Trầm cảm: Những tháng ngày giông bão
Có gì đó đang xé nát tâm trí cậu đúng không? Đau đớn lắm đúng không? Cậu có muốn biết nó là gì không? Tôi ở đây để ôm lấy cậu và nói cậu biết có người hiểu những nỗi đau mà cậu đang trải qua ...
“Tôi không muốn thức dậy. Tôi đã có một thời gian tốt hơn để ngủ. Và điều đó thực sự đáng buồn. Nó gần giống như một cơn ác mộng ngược, giống như khi bạn thức dậy sau cơn ác mộng, bạn rất nhẹ nhõm. Tôi thức dậy trong một cơn ác mộng ”. - Ned Vizzini
(Bài viết dựa trên kinh nghiệm người viết và cuốn sách Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang)
1. Những tháng ngày giông bão
Sáng nay, khi thức dậy sau một đêm dài đằng đẵng, tôi chợt nhớ đến em. Người con gái từng là tôi của những năm tháng tăm tối đó.
Tôi nhớ, có những tối tôi đã không thể ngủ được, trần nhà cao vút đến vô tận, trong tôi trống rỗng như 1 cái hố sâu không đáy. Tôi cứ bất động nằm ở trên giường như một cái xác khô. Cảm tưởng như cái xác đó đang co quắp lại, khô héo dần, mục rữa dần từ trong ra ngoài.
Tôi đã nhiều đêm như vậy rồi, ban đầu thật phiền phức, đau khổ. Bao nhiêu lượng thuốc ngủ được nạp vào, nhưng chẳng có cách nào để tôi ngủ được. Những giọng nói trong đầu cứ xì xầm, xạc xào như tiếng lá khô rụng trong nghĩa trang.
Nhưng rồi, tôi cũng dần quen được, tôi trở nên trơ lỳ và sợ hãi việc phải ngủ. Nếu ngày trước, tôi muốn ngủ vì tôi muốn trốn chạy khỏi thực tại, nhưng giờ khi tôi ngủ, tôi biết khi sáng mai mọi thứ sẽ lại như cũ. Tôi sợ hãi cái "ngày mai" ấy. Tôi biết giờ tôi chợp mắt, thì tôi sẽ lại thức dậy, tôi lại phải về với hiện tại, suy nghĩ đó làm tôi sợ hãi, nên tôi cố bắt mình không được ngủ, đọc truyện, xem phim đến tận 4 - 5 giờ sáng. Chỉ khi quá mệt mỏi, tôi lại thiếp đi.
Tôi cũng chẳng thể nuốt nổi bất cứ thứ gì, thức ăn dần trở thành những miếng giấy nhám trong miệng tôi, chúng chẳng có vị gì ngoài cảm giác tởm lợm. Cứ mỗi lần nó vào đến cổ họng, tôi cứ muốn nôn nó ra, nếu không nôn được, tôi sẽ móc họng để lôi cho nó ra bằng được, không thì cảm giác bồn chồn ở bụng, nôn nao ngay cổ họng không thể dứt được.
Tôi chẳng biết đây là gì, tôi dần thấy cơ thể mình thật chết chóc. Đã nhiều lần, tôi nghĩ nếu giờ có 1 quả thiên thạch rơi xuống đây, mọi thứ xung quanh này sẽ vỡ tung tóe và cháy rụi như những tràn pháo hoa rồi biến mất thì thật tốt. Lúc đó sẽ đau một lúc thôi, rồi sẽ qua thôi phải không!?
Đôi lúc tôi cũng nghĩ là nếu giờ phải tự vẫn, thì tôi sẽ chọn cái gì đây, thòng lọng thì sẽ đau cổ lắm, dao thì thật đau đớn, thuốc ngủ sẽ khiến bụng tôi bị đau, mà nếu được cứu sẽ để lại sẹo, hoặc là tôi vẫn không chết mà lại trải qua nỗi đau đó.
Tôi muốn một cái chết thật sạch sẽ, nhẹ nhàng, như một giấc ngủ dài, tôi nghe nói đặt nhiều cây trong phòng buổi tối thì nó sẽ hút hết khí O2. Thế là tôi có thể chết trong một căn phòng đầy cây, một cách nhẹ nhàng, tao nhã, giống như công chúa ngủ trong rừng, thật lãng mạn làm sao. Chỉ là con quái vật như tôi sao có thể là công chúa chứ.
Đôi khi, nhìn cây dao rọc giấy trong tay, nếu giờ tôi rọc một đường thẳng tắp ngay trên cánh tay mình thì thế nào nhỉ. Chắc sẽ rát lắm, nhưng thay vì sợ, tôi lại thấy tò mò và hưng phấn đến kì lạ. Rồi tôi lại chuyển sang sợ hãi cảm giác đó, sao tôi có thể suy nghĩ làm tổn thương mình như thế. Tôi vốn sợ đau mà, nhưng lúc đó, tôi thật lòng không thấy sợ, chỉ là cảm giác hào hứng muốn thực hiện nó.
