Người xưa chống dịch như thế nào?
Florence trong vòng bao vây: Sống sót qua đại dịch trong một thành phố thời kì cận đại của sử gia John Handerson, đại học Yale
Ta có thể học được gì từ cách chống dịch của người xưa?
Giãn cách xã hội, đưa người bệnh vào khu cách ly tập trung, phạt tiền người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, phân phát nhu yếu phẩm cho người bị cách ly tại nhà? Hoá ra từ cách đây hàng trăm năm, khi đối đầu với dịch hạch các cán bộ của Sở Y tế Florence đã áp dụng những biện pháp cứng rắn như vậy.
Đại dịch tới Italy vào một ngày thu lạnh lẽo năm 1629. Nó đến cùng với những người lính đánh thuê Giéc-manh (và đám chấy rận của họ) hành quân qua vùng nông thôn Piedmont. Nó điên cuồng quét qua vùng phía Nam Italia, chỉ chậm lại khi chạm tới biên giới tự nhiên là dãy núi Apennines. Ở phía bên kia, Florence đã tự chuẩn bị. Các cán bộ của Sở Y tế, cơ quan quản lý sức khỏe thành phố lo lắng viết thư cho những người đồng nghiệp ở Milan, Verona, Venice với hy vọng học được mô hình dịch bệnh sẽ giúp họ bảo vệ được thành phố. Các báo cáo từ Parma chỉ ra rằng người dân ở đó đã suy sụp tới mức họ ước gì mình được thay chỗ của người chết. Biết được chuyện đó, các cán bộ Sở Y tế Bologna đã cấm người dân bàn tán về dịch bệnh, vì họ sợ rằng người ta có thể triệu hồi thần chết chỉ với ngôn từ. Người ta nghĩ rằng dịch bệnh lây truyền qua không khí ô nhiễm, trong hơi thở của người ốm hoặc dính vào các bề mặt mềm như vải hay gỗ, vì thế vào tháng Sáu năm 1630 Sở Y tế đã tạm dừng các hoạt động thương mại và thiết lập các chốt kiểm dịch trên các đỉnh núi của dãy Apennines. Nhưng họ sớm nhận ra rằng các ranh giới thật quá mong manh. Nhiều nông dân nghèo đã lẩn qua những người lính canh chốt khi họ ngồi đánh bài. Vào một ngày hè nóng bức, một người bán thịt gà đã ngã bệnh và chết ở Trespiano, ngôi làng trên những ngọn đồi của thành Florence. Thành phố bỗng chới với trước bờ vực của dịch bệnh.
Cho tới tháng Tám, người dân Florence chết ngày một nhiều. Tổng giám mục ra lệnh cho rung chuông của toàn bộ nhà thờ trong thành phố trong khi đàn ông và đàn bà quỳ xuống và mong cầu phước lành từ Thiên chúa. Tháng Chín, sáu trăm người đã được chôn trong hố chôn tập thể bên ngoài tường thành. Và khi hoảng loạn gia tăng, các tin đồn bắt đầu lan ra: về chuyện “chất dầu độc hại” trong bồn nước thánh có chứa mầm bệnh, về chuyện những bác sĩ vùng Sicilia đầu độc bệnh nhân bằng bằng thịt gà thối. Tháng 10, số người được chôn trong hố tập thể đã lên tới hơn một nghìn. Sở Y tế mở nhiều khu cách ly tập trung (lazaretti) cho người ốm và người đang hấp hối trong các tu viện và villa khắp vùng đồi núi Florence. Tháng Mười một, 2100 người chết vì dịch đã được chôn cất. Một cuộc cách ly toàn dân dường như là giải pháp duy nhất. Tháng Giêng năm 1631, Sở Y tế ra chỉ thị cho phần lớn thị dân phải tự nhốt mình ở nhà trong vòng bốn mươi ngày nếu không sẽ bị phạt hành chính hoặc phạt tù.
Trong hồi ký về Đại dịch ở Florence, Giovanni Baldinucci đã mô tả rằng mọi thứ thật buồn thảm làm sao khi mà thấy đường phố và nhà thờ vắng bóng người. Khi thành phố trở nên yên lặng, các dạng quan hệ thân thiết cũng đều bị cấm. Hai chị em gái tuổi teen, Maria và Cammilla, tranh thủ lúc mẹ đang ở trong bệnh viện để nhảy múa cùng những người bạn trong cùng khu nhà. Khi bị phát hiện ra, cha mẹ của đám bạn đã bị tống vào tù. Trong buổi xét xử, người mẹ tên Margherita đã đổ lỗi cho hai cô gái: “Ôi lũ phản bội, chúng mày làm gì thế này?” Một cặp chị em khác thì xua tan sự chán nản khi phải cách ly bằng cách hành hạ em trai mình. Bị bắt sau khi một công an của Sở nhìn thấy lúc cửa nhà đang mở, một trong hai chị em phân trần trước toà rằng để giết thời gian, hai người cho em trai đeo mặt nạ hoá trang, họ thì nhảy múa, và đúng lúc anh công an đi qua thì nhìn thấy cảnh tượng đó trong nhà. Nhảy múa và hoá trang được coi là hành động bất chính, vi phạm các hình thức kiểm soát di chuyển, tiếp xúc, hít thở của Sở Y tế. Nhưng sự cô đơn cũng làm người ta đau khổ.
Không chỉ bác sĩ và thẩm phán, ngay cả người dân thường cũng hiểu được rằng dịch bệnh lây lan qua các mầm bệnh, thế nhưng người dân Florence vẫn thản nhiên coi thường các biện pháp cách ly. Monna Betta d’Antonio không thấy dịch bệnh là lý do để sửa quần áo cho con trai. Với cậu con trai bị cách ly ở tầng dưới, bà đã dựng một cái ròng rọc:
Sáng hôm nay, tôi phải kéo một cái giỏ từ cửa sổ tầng trên xuống, bởi vì con trai tôi nó nhờ sửa một cái quần dài, thế nên tôi mới hạ cái giỏ xuống để nó cho quần áo vào, vì nó bị nhốt để cách ly ở ngay phòng tầng dưới. Và rồi một ông ở Sở Y tế nhìn thấy giỏ quần áo và bắt tôi nhốt vào tù.
“Thứ Tư tuần trước, Antonio di Francesco Trabellesi thú tội,
Tôi đang đi bộ về phía cửa Porta alla Croce, và khi gần đến cổng thì goá phụ Monna Maria bị sở Y tế cho cách ly tại nhà, đã gọi với ra ngoài và hỏi rằng tôi có ổn không. Tôi nói rằng mình vẫn khoẻ và khi đang nói chuyện với cô ấy thì anh công an đến và bắt tôi nhốt vào tù.
Từ góc nhìn của Sở Y tế, người nghèo là những kẻ không tuân thủ pháp luật vì lợi ích của toàn thành phố. Trong khi lần theo dấu vết về những ca bệnh đầu tiên để hiểu về sự bùng phát của đại dịch, sử gia đương thời là Francesco Rondinelli đã đổ lỗi cho người nghèo là quá ích kỷ và tự ý đi thăm người thân, gia đình bất chấp nguy cơ lây nhiễm. Ông kể câu chuyện về một bà vợ của người nướng bánh đến chăm sóc con gái ở Trespanio nhưng về nhà mới đổ bệnh rồi lan truyền dịch cho cả nhà, gây ra hậu quả là cái chết của bảy người khác. Người vợ của một thợ mộc đến chăm sóc cô em gái bị ốm. Khi cô em ấy chết, người đàn bà ấy đã lấy cái áo mà người em ốm chết ấy mặc và đem về cho con gái. “Hành động tình cảm” này khiến bà ta phải trả cái giá đắt, cả vợ chồng, con cái nhà ấy đều chết. Trong cả hai ca bệnh, những người phụ nữ ấy đều đang cố gắng chăm sóc người thân và tái sử dụng quần áo cũ hết mức có thể; theo quan điểm của Rondinelli, sự bất cẩn và tư lợi của họ đã góp phần lây lan dịch bệnh cho cả thành phố.
