Người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp. Truyền thông, báo đài, dư luận đưa ra những tấm gương khởi nghiệp thành công khiến ai cũng rạo rực, muốn làm giàu, muốn khởi nghiệp thành công. Nhưng khởi nghiệp có giống như các bạn vẫn nghĩ, vẫn biết?
Nếu bạn còn băn khoăn khởi nghiệp là như thế nào, có hợp với mình không thì hôm nay mình sẽ chia sẻ những quan điểm của mình về khởi nghiệp với con mắt của một đứa ngoại đạo – không học kinh doanh, kinh tế, nhưng vẫn khởi nghiệp như mình.

1. Năng lực lãnh đạo thật sự là yếu tố quyết định (Leadership)

Rất nhiều người cho rằng chỉ cần có chuyên môn là họ đã có thể khởi nghiệp. Đó là một sai lầm nghiêm trọng vì nếu chỉ lo tập trung chuyên môn mà coi nhẹ việc học hỏi và rèn luyện kỹ năng xã hội thì sẽ khó để vươn lên làm lãnh đạo.. Mình cũng đã trực tiếp thấy nhiều bạn sinh viên giỏi, điểm cao, mà vẫn phải nhường những vị trí tốt cho những bạn có chuyên môn không mạnh bằng nhưng lại có khả năng tập hợp được nhiều người giỏi.
Người chủ công ty khởi nghiệp là đầu một con tàu chạy trong màn sương, là bởi cái gì mới thì người ta cũng sẽ rất khó đoán định hướng đi và tương lai cho nó. Những người ngồi toa sau - những người nhân viên rất có thể hoang mang về tương lai, hoặc đi chệch hướng so với quỹ đạo ban đầu - nhất là với công ty khởi nghiệp khi mọi thứ còn mới mẻ và đang được xây dựng dần dần. Do đó họ cần một đầu tàu dẫn đường qua màn sương, kiên định truyền động lực để họ tiến bước theo đúng lối đi.
Mình thấy rằng, kỹ năng lãnh đạo chiếm trọng số lớn để hoàn thành 2 công việc này. Ở Scholarship EZ, là một người có sở trường nghiên cứu khoa học, mình không có điểm mạnh về Marketing, Sales, quản lý tài chính. Vì vậy mình tuyển lên “đoàn tàu” EZ của mình những cá nhân xuất sắc, tin tưởng, giữ chân và truyền động lực cho họ phát triển song hành cùng tổ chức. Mình không biết vài năm nữa EZ Scholarship sẽ trở thành một tổ chức như thế nào, nhưng mình đảm bảo vì người trẻ sẽ luôn là sứ mệnh chỉ đường cho đoàn tàu của mình.

2. Khả năng thấu hiểu khách hàng (Customer Understanding)

Doanh nghiệp không chết vì không có sản phẩm tốt nhất thế giới. Doanh nghiệp chết vì không có đủ khách hàng. Phương thấy, trong một doanh nghiệp, suy cho cùng người trả lương cho nhân viên không phải là ông chủ, cũng chẳng phải cổ đông, mà lại chính là khách hàng.
Dù bạn khởi nghiệp với một sản phẩm hay dịch vụ nào thì sản phẩm hay dịch vụ của bạn vẫn cần giải quyết một vấn đề của khách hàng. Có khá nhiều bạn tâm sự với Phương rằng, em thực sự rất muốn khởi nghiệp, muốn có cái gì đó của riêng mình nhưng em không biết tìm ý tưởng ở đâu cả. Và mình thường chia sẻ với các bạn rằng ý tưởng không đâu xa, hãy thử quan sát bố, mẹ, anh, chị, em, bạn bè, v.v của mình hàng ngày để nhận thấy vấn đề gì của họ mình có thể giải quyết, vì thật ra đó là cách các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ ra đời.
Ngay cả mình cũng vậy, mình vốn ban đầu không có ý định kinh doanh. Mình khởi đầu với hoạt động chia sẻ thông tin miễn phí về kinh nghiệm du học. Thế rồi để giúp các bạn nhiều hơn, mình muốn mời thêm các anh chị giỏi thành công ở nhiều học bổng về chia sẻ. Vì anh chị thực hiện bằng lòng tốt và sự nhiệt tình mà không có bất cứ lợi ích nào, mình cũng rất ngại khi mời. Khi đó mình nhận thấy để mô hình này bền vững, 1 là cần có lợi ích rõ ràng cho người dạy và 2 là nhu cầu của người học đủ lớn. Và thế là EZ Scholarship ra đời, và tất cả đều bắt nguồn từ việc mình hiểu vấn đề nhức nhối trong việc apply của các bạn trẻ.
Ông bà ta thường gọi kỹ năng này là “nhạy bén” trong kinh doanh. Về cơ bản những người nhạy bén không chỉ là người nhìn thấy nhu cầu chưa được đáp ứng, mà còn là người nhận thấy những sự thay đổi không ngừng nghỉ của người tiêu dùng. Sự thấu hiểu đó sẽ giúp bạn vừa có ý tưởng khởi nghiệp, vừa cải tiến sản phẩm tốt hơn khi đã có start-up hình thành.

3. Sự lì lợm, kiên định (Resilience)

Là một người trẻ tuổi, mình đã gặp nhiều người nói với mình rằng: "Hãy nghe chú đi, bác đi, 10 năm kinh nghiệm kinh doanh chú biết phải làm gì". Và thực tế mình cũng từng làm theo lời khuyên này để rồi nhận ra 10 năm kinh nghiệm đó nhiều khi chỉ là 1 năm kinh nghiệm thực hiện 10 lần. Vì có những người họ làm đi làm lại 1 năm đó trong cùng 1 cách mà không hề đổi mới hay cập nhật tình hình thời thế.
Đây cũng là lời nhắc nhở với chính mình và team của mình là năm sau phải khác hơn năm trước còn không nó chỉ là 1 năm kinh nghiệm 10 lần.
Nếu như bạn có kỹ năng lãnh đạo tốt, khả năng thấu hiểu khách hàng tuyệt vời, bạn có thể thành công với vị trí Marketing, Sales, v.v ở nhiều công ty khác nhau. Nhưng điều làm nên sự khác biệt giữa một người đi làm công ăn lương và một người tạo dựng một tổ chức mới là ở điểm này. Mình nghĩ rằng đến đoạn này, nếu bạn vẫn băn khoăn không biết mình phù hợp với việc gắn bó cùng một công ty hay mở công ty cho riêng mình thì có thể xác định xem bản thân có yếu tố này hay không.
Suy cho cùng thì bắt đầu từ con số 0 không bao giờ là con đường trải hoa hồng. Mình phải hy sinh rất nhiều cho đứa con cưng của mình. Học Tiến sĩ ở Mỹ không phải chuyện đùa, yêu cầu rất cao và bài vở căng thẳng vô cùng. Rất nhiều ý tưởng mình làm cho Scholarship EZ... thất bại thảm hại. Ngay giữa đại dịch như thế này, kinh tế đình trệ, mình cũng không khỏi lo lắng. Nhưng “fail fast, learn fast, grow fast”, cứ phải làm đã, cứ phải ra sản phẩm, cứ phải vấp ngã mới biết đúng, sai vì suy cho cùng là đoàn tàu đi trong sương mù mà, con đường còn rất nhiều điều chông gai và không chắc chắn.
Khởi nghiệp là trường học đẩy mình đi tới và mỗi ngày luôn là một ngày học hỏi. Công việc đó thú vị hơn nhiều, ý nghĩa hơn về mặt tài chính sau này mình đạt được. Dù còn quá nhiều thứ phải học, còn nhiều trải nghiệm chưa kịp thấm, nhưng điều quan trọng nhất giúp mình giữ được động lực khởi nghiệp suốt hơn năm qua đó là mình được làm những điêù mà trước đây mình chưa dám làm. Vì vậy nếu bạn không sợ vấp ngã thì hãy bắt đầu học cách quan sát, thấu hiểu mọi người xung quanh và rèn luyện kỹ năng Leadership cùng mình nhé!
Chúc các bạn sớm thành công!
Phương Clark.

Đọc một số bài viết nổi bật khác:
1. Muốn đi học Tiến sĩ ở tuổi 23, cần chuẩn bị sớm đến thế nào: https://duhoc.dantri.com.vn/…/muon-du-hoc-ngay-sau-khi-lay-…
2. "Học ngu mà kiếm được nhiều tiền còn hơn học giỏi mà không kiếm được tiền": https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2848494125266239&set=a.133077223474623&type=3&theater
3. Bình đẳng giới đến từ chính ngôi nhà của bạn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2688179554631031&set=a.133077223474623&type=3&theater