Nghiên cứu mới về thông tin sai lệch liên quan đại dịch COVID-19
Hồi giữa tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng song hành cùng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của...
Hồi giữa tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng song hành cùng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra còn có một đại dịch thông tin – từ tiếng Anh gọi là “infodemic.”
Thông tin giả mạo và thông tin sai lệch về các vấn đề khoa học, công nghệ và y tế thì không có gì mới. Nhưng trong lúc xảy ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy như hiện nay, nhiều nhà lập pháp, học giả và nhà báo cũng đồng quan điểm với WHO và nhấn mạnh rằng tin giả về đại dịch COVID-19 đang gây ra mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.
Cristina Tardáguila, Giám đốc Mạng lưới Kiểm chứng Thông tin Quốc tế (IFCN), đã gọi COVID-19 là “thách thức lớn nhất mà các đơn vị kiểm chứng thông tin phải đối mặt.” Các cơ quan báo chí đang cố gắng đưa tin về đại dịch này với lượng thông tin nhiều và chính xác nhất trong khi nỗ lực phát hiện thông tin sai lệch, các nền tảng công nghệ cũng đang thắt chặt các tiêu chuẩn cộng đồng của mình để kịp thời phản ứng trước tình trạng tin giả tràn lan. Một số chính phủ đã thành lập các đơn vị trực thuộc để đối phó với những nội dung gây hại.
Ngày 8/4, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đăng tải một nghiên cứu về cách thức thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 lan tràn trên toàn thế giới. Nghiên cứu này phân tích những mẫu bằng tiếng Anh đã được các công cụ kiểm chứng thông tin xác định là sai lệch hoặc giả mạo trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2020.
Dưới đây là một số phát hiện chính:
Xét về quy mô, các công cụ kiểm chứng thông tin (fact-check) độc lập đã nhanh chóng phản hồi với tình trạng tin sai lệch tăng mạnh xung quanh dịch COVID-19; số lượng trang fact-check tiếng Anh đã tăng hơn 900% trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2020. Tuy nhiên, do các trang kiểm chứng thông tin này chỉ có nguồn lực hạn chế và không thể kiểm chứng tất cả những nội dung có vấn đề, nên tính chung thì tổng số thông tin sai lệch về virus corona thuộc mọi thể loại đương nhiên còn tăng với tốc độ nhanh hơn.
Xét về hình thức, hầu hết các thông tin sai lệch (59%) trong những mẫu nghiên cứu là loại được “chế biến,” tức là những thông tin có thật bị bóp méo, thêm bớt, nhào nặn hoặc đặt vào ngữ cảnh khác. Số lượng các tài khoản tung tin nhào nặn chiếm đến 87% lượng tương tác trên các nền tảng truyền thông xã hội, trong khi nội dung giả mạo hoàn toàn chiếm 12%.
Một status được chia sẻ rất nhiều mang nội dung là lời chia sẻ của ông chú một người nào đó, kết hợp cả thông tin chính xác và không chính xác về cách thức chữa trị và phòng ngừa sự lây lan của virus. Có một số lưu ý trong lời khuyên này, ví dụ như việc phải thường xuyên rửa tay, đúng là phù hợp với khuyến cáo về y tế, nhưng cũng có những gợi ý trái ngược. Ví dụ status viết thế này: “Con virus này không chịu được sức nóng, vì thế nó sẽ bị giết chết ở nhiệt độ 26-27 độ C. Nó ghét mặt trời.” Đương nhiên sức nóng có thể làm chết con virus này nhưng 27 độ C là không đủ.
Loại thông tin sai lệch phổ biến thứ hai là sử dụng ảnh hoặc video rồi mô tả quá mức độ (chiếm 24%). Ví dụ một status đăng hình một loạt các loại thực phẩm chay nằm trên kệ hàng gần như trống rỗng tại siêu thị với lời kèm theo rằng “Ngay cả khi thiên hạ điên cuồng đi mua đồ phòng virus corona (hic) thì chẳng ai muốn ăn mấy thứ đồ chay này.” Văn phòng AFP tại Australia phát hiện thấy đây là hình ảnh chụp một cửa hàng ở Texas vào năm 2017, trước khi xảy ra cơn bão Harvey. Đây cũng có thể coi là loại thông tin mà một số nhà nghiên cứu gọi là “thông tin mạ lị.”
Có 38% là thông tin hoàn toàn được làm giả. Trong số các mẫu nghiên cứu của Reuters có một số lượng hình ảnh và video được làm giả mạo. Các nội dung được chỉnh sửa hoặc giả mạo này sử dụng các kỹ thuật biên tập ảnh hoặc video vô cùng thô sơ. Một video gắn hình quả chuối vào một phần bản tin và nói rằng chuối có thể ngăn chặn hoặc chữa khỏi COVID-19.
Tuy gây ra rất nhiều lo ngại gần đây nhưng không hề phát hiện được nội dung “deep fake” hoặc các công cụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), thay vào đó là việc các nội dung sai lệch được tạo ra bằng những công cụ vô cùng đơn giản, thậm chí có thể gọi là “cheap fake” (tin giả rẻ tiền) bởi dùng những cách làm vô cùng thô sơ và cũ kỹ.
Xét về nguồn tung tin, những thông tin sai lệch từ các chính trị gia, những người nổi tiếng hoặc giới văn nghệ sỹ-thể thao tuy chỉ chiếm 20% tổng số nhưng lại chiếm phần lớn lượng tương tác trên mạng xã hội. Một số thông tin sai lệch được đăng tải trên truyền thông xã hội nhưng có đến 36% bao gồm cả những ý kiến của các chính trị gia, phát biểu công khai hoặc nói với báo chí. Ví dụ, New York Times và các cơ quan báo chí khác cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có rất nhiều tuyên bố sai lệch về chủ đề này tại các sự kiện, trên kênh truyền hình Fox News, và trên Twitter. Dữ liệu nghiên cứu của Reuters không xác định được mức ảnh hưởng của thông tin sai lệch thuộc loại này thông qua truyền hình nhưng nó chiếm tới 69% lượng tương tác trên truyền thông xã hội.
Đương nhiên, không nên đánh giá thấp ảnh hưởng từ thông tin sai lệch do người dùng bình dân đăng tải và lan truyền. Loại thông tin này không chỉ chiếm số lượng lớn mà một số nội dung cụ thể, ví dụ như status nói rằng xông hơi và máy sấy tóc có thể ngăn COVID-19, tạo ra lượng tương tác khổng lồ. Rất khó đánh giá động cơ nếu chỉ nhìn vào nội dung vì người dùng Internet đôi khi tương tác rất nhiều với những nội dung hết sức mơ hồ. Người dùng có rất nhiều lý do khi chia sẻ thông tin sai lệch, kể cả ý định trêu chọc (troll) ai đó, cũng có thể họ thực sự tin vào thông tin sai lệch đó, hoặc tư duy dứt khoát ủng hộ đảng phái của mình. Cần lưu ý rằng nghiên cứu của Reuters không thể xác định được mức độ lan tỏa trong các nhóm kín hoặc các ứng dụng nhắn tin, và đây có thể là những nền tảng chứa đựng rất nhiều lượng thông tin sai lệch của người dùng bình thường.
Đáng chú ý là có một số ít thông tin sai lệch được tạo ra để thu lợi nhuận. Có 3% nội dung dẫn dụ người dùng đến những trang bán vaccine, thiết bị bảo hộ và 4% thuộc loại câu view để đưa đến các trang web hòng tăng nguồn thu quảng cáo.
Xét về nội dung, hầu hết nội dung trong những thông tin sai lệch (chiếm đến 39% mẫu nghiên cứu) liên quan đến các hành động hoặc chính sách mà các cơ quan chức năng đang thực thi để đối phó với dịch COVID-19, dù là của chính phủ hay chính quyền địa phương, cơ quan y tế, hoặc các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Loại nội dung phổ biến thứ hai là những lo ngại về sự lây lan của virus corona trong cộng đồng, từ những kiểu lo sợ rằng chỗ nọ chỗ kia đã có ca nhiễm đầu tiên cho đến những chỉ trích nhằm vào những nhóm sắc tộc nhất định là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh.
Đáng lưu ý là những thông tin sai lệch về hành động của chính phủ và về sự lây lan của virus thường thách thức những thông tin từ các cơ quan chức năng. Những loại thông tin này rất dễ kiểm chứng nhưng nó cho thấy không phải lúc nào chính quyền cũng thành công trong việc cung cấp các thông tin rõ ràng, hữu ích và tin cậy để đáp ứng những câu hỏi cấp bách của công chúng. Nếu thiếu thông tin chính xác thì thông tin sai lệch về những chủ đề này sẽ ngay lập tức lấp đầy chỗ trống mà công chúng đòi hỏi, và những người có quan điểm bất bình với chính phủ hoặc giới tinh hoa chính trị sẽ không tin vào những nội dung chính thức về vấn đề này.
Xét về mức độ phản hồi, một số nền tảng truyền thông xã hội đã thực thi các biện pháp để hạn chế tình trạng lan truyền tin giả về dịch COVID-19. Tuy đưa ra những chính sách khác nhau nhưng các nền tảng – trong đó có Facebook, Twitter và YouTube – khẳng định họ đã bắt đầu loại bỏ những nội dung đã được kiểm chứng là sai lệch hoặc có nguy cơ gây hại xét theo các tiêu chuẩn cộng đồng vốn đã được thắt chặt trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh. Trong một số trường hợp, Facebook đã dán nhãn cảnh báo đối với những nội dung mà các công cụ factcheck độc lập đã xác định là sai lệch.
Các nền tảng truyền thông xã hội đã xử lý đa phần những nội dung được các trang kiểm chứng thông tin đánh giá là sai lệch nhưng mức độ giữa từng nền tảng có sự khác biệt. Trên Twitter, 59% những nội dung bị các trang fact-check đánh giá là sai lệch vẫn còn tồn tại. Trên YouTube, tỷ lệ này là 27% còn trên Facebook là 24%.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất