GIA TỘC ROTHSCHILD – Từ khu ổ chuột vươn tới đế chế tài chính QUYỀN LỰC NHẤT THẾ GIỚI
Từ đáy xã hội, gia tộc Rothschild đã vươn lên và trở thành một đế chế tài chính toàn cầu...
Hãy nhìn vào bức ảnh này.
Đây là một bức ảnh gia đình trông có vẻ bình thường nhưng ẩn chứa đằng sau nó là cả một câu chuyện đặc biệt. Thực tế, những con người này xuất thân từ một gia tộc gắn liền với quyền lực và sự giàu có. Khối tài sản của họ là không thể đo đếm và đã được tiếp nối qua nhiều thế hệ. Chúng ta đang nhắc đến gia tộc Rothschild, một trong những dòng họ nổi tiếng và giàu có bậc nhất lịch sử.
Thế nhưng, mọi thành công đều phải có xuất phát điểm. Và gia tộc Rothschild cũng không là ngoại lệ. Nguồn gốc của họ thực sự được bắt đầu từ một khu ổ chuột ở Đức. Những cá nhân kiệt xuất đã vượt qua nhiều khó khăn lẫn thách thức để đưa cả gia tộc Rothschild vươn đến đỉnh cao của quyền lực và danh vọng. Ngay bây giờ, hãy cùng nhau tìm hiểu những câu chuyện đặc biệt về gia tộc này nhé.
1. Khởi đầu từ khu ổ chuột
Sự thành công của đế chế Rothschild được xuất phát từ người này.
Tên ông ấy là Mayer Amschel Bauer. Sinh ra trong một gia đình Do Thái nghèo khó, tuổi thơ của Mayer gắn liền với một khu ổ chuột ở Frankfurt, Đức. Khu vực chật hẹp, nghèo đói và không được sạch sẽ này có tên Judengasse, hay dịch ra là Hẻm của người Do Thái.
Vào thời đó, các ngôi nhà không sử dụng số mà được phân biệt với nhau bằng màu sắc hay dấu hiệu đặc biệt. Ví dụ, căn nhà mà tổ tiên của Mayer Amschel sinh sống nổi bật với một cái khiên màu đỏ, mà dịch ra tiếng Đức có nghĩa là “Rothschild”. Các cư dân ở Judengasse cũng đồng thời gọi nhau bằng bằng đặc điểm về địa chỉ này. Vì vậy, nhà Bauer còn có danh xưng khác là nhà Rothschild.
Sự vươn lên của Mayer Amschel Rothschild
Chẳng ai ngờ cái tên Rothschild này sẽ được Mayer Amschel sử dụng làm họ chính thức và sau đó trở thành biểu tượng của gia tộc. Bởi khi mới 12 tuổi, cha mẹ ông đã sớm qua đời vì một trận dịch đậu mùa. Người thân cũng không còn đủ khả năng để chăm sóc. Vậy là họ đã quyết định gửi Mayer đến sống ở Hanover với một người anh họ. Tại đây, Mayer nhận được một vị trí học việc trong ngân hàng Oppenheimer nổi tiếng.
Với năng khiếu kết hợp sự chăm chỉ, Mayer đã nhanh chóng tích lũy được nhiều kiến thức quý về tài chính và kinh doanh. Đồng thời, ông còn phát triển song song thêm một sở thích khác liên quan đến việc sưu tầm và trao đổi tiền cổ. Cũng chính nhờ hoạt động sưu tập này mà Mayer kết thân được với một vị khách hàng quan trọng. Đó là Hoàng tử William của xứ Hesse-Kassel, người nổi tiếng giàu có nhờ việc cung cấp lính đánh thuê cho các cuộc chiến.
Khi ấy, Hoàng tử William đặc biệt quan tâm đến ý tưởng mới về mua bán trái phiếu chính phủ. Chưa kể là người đàn ông quyền lực này còn muốn cấp nhiều khoản cho vay theo hình thức ẩn danh. Chính vì vậy, Hoàng tử William cần các ngân hàng trung gian để thực hiện những tính toán của mình.
Và một trong những người mà Hoàng tử tin tưởng để đứng ra thành lập ngân hàng là Mayer Amschel Rothschild. Ông đã trở về Frankfurt và bắt đầu hoạt động kinh doanh ngân hàng của riêng mình. Nhờ việc quản lý và đầu tư hiệu quả tài sản của Hoàng tử, Mayer kiếm được bội tiền hoa hồng và các khoản lãi. Uy tín và vị thế ngày càng tăng, các công việc kinh doanh buôn bán khác của ông cũng theo đó mà trở nên phát đạt. Đến cuối thế kỷ 18, dòng họ Rothschild đã trở thành một trong những gia đình giàu có và quyền lực nhất ở Frankfurt.
Tuy vậy, tham vọng của Mayer không dừng lại ở đó. Ông ấp ủ kế hoạch tạo nên một đế chế tài chính trải dài khắp châu Âu. Để hiện thực hóa mục tiêu này, sự trợ giúp của thế hệ tiếp theo là điều không thể thiếu.
Mayer có tất cả 5 người con trai. Amschel sẽ tiếp quản Frankfurt. Salomon được đưa đến Vienna để mở rộng thị trường. Nhiệm vụ tương tự được giao cho Nathan. Nhưng điểm đến là London, Anh. Carl sẽ đến Napoli, Italia. Còn cậu con út James được quản lý ở Paris, Pháp.
Nathan Rothschild - người con trai ưu tú
Nổi bật nhất trong số 5 người con trai phải kể đến Nathan Rothschild.
Ông được mô tả là người khéo léo, đầy tham vọng và có tính cạnh tranh cao. Ban đầu, Nathan sống ở Manchester để bắt đầu sự nghiệp với ngành dệt may. Nhờ việc chủ động nguyên liệu, nguồn hàng và nhà sản xuất, ông nhanh chóng tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tạo ra rất nhiều lợi nhuận từ ngành may mặc. Chẳng mấy chốc Nathan đã biến số tiền vốn 20.000 bảng Anh ban đầu trở thành món hời trị giá 60.000 bảng.
Để mở rộng tầm ảnh hưởng, ông chuyển đến London và thành lập chi nhánh ngân hàng nhà Rothschild. Chuyện kinh doanh cũng không dừng lại ở đó. Nathan còn dùng sức ảnh hưởng của gia tộc để tham gia vào các hoạt động buôn lậu vàng và hàng hóa.
Không những vậy, có nhiều giai thoại kể lại rằng Nathan Rothschild đã lợi dụng thông tin sớm về kết quả trận Waterloo để khuynh đảo thị trường tài chính. Theo đó, ông đã mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ Anh với giá thấp khi thị trường đang hoảng loạn và nghĩ Napoleon giành chiến thắng. Sau đó, khi tin tức về thắng lợi của quân Anh được công bố rộng rãi, Nathan cho bán lượng lớn trái phiếu với giá cao và thu về được khoản lợi nhuận khổng lồ.
Dù giai thoại này vẫn chưa được kiểm chứng và có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng có một sự thật rằng chỉ sau vài năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh ở London, Nathan đã trở thành ông trùm tài chính tại xứ sở sương mù. Một nhân vật ngoại giao của Bỉ thường trú ở Anh đã nói rằng:
“Sự ảnh hưởng của Rothschild đối với nền tài chính ở đây lớn đến mức đáng sợ… Khi Nathan nổi giận thì Ngân hàng Anh cũng phải run rẩy.”
Đoạn kết của Mayer Amschel Rothschild
Trở lại với Mayer Amschel Rothschild, vào năm 1811, ông đã đóng góp một khoản tiền lớn cho chính quyền. Số tiền này nhằm đổi lấy Sắc lệnh Giải phóng Frankfurt. Đây là một văn bản pháp lý vô cùng quan trọng. Theo đó, người Do Thái sống ở Frankfurt cùng với con cháu của họ sẽ được hưởng các quyền công dân và đặc quyền bình đẳng như những công dân khác.
Sắc lệnh này đánh dấu sự kết thúc cho hàng thế kỷ bị phân biệt đối xử của người Do Thái. Mặc dù không thể thay đổi nhận thức của toàn bộ cộng đồng. Nhưng chí ít người Do Thái ở Frankfurt giờ đây cũng có thể tự do đi lại và buôn bán mà không còn giới hạn nào. Đến lúc này, Mayer Amschel Rothschild đã thật sự hiện thực hóa được một trong những ước mơ lớn nhất cuộc đời. Không chỉ thay đổi số phận của bản thân và gia đình, ông đã thay đổi số phận của toàn bộ cộng đồng người Do Thái ở Frankfurt.
Năm 1812, chỉ một năm sau hoàn thành được ý nguyện, Mayer qua đời và được chôn cất tại một nghĩa trang Do Thái nằm dọc theo bức tường của khu ổ chuột năm xưa. Mặc dù khu Judengasse đã không còn theo thời gian nhưng nghĩa trang và ngôi mộ của Mayer Amschel Rothschild vẫn được bảo tồn đến tận ngày nay.
2. Chương mới của đế chế đang lên
Sau khi cha qua đời, 5 anh em nhà Rothschild vẫn đoàn kết và tiếp tục phát triển công việc kinh doanh. Họ tập trung vào những dịch vụ cho vay với giới quý tộc và các hệ thống chính phủ.
Đặc biệt trong thế kỷ 19, chiến tranh có xu hướng diễn ra ngày càng phức tạp trên khắp châu Âu. Rất nhiều quốc gia có nhu cầu cấp thiết về việc vay tiền để phục vụ cho các cuộc xung đột. Chính lúc ấy, hệ thống ngân hàng Rothschild xuất hiện và đáp ứng mọi nhu cầu vay nợ. Các khoản lãi và tiền hoa hồng cứ thế tăng đều giúp gia tộc Rothschild kiếm được bội tiền. Có thể nói, chiến tranh thật sự là cơ hội lớn giúp 5 anh em nhà Rothschild làm ăn phát đạt.
Không những vậy, gia tộc Rothschild còn phát triển một mạng lưới thông tin liên lạc tiên tiến trải rộng khắp châu Âu. Nhờ đó, họ tiếp cận tin tức nhanh hơn nhiều so với các đối thủ. Gần như nhà Rothschild nắm độc quyền về các thông tin giá trị. Trong nội bộ gia đình, các thành viên sử dụng một phương thức liên lạc đặc biệt để bảo mật thông tin. Họ trao đổi bằng ngôn ngữ Yiddish, một biến thể đặc trưng của vùng Frankfurt, kết hợp với một hệ thống mã hóa riêng chỉ các thành viên nội bộ mới có thể hiểu.
Nhờ sức mạnh của mạng lưới thông tin này, gia tộc Rothschild đã tận dụng tối đa sự chênh lệch tỷ giá hối đoái giữa các thị trường châu Âu. Họ có thể mua trái phiếu và tiền tệ ở một thành phố này và gần như ngay lập tức bán chúng ở một thành phố khác để thu được lợi nhuận. Về cơ bản, đây chính là dạng thức đầu tiên của cách giao dịch chênh lệch giá arbitrage phổ biến ngày nay.
James Rothschild - Thủ lĩnh mới của gia tộc
Vào ngày 28 tháng 7 năm 1836, một sự kiện bất ngờ đã làm rung chuyển giới tài chính châu Âu. Nathan Rothschild qua đời ở tuổi 58. Cái chết của ông gây ngạc nhiên lớn, đặc biệt khi xét đến truyền thống trường thọ trong gia tộc Rothschild. Đáng chú ý, mẹ của Nathan vẫn còn sống vào thời điểm đó và bà đã sống đến hơn 90 tuổi.
Sự ra đi của Nathan Rothschild gây ra những biến động đáng kể trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, nhờ vào cấu trúc phi tập trung vốn có, các chi nhánh ngân hàng Rothschild vẫn tiếp tục hoạt động và phát triển bình thường.
Dẫu vậy, cả gia tộc cần tìm ra một thủ lĩnh mới cho giai đoạn tiếp theo. Và người được chọn sẽ là cậu em út trong James Rothschild. So với anh trai Nathan, James cũng khéo léo và tài năng chẳng kém. Ở Paris, Pháp, ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ tài kinh doanh và mạng lưới quan hệ rộng lớn.
Tuy nhiên, khi Pháp gặp khó khăn về tài chính sau chiến tranh, James lấy làm lạ khi chính phủ của Vua Louis XVIII lại chẳng hề đánh tiếng để vay tiền. Hóa ra tầng lớp quý tộc Pháp tỏ vẻ khinh thường và từ chối hợp tác với một kẻ ngoại lai như James Rothschild. Mặc dù rất giàu có nhưng James lại không phải người có địa vị xã hội cao.
Sự kiêu ngạo của đám quý tộc Pháp đã khiến ông hết sức phẫn nộ. James đã quyết định thực hiện một cuộc trả đũa tài chính. Theo đó, ông kết hợp cùng những người anh em khác để thao túng thị trường trái phiếu Pháp, từ dó gây ra khủng hoảng trầm trọng cho chính phủ của Vua Louis XVIII. Cuối cùng, họ buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia tộc Rothschild để ổn định tình hình. Sự kiện này đã nâng cao vị thế của James tại Pháp.
Tuy nhiên, James thừa hiểu nếu chỉ đơn thuần sử dụng sức mạnh đồng tiền, ông sẽ không thật sự có được chỗ đứng vững chắc ở xã hội Pháp. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, James bắt đầu tổ chức các sự kiện xa hoa và tốn kém. Ông cho thuê những kiến trúc sư, những đầu bếp tài ba nhất để chuẩn bị những bữa tiệc lộng lẫy chưa từng có ở Paris. James thật tâm thể hiện lòng tôn trọng và ý muốn được hòa nhập với văn hóa và xã hội Pháp.
Chiến lược này nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới thượng lưu. Các buổi dạ tiệc hàng tuần của James trở nên ngày càng đông khách. Và chỉ trong vài năm, ông đã thật sự đạt được sự công nhận xã hội và lấy được lòng của giới thượng lưu Pháp thời bấy giờ. Đây được xem là thành tựu lớn thể hiện hết tài ứng biến của James Rothschild.
Khi đứng lên lãnh đạo toàn bộ gia tộc, James lập tức dành sự chú ý và đổ tiền vào ngành công nghiệp mới nổi mang tên đường sắt. Trước đây, anh trai Nathan không tin vào việc các đầu máy xe lửa có có thể thay thế sự linh hoạt của những chú ngựa. Nhưng về sau, tất cả đều nhận ra tiềm năng của loại hình vận tải mới này.
Đến những năm 1840, gia tộc Rothschild đã đầu tư nhiều tiền của và được công nhận là trùm đường sắt tại châu Âu. Họ thu được lợi nhuận lớn từ hoa hồng và các giao dịch liên quan đến cổ phiếu đường sắt.
Bên cạnh đó, gia tộc Rothschild còn mở rộng danh mục đầu tư ra nhiều lĩnh vực đa dạng khác. Họ đầu tư vào các cơ sở sản xuất rượu vang có giá trị ở Pháp. Họ mua lại cổ phần từ kênh đào Suez, Ai Cập. Họ còn đầu tư lớn vào vào hoạt động khai thác khoáng sản lẫn kim cương.
Mở rộng tới Hoa Kỳ
Và đặc biệt, sau sự qua đời của James Rothschild vào năm 1868, thế hệ tiếp theo của gia tộc đã thực hiện một nước đi táo bạo. Thị trường mới được nhắm đến dựa trên sự trỗi dậy của một cường quốc mới nổi. Và đó chính là Hoa Kỳ, quốc gia đang tăng trưởng vượt bậc nhờ cuộc Cách mạng Công nghiệp đột phá. Nhờ vào nguồn lực tài chính dồi dào cộng sự hợp tác với những nhà đại tư bản nổi tiếng như J.P Morgan mà nhà Rothschild đã có những bước đi vững chắc để gia nhập thị trường Mỹ. Tuy vậy, không phải là không có những bước đi sai lầm ở xứ sở cờ hoa.
Vào đầu những năm 1870, thông qua một nhà tư bản uy tín tên Asbury Harpending, nhà Rothschild đã biến đến một mỏ kim cương nhiều tiềm năng ở miền Tây nước Mỹ. Chủ của mỏ này là 2 nhà khai thác quê mùa tên Philip Arnold và John Slack. Những viên kim cương tìm được từ mỏ này đều được các chuyên gia nổi tiếng như Charles Tiffany và Louis Janin xác nhận là thật. Điều này nhanh chóng dẫn đến việc thành lập một công ty khai thác với vốn đầu tư 10 triệu đô la. Trong đó, đương nhiên là có sự tham gia của nhà Rothschild. Arnold và Slack được trả 700.000 đô la để từ bỏ quyền sở hữu mỏ.
Tuy nhiên, khi Harpending và các nhà đầu tư khác quay lại khu vực khai thác, họ phát hiện ra chẳng còn viên kim cương nào nữa. Toàn bộ câu chuyện hóa ra là một vụ lừa đảo tinh vi qua mặt cả những người giàu có và lọc lõi nhất bấy giờ. 2 tên lừa đảo Arnold và Slack đã đóng giả làm những người khai thác quê mùa và khù khờ. Sau đó, chúng bỏ tiền mua kim cương thật để giả bộ như khu hầm mỏ này có kim cương. Vụ lừa đảo thế kỷ này khiến uy tín của Harpending tiêu tan. Còn nhà Rothschild đành im lặng mà rút kinh nghiệm bởi xét cho cùng, chẳng ai có nhiệm vụ phải cam kết với họ rằng hầm mỏ sẽ có kim cương.
Dẫu sao vụ lừa đảo này không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển chung trong thế kỷ 19 của nhà Rothschild. Tuy vậy, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác khi thế kỷ 20 bắt đầu.
3. Suy thoái và tái thiết
Vấn đề trong nội bộ gia tộc
Bước sang thế kỷ 20, sự thịnh vượng của gia tộc Rothschild bắt đầu suy giảm. Một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ quy định hôn nhân cận huyết. Theo đó để giữ bí mật và không cho của cải hay quyền lực bị thất thoát, họ đã áp dụng việc kết hôn giữa những người trong cùng dòng họ Rothschild. Trước đấy ở thế hệ thứ hai, 14 trong số 19 cuộc hôn nhân diễn ra giữa các anh em họ. Hậu quả của việc này là sự xuất hiện của căn bệnh tâm thần phân liệt di truyền.
Thêm vào đó, xu hướng sinh con gái ngày càng tăng. Mà theo luật bất thành văn, con gái, con dâu và con rể đều sẽ bị loại khỏi hoạt động kinh doanh của gia tộc Rothschild. Chính những đặc điểm này đã dẫn đến tình trạng thiếu vắng người thừa kế nam.
Năm 1900, chi nhánh Naples ở Ý thực sự bị sụp đổ khi người thừa kế nam cuối cùng qua đời mà không có con nối dõi. Qua đó, tài sản buộc phải chuyển giao cho chi nhánh Paris tiếp quản. Trong khi đó tại Frankfurt, việc chỉ có người thừa kế là con gái đã khiến tài sản của gia đình bị chia nhỏ và quyền lực cũng dần trở nên phân tán.
Đó là vấn đề trong nội bộ gia tộc. Còn bên ngoài xã hội, một mối nguy tiềm ẩn khác chuẩn bị xuất hiện và đe dọa đến sự tồn tại của dòng họ Rothschild.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái
Làn sóng bài Do Thái đang gia tăng trên khắp châu Âu. Và nhà Rothschild là tâm điểm của sự chỉ trích cũng như thù địch. Vốn từ lâu, khối gia sản khổng lồ đang nắm giữ đã khiến họ bị nhiều người ghen ghét hay đố kị.
Đỉnh điểm diễn ra vào năm 1939 khi Thế chiến thứ 2 bắt đầu và chủ nghĩa bài Do Thái cực đoan của Hitler lên ngôi. Đức Quốc xã nhanh chóng thực hiện những cuộc đàn áp tàn bạo với người Do Thái ở mọi nơi mà đội quân này chiếm đóng. Và gia tộc Rothschild trở thành mục tiêu chính của chiến dịch tịch thu tài sản quy mô lớn.
Tại Áo, chi nhánh ở Vienna phải đối mặt với số phận khắc nghiệt. Louis Nathaniel Rothschild, người đứng đầu chi nhánh Áo bị bắt giữ và giam cầm trong hơn một năm. Ông chỉ được thả ra sau khi gia đình chuyển giao phần lớn tài sản cho Đức Quốc xã. Cung điện Rothschild tráng lệ ở Vienna bị tịch thu và trở thành trụ sở của cơ quan tình báo Đức. Cả những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá cũng bị chiếm đoạt hoặc chuyển vào tài sản cá nhân của các quan chức dưới trướng Hitler.
Điều tương tự cũng xảy ra với chi nhánh ở Paris, Pháp. Rất nhiều thành viên trong gia tộc Rothschild đã phải bỏ lại nhiều tài sản và chạy trốn khỏi châu Âu để đến lưu vong ở các quốc gia an toàn hơn. Chỉ có duy nhất chi nhánh ở Anh là còn tồn tại và giữ được phần lớn của cải sau Thế chiến thứ Hai. Chính từ chi nhánh ở xứ sở sương mù, cuộc tái thiết của gia tộc Rothschild được bắt đầu ở nửa sau thế kỷ 20.
Công cuộc tái thiết
Một thế hệ gồm những cái tên kiệt xuất như Jacob Rothschild, Evelyn de Rothschild đã giúp cho gia tộc này tìm lại ánh hào quang. Tuy nhiên, thay vì nhắm đến việc mở rộng, gia đình Rothschild lại tập trung vào việc tài trợ cho giới thượng lưu trong khi trốn tránh sự quan tâm của công chúng.
Ngày nay, trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới của những tổ chức và tạp chí uy tín, chẳng bao giờ xuất hiện cái tên nào thuộc dòng họ Rothschild. Nhưng không công khai không có nghĩa là không giàu có. Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, các thành viên trong gia tộc Rothschild còn đa dạng hóa lợi ích vào các hoạt động đầu tư hay quản lý tài sản. Ngay ở Việt Nam vào năm 2023, Ngân hàng BIDV cũng đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược về mảng private banking cho giới siêu giàu với tập đoàn Edmon de Rothschild.
Trên phạm vi thế giới, rất nhiều tin đồn cũng như giả thuyết về gia đình Rothschild vẫn tồn tại và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Nhiều người cho rằng gia tộc này vẫn còn những sức ảnh hưởng lớn về mặt chính trị. Điển hình như việc ông Evelyn de Rothschild từng là cố vấn tài chính thân cận với Nữ hoàng Elizabeth II. Hay đặc biệt, tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron từng có thời gian làm việc cho Ngân hàng Rothschild & Cie Banque. Sau đó, ông Macron trở thành một cổ đông của ngân hàng này trước khi chính thức tham gia vào chính trường Pháp.
Lời kết
Và đó chính là lịch sử hình thành phát triển của gia tộc Rothschild. Từ một khu ổ chuột nghèo đói ở Frankfurt, Mayer Amschel Rothschild cùng các thế hệ con cháu của mình đã xây dựng nên một đế chế tài chính đi vào lịch sử. Bên cạnh những câu chuyện nổi tiếng, sẽ còn không ít những bí ẩn về sự giàu có và quyền lực của gia tộc này vẫn đang chờ đợi được khám phá.
Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất