1. Tổng quan về ngành Marketing và Communication: 

Có lẽ nếu bạn nào đã bắt đầu tham gia vào ngành Marketing, các bạn đã rất quen thuộc với những khái niệm như Client, Agency, In-house,TVC, POSM,.. hay Brand, Design, Content,... nhưng vẫn chưa thật sự hiểu cách vận hành của chúng. Trong ngành Marketing và Communication, có hai con đường đi lớn để các Marketer lựa chọn đó là đứng ở vị trí của Client và vế còn lại là Agency. 

*Client: Khái niệm Client được nói tới để chỉ những người trong phòng ban công ty của các tổ chức, công ty tập đoàn sản xuất các sản phẩm hữu hình như Unilever, P&G, Coca Cola, Pepsi,.. hay những công ty sản xuất các sản phẩm vô hình như Vietnam Airline, Mobiphone, Techcombank hay Uber, Grap,...

Đọc thêm:

Những bạn Client chịu trách nhiệm lên chiến lược marketing, tìm hiểu thị trường, chính sách giá, chính sách sản phẩm, chính sách tiếp thị và phân phối (giống như 3P trong 4P mà chúng ta được học trong trường),.. tuy nhiên với P cuối cùng - Promotion thì cần có sự đi sâu hơn để đạt được hiệu quả cao nhất và Client thường sẽ sử dụng một đơn vị thứ ba gọi là Agency để giúp họ giải quyết vấn đề này. 
Những bạn nào có tinh thần doanh chủ (entrepreneurship), dám ra quyết định, dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình, yêu thích con số, hàng ngày quan tâm đến con số về doanh thu, thị phần và những giải pháp để tăng doanh thu, cạnh tranh với competitor thì bạn rất thích hợp để làm bên Client. 
*Agency: Agency là những công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoặc tư vấn cho Client để giúp Client có những chiến lược Promotion hiệu quả. Mỗi client có thể sử dụng và phối hợp với rất nhiều Agency khác nhau vì có rất nhiều loại Agency tùy thuộc vào dịch vụ mà họ cung cấp như Advertise, Public Relation, Media,... 

Đọc thêm:

*Mối quan hệ giữa Agency và Client: Trong một Quý hoặc một năm, Client sẽ có một ngân sách nhất định dành cho Promotion và Client sẽ tìm kiếm những Agency phù hợp để sử dụng ngân sách này một cách hiệu quả nhất. Như vậy, Client chính là khách hàng của Agency. 
Ngày nay, các công ty thường có xu hướng xây dựng đội In-house Agency trong công ty, đặc biệt là các công ty Startup và SME (ít kinh phí thuê Agency làm), hoặc các công ty về công nghệ, kỹ thuật hay e-commerce,... do vấn đề bảo mật về data hoặc cần làm việc gấp và thay đổi nhanh. 

Đọc thêm:

2. Các loại Agency phổ biến: 

1.Advertise Agency : đây là những công ty quảng cáo truyền thống. 
Những công ty này thường là những công ty Agency đời đầu (sử dụng quảng cáo TVC ngoài trời, Print, POSM, Outdoor,...) Hiện nay, các công ty Advertise thường là những công ty đa quốc gia như Ogilvy có tuổi đời rất lâu và có kinh nghiệm trong mảng xây dựng thương hiệu hoặc xây dựng chiến lược truyền thông. Chính vì thế, những công ty này thường đóng vai trò chủ lực với khách hàng trong việc định hướng kế hoạch xây dựng thương hiệu và kế hoạch truyền thông, thường gọi là Truyền thông tích hợp cho khách hàng. 
Để tham gia vào những công ty Agency này, bạn cần có Tiếng Anh cực tốt và có kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu cũng như hoạch định chiến lược. Thông thường, sinh viên mới ra trường để có thể làm trong Agency này khá khó và hiếm. Tuy nhiên, nếu bạn có kinh nghiệm đủ nhiều đủ tốt từ năm nhất đại học, chắc chắn khi ra trường bạn sẽ có cơ hội. 
2. Public Relation (thường gọi tắt là PR): Là những công ty quản trị danh tiếng cho khách hàng, tổ chức hoặc cho Brand. Những công ty này thường làm các công việc như giúp nhãn hàng liên kết với các bên có tầm ảnh hưởng để nâng cao vị thế và danh tiếng, hay xử lý khủng hoảng truyền thông cho khách hàng. 
Để có thể tham gia vào Agency này, các bạn trẻ cần phải có mối quan hệ cực kỳ tốt với những bên có tầm ảnh hưởng như Media, Báo chí, KOLs, chuyên gia,... Nếu các bạn là những người thích giao lưu với người lạ, thích làm việc với người nổi tiếng, tương tác với người có tầm ảnh hưởng thì có lẽ những Agency này rất hợp với bạn. 
3.Event & Activation: Đây có lẽ là loại Agency được nhiều bạn trẻ biết nhiều nhất vì nó rất gần gũi với các bạn sinh viên và mở ra nhiều cơ hội vào ngành Marketing hơn. Đúng với cái tên của loại Agency này, công việc mà nó thường làm đó là lên Event (như Event Launching sản phẩm, hội thảo khách hàng, hay Workshop, Seminar kết nối khách hàng và thương hiệu,...). xây dựng các hoạt động Kích hoạt thương hiệu cho nhãn hàng hoặc khách hàng. 
4.Digital Marketing: Digital Marketing những năm gần đây là một mảng rất hot và rất cần nhân lực trong ngành Marketing và Communication bởi các trường đại học hiện nay chưa sẵn sàng để đào tạo kiến thức do sự thay đổi quá nhanh của nó. Tính tới nay, vào năm 2018 khi mình tìm hiểu thì mới chỉ có trường FPT là có một ngành Digital Marketing phối hợp với VinaLink làm tài liệu giảng dạy. 

Đọc thêm:

Bạn đừng hiểu lầm Digital chỉ là phải biết code, biết chạy SEO, hay biết những phần kỹ thuật bên trong đó, Digital còn là rất nhiều mảng khác như xu hướng người dùng sử dụng các công cụ mạng xã hội như Facebook, Google, Social Media,.. hay đơn giản là sử dụng Content hay Hình ảnh để đem thông điệp, thương hiệu tới khách hàng. 
Trong thời gian sắp tới, mảng Digital sẽ được tích hợp vào tất cả các bộ phận của ngành Marketing và đòi hỏi Marketer có sự hiểu biết hơn về mảng này, chính vì thế, theo mình, ngay từ bây giờ các bạn nên tìm hiểu về Digital Marketing và những ứng dụng của nó. 
5.Production House:  Hiểu nôm na, Production House là những công ty chuyên cung cấp các dịch vụ quay phim, chụp hình, in ấn cho khách hàng. Những bạn thuộc Production House thường có sự sáng tạo vô hạn và rất nghệ thuật. Mặc dù chỉ chiếm phần nhỏ trong thị phần Agency nhưng những sản phẩm của Production House lại dễ được xuất hiện và nhìn thấy nhất, vì thế tỷ lệ các bạn trẻ mong muốn vào những Agency này thường rất cao. 
6.Research: Có lẽ đây là Agency hiếm bạn trẻ biết tới nhất vì những Agency này thường không được nổi bật và biết tới nhiều như Production House hay Event & Activation Tuy vậy, đây lại là Agency được Client quan tâm hơn cả bởi mọi quyết định của Client đều dựa trên số liệu, đặc biệt là những khách hàng chuyên nghiệp, những Client thuộc TNCs hay MNCs (công ty đa quốc gia). Một trong những Agency nổi tiếng nhất trong mảng này là Nelsen. 
Để có thể gia nhập vào ngành Agency này, các bạn sinh viên phải là người cực thích con số, số liệu, biểu đồ,... có khả năng đọc hiểu data, diễn giải số liệu và đưa ra những kết luận giải quyết vấn đề cho khách hàng dựa trên chúng. 
7.Media: Các công ty Media là các công ty trung gian giúp khách hàng xử lý, hoạch định các ngân sách media làm sao cho hiệu quả như đăng Quảng cáo, TVC của công ty lên các kênh truyền hình, mạng xã hội,... Trong mảng Agency, Media là mảng mà được nắm giữ nhiều ngân sách của Client nhất (chiếm tới 70 - 80%). 
Để làm được trong các công ty này, các bạn phải là người giỏi số liệu, xử lý ngân sách lớn, giúp khách hàng phân chia, lên chiến lược sử dụng các kênh truyền thông, chọn giờ đăng, chọn chương trình phù hợp để thông điệp quảng cáo của thương hiệu đến đúng đối tượng mục tiêu. 
8. Media Publisher: Là những đơn vị xuất bản nội dung như VTV, Zing, Facebook, Google hay Spotify,.. Đặc điểm của những bên này phải đảm bảo 3 yếu tố (1) có kênh tiếp cận, (2) có khán giả và (3) có nội dung. Trước đây, những Media Publisher thường trực thuộc nhà nước nên thường ít năng động và tham gia vào vòng tròn Agency. Tuy nhiên, dưới sự phát triển mạnh mẽ của các Social Media như Facebook, TikTok hay Youtube, Media Publisher ngày nay đã năng động hơn cũng như cần nhiều nhân lực sản xuất nội dung hơn. Chính vì thế, đây cũng là một mảnh đất màu mỡ cho các bạn sinh viên trong ngành Marketing sau khi ra trường. 
9.Influencer Agency: Đúng như cái tên của nó, Influencer Agency là những công ty chuyên kết nối những Influencer, lựa chọn những Influencer phù hợp với các nhãn hàng. Đây là một mảng Agency mới trong 2-3 năm gần đây do vậy tài liệu về nó còn khá ít. Tuy nhiên mình vẫn muốn điền nó vào đây để mọi người có thể hiểu hơn về những Agency đang có và chọn cho mình một nơi làm việc phù hợp.  
Tuy chỉ là những tóm lược sơ bộ về ngành Marketing và Communication nhưng mình hy vọng qua đó sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ngành, những cơ hội trong ngành để có thể lựa chọn đúng đắn nghề nghiệp của mình. Cuối cùng, đây là một ngành rất rộng lớn để các bạn sinh viên có thể tham gia và thử thách. Lựa chọn nào cũng có những mặt lợi/ hại của nó. Chính vì thế, để biết thật sự mình thích mảng nào và mong muốn là mảnh ghép gì trong ngành, chỉ có cách sẵn sàng thử và sẵn sàng làm mới giúp bạn tìm được. Rất mong có cơ hội được gặp mọi người trên cương vị là đồng nghiệp <3 
----------------
- Bài viết được ghi lại và tổng hợp từ chia sẻ của chị Diệu Anh - Managing Director tại AIM Academy tại chương trình Chuyện người trong muôn nghề 3 (3/10/2018) 
- Trong bài có sử dụng thuật ngữ 4P trong Marketing của Philip Kotler, tuy nhiên, trong khi làm Marketing thực tế, rất nhiều công ty đã chuyển đổi từ 4P sang 5P, 6P hoặc 7P, nhưng mình xin phép được sử dụng 4P cho các bạn dễ hiểu.