Các bạn thử nghĩ xem, giả sử mình viết trên Spiderum trong 5 năm, và bạn sinh hoạt trên Spiderum cũng chừng đó thời gian, rồi cả 2 có tương tác qua lại, có khi còn "đấm nhau" về mặt lý luận, thì qua 5 năm đó, chúng ta chẳng khác gì đã trưởng thành cùng nhau, dù chẳng biết mặt mũi nhau trông vuông tròn thế nào cả. Hay không nào?
Nghe thì có vẻ sến súa, nhưng mình tự dưng thấy vui với ý nghĩ đó. ^^
Sắp tới, mình dự định sẽ còn viết và còm đều đều trên Spiderum. Nhưng vì viết nghiêm túc thì sẽ cần đầu tư thời gian nhất định, nên xen giữa các bài viết đấy, mình cũng muốn viết cái gì đó nhẹ nhàng để kết nối với mọi người, gợi ý những bài hay cần đọc thêm, và trao đổi những thắc mắc thường gặp khi sinh hoạt trên Spiderum.
Vậy nên, hy vọng nếu mọi người có thắc mắc tâm tư gì, thì có thể bàn luận thêm cho xôm. Mình sẵn sàng giải đáp nếu có thể.
Chủ đề đầu tiên của series là Về việc Viết trên Spiderum.
Porco Rosco

1. Áp lực viết cho hay

Mình thường có tư duy khá là "chủ nghĩa tối ưu" (optimalism), tức muốn bài viết mình tối ưu hóa điều cần nói, phải bổ ích, và không phí thì giờ người đọc. 
Suy nghĩ trên có ưu điểm là tạo ra các bài viết có tâm, nhưng lại có nhược điểm là khiến mình tự áp lực với bản thân, và cũng vô hình trung gây áp lực cho các người viết khác, đặc biệt là với người viết mới: họ không dám viết vì "trên đây ai cũng viết tâm huyết" và sợ bị chê là vô bổ, tầm phào. Đây là cái mình nghe được khi hỏi mấy đứa em tại sao không viết bài trên Spiderum.
Mình nói vậy không phải là cổ vũ lối viết vô trách nhiệm, mà là qua series này, mình muốn tự gỡ bớt áp lực phần nào cho chính bản thân và mọi người thôi. Hy vọng là mọi người viết bài thoải mái hơn chút, đồng thời cũng có thể cân nhắc viết sao cho tốt, để bài viết có giá trị cho bản thân hơn, và để tâm tư mình cũng được lắng nghe nhiều hơn.
Mặt khác, để viết một bài chất lượng, nguyên gốc (original), thì mất rất nhiều thời gian. Và thời gian đã mất đó, cũng đánh mất luôn cơ hội gầy dựng mối quan hệ quý giá giữa người đọc và người viết. Cho nên mình nghĩ viết series SpiderTalk này cũng là cách hay để kết nối với mọi người, bởi dù sao, Spiderum cũng là mạng xã hội cho người viết: tức một cộng đồng có giá trị chung, và có sự tương tác với nhau.

2. Tại sao ta viết?

Đây là kiểu câu hỏi sẽ theo người viết suốt cả đời.
Người ta viết vì nhiều lý do lắm: như là viết để kiếm tiền, để gây ấn tượng, để xây dựng thương hiệu cá nhân, để khuyên bảo, để hạnh phúc, để có người yêu,... 
Những lý do mang tính mục đích, đều sẽ một lúc nào đó đối diện với sự kết thúc của nó. Vì cơ bản là chúng ta của phút sau, ngày sau, tháng sau, đã khác, trong khi câu trả lời thì vẫn vậy: nó cũ kỹ, máy móc và không còn hạp với con người mới của ta nữa.
Cho nên, câu trả lời cần tươi mới và vô nghĩa nhất có thể: 
"Viết chỉ để...viết thôi."
Bạn chẳng hỏi tại sao bạn thở cả. Với mình, đôi lúc viết như thở vậy. Nó thiết yếu với mình, nó tự nhiên với mình, nó là mình. Mình cảm thấy không viết thì khó chịu, và chỉ viết mới khiến mình thỏa mãn. Những lúc đấy mình chả nghĩ gì khác ngoài việc cứ viết.
Những lúc không hứng viết, thì mình bỏ viết, và hứng thú rồi sẽ trở lại một cách tự nhiên.
Hoặc có những lúc khác, mình nghĩ là cứ ngồi vào bàn và viết, dù không thích lắm, và cảm thấy khó khăn, nhưng cuối cùng cũng viết được, thậm chí một lúc sau trở nên thích viết.
Đó là lý do rất khó có câu trả lời chung cho câu hỏi Viết để làm gì, vì nó mang tính cá nhân, và mang tính thời điểm. 

3. Mình chưa đủ kiến thức về cái mình muốn viết

Vì Spiderum thường được mô tả là cộng đồng những người trẻ ham hiểu biết, nên yêu cầu về mặt kiến thức cũng tương đối cao, dễ gây áp lực, nhất là với những bạn chỉ mới tìm hiểu về vấn đề mình định nói.
Nhưng nếu bạn quan sát lại, bạn sẽ thấy đề tài các bài viết là rất đa dạng: có rất nhiều bài dạng tâm sự, kể chuyện, sáng tác, bài học cuộc sống, review sách/phim/game,... Nếu muốn gì bổ ích cho mình, và cho người khác, thì đôi khi cũng không cần kiến thức lắm.
Còn nếu đã muốn viết bài liên quan tới kiến thức mà vẫn bánh cuốn người xem, thì có thể đọc bài khá hay này của Huskywannafly:
Mặt khác, dù chẳng cần biết nhiều, cũng không cần là hot-writer, nhưng nếu bạn đọc đâu thấy có ý tưởng hay, thì bạn vẫn có thể giới thiệu lại ý tưởng đó, một cách ngắn gọn, như bài này:

4. Viết sao cho nhiều upvote?

Đây là chủ đề thú vị nè.
Hồi đấy, mình từng có thời ganh tỵ với một cậu hot-writer lúc bấy giờ trên Spiderum là An Phạm, bởi bài nào của cậu ấy cũng lên top hết.
Sau khi đọc kỹ bài này của An Phạm - Đạt top 1 trên Spiderum như thế nào (71 upvote, chắc bị nhiều downvote vì người ta gato) - thì 2 tháng sau mình đã viết bài này: Sapiosexual - hẹn hò cũng hợp thời? (734 upvote - hình như hồi đấy tầm 250 vote gì thôi, nhưng qua thời gian 2-3 năm thì tự dưng tăng dần lên tới 700)
Để tham khảo ý tưởng làm sao để bài nhiều upvote, bạn có thể đọc bài "Đạt top 1 như thế nào" ở trên, và bài này cũng của An Phạm Spiderum nâng cao: hướng dẫn chi tiết. Đồng thời tham khảo các bài viết nhiều upvote nhất trên Spiderum ở link này: Top bài viết trên Spiderum
Phần này thì mình sẽ bổ sung thêm các quan sát riêng của mình. Nói tóm lược thôi, bằng cách Nhìn lại top 5 bài viết nhiều upvote nhất:
Bài top 2 (Chuyện mình được nhận vào Google) và top 3 (Thu nhập trên 10000usd/tháng ở Việt Nam thì sống như thế nào ) thì cơ bản là không dành cho kẻ bình thường chúng ta, vì họ là những người đặc biệt xuất sắc và may mắn trong xã hội. Những người này lại còn viết tốt nữa chứ: thế là ta có combo siêu hút khách luôn.

Để 18 tuổi nhận vào Google, hay để có thu nhập 10000usd/tháng ở Việt Nam khi còn trẻ, là 2 thứ quá khó. Nhưng để viết bài về tối ưu hóa bản thân, hay phản biện xã hội, hoặc nêu quan điểm về cuộc sống, thì hẳn là trong khả năng của chúng ta. 
Đó là lý do mình sẽ nói sơ về 3 bài còn lại của top 5:
***
Bài top 1 phải nói là quá ư toàn diện: viết rất tốt, mạch lạc, rõ ràng, và rất đầu tư chất xám. Bài viết là tổng hợp những cái thiết yếu nhất liên quan đến học tập, và tối ưu công cuộc phát triển bản thân. 2 cái vừa nêu cũng là 2 trăn trở rất lớn của người trẻ.
Và bài viết cũng rất hợp nguyện vọng của số lượng người dùng lớn trên Spiderum: các bạn trẻ cấp 3, sinh viên, và những bạn mới đi làm. 
Vì bài viết tổng hợp quá nhiều kiến thức, kỹ năng, nên ở đây mình cũng không thể tóm gọn ý chính gì được nữa. ^^
Bài top 4 là một câu chuyện thú vị, khi anh chàng trẻ trâu kia ban đầu đi tán gái, thấy gái hơi nhạt, và anh nghĩ anh thích gái thông minh. Sau này anh tự nhận là #sapiosexual (trào lưu phương Tây: chỉ những người chỉ có cảm xúc với người thông minh) rồi dùng hashtag ấy lên Tinder tán gái. Sau đấy anh nhận ra Sapiosexual chỉ là sự ảo tưởng, match mấy cô #sapiosexual trên ấy cũng chẳng tới đâu cả. Anh bỏ Tinder. Và cuối cùng anh gặp một người con gái không cần đọc sách, không cần kiến thức đầy ắp. Anh chợt hiểu ra là yêu nhau chẳng cần sapiosexual gì sấc, nếu đã thích người ta, lẫn nói chuyện hợp, thế là đủ rồi.
Đó là một bài kể chuyện thực tế, hấp dẫn, dễ hiểu nhưng đồng thời lại bắt trend, cuối cùng là phản biện xã hội (trào lưu #sapiosexual) mà cứ như không phản biện, không gây bức xúc cho ai cả: cả làng đều thích.
(cơ mà anh chàng và cô gái trong bài đã chia tay lâu rồi)
Bài top 5 là một sự truyền cảm hứng rất lớn, vì mong muốn sâu thẳm của đời người là theo đuổi hạnh phúc, trốn tránh khổ đau.
Bài viết nói về 2 thứ niềm vui:
- Niềm vui chóng tàn: chơi game, lướt mạng xã hội, nghe nhạc quá độ, coi porn, nghiện shopping, ăn vặt... những niềm vui mà vui xong bạn cảm thấy hối hận, trống rỗng.
- Niềm vui vững bền: đam mê công việc, tưới cây, thể dục, chơi với chó mèo, đi phượt, học tập cái mình thích, trò chuyện sâu với người bạn khả ái,... những niềm vui mà vui xong bạn cảm thấy đong đầy, tràn đầy năng lượng.
Việc tách bạch được 2 thứ vui đó khiến người đọc cảm thấy rất khích lệ, vì nhận rõ ra rằng có những niềm vui xứng đáng để theo đuổi hơn. Nhưng bài viết cũng phần nào gây ảo tưởng đời là dễ dàng, là vui. Nếu được thì cần một bài nào đó khẳng định Đời là bể khổ để bổ sung cho bài Niềm vui, hai bài cộng lại thì sẽ toàn diện hơn.
Tóm lược lại, ta có vài yếu tố chính để bài nhiều upvote:
- Thỏa mãn đa số, dễ hiểu
- Nắm bắt tâm lý của số đông thành viên Spiderum (trẻ, thích kiến thức,...)
- Bắt trend (đặc biệt là phản biện xã hội)
- Người viết là người thành công, viết tốt (viết tốt là cái căn bản nhất)
Và có một số bài đặc biệt không theo quy tắc gì cả, có cái chất rất riêng, ví dụ bài nàyLàm sao để lấy vợ(552 upvote)

5. Tại sao nên bớt nghĩ về upvote

Một trong những tâm lý cơ bản của con người là muốn nhận được sự công nhận của người khác, cho nên nút upvote vẫn sẽ là sự cuốn hút khó cưỡng lại. Nhưng niềm vui của sự công nhận cũng kèm theo cái giá của nó.
Ban đầu, khi các bài của mình nhiều vote, mình đã bị ảnh hưởng nặng bởi chúng, hầu như cả ngày cứ chút xíu là mình bay vô check còm, vote, mình như bị đánh mất bản thân vậy. Mình cảm thấy áp lực giữ vững phong độ là quá lớn, khiến mình tê liệt, tới mức nhắn admin xin cho xóa bài Sapiosexual. Sau đấy  admin thuyết phục nên mình thôi không đòi xóa nữa.
Scarlet cũng đã có bài tâm sự về điều này Tại sao mình rời Spiderum.
Nói chung là, cái khiến chúng ta vui, cũng sẽ khiến chúng ta khổ: bởi ta phụ thuộc cảm xúc vô nó. Nếu ta viết vì upvote, thì ta sẽ sợ hãi bài viết mình bị thấp vote, rồi điều đó khiến ta đánh mất niềm vui đơn sơ với việc viết.
Cho nên, bất cứ ai viết vì sự công nhận của người khác, sẽ cần cân nhắc kỹ lại lý do tại sao mình viết.
Sau này các bài viết của mình đã hướng đến cái mình thực sự muốn nói hơn là mong thỏa mãn người đọc. Mình hoàn toàn có thể tự do viết bài dài 34 phút (7500 chữ) (bài Tâm lý học của sự thay đổi bản thân) với rất nhiều chỗ lập luận cần đọc sâu, và sẵn sàng chấp nhận việc nó có thể không hút khách cho lắm. Và nhờ thái độ bớt để tâm tới upvote hơn trước, thì mình dần cảm thấy thoải mái hơn với chuyện viết lách.
Wolf Children

6. Tại sao viết khó khăn đến vậy?

Có một bài nói được vài ý về câu hỏi trên, là bài Tại sao việc viết lách ngày càng khó khăn.
Mình xin bổ sung thêm 1 ý: là bởi ta không thích suy tư.
Viết là khó, bởi viết yêu cầu chúng ta ngồi lại với Tư duy của ta - tức Suy tư (Suy là "gỡ, mày mò, tìm ra manh mối", Tư là nghĩ ngợi, ý nghĩ).

Ta có thói quen Nghiện suy nghĩ, overthinking, nghĩ rất nhiều, một cách phản ứng và bị động, nhưng ta lại không có thói quen Suy tư một cách chủ động.

Ta không thích ngồi lại với tư duy ta (tức Suy tư), vì đó giờ ta thường tư duy cái người ta muốn ta tư duy, những thứ Nghĩ gì (what to think) nhét vào đầu ta: chúng quen thuộc, dễ dãi, và thỏa mãn.

Khi ta ngồi lại với tư duy ta (Suy tư), ta sẽ đối mặt với cái Nghĩ thế nào (how to think). Và vì thói quen Nghĩ gì, nên ta không biết cách Nghĩ thế nào được, và ta bị phản ứng bằng những cảm xúc khó chịu, những ý nghĩ không mạch lạc.

Đó là lý do, những người chưa có thói quen suy tư, khi viết lách, sẽ thấy khó khăn.
Con nít viết lách sẽ dễ dàng hơn, vì chúng có thói quen chỉ kể và tả lại ("nhà em có nuôi một ông ngoại"), chứ không suy luận những nguyên nhân và hậu quả, những thứ mang tính biểu tượng thuộc về kinh nghiệm, truyền thống, định kiến (ví dụ định kiến "đàn ông kiếm ăn, đàn bà xây tổ ấm") trong mâu thuẫn với sự thật.

Có một số người có cảm giác viết là dễ, vì họ đang viết lại ý kiến của người khác, hoặc chỉ kể chuyện, ít có sự suy tư. Dần sau này những người viết này sẽ thấy khó khăn, thậm chí ghét viết, và hẳn sẽ nhận ra viết cho chính mình quan trọng như thế nào: vì chỉ có suy tư, ta mới học được gì đó quan trọng từ những thứ ta viết.

7. Sợ bị công kích, phản biện, góp ý

Vì Spiderum là mạng xã hội viết lách, có up-down vote, có top-writers,... tức có hệ thống đánh giá, phân cấp, lẫn sự ẩn danh của người dùng, kích thích những phản ứng mang tính bản năng. Nên vấn đề tương tác người-người là rất lớn, dễ dẫn đến những hiểu lầm, Spidrama.
Nhưng vấn đề tương tác mình sẽ bàn kỹ hơn trong bài khác, bài này tập trung vào bản thân vấn đề Viết, nên sẽ nói sơ thôi.
Vấn đề của sợ bị công kích, phản biện là do ta sợ những cảm xúc khó chịu.
Bạn có thể đọc bài này Cái Tôi và sự cô đơn để hiểu cơ cấu tâm lý hình thành nên cái Tôi, và ta sợ bị công kích thế nào. Ta bảo vệ cái Tôi, vì bao nhiêu niềm vui của ta gắn với nó; nên ta sợ ai đó bứng nó đi bằng lập luận, vì như vậy thì ta mất đi nguồn vui, ta không còn gì để bấu víu vào. Ta bảo vệ cái Tôi, phần nữa là vì ta sợ những cảm xúc tiêu cực sâu xa trong tiềm thức bị khơi dậy.
Nhưng ta cần đón nhận sự công kích, sự phản biện, vì chúng giúp ta nhận ra những cái điểm yếu, sở đoản của ta hơn là bạn bè ta - những người vì sợ ta buồn nên chỉ nói lời ta thích nghe.
Những phản biện cũng giúp ta tôi luyện lập luận, tư duy cho sắc bén hơn, kiềm hãm lòng tự phụ của ta. Đồng thời cũng khiến những vết thương của ta được phơi bày ra để ta nhận rõ hơn bản thân: vết thương hở là vết thương mau lành.
Nếu ai đã là hàng thiện tri thức, yêu mến sự thật, thì rất cần đón nhận những sự phản biện và công kích như vậy.
Studio Ghibli

8. Những người viết nổi bật, họ đi đâu rồi?

Đôi lúc mình cũng cảm thấy tiếc vì những người viết mà mình ưng hồi đấy, vì các lý do cá nhân khác nhau, đã không còn viết, hoặc hiếm khi xuất hiện lại trên Spiderum, như là: The Merc, Gwens, Cheshire, Husky, Flownes, Gấu SP, Formyoursoul, Đoản Tăng...
Nhưng mình chỉ tiếc chút ít thôi, và cảm thấy biết ơn vì họ đã xuất hiện, và đã cho ta đọc những bài viết vì đam mê của họ - thứ ngày càng bị mai một bởi thị trường đầy rẫy các bài viết dễ dãi và chuẩn SEO.
Người ta bảo con người có thể chết, nhưng tư tưởng thì không. Thế nên, người viết đến, người viết đi, nhưng những bài viết giá trị, những tư tưởng giá trị, sẽ vẫn còn mãi: cái đẹp của tri thức là thế.
Ngoài ra, tri thức còn có thể là những câu chuyện kể chứa đựng bài học, chứ không chỉ thuần kiến thức khách quan, khoa học, con số, lập luận,... mà hồi xưa Spiderum từng có tác giả Một Cốc Muối viết khá hay với thể loại kể chuyện đấy, tiếc là qua một đợt Spidrama thì bạn ấy đã xóa bài và hết sinh hoạt trên Spiderum.
Cuối cùng, có điều đáng quý nữa là, chúng ta vẫn còn những người viết tốt; họ đến, và họ ở lại, khiến chúng ta vẫn vui với (thậm chí nghiện) Spiderum, như là: Tornad, Hexpion, Elbe040, Andy Luong, Nguyễn Bảo Trung, Limitless, duongAQ...
***
Cuối bài, mình cảm ơn mọi người đã viết vì tình yêu chia sẻ tri thức như vậy, và hy vọng mọi người vẫn giữ được sở thích, đam mê viết như đã từng.


P/s: Ngoài ra, bạn nào có thắc mắc gì khác quanh chuyện viết trên Spiderum, thì cứ bình luận nhé, rồi chúng ta trao đổi thêm với nhau.
Bài này chủ yếu bàn về viết trên Spiderum, còn để bàn về bản thân việc Viết thì hẳn cần làm một bài riêng.
p/s 2: Bài viết lấy cảm hứng từ những trao đổi với Tragtrag, Tuấn Khôi, và Myhangu.