Chiến tranh đã luôn mang đến màu sắc tiêu cực, vậy liệu có điều gì tích cực từ mỗi cuộc chiến hay không ?
Khi nhắc đến chiến tranh, bạn sẽ nghĩ đến điều gì. Bạo lực, tàn phá, chết chóc là thứ hầu hết mọi người sẽ hình dung tới bởi chúng hiển hiện trước mắt chúng ta gần như ngay lập tức khi bất cứ một cuộc chiến nào bắt đầu. Chính vì vậy, chiến tranh luôn gắn liền với những ý nghĩa tiêu cực và thiệt hại to lớn về con người, của cải. Không ai yêu thích chiến tranh cả, có thể nói là như vậy. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn mang đến một góc nhìn khác của bản thân tôi về chiến tranh: một số điều tích cực mà những cuộc chiến đẫm máu vô tình mang đến cho chúng ta, chúng góp một phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của thế giới. Tất nhiên, phải khẳng định lại rằng, bài viết này không cổ suý hay ủng hộ bất kỳ cuộc chiến nào, bởi lẽ những sinh mạng đã nằm lại trong chiến tranh sẽ không thể được bù đắp bằng bất cứ giá nào. Ý nghĩa chủ yếu của bài viết này là sự thán phục cho tinh thần, ý chí sinh tồn và học hỏi mạnh mẽ của con người, kể cả trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất
Chiến tranh đi kèm với sự hủy diệt
Chiến tranh đi kèm với sự hủy diệt

1. Xây dựng sự kết nối và củng cố tinh thần đoàn kết

Đây có lẽ là điều dễ thấy nhất khi ta nhìn vào quân đội của các bên tham chiến, một điều thật mỉa mai làm sao khi ta nghĩ về nó: Một thứ đại diện cho sự mâu thuẫn, xung đột lại vô tình tạo nên sự gắn bó và đoàn kết của những người tham gia. Thậm chí, sự xâm lược từ ngoại bang có thể xóa nhòa đi những mâu thuẫn và khiến những người vốn chẳng ưa gì nhau cùng kề vai sát cánh trong chiến đấu chống lại kẻ thù chung.
Một trong những ví dụ điển hình nhất cho luận điểm trên chính là cuộc chiến chống lại sự bành trướng của đế quốc Ottoman của các nước Thiên chúa giáo Châu Âu. Vào thế kỉ XVII, Đế quốc Ottoman lúc này đang ở thời kì đỉnh cao cả về tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. Họ liên tục mở rộng lãnh thổ thông qua các cuộc chiến tranh và gần như không thể bị ngăn cản. Bên kia chiến tuyến, mặc dù quân đội của các quốc gia Châu Âu không hề yếu, tuy vậy không một quốc gia nào có thể đơn độc chống lại quân Ottoman. Thêm vào đó, vào thời kì này Châu Âu cũng đang ở một trong giai đoạn mà những mâu thuẫn đặc biệt gay gắt. Cải cách Tin lành, chiến tranh Ba mươi năm cùng vô số cuộc chiến lớn nhỏ khác đã khắc hoạ thêm vào bức tranh chính trị ảm đạm của Châu Âu vào thời điểm đó. Nhìn vào lực lượng, tình hình của hai bên, có thể nói rằng lợi thế đang nghiêng hẳn về phía những kẻ xâm lược với đội quân hùng mạnh, thống nhất và tinh thần đang lên cao sau những chiến thắng liên tiếp. Vào năm 1683, được khuyến khích bởi những kết quả tích cực trong cuộc chiến với người Ba Lan và người Nga, Sultan của Ottoman quyết định tấn công và vây hãm Vienna thành phố lâu đời, quan trọng và là cửa ngõ tiến vào lục địa già. Vào giây phút khó khăn nhất, khi bị đẩy vào đường cùng, các quốc gia Châu Âu đã thành lập một liên minh chống Ottoman với nòng cốt là Đế quốc Habsburg, Vương quốc Ba Lan, ngay cả những nước theo đạo Tin Lành cũng hỗ trợ tích cực về kinh tế và quân sự cho Liên minh, đặc biệt là Hà Lan. Bằng sự đoàn kết và lòng quyết tâm, Liên minh đã có chiến thắng lịch sử trước người Hồi giáo, giải vây cho Vienna và bảo vệ không chỉ lãnh thổ Châu Âu mà còn là sự tồn tại của Thiên chúa giáo. Khó có một điều gì đó có thể khiến các quốc gia này hợp tác với nhau chặt chẽ như vậy, nếu như đó không phải là một cuộc chiến sống còn, khi mà mối đe dọa đủ lớn để khiến họ dẹp bỏ mối thù xưa cũ và bắt tay chống lại kẻ thù chung.
Trận chiến thành Vienna 1683
Trận chiến thành Vienna 1683
Qua đó có thể thấy, chiến tranh giống như 2 mặt của một đồng xu, mặc dù phần lớn mọi người sẽ nhìn thấy mặt xấu xí là chia rẽ và mâu thuẫn, luôn sẽ có một mặt khác của chiến tranh thúc đẩy sự liên minh và hợp tác, gắn kết những con người cùng một chiến tuyến với nhau. 
Chiến tranh cũng là tác nhân củng cố tinh thần dân tộc, mà ví dụ gần gũi nhất là các cuộc chiến chống ngoại xâm ở Việt Nam. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta được in dấu đậm nét bởi vô số chiến thắng trước những đội quân xâm lược. Kể từ chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938, chúng ta gần như đã đứng vững trước tất cả các cuộc xâm lược từ phương Bắc, chỉ trừ cuộc chiến chống quân Minh thất bại của nhà Hồ năm 1407. Sau này, ngay cả khi phải đối mặt với quân đội Pháp vượt trội hơn hẳn về công nghệ quân sự, thậm chí ngay cả khi triều đình nhà Nguyễn đã quá yếu ớt, nhân dân và quân đội với tiếp tục công cuộc kháng chiến, giành được nhiều chiến thắng quan trọng và thách thức sức mạnh của quân đội Pháp. Và sau khi có sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã đứng vững, duy trì thành công nền độc lập và đánh bại cả Pháp, Mỹ, chính quyền Sài Gòn chỉ trong vòng hơn 30 năm. Có thể thấy tinh thần yêu nước và đồng lòng đoàn kết của nhân dân ta đã được hun đúc, rèn giũa, tích lũy trong hàng ngàn năm. Trong suốt thời gian đó, các cuộc chiến tranh liên tục với các thế lực cường quốc chắc chắn đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, phát triển và hoàn thiện sự gắn kết của dân tộc chúng ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