Người nghèo đôi khi đặt lợi ích của mối quan hệ giữa mình với bạn bè, con cái, anh chị em và hàng xóm lên trên lợi ích chung là điều chắc chắn. Nhưng người giàu hành xử cũng chẳng khác là bao. Pandolfo Sacchi, một hoạ sĩ nổi tiếng làm thuê cho hoàng gia đã được phép đi tới một dinh thự Medici để làm nhiệm vụ vẽ bích hoạ trong phòng triển lãm. Một cặp vợ chồng giàu có khác, Verginia Baldovinetti và Lorenzo Frescobaldi được Sở Y tế cho phép tổ chức lễ cưới ở San Lorenzo. Thay vì bị bắt buộc đưa xác người thân đến hố chôn tập thể ở bên ngoài thành phố, các gia đình quý tộc được phép chôn cất trong hầm mộ gia đình tại các nhà thờ giáo xứ (miễn là họ đào sâu chôn chặt và rắc vôi bột). Khi vợ của Giám đốc Sở Y tế chết vì dịch bệnh, xác chết của bà ta đã được chôn trong nhà thờ. Nhưng những người hầu đã chăm sóc bà ta bị đưa đi cách ly.
Người nghèo bị phán xét không chỉ bởi sự bất cẩn mà còn do thể trạng yếu đuối và cực kì dễ tổn thương với bệnh tật. Những thập niên đầu thế kỷ 17 ở châu Âu cho ta thấy nạn đói đang lan rộng, giá lương thực tăng phi mã và rất nhiều cuộc xung đột tôn giáo (đây là cuộc Đại Khủng hoảng mà rất nhiều sử gia thích đưa ra tranh luận). Một cán bộ giám sát nông thôn quanh vùng Florence đã báo cáo rằng ngay cả trước khi dịch bệnh ập đến, các ngôi làng đều đầy những người phải đi bứt quả dâu dại, quả sồi, cỏ cây ven đường để ăn, và những người đói dọc đường thì trông như xác chết biết đi”. Thành phố cũng không khá khẩm hơn là bao. Một viên thư lại ở Florence ghi nhận rằng “rất nhiều trẻ em nghèo ở Florence phải nhặt thân cây cải bắp ngoài đường để ăn, dù thế nhưng đối với chúng món đó ngon như trái cây vậy”. Nạn đói càng kinh khủng hơn khi đi kèm với sự sụt giảm mạnh mẽ của ngành công nghiệp dệt may ở thành phố, khi các hãng sản xuất ở Anh Quốc, Hà Lan và Tây Ban Nha bán phá giá, số lượng các xưởng len đã giảm một nửa trong khoảng những năm 1596 đến 1626. Những năm dài thất nghiệp và đói kém đã khiến người dân Florence càng dễ tổn thương trong cơn đại dịch hơn.
Bên cạnh người nghèo, những nhóm bị gạt ra ngoài lề khác cũng bị xếp vào loại “dễ sa đọa”. Người Do Thái bị ghê tởm bởi “mùi khó ngửi toát ra từ cơ thể họ” đã phải cách ly trong khu ổ chuột. Gái mại dâm cũng là đối tượng của Sở Y tế: nhiệt độ tăng lên khi quan hệ tình dục là một yếu tố khiến cơ thể yếu đi, dễ bị lây nhiễm hơn. Và vì tình dục là vừa là yếu tố thân mật vừa là công việc, thật khó để người ta có thể bỏ qua cả hai. Giulia di Filippo đã bị Sở Y tế bắt quả tang khi đi làm với một cô gái mại dâm khác và bị xử phải vừa đeo bảng ghi tội trạng trên lưng, vừa cưỡi một con lừa đi lùi ra khỏi thành phố. Kể cả bạn bè bình thường cũng bị quy thành tội mại dâm. Lucrezia di Francescho Bianchi bị bắt vì đi thăm bạn của cô là Maria, vợ của một người thợ xay bột. Trong phiên toà, Lucrezia cãi lại rằng chỉ vì cô “không muốn ở nhà một mình, tôi đến ở chung nhà với vợ người xay bột là bạn tôi, và điều đó chẳng có gì là sao trái và tôi ở nhà với toàn những người lương thiện”. Bản điều tra ghi lại rằng Lucrezia và Maria đã chuẩn bị cho cuộc thăm viếng bằng cách hò hét qua lại với nhau qua cửa sổ của hai nhà.
Dưới con mắt của các vị thẩm phán, người nghèo vừa là tội phạm, vừa là nạn nhân, vừa không có sức chống lại bệnh tật, lại vừa là vật chủ trung gian truyền bệnh qua hít thở, hát hò nhảy múa. Trong khi bị đóng cửa tự nhốt vào đợt cách ly, bác sĩ Antonio Righi, chuyên gia tư vấn cho Sở y tế về sức khoẻ, đã viết điều này thành ẩn dụ. Ông ta viết một khái luận mà trong đó so sánh cơ thể chính trị với cơ thể một người mắc bệnh. Những thành viên quý tộc trong cộng đồng là các bộ phận mạnh mẽ của chính thể, trái tim và bộ não của thành phố, những bộ phận cường tráng có thể tự chống lại dịch bệnh. Người nghèo là các bộ phận cơ thể yếu kém mà thu hút lẫn sản sinh ra dịch bệnh. “Nếu dịch bệnh ở trong thành phố, họ đón nhận và lưu cữu nó, giống như các tuyến bài tiết của xã hội. Trong mắt của Righi, dịch bệnh ở Florence không thâm nhập thành phố bằng cách trèo vượt qua tường, mà thâm nhập và tích tụ rồi lan truyền trong cơ thể của người nghèo.
Susan Sontag khẳng định rằng sự nguy hiểm của cái ẩn dụ thường thấy này, “mô hình y tế của lợi ích tập thể”, là nó cho nhà nước được quyền coi nhóm nào là các thành phần gây bệnh. Nhưng các tuyến không dễ dàng bị cắt bỏ, và cả người nghèo cũng thế: các chính quyền ở thế kỷ 17 không thể loại bỏ hoàn toàn những người mà họ nghĩ là thứ truyền nhiễm dịch bệnh. Mục tiêu tối thượng của Sở Y tế là thành phố dẹp được dịch, nhưng trong khi đó, toàn bộ dân chúng vẫn phải tiếp tục sống. Dịch bệnh vừa bị cách ly nhưng vẫn vừa di chuyển qua các con phố, vừa bị khoanh vùng vừa lây lan, giữa người bệnh và người khoẻ mạnh, giữa người sống và người chết. Dù là ẩn dụ hay cách ly cũng không phải là phương pháp hoàn hảo.
Cuộc sống bình thường đã bị đứt đoạn trong đại dịch. Các hội huynh đệ, tổ chức quy tụ giáo dân lại để làm từ thiện và giao lưu đều không được họp hành nữa. Thuyết giáo công cộng bị cấm. Trường học, quán rượu, nhà trọ, sới bạc và tiệm cắt tóc bị đóng cửa, bóng đá bị cấm. Rondinelli nhớ lại rằng, không có các lễ hội hoá trang, “bóng đá không có người chơi, ngoài đường không có người đeo khẩu trang, hài kịch hay hình thức biểu diễn nào cũng đều bị cấm,... trong cả mùa hè không có cuộc đua ngựa nào, đồng nghĩa với việc không có tụ tập đông người. Cả công sở, nơi làm việc cũng bị đóng cửa luôn. Simone di Piero Ciotti chống đối lệnh cách ly để quay về xưởng in của mình sau khi ba người con của ông đã chết và một đứa khác bị cách ly trong khu cách ly tập trung. (Nhưng hoá ra là sau đó linh mục giáo sứ đã thú nhận trước toà rằng mấy đứa trẻ đó không chết vì dịch bệnh mà có mùi như lũ giun, một dấu hiệu cho thấy những bi kịch tầm thường hơn đã hạ gục người dân Florence trước khi bệnh dịch ập đến). Không khó để liên tưởng rằng Ciotti quay trở lại làm việc để thoát khỏi sự đau khổ mà ông phải chứng kiến khi ở nhà. Các nhà thờ cũng đóng cửa và thánh lễ bị cấm. Các linh mục giáo xứ đứng trên đường phố để nghe giáo dân xưng tội qua cửa sổ, che mồm và mũi với vải nhúng sáp để chống lại các “mầm bệnh. Các bàn thời di động được xây ở góc phố để buổi lễ thánh có thể nghe được đồng thời từ nhiều con phố. Vào mỗi sáng Chủ Nhật, người linh mục rung một quả chuông nhỏ để thông báo với những người bị nhốt trong nhà là buổi lễ thánh đã bắt đầu. Rondinelli chứng kiến và ghi lại:
“Và những ai đã nghe thấy cả thành phố cùng cầu nguyện một lúc… qua sự dịu dàng đó không ai có thể cầm được nước mắt… và điều đẹp đẽ nhất là trên những con phố của người nghèo vẫn thấy nhiều cửa sổ ságn đèn; và những lời khấn nguyện Đức Mẹ vang vọng khắp nơi; bằng cách này chứng minh một cách ngôn rằng người nghèo giữ gìn được hai thứ tốt hơn người giàu: đó là công bằng và đức tin.
Ông ta thấy được quang cảnh chuyển động từ tự do trên đường phố. Nhưng cảm giác sẽ thế nào nếu như ở đằng sau một cánh cửa bị phong kín? Dịch bệnh có nghĩa là cuộc sống bị đứt đoạn bởi các barie: bốn bức tường của ngôi nhà, tấm vải sáp ngăn giữa giáo dân và linh mục, cái mỏ kì lạ trên mặt nạ của bác sĩ chống dịch khi cho bệnh nhân uống thuốc.
Sở Y tế sắp xếp vận chuyển thức ăn, rượu và củi đốt tới từng ngôi nhà bị cách ly (khoảng 30,452 người). Mỗi người bị cách ly được nhận khẩu phần mỗi ngày là hai ổ bánh mỳ, và khoảng nửa cốc rượu (250ml). Vào các ngày Chủ Nhật, Thứ Hai và Thứ Năm thì họ được cho thêm thịt. Vào thứ Ba họ được một cái xúc xích với hạt tiêu được ướp hạt tiêu và hương thảo. Thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần , người ta được phát thêm cơm và pho mát; thứ Sáu thì có salad trộn rau đắng và rau ngọt. Sở Y tế dành hàng đống tiền để mua thực phẩm vì cán bộ nghĩ rằng chế độ ăn của người nghèo khiến họ đặc biệt dễ bị ngã bệnh, nhưng không phải ai cũng nghĩ đó là ý hay. Rondinelli ghi nhận lại rằng một vài tinh hoa của Florence lo lắng rằng điều này sẽ đem lại cơ hội cho người nghèo được lười và mất đi động lực làm việc, bởi vì có 40 ngày được chu cấp mọi thứ nhu yếu phẩm.”
Việc sắp xếp cung cấp thuốc men cũng đắt đỏ không kém. Mỗi buổi sáng, hàng trăm người trong khu cách ly tập trung được phát cho thuốc sắc giải độc, thứ dung dịch được trộn với rệp đất, bọ cạp nghiền và rễ cây chanh đắng được sắc lên. Sở Y tế cũng giao một số nhiệm vụ cho các hội huynh đệ. Anh em trong Hội thánh San Michele Arcangelo lập nhóm giám sát để xác định nguồn lây nhiễm; Hội giáo hữu cứu tế Misericordia nhận nhiệm vụ chuyển người ốm trong các quan tài được tẩm hương tới khu cách ly tập trung. Nhưng hầu hết chi phí đều được chính quyền thành phố chi trả. Các sử gia ngày nay suy đoán rằng việc chi mạnh tay cho y tế công cộng này là bằng chứng cho sự từ bi của thành phố: nếu những hành vi giống như Righi thể hiện sự tàn nhẫn với người nghèo, các sổ sách kế toán của Sở Y tế kể về một câu chuyện khác, không khoa trương nhưng hướng tới những điều tốt đẹp.
Nhưng Sở Y tế cũng sử dụng lực lượng công an, tòa án và nhà tù để trừng phạt những người vi phạm quy định giãn cách. Toà án đã ghi nhận lại 566 trường hợp trong khoảng từ tháng 9 năm 1630 đến tháng Bảy năm 1631, với phần lớn những người chống đối - khoảng 60 phần trăm - bị bắt giữ, tống giam và thả ra mà không bị phạt hành chính. Khoảng 11 phần trăm nữa bị bỏ tù nhưng không bị phạt hành chính. Một mặt thì phần lớn người vi phạm được tha khỏi những hình phạt nặng nề nhất như trừng phạt thân thể hay lưu đày. Mặt khác thì bị tống giam giữa đại dịch chẳng khác nào bị gán tội chết; và tiền phạt của người vi phạm được đóng góp trực tiếp vào hệ thống y tế công. Sở Y tế không tiếc tiền chi vào thức ăn và thuốc men đã cho thấy sự vị tha trước cái nghèo và khốn khổ. Nhưng đó có thật là tốt bụng không nếu như xúc xích và salad đó một phần được trả bởi chính những người nghèo đang được cứu giúp? Mục đích của Sở Y tế có thể là cao thượng thật, nhưng tư tưởng của họ vẫn bị định hình bởi những nhận thức cố hữu cho rằng người nghèo là kẻ cơ hội, lười biếng thiếu suy nghĩ chỉ tranh thủ lợi dụng lúc nhà nước nguy cấp.
Các sử gia tiền hiện đại từng chú trọng tới ý tưởng về “thế giới bị đảo lộn”, về cái khoảnh khắc đảo ngược trong một lễ hội hoá trang khi một người ăn mày được lên làm vua và áp lực về một xã hội bất công được giải phóng. Nhưng điều nổi lên từ những câu chuyện rối rắm trong cuốn sách của John Henderson là cảm giác của rất nhiều người rằng trong đại dịch cả thế giới dường như ngừng chuyển động. Đại dịch ập đến vào đầu mùa hè năm 1631 và vào tháng sáu, người dân thành phố Florence đã ra đường để tham gia vào Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô để tạ ơn Chúa.
Khi đại dịch chấm dứt, khoảng 12 phần trăm dân số của thành phố Florence đã chết. Tỷ lệ tử vong này thấp hơn nhiều so với cách thành phố khác của Italia: ở Venice là 33 phần trăm dân số; ở Milan là 46 phần trăm dân số; còn ở Verona là 61 phần trăm dân số. Liệu dịch bệnh ít tàn khốc hơn ở Florence hay những biện pháp của Sở Y tế làm đã thực sự có hiệu quả? Các con số nói cho chúng ta vài điều về người sống và người chết. Nhưng chúng không nói gì về những con người còn tồn tại. Người dân Florence hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng vẫn đánh cược với mạng sống của mình để thoát khỏi sự chán nản, dục vọng, thói quen hay đau thương. Để biết được sống thì cần trải qua những gì, có lẽ ta nên nhìn vào hai chị em tuổi teen Maria và Camilla, những người nhảy múa qua những tháng ngày bệnh dịch.
Erin Maglaque là một sử gia tại Đại học Sheffield.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất