Gia Cát Lượng - kỳ tài thiên hạ hay được nâng tầm quá mức?
Do ảnh hưởng từ "Tam quốc diễn nghĩa", nhiều người thường cho rằng Gia Cát Lượng là thiên tài quân sự. Nhưng thực tế thì sao? Gia Cát Lượng có đúng là một thiên tài quân sự, hay thực tế tài năng của ông nằm ở lĩnh vực khác?
“Lưu Bị tuyệt nhân, Tào Tháo tuyệt gian, Khổng Minh tuyệt trí”, đây vẫn là câu nói nhiều người thường trích dẫn khi nhắc đến các nhân vật Tam quốc. Và có lẽ trong số hàng ngàn anh hùng hào kiệt xuất hiện trong thời kỳ này, Gia Cát Lượng chính là người nổi tiếng nhất. Do ảnh hưởng từ bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” nên nhiều người vẫn thường có ấn tượng rằng Gia Cát Lượng là một thiên tài quân sự, đệ nhất quân sư, gần như là thần chứ chẳng phải người. Tất nhiên đó toàn là ảnh hưởng từ văn học mà ra cả.
Vậy thì trong lịch sử thực tế, Gia Cát Lượng là người như thế nào? Tài năng mọi mặt của ông đến đâu, và có xứng với danh “tuyệt trí” mà nhiều người gọi hay không?
Tài liệu lịch sử được sử dụng trong bài chủ yếu đến từ hai bộ sử là “Tam quốc chí” và “Tư trị thông giám”.
Thân thế và thời trẻ
Gia Cát Lượng có tên tự là Khổng Minh, sinh năm 181, là người huyện Dương Đô quận Lang Nha. Ông vốn thuộc dòng dõi sĩ tộc, là hậu duệ của Tư lệ Hiệu úy Gia Cát Phong thời Hán Nguyên đế. Cha của ông tên Gia Cát Khuê, cũng từng làm chức Quận thừa ở Thái Sơn, nhưng không may mất sớm. Vì thế nên từ nhỏ, Gia Cát Lượng cùng em là Gia Cát Quân đã đến sống cùng người chú Gia Cát Huyền đang làm Thái thú Dự Chương. Ít lâu sau, triều đình cử người đến thay chức Gia Cát Huyền, nên ông dẫn anh em Gia Cát Lượng đến Kinh Châu nương nhờ Thứ sử Lưu Biểu là người quen cũ. Gia Cát Lượng còn một anh trai là Gia Cát Cẩn đã trưởng thành, gặp lúc loạn lạc chạy đến Giang Đông rồi theo phò tá Tôn Quyền. Gia Cát Lượng xuất thân trong một gia đình tương đối có tiếng tăm, thời trẻ cũng có nhiều mối quan hệ, giao du với quan lại nhân sĩ địa phương. Ông không hoàn toàn mai danh ẩn tích một cách thần bí ở rừng núi như truyện dân gian hay mô tả. “Dâng biểu Gia Cát Lượng tập” của Trần Thọ có mô tả ông là “nhân tài hiếm thấy, có khí anh bá, thân cao tám thước, dung mạo khôi vĩ khác hẳn người thường.”
Sách “Hiến đế Xuân Thu” chép rằng năm 197, dân ở Tây thành làm phản, giết chết Gia Cát Huyền rồi đem đầu ông nộp cho Thái thú Dương Châu Lưu Do. Gia Cát Lượng vì thế liền chuyển đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, cách thành Tương Dương 20 dặm về phía tây. Ông vừa cày cấy làm ruộng vừa đọc sách. Gia Cát Lượng hay thường ví bản thân mình với Quản Trọng và Nhạc Nghị, vốn là hai danh tướng thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Người đương thời không mấy ai tin, cho là cuồng ngạo; nhưng mấy người bạn hữu thân thiết với ông như Thôi Châu Bình và Từ Thứ thì lại tin rằng ông có tài năng sánh ngang được với Quản Trọng, Nhạc Nghị.
Gia Cát Lượng khi đọc sách chủ yếu xem xét đại lược, khác với nhiều bạn học đọc sách tỉ mỉ, chăm chú đến tiểu tiết. Nhiều người nhận xét rằng như thế mới là biết đọc sách, vì ông biết cách nắm bắt cái tinh tuý cốt yếu trong sách, chứ không tầm chương trích cú, câu nệ từng chữ. Gia Cát Lượng cũng nói các bạn của mình như Thạch Thao, Từ Thứ, Mạnh Kiến sau này có thể làm đến quan cai trị một châu hay một quận. Nhưng khi được hỏi về bản thân mình thì ông "chỉ cười không đáp". Thật ra câu trả lời đã rất rõ ràng: Gia Cát Lượng không muốn làm đế vương mà cũng chẳng muốn làm quan địa phương. Chí hướng của ông là muốn làm đại hiền thần phò tá một minh chủ lập nên nghiệp lớn, giống như Quản Trọng hay Nhạc Nghị khi xưa.
Gia Cát Lượng có biệt danh nổi tiếng là Ngọa Long. Về biệt danh này, “Bàng Thống truyện” trong “Tam quốc chí” có ghi rằng Bàng Đức Công chính là người gọi Gia Cát Lượng là Ngọa Long, Bàng Thống là Phượng Sồ và Tư Mã Huy là Thủy Kính. Bàng Đức Công cũng chính là chú họ của Bàng Thống.
Lúc Gia Cát Lượng trưởng thành cũng là lúc tình hình Trung Hoa hỗn loạn, chư hầu khắp nơi nổi lên tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Tất nhiên đây cũng là thời điểm thích hợp để những người tài năng xuất đầu lộ diện tìm một minh chủ để phò tá. Nhưng dù tình hình có biến chuyển như thế nào, Gia Cát Lượng thủy chung vẫn không xuất đầu lộ diện, dù ông không thiếu chư hầu để chọn. Không thể nói là Gia Cát Lượng không có chí lớn, bởi người tự ví mình với Quản Trọng và Nhạc Nghị làm sao lại không có khát vọng kiến công lập nghiệp được. Thực ra cũng chính vì có chí lớn nên Gia Cát Lượng mới cẩn thận lựa chọn xem nên phò tá ai mới đúng với mong muốn của mình. Và cuối cùng như chúng ta đã thấy, Gia Cát Lượng đã chọn phò tá cho Lưu Bị.
Đi theo phò tá Lưu Bị
Năm 200, hai thế lực mạnh nhất phương bắc Trung Hoa bấy giờ là Tào Tháo và Viên Thiệu quyết chiến tại Quan Độ. Tào Tháo yếu thế hơn, nhưng cuối cùng lại đại thắng, chôn sống 7 vạn quân Viên Thiệu. Qua mấy năm giao chiến tiếp theo, thế lực họ Viên dần tan rã và Tào Tháo trở thành chư hầu mạnh nhất phương bắc, lại có tính chính danh nhờ việc nắm giữ được Hán Hiến đế. Lưu Bị lúc đầu có theo Viên Thiệu, nhưng sau nhận ra người này không làm được việc lớn nên bỏ đi về phía nam. Tào Tháo sau khi thắng trận Quan Độ bèn cho quân tấn công Lưu Bị - người mà ông cho là kẻ đáng gờm. Lưu Bị quân ít, biết không địch nổi quân Tào hùng mạnh nên lập tức chạy về Kinh Châu nương nhờ thế lực Lưu Biểu.
Ban đầu, Lưu Biểu đối đãi với ông rất hậu, nhưng sau đó Lưu Biểu nhận ra chí lớn của Lưu Bị, mà hào kiệt ở Kinh Châu cũng nhiều người theo về với Lưu Bị nên tỏ ra ngờ vực, cảnh giác với ông. Lưu Biểu không muốn để Lưu Bị ở lại Tương Dương, bèn cử ông đem quân ra đóng ở huyện Tân Dã, là cửa ngõ của Kinh Châu với phía bắc, rất gần kinh đô Hứa Xương.
Khi ở Tân Dã, Lưu Bị có từng tiếp chuyện với Tư Mã Huy và bàn việc thiên hạ. Tư Mã Huy bấy giờ bảo rằng: “Đám nho sinh tục sĩ, há biết được thời thế sao? Biết được thời thế mới là tuấn kiệt. Thế gian này chỉ có Phục Long, Phượng Sồ.” Lưu Bị hỏi ra mới biết hai người mà Tư Mã Huy nhắc đến là Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Về sau, Từ Thứ đến xin theo phò tá Lưu Bị, rất được kính trọng. Từ Thứ nhân đó mới tiến cử Gia Cát Lượng, bảo rằng người ấy là Ngọa Long và khuyên Lưu Bị nên đích thân đến gặp để tỏ rõ lòng thành.
Về sự thật đằng sau câu chuyện “3 lần tới lều tranh” của Lưu Bị và Gia Cát Lượng, các tài liệu ghi chép có chỗ mâu thuẫn. Sách “Ngụy lược” chép rằng chính Gia Cát Lượng tìm đến gặp và tự tiến cử mình với Lưu Bị, nhưng ban đầu chưa được chú ý do hai bên không quen biết mà tuổi ông còn trẻ. Một hôm, Gia Cát Lượng cố ý ở lại cuối cùng sau khi gia khách đã về hết, nhưng vẫn không được Lưu Bị để ý gì đến. Sau khi ông chủ động thưa chuyện với Lưu Bị thì Lưu Bị mới nhận ra tài năng, sau đó dần trọng dụng. Trong khi đó, “Tam quốc chí” thì chép rằng Lưu Bị theo sự tiến cử của Tư Mã Huy và Từ Thứ, ông tìm đến lều tranh nhà Gia Cát để cầu Gia Cát Lượng rời núi giúp mình. Sau 3 lần tới lều tranh, Lưu Bị mới gặp được Gia Cát Lượng. Thế rồi sau khi trò chuyện, Khổng Minh đã nhận lời phò tá ông.
Thực ra, những ghi chép này không hẳn là mâu thuẫn, mà có thể đều thực sự xảy ra, theo trình tự là Gia Cát Lượng sớm tự tiến cử trước, nhưng chưa thực sự được Lưu Bị coi trọng và trở về. Sau đó Lưu Bị nhận ra tài năng thực thụ của Khổng Minh, hạ mình 3 lần tới lều tranh tìm gặp. Bởi vì xét việc Lưu Bị ở Kinh Châu đã nhiều năm, nhân sĩ theo về không ít, đương nhiên ông chắc chắn phải nghe đến danh tiếng của Gia Cát Lượng. Nhưng vì lúc ấy Gia Cát Lượng mới ngoài 20 tuổi, còn rất trẻ, thật không dễ để Lưu Bị lập tức tin tưởng vào tài năng. Phải đến khi trò chuyện với Tư Mã Huy và sau đó là Từ Thứ, ông mới thực sự nhận ra giá trị của Gia Cát Lượng, nên mới có câu chuyện “3 lần đến lều tranh” nổi tiếng.
Cũng trong những lần gặp gỡ và bàn chuyện, Gia Cát Lượng đã bày cho Lưu Bị phương hướng phát triển thế lực nổi tiếng là “Long Trung sách”. Theo đó, Lưu Bị chưa có nền tảng mạnh mẽ, đương nhiên không thể lập tức đối đầu trực tiếp với Tào Tháo để tranh giành Trung Nguyên. Ông cũng khó có thể tranh đoạt Giang Đông đã vững vàng trong tay Tôn Quyền. Vì thế, sách lược khả dĩ nhất là lấy Kinh Châu làm căn cứ, sau đó tiếp tục đoạt lấy Ích Châu ở phía tây. Song song với đó, phải hòa hảo và hợp tác với Giang Đông để ngăn chặn bước tiến của Tào Tháo, tích góp lực lượng để bắc tiến, thì mới có cơ hội trung hưng nhà Hán. “Long Trung sách” tuy có nhiều điểm chưa hoàn hảo, lại phụ thuộc nhiều vào thời cuộc, nhưng vẫn được đánh giá cao vì đó là sách lược hợp lý nhất ở thời điểm đó để giúp Lưu Bị có được một nền tảng đủ vững nhằm chia ba thiên hạ với hai lực lượng mạnh hơn ông rất nhiều là Tào Tháo và Tôn Quyền. Có thể thấy rằng Gia Cát Lượng đã dành ra một thời gian dài xem xét tình thế các chư hầu mới định ra kế sách này, và chủ đích của ông chính là hiến kế cho Lưu Bị. Nhưng tại sao trong nhiều thế lực cát cứ, Gia Cát Lượng lại chọn một người căn cơ yếu ớt, long đong lận đận khắp nơi như Lưu Bị để phò tá?
Gia Cát Lượng vốn không phải thiếu danh tiếng. Ông thường xuyên qua lại giao hảo với nhiều bậc danh sĩ Kinh Châu, bố vợ ông Hoàng Thừa Ngạn cũng nổi danh trong vùng mà còn là anh em đồng hao với Lưu Biểu. Như vậy, Gia Cát Lượng có thừa đủ điều kiện để có cơ hội tham gia chính trị. Nhưng cho đến trước lúc phò tá Lưu Bị, Gia Cát Lượng tuy có danh tiếng, nhưng luôn sống ẩn cư tại Long Trung. Chư hầu khắp nơi cát cứ, Gia Cát Lượng muốn tìm người phò tá hẳn là không khó. Chưa tính Lưu Biểu ngay trước mắt, thì miền Giang Đông có Tôn Quyền đang củng cố thế lực, chiêu hiền nạp sĩ; hoặc ở Trung Nguyên có Tào Tháo đang nắm thực quyền triều đình. Nhưng cuối cùng Gia Cát Lượng không chọn ai trong số ấy cả. Vì sao lại như vậy?
Thực ra lý do cũng không quá khó hiểu. Lưu Biểu kém cỏi, không có chí lớn, danh sĩ Kinh Châu không ít mà Lưu Biểu chẳng biết dùng, thế thì Gia Cát Lượng làm sao có cơ hội? Tào Tháo thì lại quá mạnh, nhân tài rất nhiều; đến đó cũng chưa chắc đã được dùng. Hơn nữa, chí hướng của Gia Cát Lượng là trở thành người như Quản Trọng, Nhạc Nghị - tức là có thể được trọng dụng để làm nên bá nghiệp. Nhân tài bên Tào Tháo đã rất đông đúc chật chội, chí hướng của Gia Cát Lượng khó có thể thành hiện thực. Còn nếu theo với Tôn Quyền thì cũng lại có những khó khăn riêng. Nguyên do là quyền lực phía Giang Đông chủ yếu nằm trong tay thế tộc bản địa. Vậy nên dù Gia Cát Lượng tài năng ra sao thì sang Giang Đông mà thiếu chỗ dựa cũng khó mà cạnh tranh nổi với những người như Trương Chiêu hay Chu Du. Cùng lắm ông cũng chỉ có thể ngang với Lỗ Túc, mà như đã nói, đó không phải điều Gia Cát Lượng mong muốn.
Để hiểu lý do vì sao Gia Cát Lượng chọn phò tá Lưu Bị, chúng ta phải hiểu lý tưởng chính trị và mong muốn của ông. Từ việc ông tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị cho đến khi vạch ra “Long Trung sách” cho Lưu Bị; có thể thấy rằng chí hướng của Gia Cát Lượng là san bằng bốn biển, thống nhất thiên hạ, dựng được cơ nghiệp đời đời, lập nên kỳ công cái thế. Nghiệp lớn và kỳ công ấy, phải vang dậy trời đất. Nếu thành được đế nghiệp thì tốt, hoặc không thì bá nghiệp cũng được, mà thấp nhất thì cũng phải thành thế lực chân vạc mà cát cứ một phương. Như vậy, minh chủ của Gia Cát Lượng phải là người có thể cho ông không gian phát triển và có thể giúp ông hoàn thành ý nguyện của mình.
Như vậy, tiêu chuẩn chọn lựa minh chủ của Gia Cát Lượng đã quá rõ ràng. Thứ nhất, người đó có khả năng xây dựng một chính quyền mới, một đất nước mới, một vương triều mới. Người đó cần phải có chí hướng và điều kiện. Thứ hai, chí hướng và điều kiện của người đó còn chưa rõ ràng, đang trong tiềm thức, chí hướng đó chưa ai biết, ngay cả bản thân cũng chưa xác định rõ; còn điều kiện cũng chưa thành thục, thậm chí còn khiếm khuyết. Chính vì chưa xác định rõ, có khiếm khuyết, nên mới cần một người như Gia Cát Lượng. Cũng chính vì chưa xác định có khiếm khuyết, Gia Cát Lượng mới trở thành người định hình và vạch ra phương hướng, nắm vai trò quan trọng.
Rõ ràng trong số chư hầu, chỉ có Lưu Bị là người thích hợp. Ông vốn thuộc dòng dõi tông thất, tuy nghèo khó nhưng ít nhiều vẫn được kính trọng vì mang họ Lưu. Ông cũng là người có chí đế vương, là kẻ kiêu hùng không chịu an phận (mà như chính Tào Tháo đã nhận định rằng Lưu Bị là anh hùng và là kẻ nguy hiểm, dù thế lực của Lưu Bị luôn rất yếu ớt). Dù thường xuyên long đong lận đận, nhưng vẫn có nhiều tướng sĩ hết mực trung thành với Lưu Bị; ấy chính là cái bá khí của một minh chủ đáng phò tá. Vì nhận định rằng Lưu Bị là người đáng phò tá, và bản thân có thể giúp ông gây dựng cơ nghiệp, Gia Cát Lượng mới vạch ra “Long Trung sách”. Với Lưu Bị còn đang lạc lối và lận đận, “Long Trung sách” thực sự như một phương thuốc hữu hiệu có thể giúp ông đứng ra tranh hùng với các thế lực hùng mạnh khác. Như vậy chẳng lạ mà Lưu Bị coi việc mình có được Gia Cát Lượng phò tá giống như cá gặp nước. Nhiều sử gia và nhà nghiên cứu cũng đánh giá rất cao tầm nhìn của Gia Cát Lượng qua việc vạch ra “Long Trung sách”, ca ngợi ông là “chưa ra khỏi lều cỏ đã biết thiên hạ chia ba”. Nhưng thực ra có lẽ đúng hơn thì phải nói rằng Gia Cát Lượng “chưa ra khỏi lều cỏ đã định sẽ chia ba thiên hạ”.