2. Chiến tranh mở ra cơ hội cho sự giao thương, buôn bán hàng hóa và tạo điều kiện cho việc tiếp xúc, trao đổi văn hóa, khoa học

Trước thời hiện đại, việc di chuyển giữa các quốc gia là rất khó khăn. Sự cách biệt về địa lý và nguy hiểm rình rập trên các tuyến đường hạn chế việc đi lại của con người. Vì lẽ đó, sự tiếp xúc giữa những nền văn hóa cách xa nhau rất khó xảy ra. Vấn đề này sau này được giải quyết bởi hai con đường: Giao thương và chiến tranh. Nếu như giao thương tác động một cách từ từ, chậm rãi, thông qua những đoàn thương nhân, thì chiến tranh mang lại một sự va chạm trực diện đến tất cả các dân tộc trong cuộc chiến. Đó giống như một cú sốc sẽ thay đổi cách nhìn nhận về thế giới của con người gần như ngay lập tức. Đặc biệt là đối với những viễn chinh đến từ một quốc gia xa lạ mà ta chưa từng biết đến, cơn sốc càng thể hiện rõ hơn. Trong lịch sử, cuộc viễn chinh vĩ đại đầu tiên phải gọi tên Alexander đại đế và đội quân của Ngài. Người Macedonia đã chiến thắng người Ba Tư, xâm chiếm Ai Cập, Tiểu Á và một phần của Ấn Độ ngày nay. Sau khi chinh phục những vùng đất mới, người Macedonia đã “nhập khẩu” một cách ép buộc vào đây văn hóa, tri thức, kiến trúc của Hy Lạp. Tiêu biểu có thể kể đến như sự thành lập của thành phố Alexandria và thư viện cùng tên chứa đựng rất nhiều bản ghi chép văn học, lịch sử, triết học, y học và thơ ca Hy Lạp. Ngoài ra, kiến trúc và tư tưởng Hy Lạp cũng đã tạo sự ảnh hưởng mạnh mẽ lên vùng Tây Á và Ấn Độ.
Thư viện Alexanderia, nơi từng cất giữ ghi chép về kiến thức và văn hóa Hy Lạp cổ
Thư viện Alexanderia, nơi từng cất giữ ghi chép về kiến thức và văn hóa Hy Lạp cổ
Sau khi Hy Lạp suy yếu, người La Mã trỗi dậy và thay thế quyền lực của người Macedonia. La Mã chinh phục những vùng đất trước đây của Alexander và tiếp tục phổ biến văn hóa của mình tại đây.  Đến tận ngày nay, tầm ảnh hưởng của văn hóa La Mã vẫn còn tồn tại và được sử dụng rộng rãi tại đa số các quốc gia, mà ví dụ điển hình nhất là số La Mã và chữ cái Latin. 
Kiến thức, văn thơ của Hy Lạp, La Mã cổ đại sau này được người Hồi giáo thu thập, lưu trữ. Những tri thức này tìm đường quay về Châu Âu thông qua …1 cuộc chiến tranh khác. Khi các hiệp sĩ Châu Âu bắt đầu công cuộc chiếm lại vùng đất thánh mà sau này chúng ta gọi là thập tự chinh, họ tấn công những quốc gia của người Hồi giáo và vô tình chiếm được những cuộn giấy ghi chép những thứ từng thuộc về tổ tiên họ. Choáng ngợp bởi triết lý, nghệ thuật trong đó, họ quyết định mang nó về Châu Âu, điều mà đã thay đổi họ vĩnh viễn. Theo như tác giả E.H.Gombrich của cuốn “Lược sử thế giới”, tri thức này đã giúp họ trở thành thành những hiệp sĩ chân chính và cũng là tác nhân thúc đẩy một thời kỳ bùng nổ về nghệ thuật, triết học lan rộng khắp Châu Âu mà sau này được biết đến với cái tên phong trào Phục Hưng.
Qua đó, có thể thấy rằng, tri thức và hiểu biết mà hai bên nhận được trong cuộc chiến, dù là chủ động hay bị động tiếp nhận, cũng sẽ mang lại những kiến thức mới, hình thành tư tưởng mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội con người
Tuy vậy, nhắc về một đội quân đã góp phần to lớn mang đến sự giao thoa của nền văn minh Đông Tây, tôi muốn nhấn mạnh đến đế quốc Mông Cổ. Câu chuyện thần kì của một bộ lạc du mục sống chủ yếu nhờ chăn thả gia súc trên thảo nguyên trở thành một đế quốc rộng lớn trải dài đã quá nổi tiếng đối với tất cả mọi người. Tuy vậy, tôi muốn khai thác một kỳ tích khác của Đế quốc này: Sự thành công trong thúc đẩy thương mại và giao thương văn hóa, khoa học trong một vùng lãnh thổ rộng lớn với nhiều dân tộc, tôn giáo khác nhau. Trước khi người Mông cổ xuất hiện, buôn bán trên con đường tơ lụa đã diễn ra, tuy vậy tư tưởng sống khép kín của những quốc gia thành trì đã phần nào hạn chế sự phát triển của con đường này. Cho đến khi người Mông cổ, những người vốn là dân du mục với tư tưởng phóng khoáng và hiểu rõ tầm quan trọng của việc trao đổi hàng hóa, xuất hiện và cai trị, con đường tơ lụa mới thực sự được khai thác hết tiềm năng của nó. Người Mông Cổ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại giữa các quốc gia xa cách nhất trong lãnh thổ của mình. Ngọc trai từ vịnh Ba Tư, thép Damascus từ Trung Đông được vận chuyển về phía Đông để nhận lại giấy, lụa tơ tằm Trung Hoa. Những đoàn thương nhân đến và đi được đảm bảo an toàn bởi hệ thống bảo vệ dày đặc của người Mông Cổ được bố trí xuyên suốt tuyến đường đi. Công nghệ chế tác sắt của Châu Âu cũng được truyền đến Châu Á. Ở chiều ngược lại, kiến thức về la bàn, công nghệ in ấn, thuốc súng cũng được mang đến Châu Âu. Đường đi an toàn cũng tạo điều kiện cho các thầy tu Kitô giáo, Hồi giáo tìm kiếm cơ hội truyền đạo tại các vùng đất mới. Nói tóm lại, trong cuộc đại chinh phạt của người Mông Cổ trên khắp thảo nguyên Á-Âu, sự tàn phá ban đầu cùng cơn sốc bị một dân tộc xa lạ, man rợ chinh phục nhanh chóng nhường đường cho tăng trưởng chưa từng thấy trong trao đổi văn hóa, mở rộng thông thương và tiến bộ văn minh. Khi nhìn lại lịch sử, đa phần những quốc gia bị Mông Cổ chiếm đóng sẽ có cái nhìn không mấy thiện cảm với đế quốc này. Điều đó quả thực không sai, thanh gươm Tartar (cách gọi Mông Cổ của người Châu Âu)  đã nhuốm máu quá nhiều người vô tội. Lịch sử sẽ mãi ghi lại những tội ác chiến tranh, những cuộc thảm sát tàn bạo của người Mông Cổ. Nhưng lịch sử cũng sẽ mãi nhớ đến họ như một Đế quốc vĩ đại, một lãnh thổ rộng lớn bậc nhất trong lịch sử, và trong lãnh thổ đó, văn minh con người đã được thúc đẩy tiến về phía trước với tốc độ chưa từng có.
Quân đội Mông Cổ
Quân đội Mông Cổ

3. Chiến tranh mở ra cơ hội khám phá, tìm hiểu những vùng đất mới

Tại thời điểm người Mông Cổ mở những chiến dịch tại Tây Á và Đông Âu, chắc hẳn sức mạnh quân sự của những kẻ chinh phạt này đã gây sốc tại hầu hết các chiến trường. Đặc biệt là đối với người Châu Âu, họ không thể ngờ được những hiệp sĩ cao quý và mạnh mẽ của mình lại bị một bộ tộc bị coi là man di này hủy diệt dễ dàng như vậy. Nhưng như đã nói ở trên, cơn sốc lúc đầu qua đi sẽ nhường đường cho một sự phát triển chưa từng có, và đi kèm với đó là sự tò mò của Đế quốc hùng mạnh này. Mong muốn tìm hiểu này đã thúc đẩy những cuộc hành trình mới thám hiểm và khám phá vùng đất phía Đông của người Châu Âu.  Việc người Mông cổ đã đảm bảo được an toàn cho con đường thông thương càng điều kiện cho những nhà du hành thực hiện những chuyến đi giữa các vùng đất xa cách nhất của Đế quốc. Một trong những nhà du hành đó là Marco Polo, người đã cùng cha và chú mình thực hiện nhiều chuyến thám hiểm và khám phá hầu hết Châu Á. Cuốn sách thám hiểm của ông là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất về chủ đề thám hiểm và đã cung cấp cái nhìn tổng quan về vùng đất bên kia dãy Ural cho người phương Tây, cho họ thấy giá trị và tiềm lực thực sự của châu lục này. Sau khi Mông cổ tan rã và vùng tiểu Á rơi vào tay người Hồi giáo, giao thương Á Âu trên con đường tơ lụa một lần nữa gián đoạn, người Châu Âu phải tìm một con đường khác để tìm đường đến Châu Á, và họ nhìn ra biển. Nhờ vào kiến thức trong hành trình du ký của nhà Polo và bị thúc đẩy bởi sự tò mò về sức mạnh, kinh tế cũng như mong muốn mở lại con đường giao thương, Christopher Columbus đã dong buồm ra khơi. Một trong những lý do chính của cuộc hải trình, theo tác giả Jack Weatherford của cuốn “Thành Cát Tư hãn và sự hình thành của thế giới hiện đại”  là để "Tìm đến đất nước của vị Đại Hãn". Và câu chuyện sau đó thì chắc hẳn ai cũng đã rõ, Columbus vô tình đưa Châu Mỹ ra ánh sáng. Người Mông Cổ không trực tiếp tìm ra châu lục này, nhưng chính cuộc chiến họ reo rắc lên Châu Âu đã vô tình khơi dậy khao khát tìm hiểu về thế giới bên ngoài, mở đường cho những cuộc thám hiểm khám phá thế giới. Qua đó, chúng ta thấy được một điều, một cuộc xâm lược của một đội quân xa lạ ngoài gây ra thiệt hại và thù hận đối với dân bản địa, có thể kích thích sự tò mò, điều sẽ dẫn đến những cuộc phiêu lưu trong tương lai, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận nhiều vùng đất mới. 
Điều này vẫn đúng cho tới thế kỉ XIX, khi các nước thực dân bắt đầu dòm ngó, tấn công những nhà nước phong kiến châu Á đang trong giai đoạn suy tàn. Mục đích của cuộc xâm lược này không gì khác ngoài tài nguyên và chiếm lĩnh lực lượng lao động giá rẻ. Song đó cũng vô tình tạo lý để thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội, kéo theo đó là những chuyến đi từ vùng Viễn Đông châu Á đến các nước châu Âu để học hỏi, tiếp cận những kiến thức mới. Ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình cho luận điểm này. Chuyến đi của Bác không chỉ mang ý nghĩa khám phá những vùng đất mới, mà còn là khát vọng tìm kiếm những tri thức mới, tư tưởng mới, con đường mới để thay đổi số phận của cả một dân tộc. 
Hành trình 30 năm bôn ba của Hồ Chí Minh
Hành trình 30 năm bôn ba của Hồ Chí Minh

Lời kết:

Chiến tranh đã luôn là một phần trong tiến trình lịch sử của nhân loại. Nó luôn đi kèm đến sự chết chóc và hủy diệt, song cũng mang đến cơ hội cho việc tạo lập tinh thần đoàn kết hay sự nảy mầm của những ý tưởng mới. Tuy vậy, chiến tranh chưa bao giờ là thứ nên được hoan nghênh, nhất là vào thời điểm hiện tại, khi những tiến bộ về giáo dục, khoa học công nghệ có thể tạo ra những bước tiến tương tự mà không cần phải trải qua đau thương. Hi vọng rằng, một ngày nào đó, chúng ta có thể vượt qua bóng ma chiến tranh, cùng nhau hợp tác phát triển mà không còn phải đánh đổi bằng những mất mát vô giá.
Đây là bài viết đầu tiên của tôi trên Spiderum, rất mong nhận được chỉ giáo của các tiền bối, xin trân trọng cảm ơn