Nên thay vì rạch tay, tôi dùng bút đỏ vẽ lên những đường như vết máu. Trông nó thật đáng yêu, tôi vẽ nó trông thật đến mức thấy tự hào. Tôi có kể chuyện này với cô bạn thân của mình, cô ấy chỉ nhìn tôi lo lắng đan xen chút khinh bỉ. "Tao ghét những người muốn tự hại mình, thân thể mình không giữ thì ai giữ." Tôi biết chứ, cậu ấy nói đúng, nhưng nếu nỗi đau đó có thể giúp tôi thấy bình tâm hơn, tôi muốn thử nó một lần. Nhưng xin lỗi nhé, có lẽ tôi khiến cô ấy khó chịu, tôi không cố ý, tôi chỉ muốn có ai đó biết là tôi đang đau, tôi đã mong đó là cô ấy.
Tôi chẳng thể nói với ai là mình đang đau, đau đớn lắm, cái cảm giác như có ai đang bóp chặt trái tim mình và vắt nó như một trái chanh. Tôi muốn gào thét lên, muốn cào cấu, muốn la hét, đập phá để xoa dịu nỗi đau này. Nhưng chắc người ta nghĩ tôi điên.
Một đứa con gái đủ đầy như tôi, vì cái gì mà trở nên như vậy được, đừng giả vờ nữa. Tôi xin lỗi nhé, tôi cũng không cố ý gây phiền phức đâu. Tôi cũng muốn nghĩ như vậy lắm, đã nhiều lần tôi giả vờ lơ cảm giác này đi, nhưng nó cứ tới, cứ tới, như những đợt thủy triều, nhấn chìm tôi.
Tôi cũng nghĩ bản thân mình thật giả tạo, tôi biết cái gì nên làm cái gì không, cái gì là gây sự chú ý, cái gì là né tránh. Tôi sợ người khác chú ý đến mình, nhưng tôi khao khát ai đó quan tâm mình. Nên tôi hay làm mấy hành động như rạch giấy, vẽ vết rạch trên tay mình, thở dốc khi lo lắng, ... Tôi biết lúc đó tôi có khả năng khống chế hành động đó, nhưng tôi muốn mọi người nghe được tiếng kêu gào trong tôi. Và nếu không làm vậy, tôi không biết phải làm gì cả.
À nhưng tôi có một hành động khá đặc biệt, nó như một nghi thức giúp tôi tỉnh táo lại. Mỗi khi nỗi đau đó tràn đến, tôi sẽ đưa tay lên, nhẹ nhàng bao lấy cổ mình rồi siết chặt đến khi nghẹt thở. Những lúc đó, thời gian như cô động lại, mọi thứ xung quanh dần im bặt, như tôi được tự tay đóng kín bản thân với cái thế giới đang chao đảo xung quanh mình. Rồi khi thấy nước mắt mình sắp tràn ra, tôi ngừng lại, rồi tiếp tục làm việc như chưa có gì xảy ra. Nó như một thói quen, tôi vốn thấy dễ chịu với cơn đau đó. Lúc đó, cảm giác yên bình đến lạ. Việc tự ngắt nhéo bản thân cũng cho tôi cảm giác tương tự.
Tôi đã từng muốn hét lên với ai đó là tôi đang đau đớn lắm, nhưng cũng sợ sẽ làm phiền người đó. Tôi muốn đưa ra những tín hiệu với những người tôi nghĩ sẽ quan tâm tới tôi, nhưng chỉ nhận lại những ánh nhìn khó hiểu và xa lạ.
" Mày làm quá quá à, chuyện có gì đâu "
" Đừng làm tổn thương mình chứ, sao không biết trân trọng bản thân?"
" Ráng ăn gì đi, ăn thôi mà có phải gì đâu mà mày làm ghê thế. "
Tôi cũng ước gì mình được như lời bạn mình nói, như thế cuộc sống tôi đã không đau khổ như vậy rồi. Chỉ là đôi khi tôi chẳng muốn sống nữa, như vậy sẽ không đau nữa đúng không?
Tôi biết cơn đau này một lúc nào nó sẽ dịu lại, nhưng rồi nó sẽ lại tới, nó cứ hay ghé thăm tôi, như một người bạn cũ. Mỗi lần nó đến, căn nhà vốn đã bẩn thỉu trong tôi lại thêm bừa bộn. Rồi nó đi, tôi lại phải đi dọn lại bãi chiến trường nó gây ra. Những mối quan hệ, học hành, sức khỏe, nó cứ phá nát hết tất cả, chẳng chừa điều gì. Tôi chỉ có thể thu dọn những thứ còn giữ được thôi, nhưng kể cả những thứ còn sót lại có vẻ cũng không còn nguyên vẹn nữa rồi.
Người ta hình như gọi nó là trầm cảm, tôi gọi nó là món quà của thi sĩ. Những bức tranh của tôi, chúng sao lại buồn thế, nhưng cũng đầy ngông cuồng và lạc lõng, cứ tựa như đang trốn một góc ngồi khóc. Tôi không muốn thể hiện mình là người yếu đuối, không biết đối mặt với thực tại. Vì đôi lúc bản thân tôi cũng bảo người xung quanh tôi hãy mạnh mẽ lên, ráng mà chịu đựng rồi sẽ vượt qua thôi. Đúng là nó qua thật, nhưng những cảm xúc này vẫn lờn vờn trước mặt tôi như những đám sương mù không lối thoát.
Tôi học cách quên đi, quên đi càng nhiều càng tốt, vì thế nếu được hỏi những gì ngày xưa tôi đã trải qua, chắc tôi sẽ nói cuộc đời mình chẳng có gì cả. Đúng là nó chẳng có gì, vì tôi chọn quên đi, quên đi hết những tháng ngày làm tôi đau. Những tháng ngày mà mỗi sáng thức dậy, chỉ việc thở thôi cũng thấy khó khăn. Chỉ cố nói với bản thân là cố lên mày ơi, hôm nay có tới 2 việc làm mày vui đấy, đó là nắng hôm nay thật đẹp và hình như các bạn có đùa với mình. Cô đơn quá nhỉ, thì do bản thân thôi mà đúng không?
Tôi cũng cố gắng kết bạn, nhưng rồi vết thương trong trái tim lại đau rát, trong cơn đau đớn, tôi lại làm tổn thương bạn mình. Tôi từng nghĩ điểm thu hút của mình là mua vui một cách hào sảng cho mọi người, nhưng rồi, khi tôi buồn, tôi chẳng có ai để nói cả. À không, có chứ, nhưng họ có lẽ không hiểu, tôi không trách họ, vì tôi cũng từng không thể hiểu được nỗi đau của người khác.
Tôi không hiểu thế nào là yêu thương một người đúng cách, tại sao ư, vì không ai dạy tôi điều đó. Không phải cha mẹ tôi không dạy tôi, họ có, nhưng những hành động họ đôi lúc lại không giống những gì họ nói. Đôi khi sự thể hiện của tôi cũng không được họ tiếp nhận, nên tôi cũng không biết cách tiếp nhận người khác.
Tổn thương rồi lại bị tổn thương, vòng xoáy bất tận đó kéo tôi vào một suy nghĩ đừng bao giờ tin ai cả. Trái tim này chỉ an toàn khi nó không mở ra. Tôi không dám yêu thương vì một khi đã thể hiện tình yêu đó ra, bản thân tôi lúc đó thật yếu đuối và nhu nhược làm sao, tôi sẽ bị nó cuốn đi mất. Rồi vì yếu đuối nên tôi tiếp tục tổn thương, rồi tôi lại làm tổn thương người tôi yêu thương.
Rồi tôi lại tổn thương.
Nó mệt mỏi đến mức nhiều lúc tôi đã sợ hãi con người biết nhường nào. Tôi lại quay qua khinh bỉ tôi, con người này sao kinh khủng vậy, đồ giả tạo, thứ dơ bẩn, mày yếu đuối, vô dụng làm sao.
Sao mày không làm được như người khác?
Vui vẻ thôi mà, hạnh phúc thôi mà, cười lên đi, sao mày không làm được?
Sao mày không làm được?
Tôi nhớ có những hôm làm kiểm tra, khi tôi thấy những câu tôi có thể làm được nhưng loay hoay hết 1 phút vẫn chưa xong, não tôi bỗng dưng đau nhói, mắt hoa cả lên, tôi thấy khó thở, tay chân mồ hôi túa ra, tôi đau bụng, muốn đi vệ sinh. Ban đầu tôi tưởng là do tôi ăn sáng không đủ, nhưng khi qua giờ làm bài, tôi lại khỏe lại. Bạn tôi bảo là do mày lo lắng quá, tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng nó cứ hay đến nhưng lúc tôi phải đối mặt với sự vô dụng của mình, không chỉ trong giờ kiểm tra.
Tôi yêu vẽ, tôi yêu nó rất nhiều, nhưng tôi cũng căm ghét và sợ hãi nó. Tôi còn nhớ những lúc tôi cầm bút phát thảo mãi không ra, tôi phát điên lên và xé nát bức tranh. Tôi học vẽ, nhìn mọi người đang dần tiến bộ, bản thân tôi lại thấy mình vô dụng. Tôi biết mỗi khi tôi rơi vào trạng thái đó, tay tôi tứa mồ hôi, đầu đau nhứt kinh khủng khi từng phát chì đi xuống, và tôi không thể tiếp tục được nữa. Thầy bảo là do tôi không tập trung, tôi lười. Nhưng tôi biết lúc đó nếu tôi tiếp tục, tôi cũng sẽ không làm gì hơn được là đánh loạn chì lên tranh mình. Tôi chỉ có thể quẳng bút rồi ngồi thở dốc.
Nó đeo bám tôi như một cái gông nặng trĩu. Đôi lúc nó mập mờ ở đằng xa, đôi lúc như một cái hố sâu bên dưới kéo tôi xuống.
Sáng nay, tôi chợt nhớ đến những ngày tháng đã qua đó, tôi muốn ôm lấy đứa trẻ năm đó vô cùng. Chánh niệm đã cứu rỗi tôi, tôi đã vượt qua cơn đau đó và hiện tại đang rất khỏe mạnh, nhưng đôi khi nó cứ mập mờ sau lưng mình. Nhưng tôi không còn sợ nó nữa, tôi chấp nhận và ôm nó vào lòng. Tôi không còn trách nó nữa, đứa trẻ đáng thương của tôi đã thật mạnh mẽ như thế mà, nó đã không gục ngã cho đến giờ phút này.
Tôi may mắn hơn em gái tôi, tôi đã không phải dùng thuốc và nhập viện điều trị. Tôi nhìn em tôi với một niềm thương yêu vô hạn, tôi biết một khi nó đã bước đến giai đoạn cuối, thì khó có thể thoát ra khỏi căn bệnh này. Nếu thoát ra thì nó vẫn sẽ tìm đến vào một ngày không xa nào đó.
2. Hiện trạng
Bài viết này là một cái ôm cho những ai đang đau đớn như tôi của ngày xưa. Cho một người anh, người chị, người em, người cha, người mẹ, người ông, người bà đang vật lộn ngoài kia với căn bệnh của mình. Vì nó luôn có thể xảy ra, với tất cả mọi người.
Theo WHO - Tổ chức Y tế Thế giới
Có gần 54 triệu người trên thế giới mắc các rối loạn sức khỏe tâm thần như bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Thêm vào đó là 154 triệu người bị mắc trầm cảm. Các con số gần đây nhất chỉ ra rằng có gần 1 triệu người tự tử mỗi năm.
Số liệu này cũng được đề cập trong Đại Dương Đen
"Trong đời người, cứ từ năm đến sáu người thì sẽ có một người bị trầm cảm đến thăm. Không có sự khác biệt giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển - đây không phải là căn bệnh đặc thù của những xã hội hiện đại và giàu có." - Chương 13, phần II, Đại dương đen.
Những số liệu trên chỉ là phần nổi, còn phần chìm, những người như tôi, sẽ là con số không lồ khó có thể tưởng tượng, không trừ những trường hợp không nhận thức được căn bệnh của mình, những người mắc trầm cảm dai dẳng bị nhầm tưởng là tính cách cá nhân.
Trong phần II, chương 13 của cuốn Đại dương đen, tác giả có đề cập đến một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu của Đại học Amsterdam và Đại học Eramus, Hà Lan so sánh mức độ khuyết tật do trầm cảm mang lại tương đương với những căn bệnh vật lý sau:
Như thế, ta thấy rõ, trầm cảm không đơn thuần chỉ là bệnh tâm lý mà mọi người thường đề cập đến như một cơn thất tình, buồn vì thấp điểm, bị ba mẹ la. Nó kinh khủng hơn rất nhiều.
Nhưng đáng buồn là, hiện tại còn rất nhiều người thiếu kiến thức về nó. Bác sĩ có chuyên môn và có tâm trong lĩnh vực này rất ít, và ở một nước đang phát triển như ở Việt Nam, nó vô cùng nghèo nàn. Không phải ở đây họ không đủ giỏi, mà là họ chưa đủ sự quan tâm dành cho những người mang tâm bệnh. Đó là nguyên nhân họ cho rằng nó đơn thuần là tâm lý, chỉ cần đi ngủ, ăn ngon, coi một phim yêu thích và vui lên là được.
Giống như khi ta thấy một người ung thư sắp giã từ cõi đời ta sẽ thương tiếc, còn người cắt tay tự tử vì trầm cảm, họ sẽ phán xét. (Ở đây tôi không nói cái chết của người ung thư có giá trị thấp hơn người trầm cảm, sự sống của ai cũng quí giá như nhau cả.)
3. Biểu hiện và những chứng bệnh có thể đi kèm
Ngoài trầm cảm ta thường thấy, sẽ có các loại trầm cảm như trầm cảm dai dẳng, trầm cảm do thuốc hay chất kích thích gây ra, trầm cảm do bệnh khác gây ra, rối loạn điều hòa tâm trạng, ...
Nhưng ở đây tôi sẽ đề cập những biểu hiện chung của căn bệnh. Thông tin dựa trên Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tinh thần - 5 (DSM - 5), có tên tiếng anh là Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. Có 9 biểu hiện bao gồm:
1. Khí sắc trễ nải - Người bệnh thấy trống rỗng tuyệt vọng, buồn phiền
2. Suy giảm mối quan tâm và niềm vui - Người bệnh sẽ lãnh cảm thờ ơ, kể cả những gì trước đây họ yêu thích.
3. Rối loạn ăn uống - Ăn không ngon miệng hoặc ăn quá nhiều, mất kiểm soát.
4. Rối loạn giấc ngủ - Ngủ quá ít hay quá nhiều
5. Bị lo lắng, kích động hay ngược lại, bị trì trệ trong suy nghỉ
6. Mệt mỏi, cạn năng lượng - Người bệnh không muốn làm những việc nhỏ nhất như đánh răng, đi vệ sinh.
7. Cảm giác bản thân vô giá trị
8. Khả năng tập trung ra quyết định và giải quyết vấn đề bị suy giảm.
9. Hay nghỉ đến cái chết
Theo DSM-5, người mắc từ 5 trở lên trong 9 biểu hiện trên là người bệnh. Ngoài ra nó còn có các đặc tính bệnh khác nhau như Đặc tính u sầu, Đặc tính lo âu, khổ sở, Đặc tính loạn thần, ... Những đặc tính này, với các mức độ khác nhau, người được chứng kiến thiếu kiến thức hay chính người bệnh có thể tự quy cho họ một căn bệnh chung - bệnh Điên.
Ngoài ra, nó còn có thể mắc kèm thêm các bệnh khác. Người ta hay gọi là bệnh kép như Rối loạn lo âu, Rối loạn căn thẳng hậu chấn thương, Rối loạn lưỡng cực mà thường người bệnh hay bị chẩn đoán nhầm chỉ là trầm cảm hay ngược lại, vì nó có một số đặc tính giống nhau nên đã có rất nhiều tranh cãi về việc tách riêng ra hay sát nhập vào. Một người mắc bệnh kép có thể có một bệnh trước, sau đó theo nhiều tác động bên ngoài và bản thân người bệnh, sẽ kéo theo căn bệnh thứ hai.
4. Nguyên nhân và vòng lặp không lối thoát
a) Nguyên nhân:
Nó chiếm một phần nhỏ là từ gen, những người mẹ mắc trầm cảm thì tỉ lệ người con cũng mắc trầm cảm cao hơn. Ở các cặp sinh đôi cùng trứng, nếu một người trầm cảm thì tỉ lệ người còn lại cũng mắc bệnh là 50%.
Ngoài ra nó còn đến từ môi trường, một người có tuổi thơ bị ruồng bỏ, bắt nạt, bị lạm dụng tình dục lớn lên sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bác Giang trong sách có ví trong mỗi người luôn có những thùng chứa stress, trong khi với những người khác, thùng chứa stress họ luôn đủ chỗ để chứa mấy chuyện nhỏ nhặt, còn đối với người trầm cảm, thùng chứa stress họ vốn đầy, nên chỉ chuyện con con thôi cũng khiến họ mất kiểm soát, rơi vào cơn trầm cảm ngay.
Ngoài ra, nó làm thay đổi hormone, hormone ở đây được nhắc đến là cortisol, nó giúp cho con người phản xạ trước các tình huống nguy hiểm. Một người với tuổi thơ bất hạnh, thì cortisol sẽ tiết ra liên tục, dần dần não bộ sẽ thay đổi. Phần hồi hải mã, vùng não giúp lưu trữ kí ức, điều hòa tâm trạng và phản ứng suy giảm. Cơ thể họ trở nên nhạy cảm hơn với những tình huống khó khăn mới, dù chỉ đơn giản như xỏ giày không vừa, hay chào một người mới quen. Nên họ thường bị nhận xét là người trì trệ, vô dụng, không có kĩ năng xã hội. Vì thế đừng thắc mắc kiểu như : "Sao có chút chuyện mà con cứ làm quá lên." "Mạnh mẽ lên, đừng vì một thằng đàn ông mà gục." Không, họ vốn hiểu đó là chuyện nhỏ chứ, chỉ là họ không còn chỗ chứa những điều "nhỏ " đó thôi.
b) Vòng lặp không lối thoát
Nó bắt nguồn từ suy nghĩ của người bệnh. Suy nghĩ rằng mình vô dụng, mọi điều xầu đều xảy ra với mình. Những suy nghĩ bi quan đó tác động lên từng hành động, lời nói của họ với mọi người, làm cho chuyện xung quanh càng trầm trọng hơn. Rồi họ lại tiếp tục đỗ lỗi cho mình. Vòng lặp đó cứ xoay vòng xoay vòng bất tận như một cơn lốc làm đảo tung cuộc sống của người bệnh.
Nó được gọi là mô hình nhận thức của Aron Beck - cha đẻ của liệu pháp nhận thức và liệu pháp nhận thức hành vi.
Những người này một khi bị mắc kệt trong vòng xoáy sẽ có những niềm tin lệch lạc như : Tôi không đứng nhất lớp tôi là kẻ vô dụng, tôi không xinh đẹp tôi là đồ bỏ, mọi người ghét bỏ tôi, cả đời tôi là một bãi rác và nó chẳng bao giờ tốt lên đâu.
Chính những niềm tin đó vô thức khiến ta hành động gây khó chịu hoặc tổn thương cho những người xunh quanh. Họ sẽ dần bị xa lánh và cho là tệ hại. Điều đó bổ sung cho niềm tin của họ. Và họ sẽ tiếp tục lặp lại, cho đến một lúc nào đó, cơ thể và tâm trí họ không chịu nỗi nữa, họ sẽ vỡ vụng vì sức nặng vô hình mà tâm trí tạo nên.
5. Hậu quả - Những cái xác vô hồn
a) Bệnh vật lý
Trầm cảm gây cho những bệnh vật lý như đau bụng, buồn nôn, nhứt đầu, bị tê liệt, không cử động được, song song nó khiến những bệnh lâm sàng thêm trầm trọng.
Ngoài ra, như đã nói ở bên trên, nó kéo thêm những bệnh về tâm lý khác. Khiến cho bệnh nhân càng khổ sở hơn.
b) Tự hại
"Người tự sát muốn chết, người tự hại tấn công cơ thể họ để sống tiếp."- trang 433, chương 26, Đại dương đen.
Bản năng của đa số mọi loài sinh vật là tránh xa những thứ khiến chúng đau và tổn thương, nhưng người tự hại lại làm điều ngược lại.
Không phải họ không thấy đau, họ lấy sự đau đớn đó để nhận biết mình còn sống hay không. Như người tỉnh tát xem mình có đang nằm mơ hay không. Cuộc sống họ như trong một lớp sương mù không lối thoát. Cơn đau thể xác như một cú tát lôi họ ra khỏi vùng mù mịt trong tâm trí họ.
Nó cũng giúp xoa dịu nỗi đau tinh thần. Tác giả Caroline Kettlewel viết về trải nghiệm của minh
" Khi lần đầu tôi phát hiện ra con dao lam, tự hại trở thành một cử chỉ của hy vọng. Ở lần đầu, khi tôi mười hai tuổi, nó giống như một điều kỳ diệu, một sự soi rạng. Lưỡi dao lướt qua da tôi ... Chớp nhoáng tinh khiết như một tia chớp ... Toàn bộ sự hoảng loạn ... bốc hơi trong khoảng khắc."
Đó cũng là cách người tự hại gây sự chú ý, họ không thể lên tiếng, nên chính những vết thương trên tay lên tiếng thay họ. Nó nói: " Hãy nhìn tôi này, hãy quan tâm tôi, hãy yêu thương tôi, tôi đau quá, tôi đau lắm, làm ơn, ai đó, hãy nhìn tôi đi."
Thật đáng thương là chính những việc đi trái với quy luật tự nhiên là cách duy nhất mà một con người đau khổ nghĩ đến để giải thoát mình khỏi làn sương mù. Và cũng để khẳng định là họ còn sống
c) Tự sát
... Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, hằng năm có khoảng 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm (tương đương cứ 40 giây lại có một người chết do tự tử)
Người tự sát họ chọn cái chết không phải vì họ muốn vậy. Mà bởi vì họ đã không còn lựa chọn gì ngoài việc đó. Giống như tự hại, hầu hết mọi loài sinh vật đều tìm mọi cách để trốn chạy cái chết. Con người cũng là một sinh vật sống, họ cũng khao khát sự sống như một cành cây bám chặc thân rễ nó xuống đất khô để tìm kiếm nguồn nước.
Đáng buồn hơn rằng, chính những người khao khát cái chết lại ham muốn sống hơn ai hết. Họ thèm cảm giác được tự do sống, được tận hưởng nó. Vì vậy, có những người, như tôi, đã từng đếm từng thứ nhỏ nhặt nhất để đấu tranh cho ham muốn được vượt qua nỗi đau này để sống. Nên khi những người họ đã mặc kệ mọi thứ để nhảy xuống, chính là khoảng khắc họ không còn gì để níu họ lại nữa.
Việc sống trong một vòng lặp trong sương mù, không bao giờ có đường ra, bị quá khứ trói buộc, hiện tại như đống sản phẩm sinh học trong nhà vệ sinh. Những người xung quanh cũng chẳng hiểu nỗi họ, cô đơn lạc lỏng đến cùng cực. Thế cuối cùng họ sống vì điều gì, vì cái gì, vì họ sao? Không, chính họ lúc đó còn cảm thấy ghê tởm chính mình. Họ chẳng còn lý do gì để đi tiếp cả.
6. Cách chữa
1. Dược
Thuốc chữa bệnh hiện tại có rất nhiều loại trên thị trường như cái loại nổi bật như thuốc fluoxetine (Prozac và Sarafem), Chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), thuốc ba vòng,... Nhưng cũng rất khó phân biệt trường hợp nào nên dùng thuốc gì. Nó phải tùy theo bệnh nhân chịu được tác dụng phụ như thế nào.
Nhiều nghi vấn cũng kéo theo như thuốc chỉ như giả dược kèm theo những tác dụng phụ. Có nhiều loại gây cho người bệnh nhưng căn bệnh phụ bên ngoài như béo phì, buồn ngủ (Một trong những đặc điểm tôi thấy rõ khi em gái tôi dùng thuốc ), có thể gây nôn nao, chống mặt, ...
Nhưng nếu trong phát đồ bệnh, bệnh nhân có cân nhắc dùng thuốc thì tôi hoàn toàn khuyên là nên theo, nhưng sẽ có vài trường hợp kháng trị liệu và không chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bệnh có thể lặp lại, và một khi lặp lại, nó sẽ nặng thêm theo cấp số nhân, thường xuyên hơn, mãnh liệt hơn. Buồn hơn là, liệu pháp này quá đắt đỏ với rất nhiều người. Việc uống thuốc dài lâu ngay cả sau khi đã qua cơn trầm cảm khiến cho chi phí liệu trình quá khó khăn với những người chỉ một ổ bánh mì cũng không dám mua.
Tôi đã từng gặp những người bạn là các anh chị, các bác trong bệnh viện em tôi chữa trị, họ đã vào ra nhiều năm, có người ngắn thì 2 - 3 tháng, dài có thể lên tận 9 năm, đáng thương hơn những trường hợp đó rơi vào những người già, không có người thân đến thăm.
2. Tâm lý
Theo mặt lý thuyết, người bệnh không chỉ nên uống thuốc mà còn kèm theo điều trị và tư vấn tâm lý. Nhưng đáng buồn rằng nhiều người bỏ qua phương án này, vì việc tiêu từ 300.000 đến 2-3 triệu cho một buổi nói chuyện với họ là lãng phí, hoặc đơn giản là họ không có tiền.
So với dược, đối với bản thân tôi, phương pháp tâm lý mang tính quan trọng cao hơn những bệnh nhân giai đoạn đầu phát bệnh. Họ cần có người giúp giải thoát họ khỏi vòng lặp niềm tin sai lệch của bản thân.
Có 3 phương pháp về tâm lý mà người thân của người trầm cảm có thể áp dụng với người thân mình hoặc tự người có bệnh có thể áp dụng.
a) Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Nói đơn giản là bạn đem những suy nghỉ mình ra và phân tích nó.
Bước đầu tiên người trợ giúp phải lắng nghe người bệnh và tôn trọng suy nghỉ, quan điểm của họ dù sai lệch đến đâu.
Bước thứ hai là phải đặt câu hỏi để họ tự nhìn ra quan điểm sai của mình
Bước ba là để họ nhận thấy sự việc có thể được giảm xuống ở mức bình thường
Có thể đưa ra ví dụ sau:
BN (Bệnh nhân) : Cháu buồn quá, cô giáo không quan tâm đến cháu. TLV (Tâm lý viên ) : Ồ điều đó thật buồn làm sao, không biết điều gì khiến cháu nghĩ vậy? BN : Cháu chào cô mà cô không thèm nhìn cháu, chắc cô ghét cháu vì cháu làm bài tập sai. TLV : Ồ vậy còn điều gì khác chứng mình điều đó nữa không? BN : Cô ít quan tâm đến cháu. Cô còn phạt cháu khi cháu quên bài tập. TLV : Thế cô làm vậy với mình cháu sao? BN : Không ạ, còn các bạn khác nữa. TLV : Thế cháu có hay nói chuyện với cô không? BN : Cũng không ạ. TLV : Thế có khi nào cô quan tâm cháu không? BN : Dạ có, cô có hỏi thăm cháu khi cháu bệnh. TLV : Thế lúc cháu chào cô cháu khi nào? BN : Lúc cô đang xếp tài liệu để dạy lớp ạ. Cháu nghĩ do cô không để ý đến cháu vì cô bận quá ...
Việc dẫn đi như vậy giúp họ nhận thức được sự việc rõ ràng và nhìn ra mọi thứ rất bình thường chứ không có gì nghiêm trọng cả.
b) Liệu pháp liên cá nhân (IPT)
Đây là liệu pháp giúp cho những người sau sự kiện đau buồn được giải tỏa. Vì có những người như mất người thân, dẫn đến đau buồn và trầm cảm, vì họ cố kiềm nén và không thể hiện ra.
Nó giúp người bệnh nhận thức được cảm xúc và giải quyết nó. Nó liên quan mật thiết đến các vấn đề cá nhân của người này. Vì các nhà khoa học cho rằng, những mối quan hệ xung quanh liên kết mật thiết với stress của người bệnh, vì họ không chia sẻ được cảm xúc của mình nên dẫn đến ức chế.
Nên tâm lý viên sẽ giúp họ nêu lên cảm xúc đó và điều hướng cũng như giải quyết nó. Giống như nếu họ buồn vì mất người thân, tâm lý viên sẽ giúp họ khóc, giải tỏa, từ đó tiến dần đến chấp nhận và bước tiếp.
Nó còn giúp cho người bệnh nhận ra bản thân mình có tiếng nói, cảm xúc mình được tôn trọng, qua đó sự tự tin sẽ trở lại trong con người họ. Họ cũng học cách chấp nhận, không đổ lỗi cho chính mình.
c) Chánh niệm (MBCT)
Đây là một cụm từ dạo gần đây được nhiều bạn trẻ cũng như những tập đoàn lớn nhắc đến như lãnh đạo tịnh thức, sống tịnh thức,...
Chánh niệm được xây dựng trên kỹ thuật Thiền định của đạo Phật, nó đơn giản là học cách quan sát hơi thở của mình, tách bản thân ra khỏi thân chủ, quan sát cảm xúc của mình như người ngoài cuộc. Chấp nhận nó là một phần của mình, không chối bỏ, không chê cười, không trách móc.
Chánh niệm khác với hai phương pháp còn lại, nó không đề cập đến việc giải quyết vấn đề bên ngoài nhiều, mà đi sâu vào nhận thức những gì đang xảy ra bên trong mình.
Chánh niệm là phương pháp đã giúp tôi tốt lên từng ngày, đan xen nó, tôi luôn dùng 2 phương pháp còn lại để giải quyết vấn đề của mình, nhìn mọi thứ ở góc nhìn tổng quát hơn. Nhưng sau cùng, cuộc đời là một mớ bòng bong không phải lúc nào ta cũng giải quyết được. Nên học cách thở, học cách từ tốn quan sát những gì đang xảy ra bên trong mình giúp tôi không khát cầu phải hoàn hảo, cầu toàn. Nó giúp tôi nhận ra tôi có những mặt xấu và tôi chấp nhận con người đó. Học cách chăm sóc cho đứa trẻ của tôi từng ngày.
7. Kết - Cái ôm yêu thương đến những con người đang vùng vẫy trong vực thẳm
Ban đầu, tôi không định sẽ viết dài như thế, nhưng sau khi nhìn lại cuộc đời mình và đọc xong cuốn sách Đại dương đen, tôi mong mình sẽ làm được gì đó. Dù nhỏ thôi, chí ít nó cũng cho những người cùng cảnh ngộ như tôi biết rằng có người giống họ. Hoặc là giúp cho những ai có người thân có thể hiểu hơn về căn bệnh để cùng họ vượt qua. Gia đình tôi đã vượt qua chuyện này, không phải hoàn toàn, nhưng nó cũng đang tốt đẹp hơn từng ngày, tôi tin là vậy.
Những dòng này cũng là lòng tri ân dành cho bác Đặng Hoàng Giang với cuốn sách Đại dương đen, nhờ bác, tôi mới hiểu hơn về căn bệnh này cũng như những nỗi đau mà những người trầm cảm phải chịu đựng.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, dù điều này có thể vô nghĩa với nhiều người khi họ đang tuyệt vọng, nhưng hãy tin vào bản thân sẽ thay đổi được ngày mai của mình. Tôi ở đây cùng với em gái thân yêu của tôi có thể khẳng định điều đó.
Dành cho bạn một cái ôm nồng hậu và yêu thương nhất! Hãy bình an nhé bạn tôi.
( Những thông tin có được qua các trang chính thống như WHO, báo tuổi trẻ,... đa số dữ liệu trong cuốn Đại dương đen đã được người viết tìm hiểu và kiểm chứng, người viết không trong vai trò người có kiến thức chuyên sâu về y dược. Chỉ mong đưa những kiến thức đã trải nghiệm và tiếp thu đến bạn đọc để nâng cao kiến thức về trầm cảm. )
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất