Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những "tri thức" phương tây, cách giải quyết vấn đề theo "tây" khiến cho những giá trị truyền thống của dân tộc bị hàm oan thật nhiều. Mới sáng nay tôi có đọc một bài viết nhét chữ vào mồm đồng chí Khổng Tử. Nhưng có lẽ việc minh oan cho tiếng việt là cần thiết và cấp thiết hơn rất nhiều, đặc biệt là khi tôi thấy bài viết của tác giả Barry Huỳnh Chí Viễn (các bạn có thể search facebook để đọc series bài viết "Người Việt hời hợt" của tác giả trên) được lan rộng.
Trong bài này, tôi chỉ muốn chứng minh rằng, tiếng Việt và tiếng Anh, hay một ngôn ngữ nào đó là bình đẳng, và mặc dù đúng là ngôn ngữ có ảnh hưởng đến thế giới quan (chứ không phải tư duy), nhưng những luận cứ thường được đưa ra bởi các "học giả" và "nhà ngôn ngữ học" thì thường không đúng và phiến diện. 
Nếu bạn đã tìm hiểu xong về bài viết của tác giả trên (và vô số tác giả đang muốn chứng minh tiếng Việt là thứ tiếng xuề xòa và ba phải), thì tôi nghĩ chúng ta có thể bắt đầu.
"1. Từ vựng tiếng Anh mô tả khái niệm chuẩn xác hơn tiếng Việt rất nhiều: Một trong những thử thách lớn nhất đối với những người sử dụng ngoại ngữ là sự hiểu biết về từ vựng vì có những từ có thể đồng nghĩa trong ngôn ngữ này lại hoàn toàn không đồng nghĩa trong ngôn ngữ kia. Đặc trưng của tiếng Anh là mỗi từ đều có một ý nghĩa rất chính xác và cụ thể, thể hiện đúng bản chất của về nghĩa mà tiếng Việt không có được."
Trong đoạn trên có một ý rất đúng, đấy là việc một từ vựng của ngôn ngữ này có thể không hoàn toàn đồng nghĩa trong ngôn ngữ kia, dẫn đến việc phạm vi sử dụng rất khác nhau. Nói sâu sắc hơn về hiện tượng này, tức là một một cụm từ có nghĩa trong ngôn ngữ này sẽ đem lại ý nghĩa rộng hoặc hẹp hơn, đồng thời truyền tải thêm một phần sắc thái tình cảm trong đó. Chính vì thế gần như không thể dịch chính xác một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không giải thích thế giới quan của ngôn ngữ. Ví dụ thì nhiều, nhưng để mà nói thì những gì liên quan đến thế giới quan sẽ là rõ ràng nhất. "Quy y tam bảo" mà dịch là "take refuge in the three jewels" thì không sai, tuy nhiên để khiến một người không biết tiếng Việt, không biết đạo Phật cảm nhận được sắc thái của nó, thì đấy là điều gần như không thể.
Tôi lấy ví dụ từ “gặp” trong tiếng Việt nếu được dịch sang tiếng Anh một cách hời hợt sẽ là “meet” nhưng trên thực tế có đến 4 từ khác nhau trong tiếng Anh để dịch một từ “gặp” trong tiếng Việt, và bốn từ này về ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Từ “meet” chỉ có thể dùng trong trường hợp hai người gặp nhau có một mục đích cụ thể nào đó vì thế nó không thể dùng trong trường hợp “hôm qua tôi tình cờ gặp anh ta ở ngoài đường” được. Đối với hành động “tình cờ gặp nhau ngoài đường”, người Anh-Mỹ dùng từ “see” đúng nghĩa là “chỉ nhìn thấy nhau”. Còn khi tôi nói “Tôi đang gặp rắc rối/khó khăn” thì cả hai từ “meet” và “see” đều sai mà phải dùng từ “encounter” với nghĩa “đối mặt với một điều/người mà mình không mong muốn”.
Tôi không hiểu ở ví dụ trên, tác giả muốn nói điều gì nữa, vì những từ mà tác giả nói ở trên, đều có thể dịch sang tiếng Việt với nghĩa cụ thể, với hoàn cảnh cụ thể. Để tôi nói ví dụ cực kỳ thô thiển như sau:
    Hôm nay tôi gặp một con chó. Có vấn đề gì với câu này không nhỉ ? Chắc các bạn chỉ thấy hơi khiên cưỡng, nhưng chấp nhận được. Tuy nhiên nếu là Hôm nay tôi nhìn thấy một con chó. Thì liệu có phải sẽ hợp lý hơn không?
Gặp khó khăn, dịch ra là "encounter difficulties" thì chuẩn rồi, vậy tôi cũng muốn hỏi không biết là "vấp phải khó khăn" thì mình nên dịch sang tiếng anh thế nào cho chuẩn chỉnh? 
Ngôn ngữ của chúng ta, do phụ thuộc vào ngữ cảnh, nên nếu chỉ ví dụ từ "gặp" thì tôi cho rằng có hơn 4 cách dịch, nhưng nếu đi vào ngữ cảnh cụ thể, thì chỉ có một. Vì vậy tôi cho rằng ví dụ này là xuề xòa, siêu hình và thiếu tính đại diện. Những ví dụ sau của tác giả trên, tôi xin phép không nêu ra ở đây, vì các bạn hoàn toàn có thể phân tích tương tự, thậm chí với mỗi ví dụ tác giả đó nêu ra, các bạn có thể tìm được một từ phù hợp với ngữ cảnh đó, trong tiếng Việt.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn chỉ đơn giản là ghép hai từ với nhau để tạo thành từ mới, nhưng khi bạn sử dụng tiếng Anh, bạn phải cân nhắc xem hai từ đó là loại từ gì, có đứng chung với nhau được hay không? Nếu từ loại đã phù hợp, bạn lại phải xét tiếp là từ đó được dùng ở dạng thức gì, có phù hợp với mục đích cần sử dụng hay không? Đó là cả một quá trình suy nghĩ logic, không thể hời hợt và tùy tiện.

Có bạn sẽ nói rằng “từ đó giờ tiếng Việt dùng như vậy đấy rồi có chết ai đâu. Người Việt ai mà chả biết “gà rán” là “gà được rán lên”, còn “chảo rán” là “chảo dùng để rán.” Điều này đúng là không hại gì khi bạn chỉ sử dụng tiếng Việt mà không cần sử dụng tiếng Anh. Nhưng nếu bạn học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh thì bạn sẽ thấy ngay vấn đề của nó:

a. Bạn không bao giờ sử dụng được tiếng Anh đúng cách để nói và viết vì bạn mặc kệ những nguyên tắc về từ vựng của tiếng Anh. Điều này cũng giống như bạn đến chơi nhà người khác nhưng bất chấp những nguyên tắc ứng xử của gia đình người ta mà bắt người ta phải hiểu mình.

b. Bạn sẽ không bao giờ hiểu được tiếng Anh vì bạn không hiểu được mỗi dạng từ của cùng một từ đều có ý nghĩa khác nhau. Học những ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của tiếng Latin như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, bạn không thể chỉ cầm cuốn từ điển ra để học từ vựng một cách máy móc vì sự thay đổi dạng thức của một từ trong những ngữ cảnh khác nhau.
Thôi nào, trò gì đang diễn ra ở đây vậy, (có một trường phái giải thích tiếng Việt giống hệt tiếng Anh, tiếng Pháp - chính là trường phái các bạn được học ở phổ thông, tuy nhiên tôi xin phép không nói đến ở đây). Cái việc chúng ta không thể hiểu một ngôn ngữ khác, trong hoàn cảnh này, là do người học không hiểu được ngữ cảnh văn hóa của một ngôn ngữ khác, họ quy định ngôn ngữ của họ về những cụm động từ, cụm danh từ, cụm tính từ. 
Đây chính là sự khác biệt giữa Analytic Languages và Synthetic Languages (và như tôi được biết, ngôn ngữ có thể được phân loại vào 2 loại trên, hoặc là lai tạp giữa 2 loại trên). Và sự khó hiểu khi chúng ta chuyển giữa 2 loại ngôn ngữ trên là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi so sánh một ngôn ngữ thuần túy Analytic và một ngôn ngữ "nửa mùa" như Inkrish.

Trong bài viết tiếp theo của tác giả về mạo từ, tôi cho rằng các bạn đã hiểu rằng, tác giả đang muốn "cô lập" - phân tích siêu hình một ngôn ngữ phụ thuộc ngữ cảnh như tiếng Việt và so sánh với tiếng Anh, sự so sánh này, theo tôi là vô bổ. Tuy nhiên tôi vẫn xin phép phân tích một ví dụ cho các bạn thấy để xem sự "hời hợt" của Tiếng Việt chúng ta là thế nào
1. He must sell THE CAR to pay THE DEBT. (Anh ta phải bán chiếc xe đang chạy để trả món nợ duy nhất)
Trình độ sử dụng tiếng Việt của tác giả khá cao, vậy hóa ra đấy là món nợ duy nhất anh ta đang có phải không. Hay là một món nợ cụ thể đang được bàn đến trong câu chuyện này?
2. He must sell THE CAR to pay A DEBT. (Anh ta phải bán chiếc xe đang chạy để trả một trong những món nợ của mình).
Lạy Chúa và chư vị thánh thần, xin các ngài hãy thứ lỗi cho kẻ hèn này. Tại sao THE CAR lại là chiếc xe anh ta đang chạy?
3. He must sell THE CAR to pay THE DEBTS. (Anh ta phải bán chiếc xe đang chạy để trả hết những khoản nợ của mình)
Tôi không hiểu là tác giả không hiểu tiếng anh hay không hiểu tiếng Việt. Nhưng tác giả có nghĩ rằng nợ là tiền, người Việt tư duy là mình nợ bao nhiêu tiền, chứ ít người tư duy mình nợ bao nhiêu khoản, thế thôi. Còn bán xe để trợ nợ, bán mấy cái xe ý mà, thì (lại) tùy vào ngữ cảnh.
Thôi thôi còn tận 6 ví dụ, nếu phân tích hết chắc tôi sẽ phải xuống địa ngục. Tôi chỉ muốn tóm lại rằng, tùy vào ngữ cảnh mà chúng ta phải dùng a/an/the; và câu nói Anh ta phải bán xe để trả nợ  thì tùy thuộc vào ngữ cảnh mà chẳng hề khác gì tiếng Anh cả. 
Khi dạy ngữ pháp, tôi dạy rất kỹ về mạo từ, cho rất nhiều ví dụ nhưng hầu hết học viên của tôi sau khi học xong đều không áp dụng được vì ít ai chịu tư duy về tính xác định của danh từ mà chọn mạo từ thích hợp. Phần lớn sẽ nghĩ theo kiểu tiếng Việt không cần tới mạo từ, mặc kệ người nghe hoặc người đọc hiểu sao thì hiểu. Và khi đọc hoặc nghe người bản xứ nói tiếng Anh, người Việt cũng thường không chú ý đến cách dùng mạo từ trước danh từ để hiểu đúng ý mà người kia muốn diễn đạt. Đây là một trở ngại lớn về mặt tư duy khiến cho việc học tiếng Anh của người Việt không hiệu quả nếu chỉ học thuộc lòng mà không suy luận. (còn tiếp)
Tôi đọc - tôi cay cú. Tôi - một người ngu tiếng Anh, nhưng cũng không dùng sai mạo từ, bởi vì đơn giản tôi học theo ngữ cảnh, còn ông chẻ một ngọn rau muống làm 4 thì dạy sai là phải rồi... Chỉ cần nhìn cách phân tích, là tôi có thể thấy tại sao học sinh của tác giả lại hay sai. Tư duy theo ngữ cảnh, làm ơn, hãy dừng trò siêu hình này lại và biện chứng.
Về phần ngữ pháp, tôi sẽ không phân tích, để tùy bạn đọc xem xét, nhưng cách phản biện của tôi cũng không khác gì, và cách nói của tác giả, cũng không khác gì. Tuy nhiên:
Có người sẽ cho rằng tiếng Việt như vậy đơn giản hơn nhiều, không cần nhớ nhiều dạng động từ làm gì cho mệt. Câu trả lời của tôi là thế này: “Nếu anh chấp nhận việc mặc cùng một bộ quần áo cho tất cả những dịp đi làm, đi chơi, đi dự tiệc, ở nhà và lên giường ngủ thì đúng là việc không chia động từ cho những trường hợp khác nhau thì đối với anh không có gì gọi là quan trọng cả.”
Các bạn của tôi không lạ lùng gì với kiểu ngụy biện này, tuy nhiên, xin phép phí phạm của các bạn vài giây cho tôi được thỏa nỗi lòng: "Nếu như anh chấp nhận việc dùng sữa tắm riêng cho khuỷu tay trái, sữa tắm riêng cho cổ bên phải, kem dưỡng ẩm riêng cho mông bên trái và mông bên phải, và phải là các nhãn hiệu khác nhau, thì đúng là việc chia động từ với anh là cực kỳ cấp thiết" - thật chẳng khác gì một con bóng lồng lộn.

Về phần "giới từ" của tác giả, vốn đã định để người đọc tự do phán xét, tuy nhiên lại có những luận điểm thể hiện trí tuệ và hiểu biết vô cùng uyên thâm của tác giả, mà tôi không thể nào không viết xuống dưới dây được.

