Cơ duyên đến với Minimalism:

Vào một ngày đẹp trời, mình đi vào Bách Hóa Xanh để mua bánh và rồi, chắc các bạn cũng đoán được, mình phải mất một lúc khá lâu mới có thể quyết định mua loại bánh nào trong hàng chục loại bánh trên kệ... và cộng thêm vài món đồ khác 😆. Dần dần, mình nhận thấy, mặc dù xã hội hiện tại chúng ta không còn lo lắng về cái ăn, cái mặc như hồi xưa, nhưng một vấn đề khác lại xuất hiện: "có quá nhiều sự lựa chọn". Yub, điều này tốt thôi, nếu bản thân bạn có thể biết rõ bạn nên và sẽ chọn gì. Nhưng ôi thôi, trong đa số trường hợp thì lại không như thế, ít nhất là nó đúng với mình trước đây. Trong khoảng thời gian tìm giải pháp cho vấn đề nan giải này, mình vô tình đọc và nghe được những bài viết về "Minimalism - chủ nghĩa tối giản". Trời ơi, chính nó, thứ mình tìm kiếm bao lâu nay đây rồi!!! Vậy thì, Minimalism là gì?
Ảnh bởi
Bench Accounting
trên
Unsplash
Minimalism là đơn giản hóa cuộc sống, bỏ đi những thứ không cần thiết để đón chào những điều có ý nghĩa hơn
The Present Writer
Thật ra có rất nhiều định nghĩa về Minimalism, nhưng mình thấy định nghĩa của chị Chi (tác giả của The Present Writer) rất đúng với phong cách sống tối giản mà mình hướng tới. Quay lại vấn đề ban đầu, tại sao mình lại nói Minimalism là giải pháp mình đang tìm kiếm?
Chúng ta đang sống trong xã hội ủng hộ theo "Consumerism - Chủ nghĩa tiêu thụ", nơi mà nhà nước, doanh nghiệp khuyến khích sự tiêu dùng ở người dân bằng các quảng cáo, sản phẩm hấp dẫn,... Dĩ nhiên mình không phản đối phong cách sống này, khi mà nó khiến người dân nâng cao tiêu dùng, tăng lượng tiền cũng như hàng hóa lưu thông trong nước, từ đó xã hội sẽ ngày càng phát triển hơn. Nhưng đôi khi sự kích cầu đó đã đẩy lượng tiêu thụ của chúng ta vượt xa nhu cầu thực sự của bản thân, đặc biệt với sự ra đời của thẻ tín dụng, càng dễ khiến chúng ta tiêu thụ nhiều hơn những gì ta cần. Là một người tiêu dùng theo đuổi hành trình tự do tài chính, mình không muốn điều đấy xảy ra, và Minimalism là đáp án hoàn hảo cho điều mình đang hướng tới.

Một số lợi ích của Minimalism:

Ngoài lợi ích (hay nói cách khác là lý do) khiến cho mình quyết định sống theo Minimalism ở trên thì còn vài lợi ích nữa mà Minimalism đã mang lại trong quá trình mình thực hiện:
Thứ nhất, nó khiến mình tự do hơn, ý mình ở đây là tự do về mặt nơi ở. Vì là sinh viên nên mình chuyển trọ cũng không ít, và trước đây mình đã từng rất ngại việc đó. Nhưng nhờ Minimalism, đồ đạc của mình đã giảm đi đáng kể. Vậy nên bây giờ, nếu có gặp bất kỳ lý do nào khiến mình phải chuyển trọ, thì mình không đặt nặng vấn đề di chuyển đồ đạc nữa mà sẽ quyết định thuần dựa vào mặt lợi và mặt hại của nơi ở mới và cũ hơn. Và mình nghĩ sau này khi ra trường, nếu mình có nhận được offer cho một công việc mình yêu thích nhưng không phải ở Sài Gòn thì mình vẫn có thể tự tin di chuyển trong thời gian ngắn. Với mình đó là sự tự do quý giá. Thứ hai, giảm số lượng, làm cho chất lượng đồ của mình tăng lên. Điển hình ở đây là quần áo, hồi trước mình luôn có suy nghĩ mua đồ tết. Nhưng giờ thì mình không còn thói quen đó nữa. Đổi lại, mỗi bộ đồ mình mua sẽ luôn là những bộ đồ chất lượng và khiến mình tự tin khi mặc chúng. Thứ ba, là tiết kiệm, như mình đã phân tích ở trên, nên mình sẽ không nói lại nữa.

