Sinh sống ở một đất nước xa lạ chưa bao giờ là một điều dễ dàng, tuy nhiên đây lại là mơ ước và cũng nhiều khi là hoàn cảnh sống của nhiều người. Trong bài viết này, mình xin tóm tắt 3 vấn đề liên quan chặt chẽ đến nhau: Nhập cư- nhân quyền - cực hữu, dĩ nhiên là dưới góc nhìn cá nhân sau một thời gian sinh sống và học tập tại một đất nước tương đối bài ngoại. Với bài viết này, mình hy vọng các bạn nào đang có ý định du học hoặc định cư có được thêm thông tin để quyết định lựa chọn quốc gia học tập và sinh sống.
Nhập cư: What? Why? How?
Nhập cư về căn bản là sự gia tăng dân số cơ giới, có thể là tạm thời và cũng có thể là vĩnh viễn, dựa trên các điều kiện chính sách địa phương cũng như ý định của người dân nhập cư.
Nhập cư dưới góc độ hành pháp gây nhiều tranh cãi vì chỉ được phân biệt làm hai loại lớn:
_Hợp pháp: Người nhập cư trải qua toàn bộ quá trình pháp lý để nhận được Visa nhập cảnh và giấy phép cư trú bằng chứng minh tài chính, mục đích cư trú, chứng minh công việc, nơi cư trú, xuất thân, khả năng ngôn ngữ và lý lịch tư pháp trong sạch. Đối với liên minh EU và dành cho người từ nước thứ ba không được quyền nhập cảnh tự do chỉ với Passport, thì quy trình nhiêu khê này chỉ được phép thực hiện tại Đại sứ quán của nước sở tại tại quốc gia mình cư trú. Tức là khi bạn là người Việt Nam và muốn cư trú ở Đức, thì bạn buộc phải đệ đơn tại Đại Sứ Quán của Đức tại Việt Nam, sau đó nhận được Visa ngắn hạn để một lần nữa hoàn tất thủ tục nhận giấy phép cư trú dài hạn sau khi đã hiện diện ở Đức. Lưu ý rằng quá trình lưu trú hợp pháp có bao gồm những người tị nạn đã đến được biên giới của quốc gia muốn tị nạn, chờ đợi ở cửa khẩu, nộp đơn xin tị nạn, nhập trại tị nạn và trải qua các quá trình pháp lý khác để hợp pháp hóa việc cư trú. Những người nhập cư hợp pháp đi qua cửa khẩu bằng máy bay, tàu, xe và được hoàn thiện thủ tục nhập cảnh qua giấy tờ và sinh trắc học.
_Bất hợp pháp: Quá trình cư trú không qua bất kỳ quá trình pháp lý nào kể trên. Người cư trú bất hợp pháp hầu hết sử dụng đường bộ hoặc đường biển, lợi dụng các kẽ hở trên biên giới để đến với quốc gia mong muốn.
Về nguyên nhân cư trú thì cũng 10001 nguyên nhân, chủ yếu nhất là vì tị nạn chiến tranh/chính trị, đoàn tụ gia đình, làm việc hoặc du học. Chúng ta ai cũng thừa biết rằng toàn cầu hóa đã thay đổi nhiều định nghĩa trong việc cư trú, rằng con người không nhất thiết phải sinh ra, sống trọn đời tại quốc gia quê hương và cũng chết đi tại nơi đó. Chúng ta có quyền được lựa chọn nơi mình sinh sống và chết đi, chỉ là điều này cũng không đơn giản. Việc di trú này khó hay dễ, đó chính là nhờ vào xếp hạng hộ chiếu của bạn. Một sự thật nghe có vẻ nhoi nhói nhưng đó chính là hiện thực phũ phàng, và các nhà lập pháp hoàn toàn có lý do của họ trong việc phân chia như vậy. Lợi ích của người dân địa phương phải được đặt lên làm đầu. Cũng chính vì thế mà vấn đề nhập cư phải được xem xét cực kỳ kỹ lưỡng với tiêu chí rằng liệu một người dân nhập cư nào đó có mang lại bất kì lợi ích gì cho quốc gia sở tại hay không. Kể cả việc cho phép tị nạn cũng mang lại danh tiếng nhất định cho một quốc gia, và một ví dụ là đối với EU thì đây là những giá trị nhân văn cốt lõi EU đã định hướng từ rất lâu.
