Không biết mọi người tìm thấy đam mê của mình như thế nào? Còn tôi, tôi luôn bắt đầu từ câu hỏi "Nếu ngày ấy tôi không..."
Năm tôi chín tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không được nhìn thấy những bức tranh vẽ của chị họ, tôi đã không ước rằng một ngày nào đó tôi cũng có thể vẽ được như vậy. Những bức tranh được chị phác họa, tô vẽ trong nháy mắt, từng thao tác, cử chỉ, nét vẽ đều rất nhẹ nhàng như lướt trên mặt giấy. Chị đã vẽ rất nhiều. Chỉ cần có một cây bút và một mẩu giấy, chị sẽ lại vẽ. Và cũng kể từ giây phút ấy, tôi bắt đầu thích vẽ. Cho đến bây giờ, vẽ đã là một phần trong công việc hàng ngày của tôi. Cho dù hiện tại, người chị của tôi có lẽ đã không còn vẽ nữa vì chị đã lựa chọn một công việc khác, tôi vẫn sẽ tiếp tục vẽ, như vẽ tiếp ước mơ còn dang dở của chị.
Năm tôi mười một tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không dự buổi lễ kỷ niệm của trường, tôi đã không thể xem được màn trình diễn của một người chị gái hát bằng cả trái tim mình trên sân khấu. Một giọng ca trong veo, cao vút. Từng câu, từng chữ chị cất lên như làm bùng cháy một ngọn lửa trong tôi. Một ngọn lửa đam mê ca hát. Chị yêu hát, hát không ngừng nghỉ, và không bao giờ ngại hát trước bất kì ai. Cảm ơn người chị ấy, tôi đã bắt đầu hát và hát rất nhiều cho tới tận ngày hôm nay. Ca hát không phải là một nghề mà tôi lựa chọn để theo đuổi. Ca hát là một nguồn cảm hứng, là nguồn năng lượng tích cực giúp tôi vượt qua được mọi trở ngại trong cuộc đời này.
Năm tôi mười lăm tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không biết hát, tôi đã không nhận được lời mời tham gia vở nhạc kich từ một người bạn cùng lớp, và tôi đã không thể biết rằng mình có khả năng diễn (hài) và viết lời bài hát. Lần đầu tiên tôi được biểu diễn trên sân khấu. Cảm giác ấy thật lạ, có chút bồn chồn lo lắng, rồi lâng lâng, sau đó đầu óc bắt đầu trống rỗng khi chỉ còn mình tôi với ánh đèn sáng rực và âm nhạc bùng nổ. Lúc đó, tôi chẳng nghĩ thêm gì nữa ngoài việc cố gắng làm tốt phần diễn của mình. Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhận ra mình cũng muốn được nhìn thấy, được nghe thấy, chứ không chỉ là một con bé mãi nhút nhát, không dám đứng lên bục giảng để tổ chức sinh hoạt lớp hồi nào. Kể từ đó, tôi bắt đầu sáng tạo nội dung nhiều hơn, để chia sẻ, để được thấy, được lắng nghe nhiều hơn. Tôi đã không chỉ vẽ cho riêng tôi thấy, không chỉ sáng tác cho riêng tôi nghe, và viết cho riêng tôi đọc nữa.
Năm tôi mười bảy tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không bỏ bê ôn tập để làm tốt bài thi đại học hơn một chút, có lẽ giờ tôi đã có trên tay tấm bằng cử nhân khoa Truyền Thông Quốc Tế của Học Viện Ngoại Giao. Nhưng không, ông trời không sắp đặt cho tôi được thuận lợi như vậy. Ngày ấy, tôi ham hát, hay tham gia các câu lạc bộ đàn hát đến tối muộn. Tôi đã không tìm thấy hứng thú với việc học những môn văn hóa ở trường, nên dẫn tới kết quả thi đại học không tốt. Cho đến bây giờ, tôi cũng không dám chắc được những lựa chọn của tôi khi ấy là đúng hay sai. Nhưng có một điều mà tôi có thể chắc chắn, đó là tôi đã luôn đi theo trái tim của mình. Tôi đã làm những điều tôi thích. Và cũng nhờ vậy, tôi đã là sinh viên ngành Quản Trị Kinh Doanh của khoa quốc tế IBD@NEU, một ngã rẽ không thể hoàn hảo hơn dành cho tôi.
Năm tôi mười chín tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không tham gia làm vị trí mentor cho nhóm sinh viên năm nhất, tôi đã không tìm ra được niềm đam mê thực sự của mình. Tôi thích được nghe những câu chuyện của mọi người, và cùng họ giải quyết những vấn đề trong học tập và công việc. Đặc biệt là những câu chuyện về định hướng nghề nghiệp. Không biết từ bao giờ, tôi đã luôn đau đáu, bực dọc khi nghe những lời than thở "Em chẳng biết mình thích gì cả", hay "Em chẳng biết sau nay mình có thể làm được gì". Kể từ khi ấy, tôi đã luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Làm sao để giúp mọi người tìm ra được đam mê của mình?". Đó cũng là lúc tôi nhận ra được mục tiêu của cuộc đời mình. Và tôi đã quyết tâm theo đuổi mục tiêu ấy đến cùng. Nhưng đương nhiên, tôi đã lại tốn một đường vòng khá dài để tìm ra lời giải cho bài toán hướng nghiệp của mình. Câu trả lời đầu tiên tôi tìm ra đó là "Trải nghiệm". Mọi người cần có trải nghiệm thì mới biết được họ thích và giỏi cái gì. Nhưng câu hỏi lớn hơn được đặt ra đó là "Làm sao để giúp mọi người có thể trải nghiệm thật nhiều ngành nghề khác nhau trong thời gian sớm nhất (từ khi còn nhỏ tuổi) để có thể nhận ra được đam mê của họ?". Và rồi một bản kế hoạch startup mô hình hướng nghiệp đã được tôi ấp ủ từ lúc bấy giờ. Và tôi bắt đầu với việc lựa chọn theo đuổi mảng Hospitality, chuyên ngành Quản trị Sự kiện và Khách sạn. Tôi đã nghĩ rằng học và làm tốt mảng dịch vụ, sự kiện sẽ giúp tôi hiện thực hóa mô hình trải nghiệm hướng nghiệp. Và đó là một hướng đi sai lầm của tôi hồi đó.
Năm tôi hai mươi tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không mần thử tập tành Adobe Ilustrator và Photoshop, tôi đã không kết thân được với sư phụ Samurice và không được sư phụ truyền lại những kỹ năng thiết kế, chỉnh sửa ảnh đỉnh kout. Và sư phụ tôi cũng không nhận ra được tiềm năng của tôi để sau đó tạo ra bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của tôi.
Năm tôi hai mươi mốt tuổi.
Nếu ngày ấy, tôi không mò mẫm Youtube và không làm ra những chiếc vlog đầu tiên, tôi đã không nhận được tới ba lời mời hợp tác làm kênh youtube. Và nếu ngày ấy, tôi không quyết định về nước đi làm thay vì học tiếp thạc sĩ ngành Quản Trị Sự Kiện và Khách Sạn, tôi đã không có cơ hội được Sư phụ mời vào đầu quân cho Spiderum, một nhóm lúc bấy giờ cũng đang ấp ủ dự án sách hướng nghiệp mang tên "Người Trong Muôn Nghề". Mới những ngày đầu tiên, khi bước chân vào động Nhện, nghe được cụm từ "Hướng Nghiệp" mà mắt tôi sáng rực như tìm ra được chân lý cuộc đời.
Thì ra vũ trụ đã luôn dẫn lối cho tôi đáp án chính xác nhất cho câu hỏi hướng nghiệp mà tôi kiếm tìm bấy lâu. Đó chính là Cộng Đồng. Một cộng đồng chia sẻ những câu chuyện, trải nghiệm và kiến thức về những ngành nghề khác nhau chính là chìa khóa chính xác nhất để tiếp cận và giúp đỡ được nhiều bạn trẻ tìm ra được hướng đi cho bản thân mình. Và cho đến bây giờ, cộng đồng ấy đang ngày càng lớn mạnh khi có thêm kênh youtube Người Trong Muôn Nghề giúp chúng tôi nhanh chóng kết nối và lan tỏa những câu chuyện về nghề tới nhiều người hơn.
Kể từ ngày là thành viên của nhà Nhện, tôi luôn cảm thấy mình đang được sống hơn là đang làm việc. Vì đơn giản, tôi đang được làm những gì mình thích, mình đam mê. Và tôi đang sống để thực hiện được mục tiêu của mình, đó là giúp thật nhiều bạn trẻ sớm tìm được đam mê nghề nghiệp của riêng mình. Hãy cùng tôi lan tỏa những câu chuyện nghề tới những bạn trẻ đang thực sự cần được chia sẻ và lắng nghe nhé!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất