Mâm Cỗ có cần phải có THỊT GÀ?
Đôi mắt của người phụ nữ mở trân trân, chốc lại hấp háy chớp thật nhanh. Có cái gì đó vô hồn nhưng rất quen thuộc từ ánh mắt của người phụ nữ ấy. À đúng rồi, đấy cũng chính là kiểu đôi mắt của những con gà.
Đôi mắt của người phụ nữ mở trân trân, chốc lại hấp háy chớp thật nhanh. Có cái gì đó vô hồn nhưng rất quen thuộc từ ánh mắt của người phụ nữ ấy. À đúng rồi, đấy cũng chính là kiểu đôi mắt của những con gà.
Đấy là chi tiết mà mình không thể ngừng nghĩ lại sau khi xem xong 11 phút của bộ phim ngắn có tên “Mâm Cỗ”, một bộ phim rất Việt Nam nhưng lại có thông điệp gần như chẳng bao giờ người Việt Nam nghĩ đến: “Nỗi đau thể chất của những con gà bị đem giết, và nỗi đau tinh thần của những người làm cỗ, thịt gà”. 11 phút, một lời tự sự, nhưng ám ảnh để lại của nó như vệt dầu loang. Mới đầu nó chỉ nhói lên theo từng cảnh phim, nhưng mãi sau khi kết thúc, sự nhức nhối vẫn chảy dài theo suy ngẫm.
Thế trong 11 phút của Mâm Cỗ có gì?
Đây là câu chuyện về một người phụ nữ có học vị, có học thức, nhưng vì hoàn cảnh đẩy xô, nằm không thất nghiệp, mà đi nhận giết thịt gà thuê, nấu cỗ. Ban đầu, cái nghề này không làm cô mảy may suy nghĩ, nhất là khi tiền công rủng rỉnh. Nhưng rồi mức độ nặng nề ngày một tăng cấp theo số lượng gà chết dưới tay cô. Đây không còn là chuyện ẩm thực, nấu ăn, đây là chuyện về sát sinh, về tự tay cắt lìa những sinh mệnh thoi thóp.
Từ đây, mạch phim dồn dập. Những cái thây gà bị ném ngược vào trong phễu, giãy giụa điên cuồng trước khi lịm tắt, máu nhỏ tong tỏng, lênh láng ra sàn. Mình thật sự bị ám ảnh bởi chi tiết ấy. Trong câu chuyện của người phụ nữ, lần đỉnh điểm của cô là phải giết cùng một buổi 70 con gà cho một bữa cỗ to. Những con gà chết la liệt, chất thành đống núi, máu me ròng ròng, đám trẻ con khóc thét. Mình bắt đầu tưởng tượng ra cảnh chính mình, mặc một bộ đồ vải, đeo tạp dề, ủng dẫm vào nhơ nhớp máu. Lũ gà đau đớn gào thét những tiếng inh ỏi cuối cùng. Một mùi tanh tưởi sẽ xộc lên. Liệu người phụ nữ ấy có nôn ra đất không? Vì chỉ tưởng tượng thôi mình cũng buồn nôn quá.
Nói thật là mình đã ngớ mất 1 lúc khi biết tuy bộ phim được dựa trên một câu chuyện có thật, nhưng người phụ nữ xuất hiện trong phim lại không phải là chủ nhân của câu chuyện đó. Mình bị bất ngờ vì nhân vật truyền tải từng nhịp cảm xúc chân thật quá. Bởi từ dáng dấp, màu da, nét mặt, và đặc biệt là đôi mắt, tất cả đều nói lên “Đây là một người từng làm thịt cả trăm con gà trong quá khứ”. Mình thậm chí còn sởn gai ốc mỗi lúc mắt của cô chớp chớp vội vã, như mình đã nói ở trên, nó giống hệt như đôi mắt của những con gà. Cùng với dòng chảy của phim là một suy nghĩ khẽ trôi của mình về luật nhân quả, kiểu như “chủ nào tớ nấy”, nhưng nói như vậy chẳng lẽ ở đây, có lẽ nào vì sát sinh mà vị thế chủ - tớ đã bị đảo lộn?
Đấy cũng là điểm mình thích ở bộ phim này. Mọi thứ đều sống động một cách có tính toán, đến cả tiếng máu nhỏ giọt kêu lách tách cũng có một nhịp đập riêng, hòa chung với sự thổn thức của khán giả, ám ảnh họ bằng những góc khuất không tên và đánh thức trong người xem một xúc cảm bứt rứt. Câu hỏi quẩn quanh ở lại với mình không còn là liệu những con gà kia đã phải chịu một cuộc sống ngột ngạt đến đâu trong những chuồng trại kín bưng chật hẹp trước khi bị cắt tiết dứt khoát. Và câu hỏi của mình cũng chẳng chỉ còn ở việc người làm nghề thịt giết có những đêm trằn trọc vắt bàn tay vấy máu gà lên trán mà nghĩ như thế nào. Mà mình tự hỏi, tự vấn bản thân ngược lại, rằng ngần ấy sinh mệnh có đáng phải khổ sở đến thế để phục vụ cho cái mồm mỹ vị của ta?
Tất nhiên là hiện tại mình không ăn chay, nhưng mình cũng tin thịt không phải là thực phẩm để nghiện tiêu thụ. Mình cũng như muôn người khác được sinh ra và nuôi nấng với thịt trong mỗi bữa ăn. Ăn thịt vốn là nhu cầu thiết yếu. Thế nhưng càng lớn, mình càng nhận ra vòng xoáy của sự thỏa mãn đang hút chúng ta vào những bữa ăn cho vui, bữa ăn của sự vô độ. Càng nhiều hàng quán đồ nướng mọc lên, thì cũng càng nhiều bò và lợn bị giết thịt. Càng nhiều đám cỗ và những món ăn về gà được ưa chuộng, thì càng tăng thêm số gà giãy đành đạch thoi thóp trên sàn. Có nhiều cuộc vui là không cần thiết, và có nhiều nỗi đau là không cần xảy ra. Cái kết vẫn là loài vật đi trước, và dù không thể thấy lập tức, thói quen ăn uống ấy vẫn kéo đến những hệ lụy cho con người ở sau. Hãy nhìn vào bệnh Gút, bệnh của các vua và vua của các bệnh, thứ bệnh sinh ra từ xu hướng ăn uống dư thừa.
Cú huých này là cái mình đánh giá cao ở bộ phim tài liệu kỳ lạ này cũng như dự án Cận Cảnh. Cách Cận Cảnh phơi bày ra POV man rợ đằng sau những đĩa gà ngon, và quyết định đối mặt của người phụ nữ giết gà trong phim, đã đánh mạnh vào nhận thức của người xem về một vấn đề ít ai quan tâm trong xã hội - ấy là hậu quả của việc thỏa mãn cái mồm lên động vật, môi trường, và chính mình. Theo mình, đây là một tầng ý nghĩa đáng được nhìn nhận sâu hơn của Cận Cảnh.
Nhưng với mình thì Cận Cảnh vẫn làm tốt vai trò của series phim tài liệu Việt Nam đầu tiên về quyền động vật. Mình đã rất tò mò tại sao người ta phải bóp những con gà con, dí mỏ vào những cái máy để cắt cụt nó đi. Một cảnh quay ngắn nhưng đau. Và đây là những gì mình tìm thấy ở trên mạng:
“Đàn gà khi phát triển đến giai đoạn 16 – 20 ngày tuổi sẽ xuất hiện hiện tượng cắn mổ, ăn lông lẫn nhau. Do mật độ nuôi dày đặc, khẩu phần ăn không phù hợp và những rối loạn về sinh lý. Hiện tượng cắn mổ sẽ gây nhiều vết thương, trông mất thẩm mỹ. Khi đó, người nuôi rất dễ bị thương lái ép giá. Nghiêm trọng hơn có thể khiến gà bị chết. Phần mỏ trên của gà dùng để mổ thức ăn. Phần mỏ dưới có nhiệm vụ nâng đỡ thức ăn. Tuy nhiên, nếu mỏ trên càng dày sừng thì việc mổ, gắp thức ăn sẽ dễ bị rơi vãi nhiều (khoảng 4 – 5% lượng thức ăn). Do đó, việc cắt mỏ gà là điều rất cần thiết, nhằm giúp gà ăn uống hiệu quả hơn và tránh gây lãng phí thức ăn. Đối với gà đẻ trứng, nếu không cắt mỏ rất dễ dẫn đến hiện tượng gà mổ trứng, mổ con non, gây hao hụt nhiều.”
Có thể thấy, những con gà bị nuôi để giết thịt từ đầu đã bị coi như một vật phẩm, đã luôn phải sống trong một môi trường ngược đãi, việc cắt mỏ cũng chỉ để phục vụ việc biến chúng thành thực phẩm với giá trị cao nhất cho người chăn nuôi. Chúng không được cho là có quyền khó chịu, đau đớn. Trên thực tế, “cắt mỏ tương đồng với con người chúng ta khi bị chặt mất một bàn tay. Mỏ gà là một cơ quan nhạy cảm với nhiều đầu dây thần kinh. Các phương pháp truyền thống như cắt mỏ bằng lưỡi dao nóng thường dẫn đến đau nhói dữ dội, chảy máu và viêm.” Đó là còn chưa nói về câu chuyện tri giác của chúng, mà trong phim cũng đã nói tới.
Có một đợt, rần rần trên mạng share nhau câu nói “Mọi sinh mạng đều đáng quý”. Vậy những sinh mạng của những loài vật được coi là thực phẩm thì sao? Chính mình cũng đang không ngừng tự vấn mình với câu hỏi ấy.
Một cái hay mà xem phim xong mình mới để ý, ấy là bộ phim được sản xuất bởi Vive, đây là một tổ chức cộng đồng hướng tới cải thiện chế độ ăn của người Việt. Mình thấy hay là vì ở nhà mình vô tình có một cuốn handbook chia sẻ về nhập môn ăn chay của Vive, mà mình lấy về từ Lễ Hội Thuần Chay mà Vive tham gia hồi đầu năm ở Công viên Thống Nhất. Có thể thấy phim ngắn này thực sự là một trong những nỗ lực tâm huyết của họ để cải thiện chế độ ăn của cộng đồng. Thậm chí ở trên website của Vive còn có loạt công thức để nấu món chay. Raise nhận thức, gợi ý giải pháp, thấu tình đạt lý.
Thú thật là mình được biết về dự án Cận Cảnh từ phải 1 năm trước qua một người anh làm sản xuất cho phim. Nhưng khi phim công chiếu, nó vẫn làm mình rùng mình và thổn thức, thậm chí còn mạnh hơn bản thô mình được xem nhiều lần. Ổng bảo ở nước ngoài thì đầy phim thế này nhưng Việt Nam chưa có, nên điểm mạnh và tự hào nhất của series này với đội ngũ là Vive đang đi tiên phong về mặt câu chuyện. Thế nên mình cũng muốn viết đôi chút để ủng hộ người trẻ Việt làm phim Việt như anh em mình, cũng như những giá trị đáng suy ngẫm của series này.
Tóm lại, Mâm Cỗ giờ đây có thể mới chỉ là một con bươm bướm thôi, nhưng mình tin từ đây, Cận Cảnh và Vive sẽ sớm tạo thành công hiệu ứng cánh bướm.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất