Dạo quanh trên youtube tôi tình cờ gặp được bài TED khá hay của Johann Hari với tiêu đề: “ Everything you think you know about addiction is wrong ? “. Johann Hari đã khai sáng tôi với một quan điểm và luận chứng rõ ràng về “nghiện” dưới góc nhìn của tâm lý học. Có thể bản thân đã nhận ra điều này rồi nhưng thực sự tôi chưa hề chú ý nghiêm túc tới vấn đề này và tôi cũng nhận ra vẫn còn rất nhiều người trong chúng ta hiểu sai về “ nghiện “. Dưới đây chỉ là bài viết diễn giải theo những kiến thức tôi vừa tiếp thu được từ Johann Hari theo quan điểm cá nhân, có thể vẫn sẽ có nhiều điểm chưa hợp lý hoặc văn phong chưa mạch lạt lưu loát mong các bạn để lại comment đóng góp xây dựng.
Tôi vẫn hay đùa với mấy đứa bạn hồi cấp 3 như thể: “ Dạo này trông m nghiện lắm “, “ Nghiện là dở rồi” hay thậm chí còn đặt biệt danh cho chúng nó như “ Quân nghiện “, “ Sơn xì ke “, … chỉ những đứa lông bông, ất ơ hay trông có vẻ ngoài gầy gò, khều khào
Nói đến “ nghiện “ các bạn nghĩ đến gì ? Phần lớn sẽ nghĩ là nghiện ma túy, nghiện heroin hay nhẹ hơn thì hất cùn, phê bóng thậm chí còn liên quan đến nghiện game, nghiện thuốc lá, rượu chè,… Có hàng trăm hàng nghìn các loại nghiện ngày nay
Vậy tại sao “ nghiện “ lại đổi mới theo nhiều hình thức như vậy ? Phải chăng nó là cái giá của sự phát triển xã hội ? Hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng nghìn những nhà nghiên cứu thuốc cai nghiện, vẫn có hàng trăm chiến dịch tuyên truyền phòng tránh, truyền thông cho xã hội. Tôi không phủ định những nghiên cứu hay những đóng góp của truyền thông trong nỗ lực giảm bớt tệ nạn xã hội này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn sâu vào vấn đề hơn nữa
Quay lại với những quan điểm đã xảy ra hàng thế kỷ, chúng ta vẫn tin rằng có một liên kết hóa học trong các chất gây nghiện heroin, cocain với cơ thể con người làm chúng ta liên tục phụ thuộc vào liên kết đấy và chỉ sau vài ngày thử chúng ta đều sẽ trở thành con nghiện ? Không phải vậy đâu, khi chúng ta gãy chân gãy tay được đưa vào viện các bác sỹ tiêm morphine hay diamorphine cho chúng ta để giảm đau hoặc gây tê. Vậy điều gì xảy ra ở đây ?
Đúng vậy, đó chính là heroin. Có thể, nó tốt hơn và nguyên chất hơn loại bán trong hẻm bởi những con buôn mai thúy ( bọn chúng thường trộn những tạp chất khác nhau cùng với heroin để kiếm lãi nhiều hơn ) tuy nhiên giả sử bạn phải liên tục sử dụng morphine vì chứng bệnh nào đó như vậy là bạn đã có tiền sử sử dụng “ heroin “ rồi đó
Sự thật thì cũng có vài trường hợp sau khi điều trị tại bệnh viện về có thói quen sử dụng thuốc giảm đau nhiều hơn, tuy nhiên thì phần lớn mọi người có thể dừng lại được mà không gặp vấn đề gì. Tại sao lại như thế ?
Drug addiction
Drug addiction
Nhà tâm lý học Bruce Alexander năm 1978 đã thực hiện thí nghiệm mang tên công viên chuột.
Lần thí nghiệm đầu ông bỏ vào lồng một con chuột với 2 ly nước: ly nước lọc và ly nước có pha heroin. Sau đó con chuột uống phải nước có chứa heroin rồi nghiện và dần dần dẫn đến chết.
