Khi ta tự tạo ra sự thật cho lời tiên tri về đời mình
Quyết định cuộc đời đa phần là từ ta
Sáng nay, Barbie đi làm ngày đầu tiên.
Với kinh nghiệm là người luôn chiến thắng trong cuộc đua "ai là người thiếu tin tưởng bản thân nhất", Barbie đi đến nơi làm việc với một niềm tin: Mình sẽ không được mọi người ở chỗ làm yêu thích đâu.
Với suy nghĩ đó, Barbie đâm ra sợ việc giao tiếp với mọi người vì lo rằng mình sẽ nói gì đó không đúng. Khi được bắt chuyện, Barbie cũng chẳng dám đáp lại nhiều lời vì nghĩ rằng “người ta chỉ đang xã giao với mình thôi”.
Cuối cùng, Barbie chẳng thể add được Zalo ai sau buổi gặp mặt đầu tiên và trở về nhà với nỗi buồn lặp lại y như suy nghĩ ban đầu của cô “Mọi người chẳng ai thích mình”.
Câu chuyện về một lời dự đoán nào đó trở thành sự thật hẳn là không hề hiếm thấy. Nhưng có phải mọi thứ đều ngẫu nhiên, đều do vũ trụ, do sao thủy nghịch hành hay còn vì điều gì khác?
Thực tế rằng, đôi lúc chính chúng ta là người tự tạo ra sự thật cho lời tiên tri của chính mình.
Tình huống này được gọi là Lời tiên trị tự ứng nghiệm (Self-Fulfilling Prophecy)
Lời tiên tri tự ứng nghiệm cho rằng nếu chúng ta có suy nghĩ về một điều gì đó sẽ xảy ra, ta thường sẽ nỗ lực ít hơn hoặc nhiều hơn theo chiều hướng mong đợi. Từ đó kéo theo các phản ứng cùng chiều và dẫn đến kết quả gần như hoặc đúng với điều ta đã tưởng tượng ra từ đầu (Rosenthal, 2012). Điều đó có nghĩa là nếu ta kì vọng điều tồi tệ nhất xảy ra, rất có khả năng những hành động chúng ta thực hiện đều sẽ dẫn đến điều tồi tệ đó, và ngược lại.
Chu trình này có thể đi theo các bước:
- Những kỳ vọng về bản thân, người khác hoặc sự kiện được hình thành (“anh ấy không yêu mình”).
- Những mong đợi đó được thể hiện bằng lời nói hoặc các hành vi (nói với người yêu “sao anh không yêu em?”, “anh không yêu em đúng không?”).
- Hành vi và cách phản ứng của bạn, người trong cuộc được điều chỉnh để phù hợp với thông điệp hay niềm tin ban đầu khiến kỳ vọng trở thành hiện thực (anh ấy giận vì bạn không tin vào tình cảm của anh ấy).
- Sự xác nhận củng cố niềm tin của bạn (“anh ấy nổi giận, anh ấy thực sự không còn yêu mình”).
Lời tiên tri tự ứng nghiệm có thể đến từ chính bản thân chúng ta
Như cách Barbie tin rằng mình chẳng thu hút để người khác muốn làm bạn, thu mình và không dám giao tiếp với người khác.
Như cách chúng ta xem tarot và nhận một thông điệp rằng hôm nay sẽ là một ngày tệ, sau đó chỉ có thể để ý và ghi nhớ những điều xấu diễn ra như gặp trời mưa, quên sạc điện thoại, cãi nhau với người yêu.
Nhưng lời tiên tri cũng có thể đến từ người khác
Như cách thầy cô phán xét rằng nếu chúng ta không đạt được điểm giỏi ở một môn học nào đó đồng nghĩa chúng ta có thể chẳng làm nên trò trống gì. Từ đó khiến ta mất niềm tin vào bản thân, mất động lực hoặc khiến thầy cô trở nên ít quan tâm và giúp đỡ chúng ta. Cuối cùng dẫn đến việc ta trở thành một học sinh kém (Chandrasegaran, Padmakumari, 2018).
Hoặc ngược lại, nếu thầy cô tin tưởng và động viên, học sinh cũng có niềm tin hơn vào khả năng bản thân, từ đó nỗ lực hơn và chứng minh niềm tin đó là đúng (Johnston và cộng sự, 2021).
Lời tiên tri tự ứng nghiệm và lòng tự trọng (self-esteem) có mối quan hệ khắng khít
Lòng tự trọng (self-esteem) là đánh giá chủ quan của mỗi chúng ta về giá trị của bản thân. Nó bao gồm tập hợp những niềm tin, cảm xúc về khả năng và phẩm chất của bản thân (Cherry, 2023).
Những người có lòng tự trọng thấp thường cảm thấy thiếu tự tin vào khả năng của mình, cũng như thường xuyên nghi ngờ vào những quyết định của bản thân. Đặc trưng của những người có lòng tự trọng thấp là luôn thường trực cảm giác rằng mình không xứng đáng, không tốt và không đủ (not enough). Bởi vậy, họ thường đưa ra những lời tiên tri theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, cũng như tin một cách thiếu chọn lọc hơn vào các nhận xét hay nhận định tiêu cực từ người khác.
Điều này tạo nên một vòng lặp luẩn quẩn: lòng tự trọng thấp -> thường đưa ra hoặc tin một lời tiên tri tiêu cực về bản thân -> hành động và tiếp nhận thông tin dựa trên dự đoán đó -> xác nhận lời tiên tri tiêu cực là chính xác -> khắc sâu hơn cảm giác tiêu cực về bản thân.
Tóm lại là:
Đôi lúc chúng ta dự đoán điều gì đó và nó thực sự xảy ra. Điều đó không hẳn là bởi ngẫu nhiên mà có thể đến từ cách ta phản ứng với lời tiên tri đó. Lời tiên tri tự hiện thực có thể đến từ bản thân chúng ta hoặc đến từ người khác. Tuy nhiên, nếu lòng tự trọng (bao gồm niềm tin và cảm xúc về bản thân) của ta thấp, khả năng các lời tiên tri theo hướng tiêu cực sẽ dễ xảy ra hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất