Luật pháp các nước về "vụ Thủy Tiên"
Dạo này công việc nhiều, mỗi lần trên đường đi làm đều vẩn vơ nghĩ mình muốn viết về một cái gì đó. Nhưng đến khi về hê hê. Khủng hoảng...
Dạo này công việc nhiều, mỗi lần trên đường đi làm đều vẩn vơ nghĩ mình muốn viết về một cái gì đó. Nhưng đến khi về hê hê. Khủng hoảng người cạo giấy là như vậy.
Nhưng dạo này thấy dân tình ồn ào lên vụ chị Tiên đi vận động làm từ thiện. Nhân đọc hết cả bài viết rất hay của Tornad và toàn bộ phần bình luận (link ở đây: https://spiderum.com/bai-dang/Tu-thien-len-dong-Bi-bich-cua-mot-xa-hoi-Philistine-v0n); kèm thêm cả mớ phản ứng của cư dân mạng Việt Nam về vấn đề làm từ thiện cá nhân, tôi xin tham gia mấy lời. Còn cứ thích rồ lên đòi sửa luật lá xong chúng ta cùng trả giá, tùy quý vị.
1- Quan điểm và pháp luật của các quốc gia tiên tiến về vấn đề cá nhân làm từ thiện
Xin thưa luôn là tất cả các quốc gia sau: Mỹ, Anh, châu Âu lục địa, Australia, Nhật Bản (các nước đóng vai trò tài trợ trên thế giới) đều KHÔNG hề cổ vũ và cũng không tạo hành lang pháp lý cho CÁ NHÂN đi vận động tiền rồi làm từ thiện như Phan Anh hay Thủy Tiên.
Các quốc gia này đều quy định rất rõ TỔ CHỨC nào được coi là tổ chức từ thiện, nghĩa vụ và lợi ích đi kèm. Tất cả chỉ xoay quanh 1 câu chuyện – thuế. Tổ chức nào được miễn thuế; cá nhân đóng góp cho tổ chức nào thì được miễn thuế; khoản đóng góp từ thiện nào thì không hợp quy nên không được miễn thuế. Vâng, thuế, thuế, thuế và thuế. Điểm khác của Việt Nam – vốn là một xứ sở rất ư thích nói chuyện tình nghĩa, và cũng do thực tiễn quản lý nền kinh tế tiền mặt nên chúng ta không/chưa đề ra khái niệm, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, lọi ích dựa trên nghĩa vụ thuế như các quốc gia kia. Nhân tiện, nhà nước Việt Nam hiện mới đang dập dòm đi thu thuế thu nhập cá nhân.
2- Vậy, một cá nhân như chị Tiên ở các quốc gia trên thì sẽ bị chính quyền CẤM đi vận động, làm từ thiện?
Đây là một não trạng rất ư phổ biến ở Việt Nam. Đó là đơn giản hóa các vấn đề pháp luật. Ngay như bài viết này cũng là một dạng ấy, quá đơn giản, nhưng mà thôi tôi xin phép cứ đơn giản như ngồi trà đá nhé.
Thực tế, chị Tiên mà ở các nước kia thì chị cứ việc vận động gây quỹ và đi làm từ thiện. Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ gửi trát đến mời chị hạch toán và khai lại thuế thu nhập cá nhân, đi đóng thuế (theo số tiền nhận được). Trường hợp số tiền chị nhận được lớn quá, hay bản khai của chị lởm quá, hay khai hay quá nhưng cơ quan thuế nhíu mày 1 chút, một cuộc điều tra của Cơ quan Tình báo tài chính sẽ được triển khai (mỗi quốc gia sẽ phân chức năng này cho 1 cơ quan khác nhau, tùy theo cách tổ chức bộ máy; Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước).
Chị không đóng được tiền, cơ quan thuế mời chị ra tòa. Ra tòa cãi nhau với cơ quan thuế ở các quốc gia trên, đa phần đều dẫn đến thất bại đau đớn. Kết cục miễn bàn.
3- Tại sao người ta phải sống khó khăn với nhau thế? Tôi tưởng ở các nước giàu người ta phải văn minh chứ?
Rất văn minh ấy chứ. Các nước phát triển đều thu thuế rất cao, vì lý do mà ai cũng biết. Và họ đều đã có một lịch sử khá lâu dài đối với hoạt động từ thiện, vài trăm năm có lẻ. Thế nên, các trò mèo vận động, quyên góp, từ thiện èo uột để né thuế và trốn thuế của các cá nhân thì họ biết thừa. Luật pháp của họ cũng là xây và sửa từ từ.
Xin nhắc lại, các quốc gia trên đều không hề cấm một cá nhân đứng ra vận động quyên góp. Và các quy định miễn thuế đối với hoạt động từ thiện chủ yếu điều chỉnh các TỔ CHỨC (như Australia nêu luôn thực thể từ thiện không được là cá nhân, các quốc gia kia không rõ ràng đến thế nhưng chỉ chấp nhận pháp nhân, không chấp nhận thể nhân). Đối với cá nhân, nếu QUYÊN GÓP HỢP QUY cho tổ chức từ thiện thì sẽ được miễn giảm thuế. Đó là cách người ta cổ vũ phong trào từ thiện. Hãy làm từ thiện, ngoài sướng cái tâm quý vị cũng được một chút lợi ích về tiền, hê hê.
Thế nào là quyên góp mà không hợp quy? Mỗi nước một quy định, nhưng tựu chung thì tôi xin nêu một quy định của Canada, tạm coi rõ ràng và đơn giản nhất. Luật pháp Canada không cho phép người tài trợ chỉ định một cá nhân, nhóm cá nhân cụ thể được nhận tiền tài trợ của mình qua các tổ chức từ thiện. Ví dụ, tôi thích anh A, tôi không được phép đem 1 tỷ đến cho tổ chức cứu trợ, chỉ định tổ chức này phải cho anh A 800 triệu. Tuy nhiên, tôi có bạn bị tai nạn giao thông, hiện sinh sống tại thành phố X, đời sống rất khổ. Tôi có thể đem 1 tỷ đến cho tổ chức cứu trợ, chỉ định đối tượng thụ hưởng là các nạn nhân bị tai nạn giao thông tại thành phố X. Đó cũng là một cách lách luật nhè nhẹ.
Còn hàng trăm quy định hầm bà lằng khác về không hợp quy, nhưng dông dài lằng nhằng xin không trình bày.
Bạn nào hay làm việc với INGO đều biết có nhiều INGO chỉ có 01 giám đốc kiêm nhân viên. Thực chất, NGO đó vẫn chỉ là một con người, tuy nhiên phải tồn tại dưới hình thức pháp nhân theo quy định và thực hiện đủ các quy định đi kèm. Cá nhân này có thể tự cho tiền vào INGO của mình rồi đi làm từ thiện, không ai cấm, nhà nước rất khuyến khích.
4- Nhưng đó là nước ngoài. Ơ kìa, đây là Việt Nam và tại sao chúng ta phải đú theo nước ngoài?
Ờ thì cherry picking, cái gì thích thì lôi nước ngoài vào (ví dụ từ Bộ luật Hình sự tới Luật Môi trường…), cái gì không thích thì lại nêu cao chủ quyền dân tộc trong suy nghĩ. Hờ hờ.
Có một vấn đề mà đa phần người dân bình thường không biết về vụ việc Phan Anh và Thủy Tiên, đó là những vụ việc thế này có thể mang tới trái đắng cho mỗi người chúng ta. Để khắc phục cũng là cả một câu chuyện.
Như các bạn đã biết, ít nhất đọc 3 phần trên, việc cá nhân quyên tiền rồi tự đem đi làm từ thiện tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền và trốn thuế.
Lý do tôi trình bày về nước ngoài có lý do của nó. Việt Nam chúng ta là một thành viên của Nhóm châu Á phòng chống nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố (APG). Nói nôm na thì chúng ta XIN người ta cho vào cái nhóm này để được hưởng hàng loạt ưu đãi, như giao dịch quốc tế từ Việt Nam sẽ được thực hiện ngay lập tức và không bị cản trở, rồi ngân hàng thương mại Việt Nam được mở chi nhánh tại nước ngoài, vân vân và mây mây. Các lợi ích to lớn khác thì các bạn làm tài chính, ngân hàng có thể trình bày thêm, vì nó rất chuyên ngành. Là thành viên được hưởng quyền lợi thì dĩ nhiên cũng đi kèm nghĩa vụ, trách nhiệm, thực hiện cho đủ cam kết phòng chóng nguy cơ chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Một thành viên có hệ thống pháp luật về tài chính quá nhiều lỗ hổng, không tuân theo các quy chuẩn của APG; và có bộ máy quản lý quá dở, không thực hiện nổi các quy định của chính mình, thì vào danh sách theo dõi. Theo dõi lâu, thì vào danh sách đen. Nếu rơi vào 1 trong 2 danh sách trên thì quyền lợi giảm dần. Cứ trượt dài thì sẽ tới lúc chúng ta quay lại giữa những năm 90 – mọi giao dịch tài chính quốc tế đều đi kèm 1 cân giấy tờ và chưa chắc quốc gia khác đã chấp nhận. Xuất nhập khẩu coi như đi tong. Danh sách đen như Triều Tiên thì người ta tẩy chay như hủi.
Ai muốn tìm hiểu thêm về APG và FATF thì link tại đây: http://www.apgml.org/
Ở tầm quốc gia, nếu cứ đà này thì ngày mai tôi nghỉ việc để đi làm như chị Tiên, nhân tiện tôi làm thêm dịch vụ rửa tiền cho các anh bán mai thúy xuyên quốc gia, đánh bạc bất hợp pháp, và bất cứ anh nào có nhiều tiền bẩn. Chả tội gì tôi phải đi cạo giấy cả, khổ bỏ bu.
Nếu các bạn vẫn còn bận cãi nhau về đạo đức trong vụ việc Thủy Tiên, thì tôi vừa trình bày với các bạn về nguy cơ tan cái nồi cơm vốn cũng chả đầy đặn gì của mỗi người.
5- Nhưng bản thân pháp luật các quốc gia tiên tiến cũng chưa giải quyết được vấn đề các tỷ phú lập quỹ từ thiện để né thuế, và cũng chưa đảm bảo ngăn chặn trốn thuế được 100% qua đường từ thiện?
À thì, con người là động vật có trí khôn, và luật pháp thì luôn đi sau sự vận động nội tại của xã hội, nên chuyện ngăn chặn được 100% nguy cơ xảy ra một tội phạm bất kỳ là hơi bất khả thi. Chuyện các tỷ phú luồn lách, né thuế bằng cách lập tổ chức từ thiện thì ai chả biết, tuy nhiên một khi đã đổ tiền vào đây thì không thể nào công nhiên đi tham gia các hoạt động phát sinh lợi nhuận tức thì, cũng như phải có hoạt động từ thiện trên thực tế. Chuyện này ở Việt Nam nghe vẫn còn xa vời lắm.
Bài viết tha hồ đem đi khắp nơi. Có điều đừng tự ý chỉnh sửa khi trích cái nguồn này.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất