Về Huệ Ăn học tâm lý:

Trước hết, mình là cử nhân ngành Tâm lý học, định hướng Tham vấn trị liệu tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM.
Mình là người yêu việc học nói chung và học tâm lý nói riêng.

Sau đây là cảm nhận về những môn mình đã học khi học tâm lý:

5. Tâm lý học xã hội

Rate: 10/10
Nội dung: Môn này tụi mình sẽ được lí giải về các tương tác xã hội dưới góc nhìn và các nghiên cứu tâm lý học như: Định kiến và phân biệt đối xử từ đâu tới? Sao chúng ta hay “a dua” và làm theo đám đông nhiều hơn là nói lên ý kiến của mình? Điều gì hấp dẫn và khiến hai người có tình cảm với nhau? Sao chúng ta thường làm từ thiện và thích giúp đỡ người khác?
Ngoài ra mình cũng đã được học và hiểu sâu sắc hơn về một số hiệu ứng tâm lý nổi tiếng như: Hiệu ứng hào quang (Halo effect) – yêu ai yêu cả đường đi lối về, Lời tiên tri tự ứng nghiệm (Self-fulfilling prophecy– biến ảo thành thật, Hiệu ứng bàng quan (Bystander effect) – nơi đông người là nơi ít trái tim,…
Điều mình thích: Môn này rất gần gũi với những trải nghiệm của mình. Bài học nào mình cũng “ồ, à, ra zậy”. Cảm hứng để thực hiện đa phần đề tài nghiên cứu khoa học của mình đều đến từ môn Tâm lý học xã hội này.
Điều mình gặp khó khăn: Không có
Thứ (chúng) mình đã làm:
- Thuyết trình về chủ đề Tình yêu từ đâu mà đến và Hẹn hò trong thời đại công nghệ
- Viết bài luận về Định kiến Xăm hình
Một đoạn bài luận của mình lí giải về cách truyền thông gia tăng định kiến xăm hình
Một đoạn bài luận của mình lí giải về cách truyền thông gia tăng định kiến xăm hình

6. Kỹ năng tham vấn

Rate: 10/10
Nội dung: Môn này chứng minh cho lầm tưởng mà mọi người hay bảo là “nhà tâm lý chỉ ngồi nghe bạn kể chuyện, sau đó lấy tiền”.
Kĩ năng tham vấn là bộ các kĩ năng chúng mình cần học khi thực hành tham vấn, trị liệu tâm lý cho thân chủ. Chúng mình học về các quy tắc khi thực hành tâm lý như: không được có mối quan hệ nào khác ngoài mối quan hệ tham vấn với thân chủ; khi gặp thân chủ ngoài phòng không gian trị liệu thì nên làm gì,...
Ngoài ra, chúng mình cũng học rất nhiều kĩ năng cần thiết như: lắng nghe, phản hồi, đặt câu hỏi, nâng đỡ, thậm chí học cách thể hiện bản thân (đánh son, mang quần áo,…) và sắp xếp vật dụng phòng tham vấn như thế nào để tạo được không gian an toàn nhất.
Điều mình thích: Môn này dạy cho mình thận trọng và cân nhắc nhiều hơn không chỉ trong không gian tham vấn mà còn trong các giao tiếp bình thường. Một câu hỏi đóng thay cho một câu hỏi mở, một lời khuyên thay cho sự lắng nghe trọn vẹn cũng sẽ thay đổi rất nhiều cảm giác của người đối diện về cuộc trò chuyện đang diễn ra.
Điều mình gặp khó khăn: Môn này thực sự rất khó. Mục tiêu của việc học các kĩ năng trên không phải để nhà tham vấn thực hành một cách máy móc mà là thực hành nhưng phải xuất phát từ sự thấu cảm tự thân. Điều này không hề dễ dàng và cần thời gian để trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Tuy nhiên, trải nghiệm môn này cũng đã giúp mình nhận ra bản thân có phù hợp để làm tham vấn hay không.
Thứ (chúng) mình đã làm:
- Bắt cặp và sắm vai nhà tham vấn-thân chủ thực hiện một buổi tham vấn.

7. Tâm bệnh học

Rate: 10/10
Nội dung: Môn này chúng mình được học về sức khỏe tâm thần, các rối loạn tâm thần được đề cập đến trong 2 tài liệu phân loại quốc tế là ICD của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và DSM của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA). Một số nhóm phổ biến chúng mình đào sâu là tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, rối loạn nhân cách, rối loạn liên quan đến ăn uống,…
Ngoài ra, chúng mình cũng học và trao đổi về các quan điểm và yếu tố ảnh hưởng đến cách nhìn nhận và phân loại đâu là dấu hiệu tâm lý bình thường (normal) và dị thường (abnormal).
Điều mình thích: Mình iu môn này lắm, tại nó mở ra cho mình rất nhiều góc nhìn mới, đặc biệt là trong việc phân loại bình thường – bất bình thường. Đôi khi cùng chung một triệu chứng nhưng tùy thuộc bối cảnh văn hóa và thời gian khác nhau, đó có thể là một trải nghiệm bình thường hoặc là một vấn đề tâm lý cần can thiệp.
Điều mình gặp khó khăn: Không có
Thứ mình đã làm:
Mọi người ấn zô hyperlink để xem full bài của mình nha
Mọi người ấn zô hyperlink để xem full bài của mình nha
- Phân tích trường hợp cuối kì

8. Phương pháp nghiên cứu

Rate: 10/10
Nội dung: Môn này chúng mình có hai học phần 1 và 2.
Ở học phần 1, chúng mình học về các kiến thức khoa học cơ bản như: Khoa học, ngụy khoa học là gì và tại sao tâm lý học là một môn khoa học? Phương pháp khoa học là gì và các phương pháp nghiên cứu khác nhau. Ngoài ra, chúng mình cũng học cách thực hiện một nghiên cứu thực nghiệm, từ cách lựa chọn phương pháp phù hợp, cách đo lường biến số, thiết kế các biến, cách viết đề cương, đến cách tránh đạo văn và trích dẫn.
Ở học phần 2, chúng mình học kĩ hơn về các phương pháp nghiên cứu khác bao gồm cả nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính (phỏng vấn sâu, phỏng vấn nhóm). Chúng mình cũng rèn luyện các kĩ năng như đọc và phản biện tài liệu, tổng quan nghiên cứu.
Điều mình thích: Đây là môn tạo nên bước ngoặt trong tư duy của mình. Nếu không có môn này chắc mình vẫn sẽ bị lừa bởi các bẫy thông tin, vẫn mắc lỗi ngụy biện khi tranh luận và có khi đang đạo văn mà chính mình cũng không biết.
Điều mình gặp khó khăn: Khi mới học và bắt đầu làm nghiên cứu, mình cũng đã cảm thấy ngợp và không thuộc về lắm. Học và làm nghiên cứu đòi hỏi mình tư duy phản biện, phân tích, tự truy vấn và giải quyết vấn đề thay vì chỉ thụ động lắng nghe. Tuy nhiên, đây là một hành trình dài cần sự luyện tập nên khó khăn ban đầu là điều hiển nhiên.
Thứ chúng mình đã làm:
- Học phần 1: Thực hiện nghiên cứu đề tài “Mối quan hệ giữa màu sắc và trí nhớ ngắn hạn"
Poster báo cáo cuối kì của chúng mình
Poster báo cáo cuối kì của chúng mình
Nghiên cứu sau đó đã được chúng mình cùng giảng viên xuất bản
Nghiên cứu sau đó đã được chúng mình cùng giảng viên xuất bản

9. Thống kê trong tâm lý học

Rate: 10/10
Nội dung: Môn này tụi mình được học song song với môn phương pháp nghiên cứu. Để phục vụ cho việc phân tích và chứng minh các câu hỏi trong đề tài nghiên cứu khoa học, tụi mình cũng được trau dồi thông tin về dữ liệu (data); các loại dữ liệu khác nhau; cách xử lý, làm sạch dữ liệu; các phép thống kê như thống kê mô tả, kiểm định khác biệt t-test, ANOVA; phân tích tương quan và hồi quy.
Tụi mình sẽ học và thực hành trên hai phần mềm thống kê chính là Jamovi và SPSS.
Điều mình thích: Hiểu về dữ liệu, hiểu dữ liệu đang nắm giữ thông tin gì và ý nghĩa như thế nào đối với đề tài nghiên cứu là điều rất cần thiết. Tự “xào nấu” data và khám phá thêm những phát hiện mới ngoài câu hỏi nghiên cứu ban đầu là một trong những cảm giác thỏa mãn nhất của mình.
Điều mình gặp khó khăn: Tương tự môn phương pháp nghiên cứu, người con khối C này thực sự cũng đã chật vật khi chạy thống kê.
Thứ mình đã làm:
- Chạy thống kê cho các đề tài của môn phương pháp nghiên cứu.