Đây là cái thời đại mà chúng ta không chỉ bán sản phẩm, dịch vụ mà còn bán chính bản thân mình. Từ khi lên đại học, tôi được nhìn thấy nhiều người đáng ngưỡng mộ với profile khủng, và bạn bè tôi dần nói về việc chúng ta phải xây dựng thương hiệu cá nhân.
Thương hiệu cá nhân (personal branding) được hiểu là tổng hợp những gì ở bản thân mà bạn CHỌN để trình bày cho thế giới thấy.
(và tất nhiên là hầu hết đều muốn chọn những điều thế giới muốn thấy)
Điều này thấy rõ nhất ở những nhân vật công chúng, những người trong giới giải trí, khi mà con người trên sân khấu của họ có thể hoàn toàn khác với những gì xảy ra sau cánh gà. Bằng chứng là các vụ bê bối gần đây của idol Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Việt Nam. Trên sân khấu họ lan tỏa những giá trị, những hình ảnh tốt đẹp nhưng điều đó không đảm bảo con người họ cũng như vậy.
Tuy nhiên, không phải chỉ người nổi tiếng mới có thương hiệu, tất nhiên thương hiệu của họ đươc biết đến nhiều hơn, nhưng mỗi chúng ta, nhất là khi bước vào thị trường tuyển dụng, bước vào một cộng đồng chung nơi nhiều con người cùng chờ chực đánh giá chúng ta, bản thân mỗi người cũng sẽ xây nên một hình ảnh riêng cho mình, hình ảnh mà bản thân nghĩ rằng người khác muốn thấy.  Để rồi khi bước ra khỏi cánh cửa của cộng đồng này, chúng ta lại khoác lên tấm áo mới và có lẽ chỉ thực sự cởi bỏ hết tất cả khi ở trong căn phòng của riêng mình.
Nhìn vào định nghĩa của thương hiệu cá nhân, chúng ta dễ dàng nhận thấy mặt trái của nó. Điều bạn “chọn” để thế giới thấy đã hàm ý rằng:
- Nó không phản ánh con người bạn hoặc chỉ phản ánh một phần con người bạn
- Bạn phải nói dối (ở một mức độ nào đó) về con người mình (thường xuyên)
Phần con người mà bạn giấu đi, nhiều khi không phải vì nó xấu xí, mà chỉ vì đó không phải điều xã hội kỳ vọng. Và bản thân tôi tự thấy bất công cho phần đó của bản thân. Không chỉ vậy, để giữ gìn một lời nói dối tốn nhiều công sức hơn rất nhiều đồng thời dễ gây nhiều vấn đề về tâm lý với những người không quá quen với việc đó.
Muốn biết mình đang muốn cho xã hội thấy hình ảnh gì, bạn có thể thử suy nghĩ lại về cách bản thân đang dùng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội phổ biến như Facebook. “Trang cá nhân” đã không thật sự còn cá nhân mà bị vô hình kiểm soát bởi đám đông. Mỗi dòng trạng thái, mỗi tấm ảnh không đơn thuần là chia sẻ về cuộc sống nữa mà cũng cần tính toán chiến thuật để đảm bảo hình ảnh bạn cho người khác thấy là đồng nhất. Nhiều công ty hiện nay còn bắt nhân viên phải thay ava theo phong trào công ty, phải like cái gì share cái gì.
Tôi bắt đầu dùng Facebook từ lớp 8 và vẫn dùng tài khoản đó đến tận hôm nay. Điều này, cùng với chức năng “Memories” của Facebook giúp tôi thấy rõ được sự thay đổi trong cách tôi dùng nó. Trước đây, Facebook là nơi lưu giữ kỷ niệm với bạn bè, là nơi có thể nói về mọi thứ nhảm nhí như là: “Hôm nay trời mưa buồn quá” hay “Úi vừa bị con muỗi đốt”. Tôi và bạn bè cũng từng chẳng ngần ngại “dìm hàng” nhau trên mạng xã hội, chụp ảnh, quay video làm trò lố thời học sinh. Khi lên đại học, trong những buổi gặp bạn bè cũ thời cấp 3, chúng tôi vẫn chơi với nhau như vậy, vẫn đùa cợt, vẫn làm đủ mọi trò, nhưng khác là chúng tôi không còn dám đưa những hình ảnh đó lên mạng xã hội nữa. Bắt đầu từ việc một vài đứa sẽ chỉ đồng ý quay nếu không đăng công khai, hay là khi Facebook nhắc về những hình ảnh hồi xưa, một số sẽ inbox riêng và nói rằng “đừng comment lại vào đấy nhé.” Bởi hình ảnh của chúng tôi khi đó với những người mới gặp, đã khác. Có lẽ những điều ngây dại thời còn trẻ con không phải điều mà chúng nó muốn người khác biết tới.
Cá nhân tôi chỉ thực sự thấm thía điều đó khi bắt đầu đi làm. Trong công việc tôi cũng là người nghiêm túc và đủ chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu nơi tôi làm việc. Dần dần, tôi thấy ngại khi thể hiện sự không nghiêm túc của mình trên mạng xã hội, vì ở đó, đồng nghiệp của tôi cũng sẽ nhìn thấy tôi. Dần dần tôi cũng vượt qua được điều đó để “sống thật hơn” nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ là hoàn toàn thật.
Đặc thù công việc của tôi cũng phải giao tiếp với đối tác và Facebook không chỉ đơn giản là nơi giao lưu chia sẻ, Facebook trở thành nơi làm việc. Đã là nơi làm việc thì không thể không có giới hạn hay quy định. Dần dần, tôi cũng chẳng còn đăng gì trên Facebook nữa, bởi nếu không làm gì thì không sợ vi phạm quy định ngầm nào đó. Vì đã sử dụng Facebook này từ rất lâu nên cộng đồng bạn bè của tôi cũng rất đa dạng, từ bạn học phổ thông, đại học, đến gia đình, đối tác, đồng nghiệp cũ, đồng nghiệp mới, khách hàng, người già, người trẻ,… Đến mức tôi cảm thấy bất kỳ quan điểm nào của tôi, khi công khai, sẽ đều được một số ủng hộ và sẽ đụng chạm một cơ số người khác.
Có những người biết lắng nghe và tiếp nhận được ý kiến trái chiều. Thậm chí tôi còn biết ơn những cuộc tranh luận với những người khác biệt với mình. Tuy nhiên đa số thì không như vậy, họ không tấn công một ý kiến, mà họ tấn công con người đưa ra ý kiến đó. Cũng như việc tôi phê phán ý kiến của họ và họ cho rằng tôi đang phê phán con người họ. Điều quan trọng là không phải ai chúng ta cũng đá khỏi cuộc sống của mình dễ dàng được. Ví dụ một hôm bác tôi chia sẻ fake news, tôi cũng khó có thể phê phán fake news hay sự dễ dãi với thông tin của họ. Hoặc có hôm định phê phán chính quyền thì chợt nhớ hôm nọ vừa mới kết bạn với anh công an để hỏi mấy việc.
Gần đây tôi có viết một bài chia sẻ quan điểm về một số vấn đề xã hội, cũng được đa số đồng tình, được kha khá người share và giúp bài đăng trở nên viral. Ngay lập tức cũng có vài thanh niên vào soi profile xem nơi tôi làm việc rồi nói này nói kia nên tôi cũng phải ẩn đi thông tin này vì không muốn làm ảnh hưởng đến cộng đồng chung dù tôi cũng chẳng làm gì sai hết.
Một điều đáng buồn hơn cả là dù biết đang ở trong một cái bẫy nhưng chúng ta khó có thể thoát khỏi nó. Xã hội vẫn sẽ vận hành như vậy và con người thì vẫn sẽ móc nối với nhau theo nhiều cách khác nhau. Đây không hoàn toàn là vấn đề của mạng xã hội hay Internet bởi dù không có công nghệ, chúng ta vẫn giả dối với nhau, nhưng công nghệ mở rộng mọi giới hạn và đồng thời cũng khuếch đại vấn đề. Thay vì phải làm hài lòng 10 người thì nay bạn phải làm hài lòng 1000 người chẳng hạn. Chúng ta cũng chẳng thể xa rời Facebook, mạng xã hội hay Internet khi mà với nhiều người (như tôi), đó là nơi giải quyết công việc, cũng như chúng ta khó có thể ngắt kết nối với tất cả mọi người.
Vì vậy, cách mà tôi và đa số người dùng thường làm đó lấy độc trị độc, chúng tôi lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội hơn 😂. Mỗi nơi sẽ là một nhân cách khác, với mục đích khác nhau như nhiều mảnh ghép để có thể khắc họa hoàn chỉnh bức chân dung của chúng tôi. Fb riêng cho gia đình, fb cho đồng nghiệp, fb cho riêng mình? Cá nhân tôi ngoài tài khoản chính, tôi có một tài khoản phụ chỉ có dưới 10 bạn bè, đa số là người lạ để chia sẻ những suy nghĩ cá nhân hơn của tôi. Tôi có Spiderum để viết, có Instagram là nơi không có gia đình đồng nghiệp hay đối tác mà chỉ dành cho bạn bè. Nhưng nhiêu đó nhiều khi vẫn cảm thấy chưa đủ. Dạo gần đây tôi không có chỗ nào để share mấy bài viết trên Facebook tôi thích, hay để trình bày quan điểm, những chia sẻ ngắn ngắn nhảm nhí hơn, hoặc đơn giản là nói về hôm nay tôi mới học thêm được cái gì. Những thứ nhỏ nhặt chưa đủ chau chuốt để đăng lên Spiderum. Tất nhiên Spiderum cũng không đến mức từ chối tôi nhưng tôi tự yêu cầu bản thân có sự chỉn chu nhất định ở đây.
Vì thế tôi đã lập chiếc blog nho nhỏ ở đây cho những mục đích này.
Tốt nhất thì, mọi người nên đến mà đừng mang kỳ vọng hay tiêu chuẩn gì để áp đặt vào nó, ngoài việc tôi sẽ nói những điều CÁ NHÂN tôi cảm thấy hữu ích và muốn lan tỏa. Đừng tưởng tượng tôi là người thế nào và cũng đừng nên vẽ nên hình tượng gì về tôi. Đừng nói ôi tôi tưởng bạn chia sẻ good vibe mà sao giờ phê phán nhiều quá thấy mệt. Đừng bảo ôi tôi tưởng bạn theo phe này mà sao giờ lại nói khác. Đó là điều bạn nghĩ, không nhất thiết mô tả đúng về tôi.
Ở đây luôn chào đón nếu bạn thích nó và nếu không như các bạn mong đợi, chỉ cần một click và unlike, NTA 😉