Sau đó lần thí nghiệm tiếp theo ông thiết kế một công viên chuột với rất nhiều đồ chơi đồ ăn thậm chí có cả những con chuột khác làm bầy bạn. Con chuột bây giờ hoàn toàn khác, nó không hề bị ảnh hưởng bởi lọ nước có chứa heroin cho dù có uống phải nhưng chúng hoàn toàn ko bị nghiện và vẫn tiếp tục sống như chưa có vấn đề gì
Thí nghiệm này đã gây ra nhiều câu hỏi trái chiều một số người cho rằng kết quả chỉ đúng với loài chuột thế còn xã hội loài người thì sao ? Chính trong thời gian này, trong cuộc chiến tranh Việt Nam số liệu thống kê cho thấy 20% lính mỹ tham chiến ở việt nam đã sử dụng heroin cường độ cao trong suốt cuộc chiến đến mức chính phủ Mỹ phải lo sợ rằng khi rút quân khỏi việt nam họ phải đối mặt với hàng ngàn con nghiện trở về trên đường phố mỹ. Nhưng điều đó không xảy ra, Kho lưu trữ tâm thần đại cương đã làm một cuộc nghiên cứu chi tiết và kết quả sau khi trở về nước gặp lại gia đình, được xã hội đón nhận như những người lính đóng góp cho đất nước, 95% lính mỹ sử dụng heroin đã tự dừng lại.
Nếu nghiện không phải do liên kết hóa học như chúng ta vẫn tưởng thì sao ? Nếu như nó bắt nguồn từ cái “ lồng “ của chính chúng ta thì sao? Nếu như nghiện chính là một cách thích nghi với môi trường thì sao ?
Don't do that with them
Don't do that with them
Một giáo sư khác là Peter Cohen ở Hà Lan đã chỉ ra rằng con người có nhu cầu cơ bản là gắn kết, khi chúng ta khỏe mạnh và hạnh phúc chúng ta gắn bó và kết nối với nhau. Nhưng khi bạn bị tổn thương, thất bại hay nặng hơn là cô độc trong chính cuộc đời, bạn sẽ tìm đến thứ gì cho bạn sự bình an. Trước tiên là đỏ đen, rượu chè rồi tới hất cùn, đập đá. Về cơ bản đó là bản chất của con người. Hãy thử tưởng tượng chai nước ngay trên mặt bàn bạn lúc này là một chai vodka, bạn có uống nó đến say luôn không ? Nếu có thì bạn có vấn đề rồi, nhưng mà không, chúng ta không có uống nó vì sao ? Vì nhà chúng ta còn bao nhiêu việc, vì chúng ta còn đang chạy dead-line sấp mặt. Chúng ta không muốn say vì chúng ta đã có sự gắn kết với công việc, người thân,…
Các bạn hoàn toàn có thể bỏ công việc mình đang làm bán hết tài sản mình đang có để lao vào bài bạc, đạp đá phê pha,… nhưng chúng ta không làm vậy vì chúng ta không muốn đánh đổi những gì chúng ta đang có để lao vào một tệ nạn xã hội. Chúng ta đang tồn tại vì những gì tốt đẹp mà chúng ta đang có và sẽ có.