Lại nói thêm về việc nhập cư bất hợp pháp dưới danh nghĩa tị nạn. Có nhiều cá nhân, thậm chí như cả dân tộc Ukraine, họ phải rời khỏi quê hương của mình vì mạng sống của bản thân, phải bảo vệ gia đình khỏi khói lửa chiến tranh mà không có sự lựa chọn nào khác. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người rời khỏi quê hương của mình không hề vì chiến tranh, căn bản là họ không cảm thấy hài lòng với cuộc sống kham khổ của mình, họ nghe qua nhiều nguồn thông tin bánh vẽ từ người quen và cũng nhiều khi là từ các băng đảng buôn người để tìm đến một quốc gia trù phú khác dưới danh nghĩa tị nạn. Hầu hết những người nhập cư bất hợp pháp này sẽ bị điều tra danh tính để xác nhận nguồn gốc, nếu như tại quốc gia quê hương không hề có chiến tranh và bất cứ lý do chính đáng nào cho việc tị nạn, người này sẽ bị trục xuất khỏi quốc gia sở tại. Chính vì quá trình screening này mà nhiều người đã chấp nhận vứt bỏ toàn bộ giấy tờ tùy thân của mình và khai man rằng mình là người vô quốc tịch, khiến cho quá trình điều tra bị đình trệ. Qua phương pháp này, quốc gia sở tại sẽ không biết được phải trả người này về quốc gia nào. Tuy nhiên con đường gian nan để đến được "thiên đường" trong mong ước của họ thật sự quá mức phũ phàng, vì họ hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của thiên tai, cướp bóc, cưỡng hiếp và bạo lực trước khi có thể sống sót cập bến "thiên đường."
Kể cả người Việt Nam tại miền Nam ngày xưa cũng đã phải rời bỏ quê hương để bảo vệ cho bản thân mình cũng như gia đình. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này một cách văn minh hơn, thay vì cong mỏ lên chửi bới như lũ trẻ trâu thiếu hiểu biết hay làm. Những thuyền nhân ngày xưa rời khỏi quê hương vì họ không hề biết trước được điều gì chờ đón họ trong lúc chuyển giai chính quyền. Cũng chính vì sự không chắc chắn này mà họ đã phải làm ra quyết định khó khăn ấy. Không một ai mong muốn bỏ lại tất cả những thứ thuộc về mình để lênh đênh trên biển, tìm đến bất cứ một bến bờ vô định nào đó. Quyết định này hoàn toàn phù hợp với biến động lịch sử vào thời đó! Trước khi nhiều người đánh giá một cách thiếu hiểu biết, tôi cũng muốn nhắc lại rằng chính Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã phải công nhận sự giúp đỡ kích cầu kinh tế cực kì to lớn từ nguồn ngoại hối do chính những thuyền nhân này gửi về.
Nhân quyền: Một cái gì đó mông lung cực kỳ.
Trước khi đến EU, mình cũng đã đọc rất nhiều về vấn đề nhân quyền và chủ nghĩa nhân đạo này. Như đã nói ở trên, đây là một trong những giá trị cốt lõi của toàn liên minh châu Âu kể từ lúc thành lập cho đến nay. Tuy nhiên trong quá trình thể hiện sự bác ái từ những đạo luật nhân quyền hoàn toàn không tránh khỏi tình trạng rất nhiều người lợi dụng các đạo luật này để có được quyền lợi cư trú, để thực hiện các hành vi phạm pháp với một suy nghĩ rất đơn giản: đầu trọc thì không còn sợ bị nắm tóc nữa.
Nhiều lúc các chính trị gia bị quay cuồng trong các đạo luật về nhân đạo mà quên mất việc họ cũng phải nhân đạo với chính người dân trong nước của mình. Đã có rất nhiều vụ việc cưỡng hiếp tập thể tại Đức mà hung thủ là các nhóm thanh niên nhập cư đã lên kế hoạch rất cụ thể cho hành vi của mình, sử dụng xe SUV lòng vòng quanh các hộp đêm để săn mồi, cưỡng hiếp nạn nhân và quay film lại. Dĩ nhiên cảnh sát làm việc rất chuyên nghiệp trong việc truy tìm hung thủ, nhưng bản án tại tòa chỉ là án tù thường lại dấy lên nhiều suy nghĩ trong người dân. Nhiều người dân cho rằng việc tiếp tục chứa chấp những đối tượng phạm tội này tại Đức là tiền đề cho việc các nhóm tội phạm khác có thể kê cao tay gối mà yên tâm rằng ngay cả khi bị bắt thì cùng lắm là ngồi tù mà thôi.
Vào năm 2020, tòa án Berlin đưa ra phán quyết phạt tù với hai anh em người Iraq (33 và 25 tuổi) vì các cáo buộc với bằng chứng cụ thể: _Ngày 27/3/2018 người anh đã cưỡng hiếp tập thể một bé gái 14 tuổi trong căn hộ của mình. _Ngày 6/5/2019 người anh lại tiếp tục cưỡng hiếp một người phụ nữ khác trong căn hộ của mình. _Ngày 18/1/2020 cả hai anh em đã lôi một học sinh trung học 18 tuổi lên chiếc xe SUV của mình và cùng với một người Iraq khác cưỡng hiếp cô gái này ngay tại trong xe và tại căn hộ trong nhiều giờ liền. _Ngày 23/2/2020 hai anh em này lại tiếp tục bắt cóc một cô gái 21 tuổi và cưỡng hiếp cô này trong nhiều giờ liền trong chiếc xe SUV kể trên.
Việc trục xuất các đối tượng này thường vấp phải hành lang pháp lý, hành chính cũng như các phong trào biểu tình đòi nhân quyền. Và ngay cả khi đã có quyết định trục xuất đi chăng nữa, những người nhập cư vẫn có thể kéo dài quá trình bằng việc kháng cáo và sử dụng thời gian thủ tục hành chính để tiếp tục quá trình cư trú hoặc lên kế hoạch nào đó để "hợp thức hóa" việc cư trú của mình.
Cũng trong lúc đó, tại một đất nước thiên đường của cánh hữu là Áo thì đã có rất rất nhiều "trò cười" xảy ra khi chính quyền ban bố và cưỡng chế trục xuất rất nhanh gọn, nhanh đến độ bỏ qua hẳn các hành lang pháp luật và khía cạnh nhân quyền.
Vào năm 2021, một gia đình nhập cư dưới danh nghĩa tị nạn từ Armenia đã cư trú tại Vienna, Áo hơn 10 năm nhận được phán quyết cưỡng chế trục xuât sau khi thua cuộc tại phiên tòa giành quyền cư trú kéo dài 10 năm. Ngay khi ban bố lệnh trục xuất, bộ trưởng nội vụ Karl Nehammer thuộc đảng cánh hữu ÖVP hăm hở điều hẳn một đội đặc nhiệm với chó nghiệp vụ bao vây gia đình này vào nửa đêm và áp tải họ ra sân bay. Trong đó có cô bé 13 tuổi Tina, vốn sinh ra tại Áo, đã hoàn toàn quen với việc sống ở Áo và chưa từng đặt chân đến quê hương của mình ngày nào. Toàn bộ trường học và những người thân quen đều kịch liệt phản đối quyết định trục xuất này bởi vì đạo luật nhân quyền của EU luôn ưu tiên đến trẻ con hàng đầu. Chính quyền Áo với đảng cánh hữu nắm quyền cao nhất lúc đó đã cố ý phớt lờ các chính sách của EU, đưa ra quyết định và thi hành nhanh nhất có thể. Sau đó vào năm 2022, cô bé Tina apply lại giấy phép cư trú của mình và lần này được thông qua dưới sức ép của dư luận. Đầu năm 2023, tòa án Vienna đưa ra phán quyết rằng quyết định trục xuất Tina vào năm 2021 là hoàn toàn trái pháp luật. Tuy nhiên cô bé và gia đình vẫn chưa hề nhận được bất cứ một sự đền bù nào từ chính quyền. Bộ trưởng nội vụ Karl Nehammer đưa ra quyết định trục xuất bằng đội đặc nhiệm và chó nghiệp vụ vào năm 2021 hiện giờ đang làm Thủ tướng của Áo.
Để giải thích cho việc trục xuất này, Karl Nehammer cho biết rằng gia đình của Tina đã phớt lờ quyết định trục xuất trong nhiều năm liền và chính quyền phải đưa ra lệnh cưỡng chế trục xuất. Tuy nhiên các chính trị gia của đảng đối lập lại cho rằng trong khung luật pháp của Áo không hề có điều luật nào cho phép cưỡng chế trục xuất trẻ vị thành niên vốn đã xem đất nước Áo như quê hương của mình và hòa nhập 100% vào xã hội.
Cực hữu: Hệ lụy của nhân quyền lỏng lẻo.
Tại Đức, đảng cực hữu AfD lên án rất gay gắt mỗi khi có bất cứ vụ việc người nhập cư nào phạm tội. Thật ra nếu chỉ là một vài vụ nổi cộm lên một năm thì không đến nỗi, nhưng theo thống kê tại Berlin thì có tới 47% các vụ việc phạm tội và chính quyền chịu đưa ra thông tin về quốc tịch (vì nhiều lý do gì đó mà nhiều lúc tòa án không công bố thông tin về quốc tịch, có thể để tránh phân biệt chủng tộc) được gây ra bởi người nhập cư, trong khi chỉ chiếm 13% dân số. Nhiều người dân cũng đang tỏ ra rất bất bình khi nhìn vào những kết quả thống kê quá đỗi rõ ràng này. Cũng may mắn rằng người Đức vốn nhạy cảm với hai từ "cực hữu" nên đảng này vẫn đang bị hầu hết dân Đức dìm xuống bằng mọi cách.
Trong khi đó tại Thụy Điển, dựa theo nghiên cứu "Migrants and Crime in Sweden in the Twenty-First Century" với dữ liệu trải dài từ 2002 tới 2017 thì:
• Mặc dù chiếm 33% dân số nhưng tới 57% các vụ việc phạm tội là do người nhập cư.
• Trong các vụ án sát nhân thì tới 73% vụ việc là do người nhập cư gây nên.
• 70% các vụ cướp bóc được gây ra bởi người nhập cư.
Chính cả thủ tướng của Thụy Điểm Magdalena Andersson phải thú nhận vào ngày 28/4/2021 rằng chính sách hội nhập dành cho người nhập cư của Thụy Điển đã thất bại hoàn toàn và chính phủ sẽ phải cân nhắc đến các phương án không khuyến khích nhập cư nữa.
Tại Áo thì đảng cực hữu FPÖ đang thắng lợi rất lớn từ chính sách "All foreigners get out" của mình. Trong khi đó đáng chú ý rằng chính tay cựu thủ lĩnh của đảng này - Heinz-Christian Strache - vốn đang là phó thủ tướng thì bị phanh phui vào năm 2019 trong một Video về việc ngồi bàn việc nhận tiền đút lót tài trợ từ mafia Nga. Ở trên bàn là rất nhiều chai rượu và bột Cocaine (tay này sau đó phân trần rằng đấy là bột mì làm bánh). Vụ việc đã khiến tay này bị bay chức, đảng FPÖ bị đẩy ra khỏi liên minh với đảng cánh hữu ÖVP đứng đầu (Lúc trước là liên minh Hữu - Cực hữu, về sau chuyển thành liên minh Hữu - Cực tả). Về sau trong cuộc điều tra mở rộng thì phát hiện ra tay này còn tự tiện sử dụng ngân sách của Đảng vốn từ tiền thuế để chi trả hàng ngàn Euro chỉ để chơi game Clash of Clans.
Sau đó thì tay kế nhiệm của Hein-Christian Strache, Herbert Kickl, lên ngôi trưởng đảng và có phát ngôn cực kì buồn nôn trong đợt dịch Corona: Thuốc sổ cho ngựa có thể được dùng để chữa trị triệu chứng Corona. Đợt đấy rất nhiều nhà thuốc cháy hàng thuốc sổ ngựa này đến mức Bộ y tế Áo phải công bố lệnh ngăn chặn bán thuốc này tại các nhà thuốc cũng như khẩn cấp đưa tin đính chính. Rất tiếc đã có người chết sau khi sử dụng thuốc sổ ngựa này trong khi tay Kickl kia chả dính bất cứ vấn đề gì hết. Đặc biệt đảng này trước đó rất thân thiết với chính quyền Putin, cũng đã lên tiếng gay gắt phản đối cấm vận Nga và yêu cầu từ chối tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine. May mắn là người tị nạn từ Ukraine vẫn được nhập cảnh. Tuy nhiên việc trồi lên của đảng cực hữu này, theo mình, vẫn là một điều đáng lo ngại cho toàn nước Áo, vì họ muốn vote cho gã này sau cả những phát ngôn ngu xuẩn kể trên.
Kết luận
Mình phải nói trước rằng trong bối cảnh hiện nay, thậm chí có thể nói là kể từ đợt tị nạn lớn do chiến tranh Syria với bức ảnh em bé bên bãi cát vào năm 2015, thì việc du học và định cư tại nước ngoài sẽ càng lúc càng khó khăn vì các nước phương Tây đã gặp quá nhiều vấn đề vì nhập cư. Mặc dù các bạn có ý định đi một cách hợp pháp, qua việc nộp đơn xin đàng hoàng và đáp ứng đủ các điều kiện đi chăng nữa, thì tất cả mọi thứ sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Tại châu Âu, tất cả các vấn đề đều sẽ chỉ được các chính trị gia giải quyết với điều kiện tiên quyết là họ được thêm vài chiếc phiếu bầu từ việc đó. Người nước ngoài không có quyền bầu cử, và dĩ nhiên là khi Sở ngoại kiều hoạt động một cách tồi tệ thì chưa chắc họ thèm ngó mắt để ý tới.
Ví dụ đơn cử là vào năm 2021-2022 đã có rất nhiều người nước ngoài và thậm chí cả người Áo kết hôn với người nước ngoài đã đứng lên biểu tình phản đối sự tha hóa của Sở ngoại kiều MA35 tại Vienna, Áo. Sở này làm việc tệ đến nỗi hơn 90% những khiếu nại hành chính trong cả nước là về sở này. Sau khi được ủy ban công tố viên điều tra thì kết quả cho thấy hơn 80% những khiếu nại này là hoàn toàn chính xác. Nhiều người đợi cả 2 năm để gia hạn thẻ cư trú của mình trong khi thẻ này chỉ có hạn 1 năm. Tức là khi bạn nhận thẻ thì thẻ đã hết hạn 1 năm. Trong quá trình xử lý hồ sơ thì bạn vẫn có quyền cư trú tại Áo nhưng giống như bị giam lỏng vì một khi đã xuất cảnh thì không thể vào lại Áo được vì không có thẻ cư trú. Vẫn có biện pháp để xuất cảnh và nhập cảnh trong thời gian xử lý hồ sơ, nhưng vào thời điểm đó khi người dân liên hệ với chính Sở này để xin cấp quyền đi lại có hiệu lực trong 3 tháng thì sở này còn chẳng nghe điện thoại, chẳng trả lời email. Đỉnh điểm là một nhân viên giấu mặt đã trả lời phỏng vấn báo chí rằng họ được lệnh không trả lời điện thoại để tránh việc càng lúc càng có nhiều người gọi điện lên để hỏi về tình trạng hồ sơ. Những ai cố gắng liên lạc để hỏi về hồ sơ của mình thì sẽ bị cố ý "giam hồ sơ". Ngoài ra việc phân biệt chủng tộc là cực kỳ thường thấy tại Sở ngoại kiều này. Đặc biệt là Sở làm việc trực tiếp với người nước ngoài nhưng không một ai muốn/đồng ý nói tiếng Anh, vốn là ngôn ngữ toàn cầu. Họ biết nhưng họ không muốn.
Sau khi quá mức ầm ĩ và tai tiếng thì Phó thị trưởng Vienna đã hữa sẽ có những thay đổi, nhưng kể từ 2021 đến nay vẫn chưa hề có một sự thay đổi nào thật sự có hiệu quả tại Sở ngoại kiều này. Việc này chính là hệ lụy từ việc số phận của những người cư trú hợp pháp hoàn toàn bị quyết định bởi Sở ngoại kiều bài ngoại. Đây sẽ là những điều mà bạn phải tính đến trước khi nộp đơn apply đi đến bất cứ đất nước nào. Có nhiều nước sẽ rất nhàn nhã trong việc xét duyệt hồ sơ nhưng lại cực kỳ nhanh nhẹn trong việc trục xuất. Chính vì nhiều quốc gia phương tây trong EU vào thế phải bắt buộc tiếp nhận tị nạn do chính sách nhân đạo của EU, nên họ sẽ buộc phải thắt chặt quota nhập cư dành cho những người có ý định cư trú hợp pháp. Mình và nhiều người bạn cũng hay ngồi nói đùa với nhau rằng tại sao cả bọn nhập cư hợp pháp, làm tất cả mọi thứ đều thượng tôn luật pháp mà bị hành cho lên bờ xuống ruộng trong khi nhiều người lợi dụng kẽ hở luật pháp, xé hết giấy tờ chui vào trại tị nạn thì lại vào giấy tờ nhanh như một cơn gió thế nhỉ. Và thế là mình, từ một người năng nổ hoạt động trong các tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người nhập cư, cũng đã trực tiếp tổ chức những cuộc biểu tình kể trên cũng như đối thoại trực tiếp với các chính trị gia của nước sở tại về vấn đề nhập cư, đã quyết định ngưng toàn bộ những công việc này lại. Vì đơn giản mọi thứ mình làm nó gần như chẳng mang lại một kết quả rõ rệt nào khi toàn bộ chính trị phương Tây đều quy về cái phiều bầu, chính là cái mà mình là một người nhập cư không hề có.
Nếu vậy thì làm sao để biết mà lựa chọn một quốc gia không bài ngoại? Mình đã ước gì mình biết đến một bảng xếp hạng đánh giá này từ nhiều năm về trước: Mipex - Migration integration policy index (Điều tra về chính sách hội nhập nhập cư). Trong đó các hạng mục quan trọng như: Sự linh hoạt của thị trường lao động, đoàn tụ gia đình, giáo dục, y tế, sự tham gia vào chính trị, cư trú dài hạn, mức độ tiếp cận quốc tịch và chống phân biệt chủng tộc.
Cũng theo danh sách này thì 5 quốc gia đứng đầu là:
• Canada (80 điểm)
• Finland (85 điểm)
• New Zealand (77 điểm)
• Portugal (81 điểm)
• Sweden (86 điểm)
Tuy nhiên sau các vụ việc người nhập cư nổi loạn tại Thụy Điển thì mình nghĩ quốc gia này sẽ sớm tụt hạng trên bảng xếp hạng. Đây cũng là điều dễ hiểu dựa trên những sự kiện và lý do mình đã nêu ở trên.
Hy vọng các bạn sẽ có thêm được thông tin hữu ích trước khi quyết định đi đến một đất nước nào đó.
-Vienna, ngày 8.2.2023-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất