Dạo này có group NGHIỆN NHÀ. Esheep cũng nhiều bài khoe chồng, khoe góc bếp.
Như một cách "phản ứng", thì cũng có group GHÉT BẾP, KHÔNG NGHIỆN NHÀ đăng tải những hình kiểu món ăn fail, nhà bẩn... buồn cười phết. Đương nhiên, hai group bảo nhau toxic.
Thật ra, mình thấy nó cũng là hai mặt của vấn đề: Một group kêu gọi sống và ăn uống cầu kì, nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. Group kia kêu gọi người ta sống thoải mái, chấp nhận hậu quả của mình và cười vào nó. Mỗi cái đều có mặt tốt, và mỗi cái, khi đi tới độ "thái quá" của nó, thì đều tai hại. Một cái sẽ bày ra những thứ hoa mỹ không phải lối. Cái còn lại, nếu thái quá, lại có vẻ "khuyến khích" đời sống hơi... ẩu, để nhà cửa bừa bộn...
Tuy vậy, nhìn những ngôi "biệt thự" và "góc bếp" được các anh chị trong Esheep hay Yêu Nhà đăng, mình lại thấy... mệt. Mệt bởi vì, mình biết để ngôi nhà hay những món ăn chu toàn như vậy, đằng sau đó nó là những công đoạn gì: Chuẩn bị, dọn dẹp, trình bày, trang trí, rồi đến cả góc chụp, ánh sáng, thời gian...v..v.... Những cái tư tưởng hay câu caption kiểu "mình sống đơn giản" hay "nhà cũng chẳng có gì", vì thế mà trở nên thiếu ý nghĩa hơn, vì những người biết thì sẽ biết nó chẳng đơn giản.
Mình hồi trước cũng rảnh rang nấu ăn, đăng vài ba công thức lên Esheep. Dạo trước đó, còn học nhiều công thức trên mạng, rồi tự làm bánh mì, pasta và mấy thứ bánh trái cầu kì. Rồi chuyển đến với người yêu, bàng hoàng nhận ra, sau hai tuần đã hết món để nấu!
Người yêu mình thì nấu ăn siêu đơn giản, đi chợ cũng nhẹ nhàng, mà cái chính là nấu gì cũng cảm giác thư thái, khoan thai. Hết thịt thì ăn rau, hết cả thịt cả rau thì ăn mì tôm. Nấu không cần nghĩ món từ trước, còn cứ nấu là ngon. Mình thì vẫn nấu ngon vậy, nhưng nhìn người yêu thế cũng ghen tị lắm.
Chợt nhớ chuyện về Marco Pierre White, thầy của Gordon Ramsay. Sau khi cả thế giới biết đến tên tuổi của ông, và sau khi đã kinh qua cả đống chương trình truyền hình lẫn những nhà hàng bậc nhất, White chỉ đơn giản là… đăng video dạy nấu ăn để quảng cáo bột nêm sẵn Knorr.
Có người chửi, người lo. Người ta sợ ông mất chất, bảo ông hám tiền. Phần bình luận trên YouTube thì toàn bảo ông có “ánh mắt vô hồn”, “giao kèo với quỷ”… Tóm lại, người ta nghĩ Marco P. White chỉ còn cái bóng.
Thế nhưng mà, sau đó một khoảng thời gian, ông chỉ nhún vai trả lời khi những câu kia: ‘Tôi chả quan tâm, tôi chả cần chứng minh điều gì cả’.
Tức là, ông White hiểu rằng, mình đã đạt được mọi thứ mình cần rồi: Danh tiếng, tiền tài, sự nghiệp, học trò… Mọi thứ mọi nhẽ. Ông chẳng còn thấy việc nấu ăn là việc để chiều lòng ai nữa: Ông nấu ăn online và quảng cáo bột nêm sẵn vì ổng cần tiền, và ổng chẳng cần sự công nhận của “khán giả” nào.
Đấy cũng là câu trả lời của người yêu mình khi mình hỏi, sao em nghĩ được nhiều công thức thế mà nấu ăn nhẹ nhàng thế. Em nhún vai, “nấu ăn thì việc gì phải nghĩ!”. Mình mới vỡ ra: nấu ăn hay dọn dẹp nhà cửa, đáng ra là cái việc cho chính mình, chứ chẳng cần sự công nhận từ bất cứ “khán giả” nào. (Dĩ nhiên, người yêu mình không nấu ngon như White, nhưng cũng chẳng cần phải là siêu đầu bếp để nghĩ được như vậy).
Đúng là, nếu suy nghĩ như vậy, thì bản thân công cuộc nấu ăn và trang hoàng nhà cửa nó đã thành niềm vui, chứ chẳng cần đến bước “đăng hình vào group”. Đó cũng có thể là lý do mà, thỉnh thoảng những công thức đơn giản, "ăn sẵn" trên hai group đó lại được nhiều lượt tương tác hơn.
Chắc chắn rằng không phải ai trong group Esheep hay Yêu Nhà đăng ảnh nhà cửa hay món ăn cũng thấy cực nhọc và cầu kì như vậy, nhưng cảm giác “cần được công nhận” là cảm giác dễ thấy từ khá nhiều post ở đây, đặc biệt là những post có vẻ humblebrag, kiểu “nhà em có gì đâu”, xong khoe ra cái biệt thự 500m2 cùng bản thiết kế trực quan 3D.
Có lẽ vì vậy mà group “Ghét Bếp” trở nên nổi tiếng nhanh chóng: Họ ý thức được cái hậu đậu của bản thân và tự cười chính mình. Sống như thế thì đơn giản hơn. Và nó cũng “thành thật” hơn, vì người ta chỉ cố nấu ăn cho ngon, cho đẹp, chứ chẳng ai cố tình nấu thật tệ thật dở chỉ để đăng ảnh tìm kiếm sự công nhận trên Facebook cả.
Vẫn mong là group "ghét bếp" đi đúng hướng giải trí, không toxic kì thị hai group kia. Giống như hồi trước, mình chửi một group ghét trẻ em thì mấy admin vào phân bua: Ở đâu cũng có group yêu trẻ em rồi, phải có chỗ để những người "ghét" vào giải toả. Nhưng mà, do toàn trẻ con quản lý, nên đi lệch hướng nhanh chóng... Mong là group "ghét bếp" không có "ghét bếp" thật. Sống mà ẩu mà không nấu ăn được thì khổ bỏ mẹ.
Tức là, nấu ăn có thể không cầu kì, nhưng nên biết nấu. Sống có thể không hào nhoáng, nhưng cũng nên gọn gàng một chút cho bản thân mình sướng đã, hẩy? Group nhà sạch nhà đẹp cũng khiến nhiều gia đình chăm chỉ dọn dẹp hơn, sống gọn gàng ngon miệng hơn chẳng hạn. Nó cũng chẳng nguy hại gì…
Vấn đề, có lẽ là, một ngôi nhà đẹp thì nó đẹp với ai? Nó đẹp với bản thân mình và những người sống trong ngôi nhà, hay nó phải đẹp để nhận được “sự công nhận” từ một “khán giả” Facebook nào đó, như cách Heidegger đặt: “tìm hoan lạc và hạnh phúc như cách bọn họ tìm hoan lạc”? Một ngôi nhà đẹp, nó là đẹp cho ta, hay đẹp cho họ?
Quay lại hàng chục bài đăng về những ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng, sáng trưng của hai group trên, mình lại nhớ tới một đoạn cực kì ám ảnh trong “Cái Chết của Ivan Ilych” của Tolstoy. Mình sẽ kết thúc bằng nó:
[Ivan Ilych mới dọn về ngôi nhà mới. Hàng tuần liền, ông chuẩn bị sắm sửa cho ngôi nhà mới từng chút một, tất cả những đồ đạc đều do ông tự tay chọn]
“Ông hiểu rằng khi mọi việc xong xuôi, và căn nhà sẽ không tầm thường mà nó mang vẻ tao nhã lịch sự. Ông nằm lơ mơ, hình dung căn phòng lớn sau này sẽ như thế nào. Nhìn phòng khách còn chưa bài trí xong, ông đã thấy nào lò sưởi, màn che, giá sách, những chiếc ghế tựa nhỏ để rải rác, những chiếc đĩa sứ treo trên tường và các đồ trang trí bằng đồng. […] Căn nhà đã được bài trí một cách tuyệt vời, không phải chỉ mình ông, mà tất cả những ai được thấy ngôi nhà cũng đều nói với ông như thế.
Những kẻ không giàu lắm cứ thích học đòi bắt chước những người giàu có và bởi thế những kẻ học đòi này lại đâm ra giống nhau: nào vải bọc lót đồ gỗ, đồ đặc bằng gỗ mun, hoa hoét, nào thảm, nào đồ trang trí bằng đồng, nào thứ màu thẩm, nào thứ màu rực rỡ - nghĩa là đủ mọi thứ mà tất cả những người thuộc một hạng nào đó cố bày biện cho giống với những người thuộc hạng mình. Ngôi nhà của Ivan Ilich cũng được bài trí giống như thế, khiến cho người ta thậm chí không hề chú ý tới, nhưng ông cứ tưởng ngôi nhà của mình đặc biệt lắm."
.
.
.
Hôm nay nhà mình ăn cơm cà ri rau cùng thịt chay xào sả ớt.