Vì sao việc đọc sách thật khó đối với bạn?

Với hầu hết mọi người, việc bắt đầu đọc một cuốn sách nghe thật hào hứng và thú vị. Hầu như tất cả chúng ta đều sẽ rất phấn khởi khi bắt đầu đọc một quyển sách mới, chúng ta sẽ mua rất nhiều sách liên quan tới vấn đề mà chúng ta đang cảm thấy thích thú mặc dù ta chưa chắc liệu nội dung trong cuốn sách có thực sự là những gì chúng ta đang tìm kiếm hay không bởi vì có rất nhiều tác phẩm tên thì ở trên trời mà nội dung thì ở đâu đâu trong rừng dưới biển. Tuy nhiên, cảm giác hào hứng và phấn khích ấy dường như sẽ chỉ duy trì được trong từ 10 - 20 trang đầu của các cuốn sách và chết dí ở đó luôn, hoặc nhiều thì từ 50 đến 100 trang rồi những trang sách này cũng sẽ đào huyệt chôn cái ý chí của bạn ở đó trong nhiều năm tiếp theo nữa, hoặc mãi mãi.
Ảnh bởi
Matias North
trên
Unsplash
Vậy vì sao việc đọc lại khó khăn đến thế, đơn thuần chỉ là dành chút thời gian để đọc và suy nghĩ ( hoặc không) trong một khoảng thời gian nhất định. Liệu có phải do chúng ta thuộc tuýp người thiếu nghị lực ?
Vấn đề nằm ở chỗ bạn chưa có phương pháp đọc hiệu quả và chưa thật sự tìm ra nguồn hứng khởi thật sự, bạn chưa có một mục tiêu cụ thể và một lịch trình đọc thật sự hữu hiệu. Bạn suy nghĩ quá nhiều và quá phức tạp trong hành trình đọc của mình, điều đó sẽ khiến bạn nản chí vì cảm thấy việc đọc thật sự quá cầu kỳ. Để đọc sách thì dễ nhưng để tạo nên một nguồn cảm hứng thôi thúc bạn đọc sách mỗi ngày hay mỗi tháng thì thật sự khó. Thậm chí, để duy trì được thói quen đọc sách và biến nó trở thành điều thường nhật trong cuộc sống của bạn còn khó hơn. Không cần phải cố gắng, không cần phải ép buộc bản thân, làm thế nào để đọc sách đối với bạn giống như việc ăn uống mỗi ngày, không thể thiếu và luôn khao khát.

Tạo thói quen đọc sách thế nào?

Tuân thủ lịch trình
Nhiều ý kiến cho rằng bạn chỉ nên đọc khi bạn thật sự có hứng thú, việc đọc không nên được xem như là một công việc mà trí não ép buộc phải làm việc, chỉ nên đọc khi nào bạn muốn đọc. Với tôi quan điểm này là đúng và cũng là sai, tuỳ thuộc vào thời điểm bạn áp dụng nó trong hành trình đọc của bạn. Đối với những người mới bắt đầu, tôi không tin phần nhiều trong số các bạn sẽ duy trì được thói quen đọc với cách trên. Không, hiển nhiên là như vậy, chỉ một số ít mới có thể thực sự thành công với phương pháp ấy.
Đối với những bạn đọc mới, điều quan trọng và cấp thiết đó chính là khả năng ép buộc bản thân PHẢI ĐỌC. Bạn sẽ không thể đọc và sẽ không dành thời gian cho việc đọc nếu bạn không có một kế hoạch cụ thể rõ ràng. Chúng ta rất thường tự nhủ với bản thân rằng “ tối nay mình sẽ đọc sách” , “ Tí nữa rồi mình sẽ đọc”,… Tuy nhiên bạn nên biết vào thời điểm bắt đầu, bạn phải thật sự xem việc đọc sách giống như công việc mà bạn buộc phải làm, nó là Deadline và Deadline thì có thời hạn cố định. Mục tiêu của việc đọc sách bạn đặt ra phải thật sự SMART.

SMART như thế nào?