Minimalism có phù hợp cho tất cả mọi người?

Để trả lời cho câu hỏi này, có một câu chuyện của mình muốn kể cho các bạn.
Khi mình chia sẻ Minimalism đến với một bạn nữ, mình khá thân và bạn ấy cũng có suy nghĩ muốn phát triển bản thân như mình, thì nhận được câu trả lời khiến mình phải suy nghĩa lại về chủ nghĩa tối giản, mình xin trích nguyên văn câu trả lời ở đây:
"Ta thấy trong nhà sách có nhiều cuốn sách nói về topic này lắm nha, mà ta bỏ cuộc mi nạ" ... "Những món đắt tiền thì ta cân nhắc . Nhưng những món kiểu áo quần giày dép nó nằm ở phạm trù sở thích và niềm vui á" "Ta nói thật lối sống này mà một người trẻ đặc biệt là con gái mà sống được thì đúng là thiên thần haha" (Bạn ấy là bạn cấp 3 của mình, khi mình còn ở Đà Nẵng, nên 2 người mới xưng ta - mi)
Càng nói chuyện thì mình càng thấy Minimalism khó thực hiện, đặc biệt là ở các bạn trẻ, tham vọng và ham muốn ở nhiều thứ. Và rồi mình lại tiếp tục tìm hiểu...
Cho đến khi mình xem được video "Tinh thần Minimalism: Biết đủ để hạnh phúc" trên youtube của anh Hiếu Nguyễn. Mình mới thấy, hóa ra lúc đấy mình đã hiểu sai về Minimalism. Nói đơn giản thì không hề có một tiêu chuẩn nào cho Minimalism cả, mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc khác nhau mà có những cách sống tối giản khác nhau. Ví dụ: việc mua 10 bộ quần áo 1 năm đem lại cảm hứng hay kết quả tốt cho công việc của bạn, 10 bộ quần áo 1 năm chính là tiêu chuẩn của bạn. Hay nói cách khác, khi bạn mua bộ thứ 11 thì chính là lúc bạn đã không còn sống theo Minimalism nữa. Tương tự như với mình về đồ công nghệ như nâng cấp laptop, mua màn hình,...
Như vậy chắc các bạn cũng biết được Minimalism có phù hợp với bạn không rồi nhỉ? Mình nghĩ để bắt đầu Minimalism thì điều đầu tiên bạn nên làm là biết như thế nào là đủ với bản thân, rồi lấy đó làm tiêu chuẩn để sống Minimalism theo cái "đủ" đó.

Những hiểu lầm về Minimalism:

