Lâu lâu trước đây mình có đọc một bài dịch trên Reddit Việt Nam (RVN) được tung hô khá nhiều nhưng cá nhân mình chỉ thấy buồn cười.
Đây lần lượt là bài dịch được đăng trên page RVN và bài gốc trên reddit
Bài dịch này đã khiến mình lấn cấn khá nhiều (và thậm chí là hơi bực bội) từ lần đầu đọc trong group kín của RVN (Reddit VN) sau đó bài cũng được chọn để share trên page RVN. Mình join RVN cũng không phải sớm và vì mục đích giải trí nên cũng không kỳ vọng gì nhiều ở một group cộng đồng tạp nham như vậy. Tuy nhiên sau đó cũng khá ngạc nhiên khi ban đầu có vẻ như group được xây dựng với mô tả là group "tri thức". Không phủ nhận nhiều bài dịch có giá trị (tất nhiên cũng chỉ dừng ở mức khoa học thường thức) và bản thân mình khi ở group cũ cũng từng đóng góp một số bài dịch về khoa học mình cho là đủ hữu ích, nhưng tựu chung lại thì Reddit.com hay Reddit VN cũng chỉ là nơi để giải trí thôi.
Đọc bình luận của bài viết cũng thấy rõ xu hướng 99% đều hả hê về 1 màn chửi (có vẻ) học thức và đã mồm của người bình luận thứ 2, lôi đồ thị Dunning-Kruger vào như một biểu tượng cho sự thượng đẳng của họ. Một điều mà mình thấy buồn cười vì không biết họ có biết rằng với tư duy như vậy thì có lẽ họ cũng chỉ là một "thứ đồ thị Dunning Kruger" khác (và thậm chí câu chửi đấy nghe khá là vô nghĩa dù mình hiểu hàm ý là gì). Không bàn cụ thể đến việc CDC khuyến cáo đeo khẩu trang trong ngữ cảnh của tấm ảnh là đúng hay sai, chỉ xét đến việc có một người bày tỏ sự hoài nghi với những khuyến nghị và tìm hiểu thêm để đưa ra quyết định cho bản thân, chẳng có gì đáng chê trách cả. Khởi đầu của mọi sự khám phá đều bắt đầu từ sự tò mò và nghi ngờ. Và việc người phản bác lại điều đó cùng với câu khẳng định chắc nịch "ĐÚNG 100%.... HOÀN TOÀN ĐÚNG" và "Tao phải tìm hiểu cái gì nữa?" cho thấy anh ta hoàn toàn không có sự cầu thị về kiến thức mà chỉ chấp nhận mọi thứ trong sách vở, từ thầy cô hay ở đây là những cơ quan có danh tiếng nói cách khác là hoàn toàn vô hiệu hóa khả năng tư duy phản biện của bản thân. Với việc không có tư duy phản biện, mình nghĩ hoàn toàn có thể đánh giá khả năng nhận thức của anh ta cũng chẳng đáng tự hào là bao.
Ở phần bình luận cũng có một số người so sánh cách chửi này với hiện tượng Cơ Thiếu Hoàng. So sánh này có phần đúng, tuy nhiên ở đây ai là Cơ Thiếu Hoàng thì cũng khó để nói. Anh chàng thứ 2 thách thức thẩm quyền của người đầu tiên và cho rằng họ không có kiến thức hay uy tín bằng một cơ quan như CDC để bàn luận hay nghi ngờ. Tất nhiên người kia khả năng cao cũng chẳng phải một Nguyễn Hữu Quang Nhật để có thể lật ván cờ thẩm quyền này. Tuy nhiên, việc lựa chọn thẩm quyền thay vì lý luận để chứng minh, tranh luận, đã là một việc làm của những kẻ chẳng có gì trong đầu mới cần dùng đến.
Nhắc đến CDC thì chắc phải nhắc đến vụ Việt Á gần đây. Một đường dây lớn như vậy, từ việc tung tin giả về việc kit xét nghiệm được WHO cấp phép, đến nơi sản xuất và công nghệ sản xuất kit test từ phòng thí nghiệm "nhà bếp" và tiền hoa hồng chi cho CDC các tỉnh đang làm rúng động dư luận. Việc CDC nhiều nơi ăn hoa hồng và gian lận trong việc đấu thầu là rõ ràng, nhưng với tội ác quy mô như thế này, chắc chắn còn dính dáng đến nhiều cơ quan "có thẩm quyền" khác. Nói vậy để thấy rằng, thẩm quyền là một cái gì đó cũng chẳng có ý nghĩa gì quá nhiều, ít nhất là trong xã hội như hiện tại. Thông tin từ những cơ quan tổ chức có thẩm quyền, mình đồng ý là có độ tin cậy cao hơn so với thông tin từ một người qua đường ngẫu nhiên. Tuy nhiên, chắc chắn không phải thông tin nào cũng chính xác tuyệt đối để mà có thể thoải mái "tin mù quáng" không cần tìm hiểu thêm.
Những vụ lùm xùm gây xôn xao xã hội và dư luận, như Việt Á hay những scandal từ thiện,.. đều bắt nguồn từ việc đa số chúng ta chọn tin mù quáng vào thẩm quyền của một số cá nhân hay tổ chức mà không có đủ sự nghi ngờ cần thiết. Nếu thay vì hấp thụ thông tin thụ động, mà chúng ta chủ động đặt câu hỏi để xác minh thông tin, xác minh niềm tin, mình nghĩ các bạn sẽ bớt ngạc nhiên trước những vụ lừa lọc.
Suy cho cùng, mọi hệ thống hay tổ chức vẫn là do con người vận hành. Và con người được sinh ra là để mắc sai lầm.
Social media-friendly version at: