Mình thường dùng game thi đua làm khuấy động lớp học, nào ngờ điều đó khiến mình hối hận vô cùng vì học sinh của mình đã bị mất động lực đến lớp.
Chuyện là mình thường tổ chức thi đua khen thưởng giữa các cá nhân để tạo không khí sôi động trong giờ học. Phần thưởng thi đua bao giờ cũng hậu hĩnh: một món quà đồ chơi yêu thích tự chọn trên Shoppee ship đến tận nhà. Thành ra, đứa học sinh nào cũng phấn khích và nỗ lực hết mình ganh đua nhau.
Nhưng trong số những đứa học sinh của mình, có một bạn đuối hơn những bạn còn lại. Trong vòng vài tháng đầu, bạn ấy thể hiện rất háo hức trong từng giờ học để tích điểm nhận quà. Trớ trêu thay, bạn ấy vẫn cứ đứng sau những bạn khác. Đã có lần, bạn ấy từng nói: "Con đã trở lại và ĂN HẠI hơn xưa.", rồi thì "Thật không công bằng!". Dần dần 1-2 tháng trôi đi, bỗng một lần mẹ bạn ấy tức tốc gọi điện cho mình: "Em ơi, thằng này nó đòi không học nữa vì nó cứ thua suốt. Nó bảo giờ đi học để làm gì, đằng nào chả không được nhận quà. Nó bảo cô không công bằng. Chị chả biết làm thế nào bây giờ em ạ."
Bạn thấy quen chứ, nếu bạn từng thất bại nhiều lần ở một việc nào đó, liệu bạn có cố làm đến cùng hay quyết định bỏ cuộc giữa chừng. Trong phần lớn trường hợp, mọi người thường lựa chọn phương án hai. Bé học sinh của mình cũng giống như bao người bình thường khác, bạn ấy muốn từ bỏ.
Ảnh minh hoạ: A sore loser in class
Ảnh minh hoạ: A sore loser in class
Khi mình nhận được tin, mình cảm thấy vừa bực mà cùng vừa thương bạn ấy.
Mình đã tức giận lắm vì mình cảm thấy bạn ấy gây rắc rối cho mình, biết thế cô cắt hết trò chơi đi khỏi phải thi đua nữa, khỏi phải quà cáp mà cô cũng đỡ tốn tiền mua quà, khỏi phải công bằng hay không công bằng luôn.
Nhưng mình cũng thấy thương vì mình hiểu cảm giác bất lực tệ đến nhường nào. Trong một cuộc chơi mà đứa giỏi lẫn đứa kém đều nỗ lực thì đứa giỏi sẽ cứ giỏi hơn còn đứa kém sẽ chẳng bao giờ bắt kịp được đứa giỏi. Vậy đây chả phải là một game không công bằng ư. Chí ra thì bé học sinh đó cũng nhìn ra được vấn đề, nó cũng khôn đấy chứ. ^^
Suy xét lại tất cả sự tình, nhẽ ra mình đã phải thay đổi mô hình thi đua ngay khi thấy "mùi" tiêu cực từ bạn ấy. Nhẽ ra thay vì thi đua giữa các cá nhân với nhau, mình nên cá nhân hoá mục tiêu đạt điểm cho từng bạn trong lớp. Như thế thì mỗi học sinh sẽ chỉ cần cạnh tranh với chính mình. Chỉ cần học sinh đạt chỉ tiêu của bản thân, bạn ấy sẽ được thưởng. Chẳng phải đó cũng là cách xã hội vận hành sao, dẫu biết rằng có nhiều những biến thể hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn là chỉ cần bạn hoàn thành nhiệm vụ, bạn sẽ nhận được thưởng (ý là trả lương mỗi tháng ấy ^^) còn gì.
Nghĩ là làm, ngay khi mình thay đổi, bạn học sinh ấy đã quay trở lại lớp. Khi bạn ấy được cảm nhận sự chiến thắng, bạn ấy lại háo hức như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
#WOTN5
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.