Đây là phần mình nghĩ là rất quan trọng với chủ nghĩa tối giản. Không ít người đã vì những hiểu lầm này mà từ bỏ một lối sống mà mình nghĩ là rất cần thiết cho hành trình phát triển bản thân:
Hiểu lầm đầu tiên và cũng là lý do khiến nhiều người từ bỏ nhất, mình đã đề cập ở trên, đó là không có tiêu chuẩn nào cho Minimalism. Khi bạn tìm hiểu về Minimalism, bạn sẽ thường thấy một vài người đi theo những tiêu chuẩn như phòng bếp có bao nhiêu cái chén, bao nhiêu cái đũa,... để rồi họ nói "Goodbye Minimalism". Mình không có ý chê bai họ, trái lại mình còn có cảm giác ngưỡng mộ vì họ đã làm được những điều trên trong một thời gian dài. Nhưng cùng với đó, việc tuân theo những nguyên tắc trên cũng khiến cuộc sống trở nên cam chịu, điều này đi ngược lại với mục đích theo đuổi Minimalism ban đầu của mình. Thứ hai, Minimalism là cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, kham khổ, không biết hưởng thụ. Là một người theo đuổi Minimalism, mình có thể tự tin nói mình đang tận hưởng cuộc sống hiện tại. Mình rất hiểu tại sao lại có những hiểu lầm này, nhưng để công bằng mà nói, đây không phải là lỗi ở Minimalism. Việc mình cảm thấy cuộc sống nhàm chán hay tẻ nhạt là ở cách nhìn nhận của bản thân về cuộc sống, tuy nhiên đây lại là một chủ đề khác, nên mình sẽ thảo luận vấn đề này ở một bài viết không xa. Còn Minimalism có phải là kham khổ hay không thì khi đọc đến phần này của bài viết thì chắc các bạn cũng hiểu, vì tiêu chuẩn là tự bản thân đặt ra, và Minimalism chỉ đơn giản là lẽ sống để bạn tuân theo những tiêu chuẩn đó, vậy nên việc xác định cái "đủ" của mình là rất quan trọng, nó sẽ quyết định đến cách bạn thực hiện cũng như nhìn nhận Minimalism. Thứ ba, Minimalism là chỉ cần cắt giảm đồ đạc xuống một số lượng nhất định, chỉ cần làm một lần là xong. Bởi vì nhu cầu của bản thân ở mỗi thời điểm là khác nhau, vậy nên việc review lại các tiêu chuẩn của bản thân là vô cùng cần thiết. Ví dụ hồi năm nhất, mình chỉ đơn giản là cần laptop có thể chạy được các phần mềm lập trình như DevC hoặc Visual Studio, nên với cái laptop lúc ấy là đã đủ. Nhưng đến bây giờ, khi phải làm việc trên nhiều phần mềm, môi trường cũng như framework khác nhau thì tiêu chuẩn của mình lại tăng lên, mình cần thêm SSD, Ram, màn hình thứ 2, và một số công việc bảo trì máy hằng năm. Việc review lại nhu cầu một phần khiến cho mình không bị quá cam chịu, một phần khác là mình đảm bảo được đấy là tiêu chuẩn mới và mình không được vượt quá nó. Thứ tư, Minimalism - lối sống dựa trên những gì chúng ta cần, và Consumerism - lối sống dựa trên những gì chúng ta muốn, không phải là hai lối sống trái ngược nhau, và chúng hoàn toàn có thể cùng tồn tại. Mình cũng đang hướng đến sự giao thoa của hai lối sống này, làm sao để chúng ta muốn những gì chúng ta cần và không muốn những gì chúng ta không cần? Đây là một câu hỏi khó, nếu có điều kiện, mình xin chia sẻ nó ở một bài viết khác.

Lời kết:

Như các bạn đã thấy, thì mình không đề cập đến việc làm thế nào để thực hiện Minimalism, nội dung cần thiết cho một chủ đề như thế này. Bởi vì mình muốn các bạn hiểu rõ và hiểu đúng về Minimalism trước khi học cách thực hiện nó, và hơn nữa, cách mình đang áp dụng có thể sẽ không phù hợp với mọi người, vậy nên mình chỉ cung cấp những thông tin cần thiết để mọi người có thể sáng tạo ra cách làm phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, có thể trong tương lai khi mình hoàn thiện được cách mình đang áp dụng thì mình sẽ chia sẽ với các bạn sau không chừng, haha.
À, còn một điều quan trọng nữa. Nãy giờ mình chỉ chia sẻ Minimalism ở phạm vi đồ vật thôi, nhưng thật ra ở bất cứ việc gì cũng đều có thể áp dụng Minimalism được. Tin mình đi, mình thậm chí đã áp dụng nó vào trong việc lập trình của mình rồi đấy (rất khó tin đúng không, hehe), ngoài ra còn những thứ như học tập, phát triển bản thân,... Nếu các bạn thấy hứng thú thì mình sẽ có một bài riêng về chủ đề này.
Nếu đã đọc đến đây thì mình chắc bạn và mình có điểm chung, đều đang muốn phát triển bản thân, trở thành một phiên bản hoàn hảo hơn. Và mình luôn mong muốn được giao lưu với những người như vậy, vậy nên nếu bạn có ý kiến gì, hãy comment xuống bài viết để mình cùng thảo luận nhé. Chúc bạn có thể trở thành phiên bản 4.0 của bản thân!! (câu này mình ăn cắp từ podcast "Bốn Chấm Không" đấy, hihi)
Be Share,
Cậu Nhỏ IT.