1. Trật tự các từ trong tiếng Việt khá lỏng lẻo: Đối với những ngôn ngữ mang tính logic cao, mỗi một từ ở trong câu đều có một vị trí và chức năng nhất định, không thể tùy tiện thêm vào hoặc bỏ ra hoặc thay đổi vị trí.
Sở dĩ tiếng Anh không thể đảo trật tự các từ được, bởi vì nó là ngôn ngữ lai giữa Analytic và Synthetic. Tôi sẽ ví dụ cho các bạn thấy trong tiếng Latin.
Puer puellae bellae rosam dat
Bellae puellae puer rosam dat
Bellae puella rosam dat puer
Rosam puer puellae bellae dat 
Cả 4 câu đều có một ý nghĩa: The boy is giving the pretty girl a rose. Sở dĩ như vậy, bởi vì đây là một ngôn ngữ gần như thuần túy Synthetic.
Nếu nói như tác giả, vậy chắc hẳn tôi phải hiểu tiếng Latin không phải là thứ tiếng Logic rồi. Phần còn lại của luận điểm này, xin lỗi các bạn, tôi thực sự không thể đưa vào đây, vì nó làm tôi giận tím người, các bạn hãy tự phản biện tại sao nó lại cực kỳ siêu hình và tôi mong các bạn không giận tím người giống như tôi.
3. Mạo từ và đại từ trong tiếng Việt mang tính định kiến sâu sắc: Trong bài viết lần trước tôi đã đề cập tới việc người Việt gặp khó khăn trong cách sử dụng mạo từ tiếng Anh (a, an, the, không có mạo từ) do không hiểu được quy tắc số ít, số nhiều, đếm được, không đếm được và xác định hoặc không xác định. Đây là một nguyên tắc nhất quán và không mang tính chất định kiến. Ngược lại khi tôi dạy tiếng Anh cho người nước ngoài, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho họ hiểu tại sao tiếng Việt lại có những mạo từ và đại từ mang tính định kiến phong phú đến như thế. Cùng là một danh từ “vua” nhưng nếu bạn dùng mạo từ “vị” hoặc “đức” trước nói, người đọc hoặc nghe sẽ mặc định rằng đây là một ông vua tốt, nhân từ. Còn nếu bạn dùng “lão” hay “tên” trước nó thì mặc nhiên người đọc hoặc nghe sẽ nghĩ đây là một ông vua tồi tệ. Cũng là “lính” nhưng “tên lính” hay “thằng lính” thì xấu, ắt hẳn thuộc về phe địch còn “anh lính” hoặc “người lính” thì sẽ tốt, là người của phe ta.
Vì hiểu biếu hạn hẹp, tôi chỉ xin phép đưa ra 2 ví dụ nho nhỏ trong tiếng Anh.
1. Broad - rộng, dạ vâng là rộng ạ. Ngôn ngữ nào cũng sẽ tìm ra những từ để chỉ cái nó cần hết thôi, nên làm ơn, dừng lại đi, thưa ông tác giả.
2. Từ ngữ chỉ tập hợp. Body of man, Bevy of woman ... làm ơn, cho con một quy luật để sử dụng từ chỉ tập hợp được không ạ! Thưa Chúa!
Hơn nữa, đây không phải là một điểm rất mạnh của tiếng Việt, khi thể hiện được cả sự khái quát hóa về nhân vật trong khi phải diễn dịch một cách rất dài dòng trong tiếng Anh thông qua ngữ cảnh? Và khiến tiếng Việt trở thành một ngôn ngữ giàu tình cảm hơn hay sao. Nhưng mà tùy, người không thích tình cảm thì cho là thiên vị, người thích thì cho là điểm mạnh. Nhưng anh cũng nên nhớ, lúc cần tình cảm có thể tình cảm, lúc cần công bình có thể công bình. Đấy mới đích thị là thứ chúng ta cần. Còn khi nào cũng chỉ một màu, thì hình như lại hơi giống như "bộ quần áo mặc đi ngủ và đi dự tiệc" của anh nói rồi đấy.
Tôi xin phép được kết thúc "minh oan" cho tiếng Việt ở đây. Hình như là tác giả cũng chưa nói được gì nhiều, và cũng không phải là một nhà ngôn ngữ học nên luận điểm đưa ra khiến tôi còn chưa nói được những gì cần phân tích, cũng chẳng chứng minh được tiếng Anh "hời hợt". Tuy nhiên, mong là cũng phần nào giải oan được cho tiếng Việt. Mong các bạn tiếp tục theo dõi, để sắp tới tôi sẽ làm bài minh oan cho đồng chí cộng sản kiên trung - Khổng Tử.