Mục tiêu phải cụ thể ( Specific ) : Mấy giờ đọc, đọc bao nhiêu, đọc quyển nào?
Mục tiêu phải đo lường được ( Measurable ) : Bạn dự định sẽ đọc hết quyển sách 300 trang trong 15 ngày, vậy mỗi ngày bạn phải set số trang cần đọc là 20. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng Goodreads để đánh dấu phần trăm của cuốn sách bạn đang đọc để theo dõi tiến độ và thúc đẩy bản thân mình.
Mục tiêu phải khả thi ( Actionable ) : Bạn là người mới đọc, vậy việc đọc liên tục trong 2 tiếng là hoàn toàn không khả thi. Việc đọc trong 30’ sẽ hoàn toàn khả thi và phù hợp hơn. Bạn set up thời gian đọc lúc 9h30 sáng nhưng trong khoảng thời gian đó bạn đang có một deadline cận kề, suy ra việc đọc của bạn hiện đang trong khung thời gian không khả thi. Hãy chọn khung thời gian và khoảng thời gian phù hợp nhất với khả năng của bạn, không gian nên yên tĩnh hoặc nhẹ nhàng, thời gian nên là vào sáng sớm hoặc sau khi bạn đã hoàn thành hết công việc trong ngày. Việc chọn khung thời gian đọc đối với mỗi người sẽ khác nhau hoàn toàn, hãy thử đọc buổi sáng lẫn tối để xem khoảng thời gian nào bạn cảm thấy việc đọc trở nên trôi chảy và không mệt mỏi đối với mình.
Mục tiêu phải liên quan đến nhu cầu và mục đích của bạn (Relevant) : Ở đoạn này chúng ta chỉ cần đơn giản hiểu việc chọn sách phải phù hợp với nhu cầu và mục đích hiện thời của bạn. Bạn là người mới đối với dòng tác phẩm văn học kinh điển, “Anh em nhà Karamazov” chắc chắn không dành cho bạn, thay vào đó hãy chọn “Không Gia Đình” của Hector Malot. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về Marketing thì “Cuốn theo chiều gió” không nằm trong phạm vi bạn đang tìm kiếm và “Đợt tuyệt chủng thứ sáu” cũng vậy. Hãy thật sự dành thời gian tìm hiểu xem bạn đang cần gì và muốn đọc gì, có một mục tiêu đọc cụ thể và rõ ràng sẽ giúp bạn đọc chuyên tâm và dễ dàng hơn.
“ Hướng cái nhìn vào bên trong, và anh sẽ thấy một nghìn xứ sở trong hồn anh còn chưa được thăm dò. Hãy thám hiểm chúng và làm một chuyên gia của vũ trụ riêng mình”
Henry David Thoreau
Mục tiêu phải có thời hạn hoàn thành ( Time – Bound ) : Hiển nhiên bạn không thể treo mục tiêu của bạn trong khoảng chân không của vũ trụ mà không có điểm kết thúc nào. Mọi muc tiêu đều có điểm bắt đầu và hầu như đều có kết thúc, nếu bạn không muốn mình là một trong số những ngoại lệ của vũ trụ thì việc đọc của bạn cũng nên có một khoảng thời gian kết thúc cụ thể. Một tháng cho một quyển sách ngắn hoặc hai tháng cho một quyển sách dài là một khoảng thời gian cụ thể. Hoặc khoa học hơn, bạn nên chọn thời gian hoàn thành dựa trên số trang sách. Ví dụ : Sách của bạn có 500 trang, mỗi ngày theo mục tiêu bạn đọc 50 trang thì 10 ngày là thời hạn hoàn thành khá tốt. Tuy nhiên, bạn nên đặt ra khoảng nghỉ là 1 hoặc 2 ngày để đề phòng những trường hợp bất khả kháng và ngày nghỉ, vậy thì con số ngày hoàn thành là 12 ngày sẽ khả thi nhất. Ai mà lường trước được điều gì sẽ xảy ra trong đời cơ chứ? Và ai mà lại không cần nghỉ ngơi?

Cảm hứng

Nhiều người khi mới bắt đầu đọc sách thường chọn cho mình những chủ đề rất cao siêu và khó nhằn chẳng hạn như Tôn giáo, Thần học, Tâm Lý học, xã hội học... Tôi không có ý phê phán và chỉ trích những thể loại này, ngược lại rất ủng hộ những ai có thể đọc được. Tuy nhiên bạn không thể phủ nhận đây là những chủ đề thật sự khó đọc và ít tạo được nguồn cảm hứng đối với những bạn mới bắt đầu hành trình đọc của họ. Việc đọc một quyển sách quá khó, quá khô khan, nhàm chán và không trendy thường khiến các bạn mới bỏ cuộc.
Ảnh bởi
Madalyn Cox
trên
Unsplash
Vì sao ở đây còn có cả yếu tố trendy? Đơn giản là việc đọc một quyển sách mà ai cũng biết sẽ giúp bạn cảm thấy dễ dàng hội nhập với cộng đồng và thế giới của những người đọc sách hơn, đồng thời bạn sẽ dễ dàng vận dụng cũng như phô diễn những gì bạn vừa đọc với thầy cô và bạn bè. Điều này không hoàn toàn tốt bởi sẽ tạo thói kiêu căng đối với một số ít cá nhân, tuy nhiên nó lại hoàn toàn phù hợp trong việc tạo hứng thú và động lực thúc đẩy tân độc giả đọc nhiều hơn và thích đọc hơn. Vì sao ư? Vì độc giả lúc này đã cảm nhận rằng việc đọc của mình có hiệu quả và thành tựu nhất định, nó thật sự giúp mình khác biệt với nhiều người, giúp mình trông có vẻ thông minh hơn và hiểu biết nhiều hơn, có được điểm cộng từ giáo viên vì những kiến thức mới mẻ và độc đáo, được bạn bè tán thưởng cũng thật sự rất tuyệt. Vì thế độc giả sẽ chọn đọc nhiều hơn để tạo nên sự khác biệt rõ ràng nhất và duy trình hào quang hiện tại. Không thể phủ nhận tư duy này sẽ thúc đẩy việc đọc của những bạn mới nhiều đến thế nào, nhưng khi đã đọc lâu bạn nên dần thay đổi thế giới quan trong việc đọc và chuyển hoá nó thành việc đọc để nuôi dưỡng tâm hồn và trí óc của bạn, đọc những gì bạn muốn chứ không phải những gì mà xã hội muốn nghe từ bạn. Hãy tạo nên gout đọc sách riêng cho bản thân, thật cá tính và thật khác biệt. Đừng chạy theo số đông bởi “nếu bạn chỉ đọc những quyển sách mà mọi người đang đọc thì bạn chỉ nghĩ những gì mọi người đang nghĩ”
Vậy nên đọc gì? Đọc tiểu thuyết sẽ là một lựa chọn tối ưu nhất mà tôi dành cho các bạn, bạn có thể đọc tiểu thuyết trinh thám, văn học cổ điển, Haruki Murakami, fantasy hay self-help cũng là một lựa chọn không tồi. Đọc những gì dễ đọc và tạo nguồn cảm hứng cho bạn trong hành trình đọc.
Bạn nên biết để trở thành chuyên gia, trước hết bạn phải là người tập sự.
Tuy nhiên bạn nên lựa chọn những tác giả danh giá và thật sự tiếng tăm để giúp bạn đọc và cảm nhận một tác phẩm trọn vẹn. Đọc sách “nhẹ đô” không có nghĩa là dễ dãi trong gout đọc.
“Phần lớn mọi người thoả mãn với việc đọc và nghe đọc, và lâu lâu được thuyết phục bởi sự khôn ngoan sáng suốt của một cuốn sách tốt, Kinh Thánh, rồi sống vô vị trong phần còn lại của cuộc đời, và tiêu tan những khả năng của họ trong cái gọi là việc đọc dễ dàng”
Lâu dần, khi đã quen với việc đọc sách và đã bớt khó khăn trong hành trình của bạn. Bạn có thể nâng cấp gout của bạn lên những dòng sách khó nhằn hơn như lịch sử, chính trị, tiểu sử... Nhưng hãy lưu ý trong những dòng sách này vẫn được chia ra thành nhiều cấp bậc khác nhau từ cơ bản đến nâng cao. Đừng bắt đầu với một tác phẩm lịch sử quá khó nhằn như “ Sự trổi dậy và suy tàn của đế chế thứ ba”, hãy bắt đầu với một quyển sách lại vừa trendy vừa tương đối dễ đọc như “ Homo Sapiens”. Hãy bước từng bước cho đến khi bạn đi tới điểm cao nhất.

Duy trì

Khi đã có được một lịch trình đọc thật sự hiệu quả và ích lợi, chọn cho mình được dòng tác phẩm phù hợp có đươc nguồn hứng khởi khi đọc sách. Việc hiện tại cần làm chỉ là duy trì nó ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, tuyệt đối không được bỏ dở quá lâu. Trái ngọt lúc này đã gần như chín quả. Bạn chỉ cần kiên trì mỗi ngày để việc đọc đối với bạn là hít khí trời, là ăn và ngủ, là không thể thiếu nếu một ngày bạn còn sống. Nói thế thôi chứ thật ra nếu bạn cảm giác bạn đã thật sự thích đọc và sau một khoảng thời gian tầm vài ngày không đọc thì bạn cảm thấy bứt rứt và khó chịu thì có nghĩa là bạn thành công rồi đấy. Vì lúc này bộ não của bạn đang kêu gào và thôi thúc bạn cho nó ăn lấy thức ăn tinh thần từ những quyển sách tốt.
Hãy xây dựng cho mình một bầu không khí của sách, theo dõi và gia nhập các nhóm đọc sách trên Facebook hay Instagram như Mọt Sách Tiki, Nhã Nam Club,... Sử dụng Goodreads để cập nhật hành trình đọc của mình thường xuyên. Một khi bạn đã tạo được cho bản thân một môi trường liên tục có từ sách xung quanh bạn, bạn sẽ không thể quên được nó.
Chúc bạn thành công!