Lịch sử: Những lầm tưởng sai lầm về áo giáp châu Âu thời Trung Cổ!
Áo giáp Trung Cổ, giả tưởng và thực tế!
Áo giáp Trung Cổ to, dày, nặng nề và cục mịch, chậm chạp? Hay trang bị quá kín nhưng kiếm vẫn chém lủng... là những gì các bạn cảm nhận thấy hay biết về chúng. Không chỉ là từ những ánh nhìn đầu tiên đã đánh giá quá vội vàng như vậy, chúng còn được củng cố thông qua những miêu tả từ phim ảnh, sách truyện và văn hoá đại chúng nói chung mà chưa có sự kiểm chứng về lịch sử! Vậy thực hư thế nào, mình sẽ giải đáp dưới đây!
1. Nhìn có vẻ nặng nề nên hẳn là chúng chậm chạp?
Cũng phải thôi, đây sẽ là những gì bạn cảm nhận được khi thấy đống sắt thép kia phủ toàn thân, kín mít gần như không có kẽ hở. Nhưng, bộ giáp tấm toàn thân thực sự như trên không hề nặng nề như bạn tưởng! Thật vậy, đã có rất nhiều thử nghiệm cho thấy người mặc loại giáp này vẫn có thể hoạt động bình thường mà đôi khi lại cực kỳ nhanh nhẹn, linh hoạt và cân bằng. Lạ hơn là người mặc hoàn toàn có thể nhào lộn, leo trèo… bình thường kể cả khi mặc thứ giáp này! Chẳng hạn như video thử nghiệm dưới đây, bạn có thể tự xem và kiểm chứng...
Mình cũng có bài viết đề cập qua Hiệp sĩ và bộ giáp của họ, các bạn có thể xem qua ở đây.
Theo như những số liệu được giới lịch sử nghiên cứu và đo đạc, những bộ giáp tấm toàn thân (full plate) kể trên đều chỉ nặng từ 25-27 kg, chẳng hạn bộ giáp Milanese của Ý chỉ nặng khoảng 26 kg! Bộ giáp nặng nhất với các tấm giáp dày chỉ có thể mặc khi ở trên lưng ngựa dành riêng cho môn thể thao võ thuật jousting (cưỡi ngựa đấu thương) của Hiệp sĩ từng được ghi nhận nặng nhất cũng chỉ đạt cỡ 35 kg, tuy nhiên thì loại giáp này thực sự không hề được dùng trên chiến trường.
Loại giáp tấm này còn nhẹ hơn nhiều so với hành trang của lục quân hiện đại về khối lượng! Ví dụ, hành trang lẫn súng ống đạn dược của quân đội Mỹ phải mang rơi vào khoảng 100 pounds tức xấp xỉ 40-45 kg, cộng với việc liên tục hành quân với tình trạng trọng lượng dồn hết vào lưng vai, khiến tỷ lệ viêm khớp thoái hóa và gai xương của những người lính hiện đại là rất cao! Trong khi đó, các bộ giáp tấm lẫn vũ khí thời Trung Cổ lại phân bổ đều trọng lượng toàn thân và được tải bớt khi Hiệp sĩ cưỡi ngựa. Nếu so sánh, giáp tấm Trung Cổ chỉ nặng ngang với trang bị của những người lính cứu hỏa hiện đại!
Bạn biết đấy, trong nhiều bài viết so sánh với giáp tấm Trung Cổ, bộ giáp của các Samurai thường được cho là nhẹ nhàng linh hoạt hơn? Nếu nhìn vào tổng thể sẽ thấy chúng cũng chỉ là tương đối! Chẳng hạn loại giáp yoroi được dùng suốt thế kỷ 12-16 nặng tới 29 kg, hơn nữa loại giáp này khi bị ngấm nước có thể nặng hơn 32 kg! Trong khi đó, loại giáp tosei-gusoku phổ biến từ cuối thế kỷ 17-18 đã có cải tiến với các cấu tạo hầu hết là các giáp tấm... có khối lượng nhẹ hơn so với loại yoroi, nhưng vẫn đạt từ 23-25 kg.
Điều này làm mình đi đến một suy đoán: có thể vì hầu hết bộ giáp tấm châu Âu Trung Cổ luôn trắng sáng màu ánh kim của sắt thép nên người ta mới nghĩ rằng nó quá nặng nề? Nếu như nó được sơn màu như các loại giáp tosei-gusoku Nhật Bản hay được phủ áo choàng lên thì liệu họ còn cảm giác nặng nề và ngừng phán xét bộ giáp tấm châu Âu Trung Cổ?
Jean Le Maingre - một Hiệp sĩ nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ 14 có 10 bài luyện tập thể chất hàng ngày rất “bình thường” sau đây: 1. Leo bám vào hai bức tường song song (trong khi mặc giáp tấm); 2. Nhảy lên lưng ngựa mà không cần người giúp (trong khi vẫn mặc giáp tấm); 3. Tóm lấy người đang cưỡi ngựa và bật lên (trong khi vẫn mặc giáp tấm); 4. Nhào lộn (trong khi vẫn mặc giáp tấm); 5. Quăng và ném búa tạ; 6. Ném tạ (cầm viên đá lớn và ném, lặp đi lặp lại); 7. Đấm tay liên tục xuống mặt đất hoặc bề mặt ghồ ghề; 8. Tựa thang vào một cái cây rồi chỉ bằng tay đu bám và leo lên (trong khi vẫn mặc giáp chain-mail và có thể là cả giáp tấm); 9. Khiêu vũ, nhảy múa (trong khi mặc giáp chain-mail); 10. Chạy bộ, chạy việt dã mỗi buổi sáng (trong khi vẫn mặc giáp tấm). Vậy theo bạn, những người lính như Jean thời Trung Cổ liệu có thấy mặc giáp là quá nặng nề và chậm chạp nữa không? Tham khảo 10 lời khuyên tập luyện của Jean Le Maingre tại đây.
2. Kỵ binh bắn cung Mông Cổ đánh bại giáp tấm của Hiệp sĩ?
Đúng! Kỵ binh Mông Cổ đã từng đánh bại quân đội Hiệp sĩ vùng Đông Âu thời Trung Cổ. Nhưng giáp tấm châu Âu ư? Lúc đấy thì đại đế chế Mông Cổ không còn tồn tại!
Mông Cổ xâm lược châu Âu vào khoảng thập niên 20-40 của thế kỷ 13. Trong khi đó, giáp tấm châu Âu chỉ thực sự xuất hiện và bắt đầu phổ biến ở thế kỷ 14 khi mà kỷ nguyên của đế chế Mông Cổ đã kết thúc. Giáp châu Âu thế kỷ 13 chủ yếu là loại giáp chain-mail (loại giáp được đan bởi vòng xích thành lưới) và loại brigandine (loại áo vải bên dưới có các tấm thép mỏng gắn bằng đinh tán). Hai loại giáp này gần như không thể chống lại tên bắn từ cung tổng hợp!
Hơn nữa, không có chuyện mũi tên của Mông Cổ có thể bắn lủng lớp giáp tấm châu Âu, đặc biệt là lớp giáp tấm ngực! Loại giáp này đến nỏ hạng nặng cầm tay bắn xuyên qua còn khó nữa là. Kể cả nếu có thể xuyên qua, chúng chắc chắn sẽ bị chặn lại bởi lớp chain-mail hay lớp áo vải dày gambeson mặc bên dưới.
Tuy nhiên, trong lịch sử cũng đã có trường hợp kỵ binh hạng nặng với giáp tấm đã phải chịu khuất phục trước cung thủ! Điển hình là trận Agincourt, 6000 cung thủ longbowman Anh đã đánh bại 15.000 Hiệp sĩ Pháp! Tuy longbow Anh gần như không thể bắn thủng áo giáp của Hiệp sĩ Pháp. Nhưng họ đã tìm cách chống lại như là bắn hạ ngựa của Hiệp sĩ, dùng mưa tên làm tăng tỷ lệ bắn trúng chỗ hở giáp, lợi dụng địa hình bùn lầy gây khó dễ cho Hiệp sĩ đi lại... Hơn nữa, chính là vì lòng tự cao và chủ quan của quân Pháp, chỉ trang bị đúng 15.000 kỵ binh hạng nặng đã dẫn đến thất bại cay đắng (mặc dù so với quy mô chung toàn bộ Cuộc chiến Trăm năm, Pháp mới là bên thắng cuộc).
Cũng có thể ngay cả khi giáp tấm đã được trang bị, quân Mông Cổ vẫn sẽ thắng quân đội châu Âu. Điều này là có cơ sở bởi vào thời điểm này Mông Cổ có lối đánh chiến thuật, tổ chức quân đội tốt hơn; cộng với một số tài liệu lịch sử cho rằng họ đã có những pháo cầm tay, không gây sát thương quá lớn nhưng đủ để dọa chết khiếp tinh thần người và ngựa châu Âu! Mặc dù, Hiệp sĩ được thuê tham gia có tỷ lệ chết ít hơn kỵ binh Mông Cổ và việc Mông Cổ xâm lược lại là nhân tố thúc đẩy các loại giáp tấm với kỵ binh hạng nặng châu Âu phổ biến hơn do chúng hiệu quả chống lại kỵ binh Mông Cổ. Cơ mà, vũ khí của Mông Cổ không quyết định thành bại, công trạng lớn nhất chủ yếu nằm ở tính kỷ luật tác chiến của kỵ binh Mông Cổ và vị tướng lĩnh Subutai - Tốc Bất Đài nổi tiếng đã chỉ huy cuộc chinh phạt châu Âu này!
3. Kiếm có thể dễ dàng chém xuyên qua giáp tấm, đặc biệt là loại kiếm... katana Nhật chẳng hạn?
Ok! Không biết là đã có cuốn sử sách nào ghi nhận việc này ngoại trừ phim ảnh, anime hay truyện tranh ngộ nhận phóng tác chém vào? Chắc hẳn bạn đã biết là Samurai và Hiệp sĩ Trung Cổ thực sự chưa từng gặp nhau đâu nhỉ? Ơ nhưng đến loại nỏ hạng nặng còn không thể bắn xuyên qua, vậy làm sao kiếm có thể chém, cắt đứt được giáp tấm? Lightsaber chăng???
Thực tế với tất cả các loại kiếm tiêu chuẩn cũng không thể gây sứt mẻ gì với lớp giáp tấm châu Âu “hàng real” được! Đến ngay cả các loại trọng kiếm còn khó nữa là. Nếu cố thử, kết quả bị sứt mẻ sẽ chỉ có thể là do thanh kiếm đó hứng chịu nên không lý gì một thanh kiếm như katana lại có thể chém được giáp tấm ngực châu Âu!
Có nhiều bạn đã từng xem video này và cho rằng kiếm katana có thể đâm xuyên qua thứ giáp trông có vẻ như là "giáp tấm" Trung Cổ, còn loại kiếm trông như "longsword" kia thì không? Và kết luận katana > kiếm và giáp Trung Cổ??? Không đời nào! Thứ giáp như được làm từ thiếc lon nước kia chưa từng ghi nhận có bất kỳ quân đội binh chủng châu Âu nào sử dụng trong lịch sử! Ngoại trừ loại kiếm katana trong video may ra được chọn tử tế, thì thứ kiếm longsword được dùng không khác gì loại kiếm chuyên để tập đấu kiếm kiếm thuật HEMA, nói đúng ra là loại kiếm mô phỏng nên chúng mới dẻo như vậy!
Oh! Thế kênh truyền hình lớn như NatGeo hay History mà lại cho ra chương trình như này? Bạn biết đấy, các chương trình kiểu này không chắc đã làm thật sự khách quan, khi mà cần lượng lượt xem lớn, phục vụ số lượng lớn người yêu thích kiếm Nhật hơn là châu Âu? Bạn còn trông chờ gì vào chương trình từng so sánh súng M16 có thể hơn đứt được cả AK-47? Không biết đó là đùa hay thật! Mình thì cũng bó tay!
Bonus: Vậy kiếm có thể được dùng để chống lại người mặc giáp tấm toàn thân không? Theo các tài liệu sử được ghi nhận là có! Có hẳn hệ thống kỹ thuật như vậy tồn tại! Không tính riêng việc sử dụng vũ khí cùn kiểu phang đập như chùy mace, búa warhammer hay các loại poleaxe… thì vẫn có cách dùng kiếm chống lại giáp tấm. Đó là half-swording với một tay cầm lưng chừng lưỡi kiếm, dễ dàng kiểm soát mũi kiếm để đâm vào phần khe giáp mỏng. Những kỹ thuật này đòi hỏi khả năng, trình độ và đào tạo ở mức nhất định mới có thể thực hiện được! Các bạn hãy xem qua một số bức ảnh minh họa từ sách của một số bậc thầy kiếm thuật châu Âu dưới đây:
Lưu ý: không phải chỉ có kỹ thuật cầm ngược lại thanh kiếm và phang như một cây chùy thì đó mới là half-swording! Kỹ thuật cầm ngược kiếm mordhau (hay mordstreich - trong trường phái kiếm Đức có nghĩa là "đòn sát thủ/giết người") là một trong nhiều kỹ thuật half-swording kể trên. Bởi miễn là cầm vào lưng chừng lưỡi kiếm thì nó là half-swording! Cơ mà không phải do kiếm châu Âu cùn mới cầm như thế, do kỹ thuật cầm cả đấy! Các bạn có thể xem youtuber Skallagrim kiểm chứng dưới đây:
4. Những bộ giáp tấm như vậy là quá đắt đỏ và chỉ người giàu có mới kham nổi!
Nếu bạn đang nói tới châu Á như khu vực Đông và Đông Nam Á thì điều này có thể đúng. Nhưng với châu Âu? Đây lại là một chuyện rất khác!
Những bộ giáp tấm quá đắt tiền? Cũng đúng nhưng không hẳn! Thời kỳ Trung Cổ và đặc biệt Hậu Trung Cổ, chúng là những bộ giáp đã hoàn toàn có thể sản xuất đại trà. Bạn biết đấy, những người thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội châu Âu Trung Cổ như thợ may, thợ thủ công... cũng có thể tự bỏ tiền trang bị cho mình loại giáp tấm mới cứng luôn! Nên nhớ, họ chiếm số lượng lớn trong xã hội, có kiến thức nhất định về giáo dục, nhưng cơ bản họ không hề giàu có tới mức dư dả. Loại giáp của họ thường dùng là munition grade, họ có thể tự mua bằng lương của một năm làm việc hoặc được thừa hưởng từ thế hệ trước để lại... Munition grade chủ yếu gồm phần mũ giáp và phần giáp thân, nhưng đối với họ như thế là quá đủ rồi. Chỉ là trang bị toàn thân với loại giáp tấm như Hiệp sĩ với họ là quá thừa thãi và tốn kém, nhất là với binh chủng chủ yếu là bộ binh như họ!
Vậy tầng lớp giàu có hơn như lãnh chúa hay quý tộc thì giáp của họ phải có "điểm nhấn" chứ? Đúng vậy! Hãy hiểu đơn giản như cách so sánh chiếc "Vertu của lãnh chúa quý tộc" và "Nokia cục gạch của tầng lớp trung lưu". Cùng một chức năng, công dụng nhưng có chất lượng và mẫu mã khác hẳn với những "thứ" được khảm lên chúng...
Nói chung, tầng lớp trung lưu sẽ dùng hàng sản xuất hàng loạt đại trà, còn tầng lớp cao hơn như quý tộc hoặc lãnh chúa giàu có sẽ đặt hàng thiết kế riêng với chất thép tốt hơn!
Cảm hứng và những thông tin thú vị để mình viết nên bài viết này đến từ 2 video dưới đây:
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất