng việc luyện tập và chấp nhận thất bại cho đến khi khá hơn, không phải bằng việc cố gắng trình diễn cho người khác thấy tôi có thể vẩy rau như thế nào.

Chốt lại, sau khi tôi biết vẩy rau thì tôi vẩy bất kì cái gì tôi có thể vẩy. 
Kiểu tôi đặt cái cốc thủy tinh vào cái rổ và vẩy, và may là nó không choảng.

Vấn đề này bạn cũng có thể xem thêm ở TED Talk: https://www.ted.com/talks/eduardo_briceno_how_to_get_better_at_the_things_you_care_about


III. The Avengers Show.
Đó là show hội tụ CLB guitar 6 trường Đại học: PCCC, FPT, An ninh, Cảnh sát, Ngoại thương, Tài chính.
Tôi đi vì con bạn tôi có biểu diễn và vì đó là một tối thứ 7 của một đứa không có người yêu.
Một anh hát bài 'Say tình" không che vào đâu được :'>
Lúc đầu, tôi ngồi thu lu trên ghế xem biểu diễn và nghĩ đến phận mình cô đơn vì con bạn tôi phải chuẩn bị sau cánh gà.
Thế là chán đời tôi lôi máy ảnh - mục đích ban đầu là để chụp cho con bạn ra nghịch.
Lúc đầu tôi đứng tít cuối hội trường dùng ống zoom để bắt mặt các anh. Thế là hình ảnh không được tốt lắm, tôi tiến lại gần thêm một ít, một chút, rồi thành ra tôi bám lấy luôn bục sân khấu ngay dưới chân các anh để chụp ảnh.
Khói nhiều màu wo đẹp wo

Và thực ra là tôi không cô đơn, có đến cả 10 bạn cầm máy ảnh khom lưng cúi người lượn qua lượn lại ngay phía trước sân khấu để bắt khoảnh khắc.
Tôi còn hay ngại ngại.
- Ô hay mắc gì quen gì tự nhiên đi chụp ảnh người ta? Liệu mình chụp ảnh mọi người phía hội trường có phiền hay ca sĩ có bị mất tập trung vì tôi không?
Ô hóa ra là không mọi người ạ. Mà có là có thì tôi cũng mặc, tất nhiên tôi vẫn tuân theo quy tắc ít làm phiền đến mọi người nhất có thể.
Đó là lần đầu tiên tôi đi chụp ảnh sự kiện.
Thì ra nó cũng không đáng sợ lắm như tôi vẫn nghĩ tôi sẽ phải thế này thế kia, tôi vẽ trong đầu những viễn cảnh và rồi tôi ngần ngại, tôi bỏ cuộc trước khi tôi kịp thử.
Có nhiều chuyện, tôi thường làm một cách ngẫu hứng, và rồi buồn cười là nó lại trở thành những điều không thể thiếu cho những hành động của tôi sau này.
Đẹp quá :'>
Tôi chưa kể với các bạn, đó là một show diễn tuyệt vời.

Có những phần biểu diễn anh bạn hát chính kia nếu không gào thét đến hoang dại như thế kia trên sân khấu thì tôi sợ anh bạn đó sẽ BÙM, nổ tan tành thành từng mảnh vỡ nóng hôi hổi chứa chan năng lượng và nhiệt huyết mất.

Vỗ tay nhún nhảy theo những giai điệu, hô vang khẩu hiệu "Tài chính yêu Cảnh sát", "Ngoại thương yêu An ninh" - khoảng cách giữa chúng tôi được nối dài bởi những người đang cháy hết mình trên sân khấu kia.

Muốn tìm những người có thể truyền cho bạn nhiệt huyết?
Tìm đến mấy show âm nhạc mà xem.

Bạn tôi phiêu với 'Thu cạn'
Tôi là một fan cuồng của âm nhạc bởi cái cách nó làm nên điều kì diệu.
Đồng cảm, sẻ chia và kết nối.
Có thể tôi chẳng quen những người đang ngồi kia, nhưng với bài hát Tìm lại, chúng tôi lại cùng nhau nắm tay hò hét như điên dại.
Một khoảnh khắc nào đó, tôi nhận ra tuổi trẻ của mình cần thật nhiều những giây phút như thế này. Những giây phút tôi quên đi cái tôi của mình, quên đi cả cuộc sống hiện tại, cái duy nhất hiện lên trong đầu tôi lúc đó là "Quẩy lên".
Cảm ơn các cậu vì đã hết mình.
Chúng ta không có khoảng cách khi chúng ta chìm trong những giai điệu. Chúng ta không là người Á, Âu, Phi hay phân tầng giàu - nghèo.
Chúng ta đơn giản là chính chúng ta.
Và tôi, ôi trời ơi, yêu điều đó rất nhiều.