Hôm qua trong 1 nhóm Marketing trên Facebook, mình có thấy bài đăng của 1 thành viên trong nhóm đặt câu hỏi về tính đúng sai của nhận định "Nằm điều hòa lạnh dễ khiến cho trẻ dễ bị ho cảm" trong TVC quảng cáo siro ho I.N. Trong bài post đó mình thấy bình luận của 1 bạn cho rằng quảng cáo không nhất thiết phải nói lên sự thật khoa học 100%, với dẫn chứng là case study về chiến dịch marketing của Pepsodent.
Mình rất thích bình luận đó, vì nó là cảm hứng khiến mình viết bài viết này. Mình muốn được chia sẻ với mọi người những suy nghĩ cá nhân của mình về chủ đề: "Liệu quảng cáo có cần nói lên sự thật khoa học? , và kèm theo 1 chút phản biện với bình luận đó nữa.
*Chú ý*: Mình xin phép không tranh luận về tính đúng sai của nhận định “Nằm điều hòa lạnh dễ khiến cho trẻ dễ bị ho cảm”, vì nó nằm ngoài hiểu biết của mình và cũng không phải chủ đề thảo luận chính của bài viết này.
--------------------------------------------------------
Trước hết, để giữ được sự khách quan nhất, mình xin phép được trích dẫn lại toàn bộ bình luận của bạn thành viên trong group Marketing đó:
Liệu quảng cáo có cần nói lên sự thật của khoa học?
“Tại sao chúng ta có thói quen đánh răng?”
Người tạo ra chiến dịch lớn để tạo nên thói quen này là Hopkins. Những năm 1990s ông có nhiệm vụ quảng bá 1 sp mới toanh đó là kem đánh răng Pepsodent cho ng Mỹ. Thế quái nào mà làm dc khi lúc đó bao thằng lớn nhỏ kinh doanh thuốc răng miệng đều phá sản? Kem đánh răng là 1 thứ quá lạ lùng. Chẳng ai có lý do dùng nó, dù sự thật là chuyện vệ sinh răng miệng của người Mỹ lúc đó siêu tệ hại, còn dc chính phủ cảnh báo.
Sau khi Hopkins nghiên cứu 1 nùi các tài liệu về răng muốn hói đầu thì ông đã phát hiện ra 1 sự thật khoa học: răng luôn có mảng bám (tên chuyên môn hơn là bựa răng). Đây chính nó! Ông đã dùng sự thật khoa học này để quảng bá cho Pepsodent. “Chỉ cần lướt tay dọc răng, bạn sẽ thấy mảng bám, nó là nguyên nhân khiến răng xỉn màu và sâu răng” - Pepsodent tung quảng cáo ra với thông điệp chính: Pepsodent có thể giải quyết dc mảng bám. NÓ ĐÃ BÙNG NỔ. Tôi sờ tay vào răng, tôi thấy mảng bám, ôi mẹ ơi ghê quá, tôi muốn loại nó ra khỏi răng tôi, tôi muốn đánh răng, tôi muốn Pepsodent! Nhưng có 1 sự thật khoa học khác mà chúng ta ko biết: mảng bám luôn được hình thành trên răng trong quá trình ăn uống. Nó là nơi tích tụ vi khuẩn. Dù có dùng kem đánh răng thì ko thể loại bỏ nó hoàn toàn —> kem đánh răng có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn trên mảng bám tạm thời chứ ko thể triệt tiêu, kể cả Pepsodent. Chính vì điều đó mà dù đánh răng mỗi ngày nhưng kiểu gì sờ vào cũng thấy cái thứ quái quỷ gì đó bám trên răng —> sự gợi ý cần đánh răng —> đánh răng xong cảm giác the the miệng, CẢM GIÁC SẠCH —> thói quen hình thành.
———————
Khi đọc tus của bạn (Tính đúng sai của nhận định: "Nằm điều hòa lạnh dễ gây ho cảm") thì mình nghĩ ngay đến case này. Một case kinh điển trong cuộc đời làm quảng cáo của Hopkins. Lúc mới đọc case, mình cũng kiểu, ơ thế vẹo nào, qc nói láo là từ thời đó rồi à??? Nhưng rồi mình thay đổi góc nhìn, Hopkins ko đi sai lệch gì bản chất của quảng cáo cả. Cái Hopkins nói ra với người dùng ko phải 100% sự thật của khoa học. Vì đó ko phải vde chính. Ông nói thứ quan trọng hơn: SỰ THẬT TRONG TÂM LÝ KHÁCH HÀNG. Sự thật là ng dùng họ khó chịu với cái thứ nhầy nhụa, lớp lớp trên răng nhưng họ ko biết nó là gì, họ ko có giải pháp cho nó, họ bỏ qua. Và Pepsodent đã nói dc cái sự thật ấy. Kiểu đi guốc trong bụng ngta dị đó. Chúng ta nói lên câu chuyện trong tâm tư, suy nghĩ của khách hàng, trọng tâm là TA. Chứ ko “thay lời muốn nói” của khoa học. Suy cho cùng, trong quảng cáo, điều tiên quyết là Giải quyết bài toán của Insight mà pk? Mình nghĩ vấn đề ở câu chuyện trên là bạn đang đặt trọng tâm ở ai và mục tiêu của bạn là gì? Vậy với quảng cáo thuốc ho siro cho bé, theo bạn thì với TA là các bậc bố mẹ người Việt thì nó đã nói đúng insight hay chưa
Trước hết, về câu chuyện của Pepsodent, mình có 2 ý kiến sau:
1. Đúng là Hopkins đã không nói lên sự thật khoa học để tạo thói quen sử dụng kem đánh răng. Nhưng cách Hopkins đã “nói dối” như thế nào thì hơi khác so với câu chuyện bạn ấy dẫn ra ở bình luận.
Nếu chỉ dựa vào thông tin trong phần bình luận của bạn ấy thì lời quảng cáo Pepsodent đưa ra hoàn toàn hợp lý và không hề sai sự thật 1 chút nào:
Pepsodent tung quảng cáo ra với thông điệp chính: Pepsodent có thể giải quyết dc mảng bám
Mảng bám luôn được hình thành trên răng trong quá trình ăn uống
Kem đánh răng có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn trên mảng bám tạm thời chứ ko thể triệt tiêu, kể cả Pepsodent.
Chính vì kem đánh răng có tác dụng tạm thời, và mảng bám luôn được hình thành trong quá trình ăn uống nên chúng ta mới luôn cần phải dùng kem đánh răng thường xuyên. Từ “Giải quyết” ở đây không hề mang ý nghĩa rằng đánh răng với kem đánh răng 1 lần duy nhất sẽ làm toàn bộ mảng bám tan biến vĩnh viễn.
Cách mà Pepsodent đã thực sự “nói dối” là những mảng bám này hoàn toàn có thể bị loại bỏ bằng cách ăn 1 quả táo, lấy ngón tay ”kị”, hoặc đơn giản là đánh răng bằng bàn chải với nước mà không cần đến kem. Nói cách khác, việc loại bỏ mảng bám là do bàn chải, chứ không phải do tác dụng của việc sử dụng kem đánh răng. Đến giờ, chúng ta vẫn rất nhiều người không biết đến sự thật này.
2. Việc Pepsodent, hay bất cứ 1 chiến dịch marketing nào, trở nên thành công (với định nghĩa là tăng doanh số hoặc tăng nhận diện thương hiệu hoặc cả 2) bởi “Không nói lên sự thật khoa họckhông đồng nghĩa với việc đó là điều đúng đắn và không gây ra bất cứ vấn đề gì. Vấn đề chưa xuất hiện, không có nghĩa là nó không tồn tại.
Với case study của Pepsodent, mình nghĩ chúng ta nên coi đó là 1 trường hợp cực kì may mắn, vì lời nói dối: "Kem đánh răng Pepsodent có khả năng giải quyết mảng bám" không gây ra sự việc gì quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng may mắn đến như vậy. Để thấy được hậu quả khủng khiếp của việc quảng cáo không dựa vào sự thật khoa học, mình muốn chia sẻ với mọi người câu chuyện về:
THẢM HỌA THALIDOMIDE
Thalidomide là tên 1 loại thuốc lần đầu xuất hiện tại Tây Đức vào năm 1957 do công ty dược Chemie Grünenthal bào chế. Ban đầu, thuốc được chỉ định chữa trị cho các bệnh: lo lắng, mất ngủ, ho, đau đầu, căng thẳng,...
Thalidomine
Thalidomine
Trong quá trình thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học thấy rằng: Dù họ cho chuột thí nghiệm sử dụng Thalidomide với liều lượng lớn tới mức nào đi chăng nữa, họ cũng không thể phát hiện ra nổi 1 vấn đề trong sức khỏe của những chú chuột. Vì vậy, họ đánh giá Thalidomide là loại thuốc cực kì an toàn, thậm chí có thể sử dụng mà không cần kê đơn chỉ định từ bác sĩ.
Vì có thể chữa trị nhiều loại bệnh và được đánh giá hết sức an toàn, Thalidomide trở thành loại thuốc bán chạy chỉ sau Aspirin thời điểm đó, được 14 công ty dược khác nhau marketing, phân phối sản phẩm tới 46 quốc gia trên thế giới.
Trong quá trình sử dụng, dần dần Chemie Grünenthal và cả các chị em cũng phát hiện ra 1 công dụng khác của Thalidomide. Đó là giảm các triệu chứng khó chịu trong thời kì thai nghén, đặc biệt là chứng mệt mỏi buổi sáng. Vì vậy, Thalidomide bắt đầu được sử dụng rộng rãi bởi các chị em phụ nữ đang mang bầu. Các công ty dược phát triển và phân phối Thalidomide nhận ra được hành vi của tập khách hàng mới, liền tập trung thúc đẩy marketing thuốc với tập đối tượng này.
The Distillers Company Limited, 1 hãng dược tại Anh đang phân phối Thalidomide dưới 1 loại thuốc có tên gọi Distaval, đã thực hiện 1 thông điệp marketing đánh trúng insight của khách hàng 1 cách không thể nào trúng hơn được nữa:
Distavel có thể được sử dụng HOÀN TOÀN AN TOÀN với phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang cho con bú mà không có bất cứ ảnh hưởng nghiêm trọng nào VỚI MẸ HOẶC BÉ ... Distavel – loại thuốc an toàn 1 cách kinh ngạc – đã được kê đơn tại đất nước này suốt 3 năm"
“Distavel can be given with complete safety to pregnant women and nursing mothers without adverse effect on mother or child... Outstandingly safe Distavel has been prescribed for nearly three years in this country.”)
Tuy nhiên, chỉ có 1 điều, đó là Thalidomide chưa bao giờ được thử nghiệm trên phụ nữ có thai. Lí do mọi người đều tin vào sự an toàn của nó vì thời điểm lúc bấy giờ, ai cũng đều đinh ninh vào 1 điều mà họ cho là "sự thật": “Thành bảo vệ của nhau thai sẽ ngăn chặn các tác dụng của thuốc lên trẻ”Tuy nhiên, sự thật thật sự mà rất ít người biết (bao gồm rất nhiều các nhà khoa học thời đó) là điều hoàn toàn ngược lại.
Hậu quả, Thalidomine đã khiến cho hàng ngàn phụ nữ bị sảy thai. Ước tính 100 nghìn trẻ sơ sinh ở các nước bị ảnh hưởng bởi loại thuốc này. Đa phần các em bé được sinh ra sẽ đều không qua khỏi. Những em bé “may mắn” sống sót được sinh ra với chân và cánh tay bị dị tật như không có tay hoặc chân, chân tay cực kỳ ngắn với những ngón, đốt không rõ ràng, có khi bị dính lại giống như mái chèo (Mọi người có thể tự tra Google để biết sự kinh khủng của Thalidomide lên thai nhi). Không chỉ thế, những nạn nhân sống sót ngày nay tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi các bệnh như bệnh mạch vành, hạn chế cử động khớp và thoái hóa khớp. Ước tính có khoảng 10.000 em bé đã được sinh ra như vậy.
1 em bé là nạn nhân của Thalidomine (Nguồn ảnh : Google)
1 em bé là nạn nhân của Thalidomine (Nguồn ảnh : Google)
Sự việc nghiêm trọng tới mức dược sĩ Frances Oldham Kelsey, thành viên của FDA (Cục Quản lí thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), người đã kiên quyết trong suốt hơn 1 năm không đồng ý đưa Thalidomide vào Mỹ vì lí do nghi ngờ tính an toàn của Thalidomide, đã được coi là anh hùng của nước Mỹ, và được chính Tổng thống khi đó là John F. Kenedy khen tặng trên sóng truyền hình.
Bác sĩ - Dược sĩ Frances Oldham Kelsey được Tổng thống Kenedy khen thưởng
Bác sĩ - Dược sĩ Frances Oldham Kelsey được Tổng thống Kenedy khen thưởng

I. “QUẢNG CÁO KHÔNG CẦN NÓI LÊN SỰ THẬT KHOA HỌC 100%. ĐIỀU QUAN TRỌNG HƠN LÀ SỰ THẬT TRONG TÂM LÝ KHÁCH HÀNG.” LIỆU ĐIỀU NÀY CÓ ĐÚNG?

Như mọi người thấy rõ trong thảm họa Thalidomide, các công ty dược hiểu rất rõ insight của tập khách hàng mới của mình là những thai phụ: Người bình thường ai cũng đều quan tâm đến độ an toàn của những thứ được đưa vào người của mình chứ chưa phải kể đến những thai phụ - những người còn phải lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của đứa con trong bụng mình.
Các công ty dược đã “gãi” rất đúng "Sự thật tâm lý" của tập khách hàng này bằng cách trấn an họ với những lời tuyên bố cho rằng Thalidomide cực kỳ an toàn với cả phụ nữ và thai nhi, trong khi điều đó đi ngược hoàn toàn với sự thật khoa học.
Và mọi người đều có thể thấy rõ ràng hậu quả của việc chỉ nói sự thật trong tâm lý khách hàng mà bỏ qua sự thật khoa học.
Trong trường hợp của Pepsodent, chúng ta nên cảm thấy may mắn vì kem đánh răng đã không khiến cho những mảng bám trên răng trở nên tồi tệ hơn, thay vì cho rằng rằng vì nó thành công nên nó là cách làm đúng đắn.

II. VÌ SAO QUẢNG CÁO CẦN TÔN TRỌNG SỰ THẬT KHOA HỌC?

Mọi người cũng có thể dễ dàng nhận thấy kết cục thảm thương của việc “hiểu sai sự thật”“quảng cáo sai sự thật” qua câu chuyện của Thalidomide.
Ở đây, chắc chắn sẽ có người cho rằng: “Nhưng sự thật cũng có “sự thật this”, “sự thật that”. Việc 1 loại thuốc có an toàn cho phụ nữ mang thai hay không liên quan tới tính mạng con người, là 1 vấn đề lớn cần quan tâm. Còn việc ngồi điều hòa lạnh có gây ho cảm hay không chỉ là vấn đề cỏn con, chẳng gây ảnh hưởng tới ai cả, cần gì căng?”
Đối với mình, sự thật khoa học “hiếm” lắm. Đa phần, chúng ta không sống ở cùng 1 thế giới, mà sống trong thế giới quan của riêng mỗi chúng ta. Đúng/ sai, đẹp/ xấu, tốt/ kém,... phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới quan riêng biệt đó. Chỉ có riêng sự thật khoa học - những quy luật bất biến của vũ trụ mà tất cả mọi người đều có thể đồng tình với nhau - là cơ hội hiếm hoi để chúng ta cùng nhau sống chung dưới 1 thế giới. Vì vậy, dù là "sự thật lớn" hay "sự thật nhỏ", thì cũng là thứ chúng ta nên trân trọng.
Ngoài ra, chúng ta vẫn luôn đề cao giáo dục, vì giáo dục là cách nâng cao kiến thức, ý thức, nhận thức của 1 đất nước. Mà giáo dục lại là quá trình giúp mỗi cá nhân chúng ta nâng cao hiểu biêt về cách mà thế giới xung quanh vận hành, là cuộc hành trình đi tìm sự thật. Vì vậy, dù là sự thật lớn hay nhỏ, cũng góp phần vào việc mở rộng tri thức, nâng cao dân trí cho mọi người. Vì vậy, việc quảng bá thông tin sai sự thật khoa học hoặc dễ dãi với thông tin khoa học không chính xác chẳng khác nào chúng ta đang đi ngược lại với mục đích tốt đẹp của giáo dục cả.
Và cuối cùng, không ai có thể chắc chắn được việc hiểu sai 1 kiến thức “cỏn con” sẽ không gây ra vấn đề gì.
Bây giờ hãy quay trở lại câu chuyện liệu ngồi điều hòa có thật sự dễ gây ho cảm hay không. Giả sử nhận định này là đúng, thì sẽ không cần tranh luận, bàn cãi làm gì hết.
Tuy nhiên, trong GIẢ ĐỊNH nhận định này là sai, ở quy mô nhỏ, nó có thể gây ra tranh cãi với người nhà, bạn bè xung quanh. Ví dụ như chủ của bài đăng đó cũng chia sẻ về sự bất đồng ý kiến của chị ấy với mẹ về việc sử dụng điều hòa để chăm sóc con. Bà thì không đồng ý vì nghĩ điều hòa có hại cho bé, mẹ thì đồng tình 2 tay 2 chân vì cho rằng điều hòa rất tốt cho sức khỏe của con và còn hỗ trợ được rất nhiều cho việc chăm sóc con.
Nhìn 1 cách rộng hơn, nó sẽ gây ra những hiểu sai về kiến thức y tế, dẫn tới những quyết định giải quyết vấn đề không đúng. Ví dụ: Trong GIẢ ĐỊNH nhận định “Điều hòa lạnh dễ gây ho cảm” là sai: bé bước vào phòng điều hòa và bắt đầu ho. Nguyên nhân ho có thể do rất nhiều các bệnh khác nhau, nhưng phụ huynh lại nghĩ nguyên nhân là do điều hòa, liền vội tắt điều hòa và coi như như vậy là xong, chủ quan không tìm hiểu nguyên nhân thực sự khiến bé bị ho là gì. Như vậy là rất nguy hiểm.
Hoặc, biết đâu việc uống siro ho trong môi trường điều hòa lạnh lại có thể kích hoạt độc dược của siro thì sao? Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng mọi nên nhớ rằng cách đây 60 năm, mọi người đã từng chắc như đinh đóng cột rằng lớp màng bảo vệ nhau thai có thể bảo vệ bé khỏi tác dụng của mọi loại thuốc như thế nào. Không điều gì có thể chắc chắn nếu chúng ta không có kết quả của việc nghiên cứu và thử nghiệm khoa học kĩ lưỡng.
Quay trở lại về câu chuyện của kem đánh răng, không phải là nó không gây ra vấn đề gì. Cách các nhãn hiệu kem đánh răng quảng cáo về việc đánh răng với kem đánh răng tốt cho sức khỏe răng miệng đã tạo ra 1 ảo tưởng khiến chúng ta an tâm: Chỉ cần đánh răng với kem đánh răng 2 lần/ ngày là đủ để giữ gìn răng miệng vệ sinh, khỏe mạnh. Nhưng thực tế, quy trình chăm sóc răng miệng đầy đủ mà các nha sĩ khuyên dụng là: “Sử dụng chỉ nhả khoa kết hợp cùng với đánh răng.” Việc đánh răng chỉ giải quyết được 60% công đoạn. Thậm chí, có 1 nha sĩ đã từng đùa vui rằng: “Nếu bị rơi tới 1 hòn đảo và chỉ được chọn bàn chải + kem đánh răng hoặc chỉ nha khoa, tôi chắc chắn sẽ chọn chỉ nha khoa, vì nó có tác dụng tốt hơn.”.
Vậy là đa số nhiều người đang không chăm sóc vệ sinh răng miệng tốt và đảm bảo như họ vẫn đang nghĩ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người kể cả đánh răng thường xuyên nhưng vẫn bị sâu răng vì không có thói quen dùng chỉ nha khoa.

III. MỐI QUAN HỆ GIỮA MARKETING VỚI SẢN PHẨM

Trong câu chuyện của Thalidomide, sẽ có ý kiến cho rằng lỗi sai ở đây nằm ở những người nghiên cứu sản phẩm, những nhà khoa học đã quá chủ quan, không cung cấp đúng kiến thức để đơn vị quảng cáo sử dụng, chứ lỗi không nằm ở đơn vị quảng cáo.
Vậy nếu đặt bạn vào vai trò của phòng Marketing khi đó, liệu bạn có quyết định sẽ thực hiện chiến dịch gửi thông điệp: “Thalidomide cực kì an toàn và không có bất cứ tác dụng nghiêm trọng nào với phụ nữ mang thai, cả mẹ và bé”  không? Trong khi vẫn chưa có thử nghiệm nào của thuốc lên phụ nữ đang mang thai và cục FDA đã không phê duyệt cho loại thuốc này được bán ở Mỹ liên tục trong suốt hơn 1 năm vì nghi ngờ độ an toàn của nó.
Giả định là bạn cũng không hề biết là thuốc đó chưa được kiểm nghiệm hay việc không được FDA phê duyệt, nhưng khi quảng cáo 1 sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, với tư cách là người quảng bá sản phẩm đó tới hàng trăm nghìn, hàng triệu người, liệu việc nói: “Tôi không biết” có thể giúp bỏ qua trách nhiệm?
Những người làm Marketing nắm giữ 1 sức mạnh cực kì to lớn trong tay của mình: Sức mạnh tác động tới tâm trí để thao túng hành vi của người khác. Sức mạnh càng to lớn thì trách nhiệm càng lớn. “Thần dược” hay “Vũ khí hủy diệt”, phụ thuộc vào cách sử dụng và trách nhiệm của người sử dụng với nó.
Mình nghĩ rằng, Marketing không nên tách riêng ra với sản phẩm, mà cần phải gắn bó mật thiết với những giá trị thật sự mà sản phẩm đem lại. Có nghĩa không phải cho rằng tôi làm Marketing thì nhiệm vụ của tôi chỉ là giúp tăng doanh số, còn đâu thì tôi mặc kệ.
Người làm Marketing cũng cần phải chịu trách nhiệm rằng những gì mình nói ra phải đúng sự thật, phải chịu trách nhiệm với sản phẩm mà mình quyết định quảng cáo.

IV. QUẢNG CÁO CÓ CẦN NÓI LÊN SỰ THẬT KHOA HỌC?

Mình cũng có đọc được comment của 1 bạn khác trong nhóm cho rằng:
“Những quảng cáo về sức khỏe rất nhiều cái không đúng, thậm chí quảng cáo của các hãng dược trong hội thảo khoa học vẫn trích dẫn nghiên cứu không đúng, mắc nhiều lỗi sai. Ban đầu cũng khó chịu lắm, nhưng tiếp xúc dần rồi cũng quen.”
Việc tôn trọng khoa học trong quảng cáo không phải là việc được coi trọng vì từ trước tới giờ các hãng quảng cáo đều làm vậy, doanh số vẫn tăng đều và chẳng có bắt cứ vấn đề xấu gì xảy ra. Nhưng vấn đề chưa xảy ra, không có nghĩa là nó không tồn tại, như mọi người có thể thấy tại sự việc của Thalidomide.
Và nhiều người làm như vậy cũng không có nghĩa việc làm đó là đúng, ngược lại, đó chính là thực trạng mà chúng ta cần quan ngại thì hơn. Chúng ta luôn nói và luôn khuyên mọi người phải phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng có vẻ chính chúng ta vẫn luôn quên điều này và đợi đến lúc có bệnh rồi mới chữa.
Hãy nhìn vào tình hình dịch bệnh hiện nay, trước khi dịch bệnh xảy ra, đa số các nước đều không đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng y tế, vừa tiết kiệm tiền mà chẳng hề có vấn đề gì xảy ra cả, nhưng khi đại dịch bùng nổ, thì mọi người mới thấy được hậu quả hiện tại rồi đó.
Ngoài ra, các bạn trẻ thuộc GenZ - những người cực kì khó tính, cực kì tôn trọng sự thật, cực kì tỉnh táo, cực kì nghi ngờ những lời nói ngọt ngào của quảng cáo - sẽ chính là thế hệ tiêu dùng chính trong những năm sắp tới. Và liệu cách quảng cáo không coi trọng sự thật khoa học sẽ có được GenZ chấp nhận dễ dàng như các thế hệ trước? Làm cách từ trước tới giờ vẫn đúng, ai cũng làm, hay thay đổi cách làm để phù hợp với sự chuyển động của thế giới?
Dài dòng là như vậy, nhưng rốt cuộc thì quảng cáo có nên nói lên sự thật khoa học 100%?
Theo mình, thì phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn đọc bài viết này là ai:
Nếu như bạn là người chỉ quan tâm tới việc tăng doanh thu, tăng nhận diện, coi quảng cáo và sản phẩm là 2 thứ hoàn toàn biệt lập không liên quan tới nhau thì câu trả lời là không.
Còn nếu như bạn là người coi trọng sự thật, làm việc với cái tâm, có trách nhiệm với bản thân, có trách nhiệm với công việc và có trách nhiệm với cộng đồng thì mình nghĩ câu trả lời chắc chắn là có.
Bài viết có sự tham khảo của:
- Tài liệu tham khảo về Thalidomide: