Gần đây báo chí đã đăng tải nhiều về nghị lực phi thường và khả năng ngoại ngữ, năng lực khác thường của cô gái khiếm thị Đào Thu Hương (Số nhà 6, ngách 1, Ngõ Thiên Hùng – Khâm Thiên – HN).

Lần đầu tiên tôi gặp Hương là dịp em làm MC cho một chương trình nghệ thuật vận động nhân đạo ở Nhà Hát Lớn vào ngày 19 tháng 12.2009. Khi buổi diễn bắt đầu, từ cánh gà, người ta dẫn ra một cô gái hiền ngoan, xinh xắn trong bộ áo dài đỏ. Cũng như tôi, mặc dù lòng cảm thông có thừa nhưng ai cũng tự hỏi “Một người MC mù có thể làm được gì”. Không ngờ chỉ ít phút sau, mọi người nhìn nhau và dâng trào một cảm xúc lạ: Vừa thán phục, vừa ngạc nhiên, vừa thấy xấu hổ cho chính mình. Cô gái ấy có thể nói tiếng Anh trôi chảy và chuẩn xác đến kinh ngạc, thuộc cả lời dẫn dài mấy chục trang giấy bằng tiếng Anh và tiếng Việt mà không hề cần ai “nhắc vở”.

Đã thử học và nghiên cứu nhiều bộ môn, tôi rút ra kết luận: Nếu ai đó vượt qua được ba môn ÂM NHẠC, HỘI HỌA và NGOẠI NGỮ để đạt được thành tựu đáng ghi nhận thì việc học các môn khác không có gì phải e ngại. Hương không nghiên cứu hội họa nhưng em đã chơi được đàn chanh, đàn organ và khả năng dùng tiếng Anh ở trình độ cao cấp (Advanced) trong khi hai con mắt đã lòa đi hẳn từ lúc em 10 tuổi.

Những người tinh mắt chúng ta đã bao lần hạ quyết tâm học ngoại ngữ thật tốt để mở cánh cửa tương lai cho thật rộng? Và đã bao lần chính chúng ta, mượn cớ bận rộn, lừa gạt chính mình khi bỏ dở dang sau ba tuần luyện phát âm?

Là một người dạy ngoại ngữ, tôi hiểu việc học tiếng Anh phải trải qua những giai đoạn tỉ mỉ và khó nhọc như thế nào. Tôi cũng hiểu rằng trong một lớp học Tiếng Anh cho sinh viên không chuyên, chỉ 1 đến 2% người học có khả năng phát triển sau trình độ trung cấp. Không phải là vấn đề năng khiếu, bản chất của việc học ngoại ngữ là sự bắt chước vừa máy móc vừa logic, tốn rất nhiều thời gian luyện tập. Nó được xem như một cách tốt nhất để thử thách lòng kiên nhẫn.

Nung nấu câu hỏi lớn trong đầu “Cô bé mù này học tiếng Anh như thế nào”, tôi đã ngồi với em Hương một buổi chiều bên chiếc Laptop IBM cổ lỗ của em để tìm câu trả lời thỏa đáng. Sau 3 giờ căng thẳng, tôi vẫn cảm thấy rất mơ hồ. Chỉ có hai điều này là tôi đã tỉnh ngộ: Ngồi bên cô gái khiếm thị này, tôi – một kẻ khá cao ngạo, khinh đời – bỗng nhiên trở nên thật nhỏ bé và hèn nhát. Và tôi cũng hiểu khả năng tiềm ẩn của con người thật vô biên và kỳ diệu biết bao!

Hương sinh ra trong một gia đình công chức nghèo. Việc học tập của em được đảm bảo bằng sự hy sinh lớn lao của cha mẹ, sự giúp đỡ nhiệt tình của bè bạn, thầy cô. Xã hội có một số ít phúc lợi cho người khuyết tật. Nhưng xem ra ở thời buổi khó khăn này, lòng hảo tâm cũng trở thành món đồ xa xỉ. Câu chuyện về cô gái mù vượt lên số phận thì không ít người biết nhưng ủng hộ vật chất đến với Hương thật không đáng kể. Năm 2008, Tập Đoàn Microsoft biết về tấm gương của Hương. Họ làm cho em một bức ảnh phóng to và tặng 2 triệu VNĐ. Bởi thế, có thể nói ngoài cha mẹ em, chiếc máy tính và phần mền hỗ trợ người khiếm thị đã giúp em vượt qua mọi chông gai. Cũng cần nói thêm, hiện nay Hương đang sử dụng phần mềm có thể đọc lên tất cả các thông tin khi lăn con trỏ đến nơi. Người khiếm thị dùng tai để nghe, hai tay thao tác trên bàn phím  theo trí nhớ.

Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, Hương đã trở thành một sinh viên Đại học Khoa Anh - ĐHSPHN I, dẫn đầu lớp trong suốt ba năm liền. Tôi tò mò muốn biết Hương có được ưu tiên điểm thi hay không nên bắt đầu kiểm tra thử trình độ Tiếng Anh của em ngay tại chỗ.

Tôi không để phí thời gian kiểm tra Nghe Nói – vốn là sở trường của người khiếm thị. Tôi đọc cho em hai đề viết luận, theo tôi là khá ác đòn: “Animals should be kept in zoos. Do you agree or not? Why?” và “Advantages and disadvantages of having a car”. Thật kinh ngạc, em Hương mở Word, gõ bàn phim, viết nhanh, đúng và tốt hơn cả sinh viên tôi dạy ở trường Đại học chuyên ngữ. Không những thế, em còn cho tôi xem bài dự thi viết luận tiếng Anh mà em đoạt giải nhất do một trường ĐH Mỹ tổ chức.

Hỏi ra mới biết Hương phải trải qua thi cử đủ các môn như sinh viên bình thường một cách bình đẳng và nghiêm túc. Em làm bài trên máy tính rồi nộp USB cho giáo viên. Tôi còn chứng kiến tại chỗ em làm băng băng các thao tác dịch Anh -  Việt, Việt – Anh. Các bài dịch đó tôi thấy đều khá rắc rối nhưng em đã giải quyết rất nhanh và nhẹ nhàng.

NGHE NÓI và GÕ bàn phím máy tính là bí quyết cũng là cách duy nhất để Hương học tập, giao tiếp với cộng đồng internet. Tôi hăm hở hân hoan, tưởng mình sẽ tìm ra cách học ngoại ngữ độc đáo nào đó của cô bé khiếm thị. Rút cuộc, tôi đã thật bại. Vấn đề chính là bởi những người như em Hương ngoài NGHE NÓI và GÕ ra, em có thể học theo cách nào nữa? NGHE, NÓI và GÕ, NGHE, NÓI, GÕ…cứ như thế, tưởng chừng đơn giản nhưng đó là cả quá trình nỗ lực gian khổ đầy mồ hôi và nước mắt.

Đến giờ này thì xã hội không cần phải băn khoăn hỏi phải làm gì để giúp Hương. Chính em đã có thể đem năng lực cống hiến cho xã hội theo đúng nghĩa của hai từ cao quý này. Hàng ngày, tôi luôn nghi ngờ cách chúng ta tự khen nhau rằng ông A bà B đang “cống hiến”, “phục vụ” cho xã hội. Bây giờ tôi hiểu rằng chỉ Hương và những người như em mới thực sự xứng đáng với những mỹ từ đó. Hình như số phận định đoạt, họ chỉ biết CHO mà không hề biết NHẬN là gì.