Vài năm trước, trong chuyến đi lang thang để tịnh tâm suy nghĩ về cuộc sống và nhiều thứ. Tôi có dịp được nói chuyện với thiền sư trên đảo nhỏ ở Biwako về chữ Duyên.
Thiền sư nói  "Có kiếp trước - kiếp sau hay không, không ai biết chính xác. Quan trọng nhất là kiếp này.
Trên đường đời gặp gỡ nhiều, nhưng chỉ vài người ở lại làm bạn.
Trong những người ở lại, có những người bên con lúc rảnh rỗi, có người sẽ tìm đến với con lúc họ đau buồn, có người sẽ khiến con yêu thích, muốn gần gũi, cũng có người vì yêu thích con mà luôn theo đuổi chinh phục.
Người ở bên lúc rảnh, họ sẽ bận, người tìm đến lúc đau buồn họ sẽ vui, người con yêu thích chạy theo không chắc sẽ đáp trả, người yêu thích chinh phục con có thể họ sẽ rời đi tìm người khác khi con nói từ chối.
Đến cuối, mọi mối duyên rồi sẽ ra đi hết sao?
Không, chắc chắn giữa những người đó, sẽ có ít nhất một người luôn xuất hiện khi con cần, luôn bên con dù rảnh hay bận, sẽ không vì chinh phục con hay vì con yêu thích họ mà ở lại hay làm mọi thứ cho con, họ sẽ cho con mọi thứ không cần đáp trả. Nhân gian này ta gọi đó là tri kỉ, trong tình yêu ta gọi đó là bạn đời.
Nhận ra được ai sẽ là người còn ở lại với mình, ai sẵn sàng cho mình mọi thứ mà không cần đáp trả là điều không dễ.
Cần phải cùng nhau trải qua thời gian dài với nhiều buồn vui. Tuy nhiên, chưa hẳn cùng nhau, bên nhau thời gian đã nhận ra.  Con người có thói quen nhìn phía trước, không mấy khi nhớ tới bên-cạnh. Nên, thật đáng tiếc khi phải nói rằng, phần lớn chúng ta đều chỉ nhận ra người-mình-cần khi họ biến mất khỏi thế giới của mình.
Con người thường nhận ra mọi thứ khi đã muộn, nên hay tự xoa dịu mình rằng "sẽ trả ở kiếp sau" hay "hết duyên". Kiếp sau nếu có, liệu chúng ta có còn nhớ nhau là ai. Và duyên, chẳng phải chính chúng ta đã bỏ-rơi nó hay sao."
Trong văn hoá Nhật, đặt biệt là văn hoá trà đạo có câu 一期一会 (Ichigo - Ichie), nghĩa là "Mỗi cuộc gặp gỡ trong đời, đều là duy nhất".
「一生にたった一度の出会いを大切- Hãy trân trọng cái duyên tương ngộ cả đời chỉ có một lần duy nhất.
Đời này, ai nói được ngày mai, hay nói được một giây sau sẽ thế nào. Mỗi người nên thấu hiểu và thận trọng để trân trọng những điều đặc biệt quý giá với mình.
Trong cuốn sách "Kiếp nào ta cũng tìm thấy nhau" của Brain L. Weiss cũng có viết
"Định  mệnh  sẽ dẫn  lối cho  những  linh  hồn tri  kỷ hội ngộ. Chúng ta sẽ gặp họ. Nhưng quyết định làm gì sau đó lại là quyền tự do lựa chọn của mỗi người. Một lựa chọn sai lầm hoặc một cơ hội bị bỏ lỡ có thể dẫn đến nỗi cô đơn và thống khổ tột cùng. Và một lựa chọn đúng đắn, một cơ hội được nắm bắt có thể mang lại niềm hạnh phúc sâu sắc."
Qui cho cùng, dù ở nền văn hoá nào, dù ở đâu, con người cũng có những trải nghiệm giống nhau về Tương Ngộ và Chia Ly. Vấn đề "làm sao để hiểu được đâu là một mối duyên tốt, duyên đúng cần phải bảo vệ, cần phải nắm giữ" có vẻ là điều khắc khoải của phần lớn con người. Từ những kinh nghiệm đau lòng - hối hận, tiền nhân đã dặn dò hậu thế rằng "Hãy tỉnh thức để nhận biết đâu mới đúng là mối duyên lành, đâu mới là định mệnh trăm năm, đâu mới là những người đích thực ta cần."
Người ta hay nói "Tại sao thời giờ yêu đương dễ đến dễ đi quá. Lại còn ly hôn, chia tay, làm khổ nhau. Sao mà hồi xưa không như vậy?"
Nghĩ kỹ thì hồi xưa có vẻ con người biết thuận-theo-tự-nhiên hơn. Người ta sống cho hiện tại và không đi tìm kiếm nhữngmơ màng không rõ ràng ở xa xôi. Người ta trân trọng những gì ông trời đem tới, và vun đắp nó thành các mối quan hệ đi vào sử sách.
Tóm lại thì, những gì đang có, hãy cố gắng nắm giữ và trân trọng. Cố gắng phát triển để mọi thứ tốt hơn. Vì biết đâu mọi thứ sẽ biến mất đi vào ngày trời đẹp nhất, nhanh và bất ngờ tới nỗi, chỉ có thể tròn mắt ngạc nhiên rồi rơi vào chuỗi ngày hối tiếc vô vọng.
Tôi nhớ có đọc đoạn thơ như vầy, xin dùng để kết thúc bài tản mạn dài,
"Có khi nào trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau.
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu"
Chúc cho tất cả chúng ta đều biết nhìn qua bên cạnh và hạnh phúc trong từng ngày ở hiện tại.