Người nghiện người ta thấy cái gì ? Nói ra thì rất là khó vì mình chưa nghiện bao giờ mình chưa biết nhưng bạn có thể hiểu rằng trước khi họ rơi vào cảnh nghiện ngập cuộc sống họ thực sự rất khó khăn từ đó họ cảm thấy cô độc cuộc sống nhạt nhẽo, họ dần tìm đến các chất kích thích dopamine. Cũng có những người vốn dĩ đã không nhìn thấy ánh sáng từ lúc sinh ra: Những xóm nghiện, gia đình tệ nạn. Con người luôn học hỏi phát triển nhờ vào môi trường xung quanh. Những người này thậm chí không có được cả những quyền quyết định ý thức, trong mắt họ xã hội là một vũng bùn tệ nạn. Các bạn có thể xem qua video về con vịt miêu tả khá rõ nét về cuộc sống dưới cái nhìn của một con nghiện:
Nói xa hơn về hệ quả, ở Arizona, có một nhóm phụ nữ bị bắt mặc áo in “ Tôi là con nghiện “, họ liên tục bị dân làng chửi bới trong khi đang tự tay đào mộ của mình. Có thể đây là tình huống khá tiêu cực nhưng nhìn lại mà xem ở mọi nơi trên thế giới chúng ta vẫn đối xử với người nghiện tương tự như vậy, chúng ta chà đạp, trừng phạt, gắn cho họ cái áo “ tiền án tiền sự “. Không một doanh nghiệp nào muốn nhận một người nghiện vừa ra tù về làm, họ bị xã hội ruồng bỏ, xa lánh và rồi điều gì đến cũng phải đến, khi không thể kết nối với cộng đồng họ lại tìm lại với cái nghiện, với những bạn nghiện ngày xưa, không phải nghiễm nhiêm mà ta thấy tỉ lệ tái nghiện sau cai vô cùng cao
Giải pháp ở đây là gì ?
Năm 2000, Bồ Đào Nha gặp vấn nạn ma túy lớn nhất trong lịch sử, số liệu ghi nhận 1% dân số lúc bấy giờ nghiện ma túy, họ đã làm gì ? Họ học tập những chính sách trừng phạt của mỹ hàng năm và … số lượng nghiện càng tăng nhiều hơn. Đối diện với khủng hoảng đó, tiến sĩ Joaxo Goulaxo đã đưa ra một chính sách không thể đúng đắn hơn: Dùng toàn bộ tiền trong chiến dịch vào việc giúp người nghiện quay trở lại hòa nhập xã hội. Chính phủ Bồ Đào Nha mở các khoản vay cho người nghiện làm ăn, tìm việc làm, nghề nghiệp cho họ. Thậm chí, những doanh nghiệp đứng ra thuê người cai nghiện về làm sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% lương trong suốt 2 năm sau đó. Kết quả số lượng người nghiện giảm 50% trong năm tiếp theo, HIV giảm đáng kể.
Đó là cách mà những người nghiện cần và cũng là cách mà chúng ta nên thay đổi nhìn nhận, họ không phải là ác quỷ nếu chúng ta cho họ cơ hội thứ 2.
Cuộc sống chúng ta đang được kết nối mở rộng hàng ngày, tuy nhiên tôi lại thấy đó là sự liên hệ hời hợt và khôi hài hơn bao giờ hết. Nếu bạn gặp khó khăn, bạn sẽ để ý thấy rằng up một stt mệt mỏi trên facebook cũng không thể giúp bạn có được một người bên cạnh chăm sóc, bắt vài trend trên tiktok cũng không xoay chuyển vấn đề. Nghiên cứu chỉ ra rằng số lượng người bạn thân trung bình từ năm 1950 cho đến nay đều giảm dần rõ rệt, không gian nhà ở mỗi người đều đang tăng lên. Chúng ta đổi không gian lấy bạn bè, đổi vật chất lấy tinh thần và kết quả là chúng ta đang sống trong xã hội cô độc nhất từ trước đến nay.
Bruce Alexander đặt câu hỏi: “ Tại sao chúng ta luôn nói về việc khôi phục một cá nhân mà không phải khổi phục một cộng đồng ? “. Cuộc sống càng ngày càng giống một cái lồng hơn là một “ công viên “ hấp dẫn.
Thật khó để chấp nhận một người nghiện quay trở lại cộng đồng vì đó là cách chúng ta được lập trình để cư xử như vậy, với mỗi người hãy cố đừng làm rào cản giữa họ và xã hội vì trên thực tế, chính xã hội này mới là vấn đề.