Giúp Lưu Bị gây dựng cơ nghiệp
Năm 207 Gia Cát Lượng chính thức xuống núi phò tá Lưu Bị thì đến năm 208, Tào Tháo bắt đầu xua quân nam hạ, mà mục tiêu đầu tiên chính là đánh Kinh Châu. Tháng 9 năm 208, Lưu Biểu qua đời giữa lúc đại quân Tào Tháo đang tiến sát. Lưu Bị chưa biết tin, lại hiểu rằng mình khó lòng địch nổi nên lập tức bỏ Tân Dã mà rút về Phàn Thành, sau đó cử người đến Tương Dương cấp báo. Bấy giờ quan lại Kinh Châu đã tôn con thứ Lưu Biểu là Lưu Tông lên kế vị. Theo lời khuyên của Sái Mạo, Khoái Việt và Phó Huấn, Lưu Tông quyết định đầu hàng Tào Tháo, nhưng không dám báo cho Lưu Bị biết. Tào Tháo sau khi tiếp nhận thư hàng, bèn thúc quân tiến vào Uyển Thành thuộc quận Nam Dương. Lúc đó Lưu Tông mới sai Tống Trung sang Phàn Thành báo cho Lưu Bị.
Biết tin, Lưu Bị rất giận, lại nghĩ rằng lực lượng của mình nhỏ yếu không thể cự địch, ông bèn bỏ thành rút về phía nam. Mục đích của ông là đến Giang Hạ hợp binh với con trưởng Lưu Biểu là Lưu Kỳ, đồng thời cố gắng kiểm soát Giang Lăng là nơi tích trữ lương thảo vũ khí của Kinh Châu. Lưu Bị cử Quan Vũ đem thủy quân đi Giang Hạ trước, ông cùng Gia Cát Lượng và các tướng khác đem chủ quân đi Giang Lăng. Hàng vạn dân Kinh Châu không muốn hàng Tào Tháo cũng xin được đi theo, Lưu Bị đều đồng ý cả. Khi đi qua Tương Dương, Gia Cát Lượng có khuyên Lưu Bị nên đánh úp chiếm Tương Dương, nhưng ông không đồng ý. Nhiều quan lại và dân chúng ở xung quanh Tương Dương cũng sợ bị quân Tào tàn sát nên bỏ Lưu Tông chạy theo Lưu Bị, thành ra đi theo ông có đến 10 vạn dân và mấy nghìn cỗ xe lớn nhỏ.
Vì dân chúng đi theo quá đông nên mỗi ngày quân Lưu Bị chỉ đi được 10 dặm. Khi đến Đương Dương - Trường Bản thì bị kỵ binh quân Tào đuổi kịp. Chủ quân Lưu Bị không kịp dàn trận nên tan vỡ, Lưu Bị phải cùng thủ hạ dẫn vài chục kỵ binh bỏ chạy. Nhờ Trương Phi đoạn hậu nên quân Tào không dám đuổi theo, nhưng trận thua này làm Lưu Bị tổn thất nhiều binh sĩ và quân tư trang. Từ Thứ cũng vì mẹ bị quân Tào bắt được mà phải rời bỏ Lưu Bị theo hàng Tào Tháo. Lưu Bị chạy rẽ sang Hán Tân, vừa hay gặp được thuyền của Quan Vũ, qua sông Miện, hội binh với Lưu Kỳ rồi cùng đến Hạ Khẩu.
Lưu Bị rút về Hạ Khẩu thì vừa lúc ấy có Lỗ Túc từ bên Giang Đông sang, khuyên ông liên minh với Tôn Quyền cùng chống Tào. Tình thế bấy giờ cực kỳ nguy ngập khi Tào Tháo đã lấy được Giang Lăng, bèn lập tức chuẩn bị tiến quân tiếp. Lưu Bị lúc ấy hợp quân với Lưu Kỳ lại thì cũng chỉ có 2 vạn người, làm sao chống nổi đại quân Tào Tháo? Lỗ Túc đến khuyên Lưu Bị nên liên minh với Tôn Quyền, nhưng binh mã Giang Đông bấy giờ lại đang đóng ở Sài Tang, có ý đợi xem thành bại. Do đó, Gia Cát Lượng đã đứng ra xin được đi sứ Đông Ngô để thuyết phục Tôn Quyền hạ quyết tâm liên minh cùng đánh Tào Tháo, Lưu Bị đồng ý ngay.
Gia Cát Lượng đến Sài Tang vào gặp Tôn Quyền, bèn tìm cách thuyết phục ông. Biết tính Tôn Quyền, nên Gia Cát Lượng cố tình nói Tào Tháo hùng mạnh, chủ ông Lưu Bị tuy là kẻ anh hùng nhưng chẳng có đất dụng võ, vậy thì hình thế thiên hạ ra sao còn tùy vào cách Giang Đông xử trí. Nếu Tôn Quyền thấy rằng có thể đem binh mã đối địch với đại quân Tào Tháo thì phải quyết định ngay. Còn nếu như lo lắng và sợ hãi không địch nổi, vậy thì cứ đầu hàng cho an toàn. Chứ nếu tiếp tục do dự thì tai họa tất sẽ ập đến ngay thôi.
Tôn Quyền nghe thế, mới hỏi ngược lại là nếu hàng Tào có thể an phận, vậy sao Lưu Bị không hàng? Gia Cát Lượng khi ấy bèn mượn chuyện Điền Hoành ngày trước chỉ là một kẻ sĩ nhỏ nhoi mà còn không chấp nhận hàng Hán Cao tổ, vậy thì Lưu Bị chủ ông đường đường là dòng dõi nhà Hán thì sao hàng được. Hơn nữa, vốn dĩ Tào Tháo xua binh nam hạ là để lấy Kinh Châu và tiêu diệt Lưu Bị, vậy thì trước mắt chỉ có một con đường là đánh đến cùng, nếu có thua thì cũng do số trời, còn đầu hàng là chuyện không thể.
Tôn Quyền nghe xong, liền tỏ rõ quyết tâm đánh Tào. Vốn dĩ Giang Đông nhiều người chủ trương đầu hàng, tránh đối địch với Tào Tháo, nhưng bản ý Tôn Quyền cũng không muốn khuất phục dưới trướng người khác mà muốn hùng cứ một phương. Hơn nữa, từ những cuộc thảo luận trước đó trong nội bộ Đông Ngô, Lỗ Túc cũng đã chỉ rõ rằng ai hàng Tào cũng được, duy chỉ có Tôn Quyền là không thể. Bởi vì Tôn Quyền có danh vọng lớn, Tào Tháo đương nhiên khó mà để yên. Vì thế nên Tôn Quyền cũng đã có chủ định đánh Tào từ trước, thêm vào Gia Cát Lượng thuyết phục, ông càng quyết tâm hơn.
Tuy thế, đối địch với đại quân hùng mạnh Tào Tháo, Tôn Quyền vẫn tỏ ý lo ngại rằng kể cả có liên minh với Lưu Bị cũng chưa chắc đã thắng nổi. Gia Cát Lượng bèn tiếp tục phân tích lợi - hại và cho rằng tình thế tuy hung hiểm, nhưng cơ hội chiến thắng vẫn có chứ không phải không. Hơn nữa, đẩy lui được quân Tào thì cả hai phe mới có thời gian và không gian mà phát triển. Có được ý kiến của Gia Cát Lượng, sau lại được Chu Du phân tích kỹ hơn; Tôn Quyền quyết ý cùng liên minh với Lưu Bị đánh Tào Tháo. Mùa đông năm 208, liên quân Tôn - Lưu dùng hỏa công đại phá quân Tào ở Xích Bích, khiến ông phải rút lui hoàn toàn về phía bắc. Sau đó trong suốt năm 209, Chu Du lại cầm quân liên tục vây hãm đánh phá, cuối cùng chiếm được Giang Lăng là nơi có vị trí chiến lược ở Kinh Châu. Như vậy là ván cược của hai phe Tôn - Lưu đã thành công khi dùng binh lực ít hơn mà đánh đuổi được hơn 20 vạn đại quân Tào Tháo.
Khác với tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” tô vẽ thì kỳ thực Gia Cát Lượng không có đóng góp gì vào trận Xích Bích. Vai trò của ông chỉ là ngoại giao và nội chính mà thôi; chứ hoàn toàn không có những chuyện như “thuyền cỏ mượn tên” hay “cầu gió đông” gì cả. Thậm chí việc Gia Cát Lượng nhiều lần chọc tức Chu Du, đỉnh điểm là thừa cơ nẫng tay trên cả Giang Lăng và Tương Dương cũng không đúng. Thực tế là Chu Du cầm quân vây đánh Giang Lăng gần một năm trời mới chiếm được, và trong lúc đó thì lực lượng của Lưu Bị đang trong quá trình đánh chiếm 4 quận phía nam Kinh Châu.
Theo ghi chép từ các phần thuộc “Ngụy thư - Tam quốc chí” thì lực lượng của Lưu Bị cũng bị tổn hại nhiều trong các trận Xích Bích - Giang Lăng. Quan Vũ được Lưu Bị phái mang quân lên phía Bắc nhằm chia cắt liên lạc giữa Thượng Giang và Giang Lăng, chặn đường rút lui của Tào Nhân. Thế nhưng ông liên tiếp bị Thái thú Nhữ Nam là Lý Thông và tướng giữ Tương Dương là Nhạc Tiến đánh bại. Sau đó lại còn bị tướng Văn Sính dùng thủy binh đuổi đánh, bị đốt sạch thuyền và quân nhu, mất hết thủy quân Giang Hạ.
Vì thiệt hại khá nặng sau Xích Bích, nên đối với Giang Lăng tuy là vị trí chiến lược và quan trọng, nhưng rõ ràng quân Lưu Bị không đủ sức đánh lấy. Vì vậy, ông chuyển xuống đánh chiếm 4 quận Vũ Lăng, Linh Lăng, Trường Sa và Quế Dương ở phía nam. Gia Cát Lượng được phong làm Quân sư Trung lang tướng, quản lý các quận Linh Lăng, Trường Sa và Quế Dương; phụ trách các công việc nội trị. Bốn quận nam Kinh Châu đã giúp Lưu Bị giải quyết được vấn đề nhân lực và kinh tế, nhưng không có vai trò chiến lược để thực hiện “Long Trung sách”. Vì vậy, Lưu Bị và Gia Cát Lượng đã phải sử dụng nhiều nỗ lực ngoại giao để mượn Giang Lăng. Nhưng phải đến sau khi Chu Du bệnh mất và Lỗ Túc lên thay thì việc này mới thành công. Lỗ Túc vốn coi trọng liên minh Tôn - Lưu nên khuyên Tôn Quyền cho Lưu Bị mượn Giang Lăng để gánh bớt trọng trách phòng thủ quân Tào ở mặt bắc.
Với vai trò là người phụ trách nội trị, Gia Cát Lượng tập trung vào việc phát triển thế lực của Lưu Bị, vì ông biết rõ rằng trong số các chư hầu, Lưu Bị vẫn là phe yếu thế. Gia Cát Lượng nhìn thấy phái phản Tào ở Kinh Châu như rắn không đầu, bèn có ý nhắc Lưu Bị đối đãi thật tốt với Lưu Kỳ, để Lưu Kỳ làm vây cánh cho mình. Để làm thực lực của Lưu Bị mạnh lên, Gia Cát Lượng đã vận dụng sách lược tích lũy, ông sớm đề nghị với Lưu Bị sắp xếp lại dân di cư, xây dựng lực lượng căn bản. Ông không tham gia nhiều vào việc chinh chiến mà tập trung quản lý hậu phương, cung ứng vật tư lương thảo để Lưu Bị ngoài mặt trận có thể yên tâm. Trong giai đoạn phát triển lực lượng này ở Kinh Châu, Lưu Bị cũng thu nạp thêm nhiều người tài giỏi, nổi bật có Tưởng Uyển, Mã Lương, Mã Tắc, Trần Chấn và đặc biệt là Bàng Thống.
Năm 211, Thứ sử Ích Châu là Lưu Chương mời Lưu Bị đem quân vào để chống Trương Lỗ ở Hán Trung. Gia Cát Lượng không theo vào mà ở lại giúp Quan Vũ và Trương Phi trấn thủ Kinh Châu. Đến các năm 213 - 214, Lưu Bị sau khi xây dựng thế lực ở Ích Châu đã quay sang đánh úp Lưu Chương, chiếm các thành trì trong Thục. Cuối năm 213, Lưu Bị lệnh cho Gia Cát Lượng, Triệu Vân và Trương Phi cùng đem quân vào tiếp ứng. Trong chiến dịch chiếm Ích Châu này, chủ yếu bày mưu đánh trận cho Lưu Bị là Pháp Chính - thủ hạ cũ của Lưu Chương và Bàng Thống, tuy nhiên Bàng Thống lại không may trúng tên chết ở Lạc Thành năm 214. Cũng trong năm 214, Mã Siêu rời bỏ Trương Lỗ theo hàng Lưu Bị, cũng tham gia bao vây Thành Đô. Dân trong thành thấy quân Mã Siêu lại tưởng đấy là quân Tây Lương nên càng sợ hãi. Cuối cùng sau mấy chục ngày vây hãm, Lưu Chương mở cổng thành đầu hàng, đất Thục đều được bình định. Cánh quân của Gia Cát Lượng không tham chiến trận nào lớn trong chiến dịch này.
Sau khi bình định Thành Đô, Gia Cát Lượng được phong làm Quân sư tướng quân, kiêm nhiệm công việc của Tả tướng quân. Nhiệm vụ chủ yếu của ông vẫn là hành chính, dân chính và nội trị nói chung chứ không tham gia việc quân sự. Khi Lưu Bị xuất chinh thì Gia Cát Lượng ở lại trấn thủ và quản lý Thành Đô, cung ứng quân lương. Vai trò của Gia Cát Lượng cũng gần giống như vai trò của Tiêu Hà với Hán Cao tổ Lưu Bang ngày xưa vậy. Tuy rằng không nổi bật trên mặt chiến trận, nhưng tầm quan trọng xứng đáng là số một. Đánh trận mà hậu phương không vững, lương thảo không có thì đánh làm sao? Dân không yên ổn, nước không giàu mạnh thì lấy đâu ra nội lực để xuất binh? Lưu Bị khởi binh mấy chục năm, thua nhiều hơn thắng, thường xuyên lận đận chính là vì không có hậu phương vững chắc và không có ai đủ tài giỏi để xây dựng căn bản cho ông. Vì vậy, rõ ràng vai trò của Gia Cát Lượng cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng cơ nghiệp cho Lưu Bị. Trong những năm tiếp theo, thế lực của Lưu Bị tiếp tục phát triển. Tuy có xảy ra vướng mắc với Đông Ngô về vấn đề Kinh Châu, nhưng hai bên đã thỏa thuận chia lại địa giới vào năm 214, mặt đông tạm yên. Đến năm 219 thì quân Lưu Bị đánh chiếm được toàn bộ Hán Trung, đẩy lùi được quân Tào. Cũng trong năm này, Lưu Bị xưng Hán Trung vương, tinh thần dâng cao.
Gia Cát Lượng quan tâm đến đời sống nhân dân ở đất Thục, nên sau 3 năm, Ích Châu đã đủ lương, đủ lính, có thể cung ứng đầy đủ cho nhu cầu tiền tuyến của Lưu Bị. Để ổn định tài chính, Gia Cát Lượng còn cho đúc tiền mới, bình ổn vật giá, lập ra quan chợ chuyên quản lý thị trường. Trước kia, Tào Tháo đúc tiền ngũ thù vẫn chẳng thể cứu vãn được tình hình tiền tệ rối loạn từ cuối thời Đông Hán. Ở Đông Ngô, Tôn Quyền sau này từ năm 236 đến năm 238 đã hai lần thay đổi đồng tiền, cho thấy tiền tệ nước này cũng rất không ổn định. Lưu Bị sau khi chiếm được Ích Châu, cho đúc tiền 100 đồng mà lại không có biến đổi gì xáo trộn, cho thấy cách xử lý của Gia Cát Lượng về vấn đề này thành công hơn hẳn. Tiền tệ của Thục Hán sau này chẳng những được lưu thông trong nước mà ở vùng Kinh Châu lúc đó cũng lưu hành. Dưới sự điều hành của Gia Cát Lượng, sự phát triển kinh tế của Ích Châu lúc đó được xem là khá thành công.
Lời ủy thác cung Vĩnh An
Lưu Bị từ khi có Gia Cát Lượng theo về, trong hơn mười năm có được một cơ nghiệp đáng kể: ông có được toàn bộ Ích Châu và khoảng một nửa Kinh Châu. Thế nhưng đang lúc trong đà phát triển, lại xảy ra sự kiện Quan Vũ khinh suất tấn công Tương Dương - Phàn Thành rồi bị Đông Ngô đánh úp, dẫn đến mất toàn bộ Kinh Châu vào tay Tôn Quyền, bản thân thì vong mạng. Mất Kinh Châu ảnh hưởng lớn đến bản lề của “Long Trung sách”, khi Lưu Bị vừa mất một vùng đất giàu có và chiến lược, lại xung đột trực tiếp với Đông Ngô. Hình thế thiên hạ từ Tôn - Lưu bắt tay kháng Tào trở thành Tôn - Tào hiệp lực cô lập Lưu. Thế lực của Lưu Bị vốn đã không mạnh bằng, giờ lại có nguy cơ bị giáp công hai mặt, có thể nói là cực kỳ nguy hiểm.
Trong lúc đó, ở phương bắc liên tục xảy ra một loạt sự kiện: giữa năm 220 thì Tào Tháo qua đời, Tào Phi kế vị ngôi Ngụy vương; đến cuối năm thì ép Hán Hiến đế nhường ngôi, thành lập nhà Ngụy. Mấy tháng sau thì đến lượt Lưu Bị cũng xưng đế nhằm kế tục nhà Hán, Gia Cát Lượng được phong làm Thừa tướng kiêm Lục thượng thư sự. Vừa lên ngôi, Lưu Bị đã lập tức lập kế hoạch đông chinh đánh Ngô, vừa để báo thù cho Quan Vũ vừa để giành lại Kinh Châu. Quần thần nhiều người can ngăn khuyên bảo mà không được, cuối cùng dẫn đến thảm bại ở Di Lăng - Hào Đình, Lưu Bị phải vất vả lắm mới chạy được về thành Bạch Đế (sau khi chạy về đây ông đổi tên nơi này thành Vĩnh An). Khi nghe tin bại trận, Gia Cát Lượng ở Thành Đô đã than rằng giá mà Pháp Chính còn thì tất có thể ngăn cản Lưu Bị đông chinh, hoặc có đi thì cũng không đến nỗi thảm bại như thế này.
Lưu Bị thua trận rồi lâm bệnh, lại thêm việc biết tin Hứa Tĩnh và Mã Siêu qua đời nên bệnh càng trầm trọng. Lưu Bị tự biết bản thân không còn sống được lâu nên triệu Gia Cát Lượng đến Vĩnh An rồi bắt đầu sắp đặt hậu sự. Người kế vị Lưu Bị tất nhiên là Thái tử Lưu Thiện, nhưng bấy giờ Lưu Thiện mới 17 tuổi, khó mà cáng đáng nổi trọng trách lèo lái chính quyền Thục Hán còn non trẻ đầy thù trong giặc ngoài. Do vậy vua mới lên ngôi nhất định cần người phò tá, Lưu Bị vì thế ủy thác việc lớn cho Thừa tướng Gia Cát Lượng và để Thượng thư lệnh Lý Nghiêm làm phó. Đến mùa hè năm 223, Lưu Bị qua đời tại cung Vĩnh An.
Sự kiện Lưu Bị phó thác con côi cho Gia Cát Lượng là một sự kiện quan trọng trong lịch sử hơn 40 năm của nhà Thục Hán. “Tam quốc chí” chép rằng lúc ủy thác cho Gia Cát Lượng, Lưu Bị đã nói rằng:
“Tài của ngài gấp mười lần Tào Phi, tất yên định được quốc gia, cuối cùng hoàn thành đại nghiệp. Nếu con trẫm có thể giúp được, hãy giúp; ví như nó bất tài, ngài hãy tự làm chủ.”
Nghe những lời ấy, Gia Cát Lượng khóc mà nói rằng: “Thần nguyện dốc hết tâm lực phụ chính, một lòng trung trinh, đến chết mới thôi!” Sau đó, Lưu Bị còn hạ di chiếu cho Thái tử Lưu Thiện, dặn rằng phải nghe lời Thừa tướng như cha. Xung quanh sự kiện Lưu Bị ủy thác con côi cho Gia Cát Lượng và lời dặn dò ở cung Vĩnh An, từ xưa đến nay đã nổ ra không biết bao nhiêu tranh cãi, rằng cuối cùng thì những lời của Lưu Bị có ý gì?
Về việc này, có người khen rằng việc này là hình mẫu tiêu biểu của quan hệ quân - thần mẫu mực, thân thiết và tin tưởng hết mực. Lý do là bởi Lưu Bị có thể yên tâm giao phó đất nước cùng Thái tử vào tay Gia Cát Lượng đã là biểu thị tin tưởng rồi. Mấy chữ “ví như nó bất tài, ngài hãy tự làm chủ” của Lưu Bị là để nói rằng: nếu Lưu Thiện bất tài không thể đảm đương đại sự, vậy Gia Cát Lượng có thể tự thay. Trong thời đại quân chủ cha truyền con nối bất di bất dịch thì điều đó không chỉ khó thấy, còn có thể coi là vô cùng vĩ đại. Điều đó có nghĩa là đặt lợi ích đất nước và đại nghiệp trên tất cả, đến mức sẵn sàng vứt bỏ quyền lực trời ban. Như vậy đúng là chí công vô tư và đáng ngưỡng mộ. Nhưng rõ ràng, đánh giá như vậy là quá đơn giản, quá ngây thơ và lãng mạn, không thực tế chút nào.
Có ý kiến cho rằng Lưu Bị nói những lời ấy là có dụng ý khác, vừa muốn răn đe vừa muốn buộc Gia Cát Lượng phải thề trung thành chứ không được có ý nghĩ khác. Bằng việc nói thẳng ra rằng nếu Thái tử bất tài thì có thể tự làm chủ, Lưu Bị đã ép Gia Cát Lượng phải thể hiện thái độ. Vì thế, mấy lời ủy thác của Lưu Bị cũng không phải xuất phát từ tình cảm chân thành, mà là ngầm có ngụy kế.
Cũng có người bảo rằng câu “ngài hãy tự làm chủ” không phải bảo Gia Cát Lượng tự lên ngôi, mà là nếu Lưu Thiện kém cỏi, có thể chọn một hoàng tử khác kế vị, tức là cho ông quyền được phế lập. Ý này được nhiều người cho là hợp lý, vì dù sao quan hệ quân - thần giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng cũng thân thiết hiếm có. Mà lúc lâm chung xung quanh Lưu Bị cũng chẳng còn ai có thể đảm đương trọng trách và đủ để ông tin tưởng như Gia Cát Lượng. Do đó, đúng là Lưu Bị đã gửi gắm con cái, đất nước và cả chính quyền cho Gia Cát Lượng; đúng là một lòng một dạ, chí công vô tư. Gia Cát Lượng nghe mấy câu nói của Lưu Bị, đương nhiên cũng không phải vì bị dồn ép mà thề trung thành, mà ông xúc động rơi lệ thật sự. Là thần tử mà được ban cho quyền quyết định mọi việc, thậm chí cả chuyện phế lập, quả là ân trọng như núi.
Nhưng vẫn còn điều cần phải bàn về lời ủy thác của Lưu Bị. Thứ nhất, nếu Lưu Bị ban cho Gia Cát Lượng quyền phế lập, vậy sao còn nhắc đến Tào Phi ở câu trước? Tào Phi chính là người đã ép Hán Hiến đế nhường ngôi cho mình, rõ ràng chẳng phải tấm gương tốt của thần tử. Đầu tiên khen rằng Gia Cát Lượng tài gấp mười lần Tào Phi, sau lại nói rằng nếu Thái tử bất tài thì “ngài hãy tự làm chủ”. Như vậy chẳng phải là ngầm nói rằng vì có tài gấp mười lần Tào Phi nên những gì mà Tào Phi làm, Gia Cát Lượng cũng có thể làm đấy sao? Mặt khác, kể cả nếu thiên về ý kiến rằng Lưu Bị ngầm cho Gia Cát Lượng quyền phế lập thì đó cũng là việc nguy hiểm chết người. Thời Tam quốc, ai là người làm chuyện phế lập? Chính là Đổng Trác, và kết cục của Đổng Trác ra sao thì ai cũng rõ ràng. Vậy thì có vẻ như dù giải nghĩa mấy chữ “ngài hãy tự làm chủ” theo cách nào thì cũng có thể thấy áp lực to lớn đè lên vai Gia Cát Lượng, thậm chí là có ý đe dọa cảnh báo. Những ý kiến cho rằng Lưu Bị ủy thác con côi cho Gia Cát Lượng là toàn tâm toàn ý, chí công vô tư hầu hết đều dựa trên nhận định quan hệ giữa hai người vô cùng thân thiết, như cá gặp nước, một lòng hòa hợp.
Nhưng rõ ràng là dù thân thiết đến đâu thì quan hệ giữa Lưu Bị và Gia Cát Lượng vẫn là quan hệ quân - thần. Lập Thục Hán có công to của Gia Cát Lượng, nhưng vẫn là giang sơn do Lưu Bị vất vả giành giật quá nửa đời người mới đánh về được. Cơ nghiệp như vậy, dễ gì để nó rơi vào tay người khác. Đáng tiếc rằng người kế vị còn nhỏ tuổi, làm sao đủ khả năng trấn áp các thủ hạ của ông. Lưu Bị rõ ràng không yên tâm để Lưu Thiện nắm lấy giang sơn, vậy cho nên ông mới phải tìm người ủy thác. Người được ủy thác không thể chọn tùy tiện, phải là người có quan hệ tốt, uy vọng cao, năng lực mạnh. Nhưng người như thế sẽ không phải là người nhân lúc cô nhi quả phụ, giang sơn chưa ổn định rồi lấy mà thay thế chứ? Không gửi hoặc gửi đều rất khó khăn. Vì khó khăn như thế, nên Lưu Bị chỉ có cách là nói thẳng thừng ra - “ví như nó bất tài, ngài hãy tự làm chủ.” Nói đến mức ấy rồi, không ai khác còn có thể dị nghị gì nữa, mà người được ủy thác cũng hiểu ý mà bày tỏ lòng thành. Lưu Bị yên tâm giao Thái tử và chính quyền Thục Hán cho Gia Cát Lượng, còn Gia Cát Lượng cũng được chứng tỏ sự tin tưởng để nắm đại quyền mà quần thần trong triều không có lý gì để chống đối.
Mọi thứ đều chỉ là phán đoán, nhưng dù có ý gì, thì sự thật vẫn là Lưu Bị ủy thác trọng trách cho Gia Cát Lượng; và Gia Cát Lượng cũng đã nhận lấy trách nhiệm vô cùng nặng nề. Thục Hán bước vào giai đoạn do Gia Cát Lượng lèo lái.
Gia Cát trị Thục
Ngay sau khi lên ngôi, Lưu Thiện đã phong Gia Cát Lượng làm Vũ Hương hầu, được quyền khai phủ Thừa tướng để làm việc. Cần lưu ý rằng tuy Gia Cát Lượng trước đó đã được phong làm Thừa tướng kiêm thêm Lục thượng thư sự, sau khi Trương Phi chết còn kiêm thêm chức Tư lệ hiệu úy; nhưng không được phép khai phủ. Thời Đông Hán vốn không có chức Thừa tướng, mà chỉ thời Tây Hán mới có, và đặc điểm là các Thừa tướng có thể “khai phủ trị sự”. “Khai phủ” là lập phủ đệ, có thuộc quan, tức là có cơ cấu làm việc riêng, có các quan chức dưới quyền. Điều đó có ý nghĩa gì? Tức là Thừa tướng có “tướng phủ” độc lập với “hoàng cung”; có “tướng quyền” độc lập với “hoàng quyền”. Vì vậy sau này khi lập lại chức Thừa tướng, Tào Tháo cũng đã tự khai phủ để lấy thực quyền trong tay Hán Hiến đế. Lưu Bị phong Gia Cát Lượng làm Thừa tướng nhưng không cho khai phủ, tức là tuy vẫn tin tưởng và xem trọng, nhưng cũng có phần đề phòng.
Nhưng đến khi Lưu Thiện lên ngôi đã cho Gia Cát Lượng mở phủ Thừa tướng, tức là cũng ngầm để cho ông chấp chưởng đại quyền. Hơn nữa, Lưu Thiện còn để cho Gia Cát Lượng lĩnh chức Thứ sử Ích Châu nữa. Tuy về mặt địa lý thực tế, Thục Hán chính là Ích Châu, nhưng xét thể chế thì Thục Hán là hoàng triều, mà Ích Châu chỉ là châu quận. Thừa tướng Thục Hán là quan ở triều đình trung ương, còn Thứ sử Ích Châu là quan lại địa phương. Thừa tướng có đủ quyền hành chính trung ương còn Thứ sử có quyền hành chính địa phương. Quyền hạn của hai chức vụ trên không giống nhau, trách nhiệm cũng khác nhau. Xét về mặt chế độ thì đó là hai chức vụ khác nhau. Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng mở phủ Thừa tướng, lại giao cho ông lĩnh cả chức Thứ sử Ích Châu, cũng tức là trao toàn bộ Thục Hán từ quan đến dân cho ông.
Ngay sau khi chấp chính, Gia Cát Lượng nỗ lực xây dựng liên minh Đông Ngô - Thục Hán. Không ít đại thần Thục Hán phản đối vì Lưu Bị bệnh mất là do bại trận trước Đông Ngô. Song Gia Cát Lượng biết rằng đại cục khôi phục lại nhà Hán là quan trọng nhất. Nếu như muốn có lực lượng đầy đủ đối chọi được Tào Ngụy ở phương Bắc thì ở phía Đông phải giữ được trạng thái hòa bình và ổn định, thế nên việc liên minh với Ngô là điều tuyệt đối cần thiết. Vì vậy Gia Cát Lượng đã cho Đặng Chi và sau đó là Phí Y sang hòa hiếu với Tôn Quyền, các nhiệm vụ ngoại giao đều rất thành công, liên minh Thục - Ngô được khôi phục và củng cố. Đến năm 229 khi Tôn Quyền xưng đế, lại có nhiều đại thần Thục Hán giận dữ muốn cắt quan hệ với Đông Ngô. Tuy nhiên Gia Cát Lượng đã giải thích là liên minh Thục - Ngô rất cần thiết để cùng chống Tào Ngụy. Bên cạnh đó, ông nhận định rằng Tôn Quyền không có khả năng một mình vượt ra khỏi phạm vi chiếm đóng mà chỉ có thể xưng đế cai quản một góc thiên hạ. Do vậy, hành động của Tôn Quyền tạm thời có thể bỏ qua được. Sau đó Thục Hán đã cử sứ giả sang Ngô để chúc mừng Tôn Quyền.
Về đối nội, Gia Cát Lượng xác định kế sách, chú trọng khuyến nông, giảm thuế cho dân và phát triển sản xuất. Ông lệnh cho quan lại các nơi quan tâm thật sự đến nông dân, khi trưng dụng phu phen tạp dịch tuyệt đối không chiếm dụng thời gian gieo trồng và gặt hái của nông dân. Cũng giống Tào Tháo, Gia Cát Lượng rất xem trọng chính sách đồn điền trong việc gia tăng lương thực tích trữ. Ông cũng rất xem trọng thủy lợi, nên đã đặt chức quan phụ trách quản lý và tu bổ kênh Đô Giang, nâng cao được sức tưới nước và giúp cải thiện việc sản xuất nông nghiệp ở Thục rất nhiều. Gia Cát Lượng cũng cho thiết lập lại cơ cấu quốc doanh về muối sắt. Ông cho đặt các chức quan Tư diêm hiệu úy và Tư kim trung lang tướng phụ trách quản lý sản xuất muối và sắt, chế tạo nông cụ, binh khí, không để cường hào và quan lại câu kết chiếm làm của riêng nguồn lợi quốc gia.
Bên cạnh việc chăm lo dân chúng để duy trì phát triển kinh tế cũng như nông nghiệp, một việc quan trọng nữa mà Gia Cát Lượng cần chú tâm chính là điều hòa quyền lợi và trấn áp các phe phái trong triều. Chính quyền Thục Hán vốn được dựng nên từ lực lượng của ba phe phái: phái bản địa Ích Châu, phái Đông Châu vốn là thủ hạ cũ của Lưu Yên và Lưu Chương, phái Kinh Châu là thủ hạ cũ của Lưu Bị. Giữa các phe phái này tồn tại những mâu thuẫn và quan hệ rất phức tạp và không hề dễ điều hòa. Hơn nữa tình cảnh lúc Gia Cát Lượng nhận lãnh trọng trách lại không thể tệ hơn. Việc Lưu Bị thảm bại tại Di Lăng - Hào Đình đã châm ngòi cho một loạt những biến động.
Từ trước khi Lưu Bị qua đời, Hoàng Nguyên đã làm phản đốt thành Lâm Cung, sau đó bị các tướng Trần Hốt và Trịnh Xước đem quân đánh dẹp. Ngay sau khi Lưu Bị qua đời, ở các quận Nam Trung tiếp tục xảy ra phản loạn: Cao Định đánh phá thành trì và xưng vương ở Việt Huề, Ung Khải cũng dấy binh nổi dậy ở Kiến Thành và giết chết thái thú. Sau đó Ung Khải lại liên kết với Cao Định, tấn công Vĩnh Xương nhưng không hạ được thành. Ung Khải không đánh được, thấy thế yếu dần, liên hệ với Đầu mục Ích Châu là Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch nhân thế kích động người Di, khiến họ đi theo Ung Khải, nổi dậy khắp vùng Nam Trung.
Gia Cát Lượng vốn chủ yếu là một nhà chính trị, sở trường của ông cũng nằm ở quản lý hậu phương và nội chính hơn là bày mưu tính kế trên chiến trường. Nhưng khi Lưu Bị qua đời, không còn nhiều người đủ sức lĩnh đại quân nữa, nên Gia Cát Lượng phải quản thêm cả việc quân sự - vốn không phải sở trường của ông. Khi các quận Nam Trung làm phản, Gia Cát Lượng bèn đích thân dẫn quân thảo phạt. Mã Trung theo đường mòn Tứ Xuyên dẫn quân đánh Chu Bao ở Tang Ca. Lý Khôi thì đem quân đánh Ung Khải và Mạnh Hoạch. Gia Cát Lượng đem chủ lực đi sau. Tuy tướng lĩnh và binh lực huy động không lớn nhưng thực tế, việc đánh bại quân phản loạn thiếu tổ chức chẳng khó gì. Quân Thục nhanh chóng áp đảo và không lâu sau đã đánh bại Chu Bao. Ung Khải bị thuộc hạ Cao Định giết, còn Cao Định sau đó tử trận. Mạnh Hoạch dẫn tàn dư của Ung Khải chạy về liên hợp với các bộ lạc người Di ở phía nam.
Nhận thấy uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Mạnh Hoạch ở vùng Nam Trung và vì muốn giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các bộ lạc người Di với triều đình nên Gia Cát Lượng quyết định đánh vào lòng người, coi đó là chiến thuật chủ đạo. Theo lời bàn của Mã Tắc, ông hạ lệnh cho quân Thục khi giao chiến với Mạnh Hoạch thì chỉ được bắt sống chứ không được giết hay làm Mạnh Hoạch bị thương. Mạnh Hoạch bị bắt rồi lại được thả, tiếp tục giao chiến như thế mấy lần liền, cuối cùng tâm phục khẩu phục mà chịu thần phục, thề rằng không bao giờ phản nữa. Sau khi Mạnh Hoạch chịu thần phục thì các thế lực phản loạn ở miền nam cũng nhanh chóng lần lượt quy hàng. Mùa thu năm 225, ba cánh quân đều hội ở Điền Trì, ăn mừng thắng lợi. Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, Gia Cát Lượng đã bình định Nam Trung, cải thiện quan hệ với các bộ tộc người Di. Chiến công này càng giúp nâng cao vị thế và uy quyền của ông trong triều đình Thục Hán.
Năm 226, Ngụy đế Tào Phi qua đời. Nhận định rằng đây là thời cơ thích hợp, Gia Cát Lượng quyết định xuất quân đánh Ngụy, bắt đầu giai đoạn cuối cùng trong sự nghiệp của ông: liên tục nhiều lần bắc phạt. Chuỗi sự kiện này được gọi chung là “Gia Cát Lượng bắc phạt”, hoặc như tên gọi nhiều người thường dùng hơn là “Sáu lần ra Kỳ Sơn” (theo ảnh hưởng của tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, nhưng thực tế Gia Cát Lượng chỉ bắc phạt 5 lần).
Gia Cát bắc phạt
Năm 227, Gia Cát Lượng bắt đầu chuẩn bị binh mã lương thảo bắc phạt đánh Ngụy. Ông dâng lên Lưu Thiện bản tấu nổi tiếng “Xuất sư biểu”, trong đó có đoạn bày tỏ rõ mục đích và quyết tâm của mình:
“Nay phương nam đã định, binh giáp đã đủ, đương lúc khích lệ ba quân, để bắc định Trung Nguyên, dốc kiệt tài mọn, diệt trừ kẻ gian hung, hưng phục Hán thất, về lại cựu đô.”
Thực ra mà nói, việc bắc phạt đánh Ngụy có nhiều khó khăn lớn. Ngụy có đất đai rộng lớn giàu có, dân cư đông đúc, binh hùng tướng mạnh, quốc lực mạnh gấp nhiều lần Thục Hán. So ra thì Thục Hán chỉ có một góc Ích Châu nhỏ bé, dân cư thưa thớt, đường sá xa xôi hiểm trở gây khó khăn cho việc tiến quân và vận chuyển lương thảo. Bản thân Gia Cát Lượng cũng không có sở trường quân sự, mà thế cục thiên hạ cũng không hoàn hảo khi Kinh Châu đã mất, không thể tiến quân hai đường như “Long Trung sách” nữa. Tuy thấy hết những khó khăn ấy, nhưng Gia Cát Lượng vẫn quyết tâm bắc phạt. Vì sao lại như vậy? Thực ra với tình hình Thục Hán lúc bấy giờ, nói không ngoa thì bắc phạt là việc cần thiết phải làm chứ không còn ở vấn đề muốn hay không nữa.
Nguyên nhân quan trọng dẫn đến quyết định bắc phạt của Gia Cát Lượng chính là “lấy công làm thủ” và “muốn yên bên trong phải quấy bên ngoài”. Chiến tranh là thủ đoạn tốt nhất để chuyển dịch mâu thuẫn và sự chú ý ra bên ngoài. Hơn nữa, dù Ngụy không uy hiếp trực tiếp và Ngô là đồng minh; thì Thục Hán dù sao vẫn là nước yếu nhất. Đã yếu hơn, lại thiếu không gian phát triển mà chăm chăm thu mình thì sớm muộn cũng bị nuốt chửng. Nếu không chủ động tấn công thì chỉ có nước chờ chết. Hơn nữa dù tình thế bất lợi, nhưng nếu tấn công vẫn có cơ hội thu được thắng lợi. Gia Cát Lượng bắc phạt, thực chất chính là sách lược phòng thủ - một mặt thông qua chiến tranh để bảo vệ bản thân, mặt khác chính là để tìm kiếm cơ hội.
Vả lại, bắc phạt đánh Ngụy để phục hưng Hán thất vẫn là lý tưởng chính trị của Gia Cát Lượng. Đối với một người có lý tưởng thì một khi có cơ hội, họ sẽ ra sức để thực hiện lý tưởng đó. Vấn đề là ở chỗ, lý tưởng không đổi nhưng tình thế đã biến đổi. Vì vậy, mục tiêu và sách lược cũng phải thay đổi. Tức là một mặt giơ cao ngọn cờ “hưng phục Hán thất, về lại cựu đô”, giữ vững nguyên tắc “không chung sống với Hán tặc”, không ngừng Bắc phạt. Mặt khác, lại phải biết tuần tự nhi tiến, thận trọng, tiến dừng đúng lúc, không thể mạo hiểm như Quan Vũ để mất Kinh Châu hay Lưu Bị thua trận Di Lăng.
Vì tất cả những lý do đó, Gia Cát Lượng quyết định phải xuất quân tấn công Ngụy. Nhận thấy rõ khó khăn chủ đạo với quân Thục vẫn là vấn để vận chuyển lương thảo khó khăn, nên ông cử Trương Duệ và Tưởng Uyển cùng quản lý công việc ở hậu phương. Sau khi điểm binh, chọn tướng, Gia Cát Lượng quyết định dẫn toàn quân tập trung về phía bắc của Hán Trung để tiến binh sang Kỳ Sơn, trực chỉ Trường An. Bấy giờ Ngụy Diên xin Gia Cát Lượng cấp cho mình 5000 kỵ binh cùng 5000 quân vận lương. Ý định của Ngụy Diên là ông sẽ đem quân xuất phát từ Bao Trung, đi men theo núi Tần Lĩnh sang phía đông, sau đó qua đường hang Tý Ngọ để lẻn đến tập kích Trường An. Theo suy nghĩ của Ngụy Diên, phò mã Hạ Hầu Mậu trấn thủ Trường An là người hèn nhát vô mưu; nếu thấy quân Thục bất thần xuất hiện, tất bỏ thành mà chạy. Quan viên trong thành chẳng ra đâu vào đâu, nhưng lương thảo sung túc, đủ để Ngụy Diên chống giữ đợi đại quân của Gia Cát Lượng. Bấy giờ hai bên hợp binh, tất có thể bình định được vùng Quan Trung rồi.
Tuy nhiên, Gia Cát Lượng cho rằng kế đó quá khinh suất mạo hiểm nên không đồng ý. Theo ông, binh lực quân Thục có hạn, vẫn nên đánh chắc tiến chắc. Vấn đề dùng hay không dùng kế tập kích Trường An của Ngụy Diên xưa nay vẫn là một chủ đề tương đối gây tranh cãi. Có ý kiến cho rằng thật đáng tiếc khi Gia Cát Lượng không mạo hiểm dùng kế của Ngụy Diên. Lý do là vì trong lần bắc phạt đầu tiên, phía Ngụy gần như không ngờ đến nên chẳng chuẩn bị gì. Kết quả là sau này ngay khi đại quân Thục Hán xuất hiện thì lập tức có mấy quận Lũng Hữu đã phản Ngụy theo Hán, cả triều đình chấn động. Vậy nếu khi đó quân Ngụy Diên thình lình xuất hiện ở Trường An thì có khi kết quả chiến dịch đã khác.
Nhưng nhận định như vậy là đã quá đơn giản hóa tình hình và có tâm lý cầu may. Kỳ thực mưu kế của Ngụy Diên phụ thuộc quá nhiều vào suy đoán đầy cảm tính của cá nhân ông. Ngụy Diên bảo rằng Hạ Hầu Mậu nhất định sẽ chạy, nhưng lỡ không chạy thì sao? Mà nếu Hạ Hầu Mậu có chạy, thì các tướng lĩnh vẫn có thể đóng cổng thành cố thủ chứ. Hơn nữa, danh tướng nước Ngụy là Quách Hoài ở ngay gần đó, nghe tin Trường An bị vây tất nhiên tức tốc đem quân đến cứu. Ngụy Diên chỉ có 1 vạn người, làm sao chống lại được, khi ấy thì chính quân Thục mới là bên bị vây khốn. Bên cạnh đó, Ngụy Diên cho rằng đại quân Gia Cát Lượng có thể đi từ Tà Cốc lên phía bắc ngay sau đó, nhưng lại bảo rằng nếu đường tiến quân khó khăn, cả tháng vẫn chưa đến nơi thì làm sao? Nên nhớ, bất luận là Tý Ngọ hay Tà Cốc đều phải qua đỉnh cao sườn dốc, đường đi hiểm trở, khí hậu thất thường, hành trình thực khó chính xác. Đường xa tập kích, cơ hội khó lường. Dùng binh ngàn dặm, càng phải thận trọng. Huống chi quân của Ngụy Diên phải trèo đèo lội suối, gian khổ muôn phần, đến Trường An thì như dây cung đã căng hết cỡ, làm sao địch nổi quân Ngụy nhàn nhã chờ đợi? Cho nên Gia Cát Lượng thận trọng không dùng kế của Ngụy Diên là đúng. Kế hoạch vẫn được ông giữ nguyên là toàn bộ đại quân sẽ đi từ hướng Kỳ Sơn rồi tiến vào Lũng Hữu.
Trước khi chiến dịch bắt đầu, xảy ra chuyện Mạnh Đạt phản Ngụy về Hán. Khi trước Mạnh Đạt vốn là thủ hạ của Lưu Chương, từng thông đồng với Trương Tùng và Pháp Chính mời Lưu Bị vào Thục. Sau khi thành công, Mạnh Đạt được phong làm Thái thú Nghi Đô. Năm 219, Mạnh Đạt được phái lên phía bắc công chiếm thành Phòng Lăng. Thái thú Phòng Lăng bị đánh bại rồi bị giết. Ông tiếp tục tiến công thành Thượng Dung, với sự hỗ trợ của viện binh do Lưu Phong thống lĩnh từ Miên Thủy đến. Thái thú Thượng Dung Thân Đam đầu hàng. Cùng năm đó, Quan Vũ xuất binh đánh Tương Dương - Phàn Thành, có yêu cầu cả Lưu Phong và Mạnh Đạt xuất quân hỗ trợ, nhưng cả hai từ chối với lý do trị an trong vùng chưa ổn định, binh lực không có nhiều để chi viện. Sau này Quan Vũ bại trận, Mạnh Đạt sợ bị Lưu Bị bắt tội nên chạy sang hàng Ngụy và được giao cai quản Tân Thành. Năm 227, Mạnh Đạt bất hòa với một số quan binh nhà Ngụy, bị nghi ngờ nên lại muốn phản Ngụy về Hán. Gia Cát Lượng sắp đem quân ra Kỳ Sơn, trao đổi thư từ với Mạnh Đạt, hối thúc ông làm phản chiếm lấy Thượng Dung. Tư Mã Ý đóng ở Uyển Thành gần đó bèn viết thư lừa Mạnh Đạt, rồi hành quân gấp rút tới Tân Thành. Mạnh Đạt còn chưa kịp chuẩn bị, nhanh chóng bị bắt giết.
Dù mất Mạnh Đạt làm nội ứng, nhưng Gia Cát Lượng vẫn y theo kế hoạch xuất quân vào mùa xuân năm 228. Ông cử lão tướng Triệu Vân cùng phó tướng Đặng Chi lĩnh một cánh quân đi theo đường Tà Cốc ra huyện My làm nghi binh, giả vờ là sẽ đánh vào nơi này. Trong khi đó, đích thân Gia Cát Lượng dẫn đại quân tiến ra Kỳ Sơn.
Nghe tin đại quân Thục Hán tấn công, 3 quận thuộc Lũng Hữu là An Định, Thiên Thủy và Nam An đều đồng loạt phản Ngụy để hưởng ứng. Gia Cát Lượng cũng thu hàng được Khương Duy, một viên tướng trẻ tài năng của Ngụy. Triều đình nước Ngụy ở Lạc Dương vì không chuẩn bị nên khi có tin báo về lập tức chấn động. Tuy nhiên, Ngụy đế Tào Duệ nhanh chóng đưa ra quyết sách: cử Trương Cáp đem 5 vạn quân đi Kỳ Sơn chống Gia Cát Lượng, cử Tào Chân đem quân đến huyện My chống Triệu Vân, bản thân mình thì đến Trường An đốc chiến.
Để chống Trương Cáp, Gia Cát Lượng cử Mã Tắc làm tiên phong thay vì các tướng như Ngụy Diên và Ngô Ý, đem quân đến Nhai Đình chặn địch. Mã Tắc vốn là thân tín của ông, coi Gia Cát Lượng như cha, cũng đọc nhiều binh thư nhưng không có kinh nghiệm thực chiến. Đến Nhai Đình, Mã Tắc làm ngược lại với phương án chỉ huy của Gia Cát Lượng, không đóng quân ở nơi đường cái và gần sông là chỗ có nước cho quân dùng, mà lại mang quân trấn giữ trên núi. Phó tướng là Vương Bình can mãi mà Mã Tắc không nghe. Quả nhiên khi bị quân Ngụy chặn đường lấy nước, quân Thục nhanh chóng đại bại. Trương Cáp nhân đà tiến quân tái chiếm cả 3 quận thuộc đất Lũng Hữu. Triệu Vân và Đặng Chi chỉ có ít quân già yếu làm nghi binh nên cũng phải rút lui khi bị Tào Chân tấn công.
Nhai Đình thất thủ, Gia Cát Lượng bị mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu, đại quân Thục không thể tiến nữa buộc phải lui về Hán Trung. Chiến dịch đầu tiên đến đây coi như kết thúc. Quân Thục Hán thu được dân của 3 quận, nhưng không đạt mục tiêu chính là chiếm đất làm bàn đạp đánh Quan Trung. Gia Cát Lượng cho xử chém Mã Tắc nhằm tạ tội và yên lòng quân, sau đó dâng biểu về Thành Đô xin được tự giáng chức xuống thành Hữu tướng quân. Như vậy tức là về chức vị ông còn thấp hơn cả Lý Nghiêm đang là Tiền tướng quân. Tất nhiên trên thực tế, Gia Cát Lượng vẫn được quyền quản lý các công việc của Thừa tướng như cũ. Trong chiến dịch năm 228, tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” còn hư cấu thêm sự kiện “Không thành kế”. Theo đó Gia Cát Lượng đến Tây Thành vận chuyển lương thực, chỉ còn có hơn 2000 người bên cạnh mà đại quân của Tư Mã Ý đang kéo đến. Ông bèn mở toang cổng thành, cho binh lính đóng giả dân thường cầm chổi quét dọn rồi ngồi trên lầu gảy đàn. Tư Mã Ý trông thấy nghi hoặc, sợ có phục binh nên cuối cùng rút lui. Sự kiện này không có thật vì khi đó Tư Mã Ý vẫn trấn thủ Uyển Thành, và thực tế thì mãi đến chiến dịch thứ 4 thì Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý mới đối đầu nhau.
Về nguyên nhân thất bại, các tướng có người cho rằng nguyên do gặp bất lợi là binh lực quá ít. Gia Cát Lượng đã nghiêm túc trả lời rằng: Không đúng như vậy, vì trong hai trận đánh ở Kỳ Sơn và Tà Cốc, quân Thục nhiều hơn quân Ngụy, nguyên nhân thất bại chính là do bản thân ông dùng người không đúng. Ông còn nói rằng từ sau này sẽ thưởng phạt nghiêm minh, khắc phục thiếu sót. Bất kỳ ai trung thành với đất nước đều có quyền vạch khuyết điểm, có như vậy mới tiêu diệt được kẻ thù và thống nhất được thiên hạ.
Đến tháng 12 năm 228, Lục Tốn phía Đông Ngô bất ngờ đánh bại Tào Hưu ở Thạch Bình. Nhân cơ hội quân Ngụy phải sang đông chi viện, lực lượng phòng thủ Quan Trung suy giảm, Gia Cát Lượng quyết định xuất quân bắc phạt lần hai. Tuy vậy, sau khi thất bại trong cuộc bắc phạt lần đầu nên quần thần nhiều người hoài nghi lo lắng. Gia Cát Lượng lại lần nữa dâng biểu lên Lưu Thiện, sử gọi đây là “Hậu xuất sư biểu”, tiếp tục bày tỏ nỗi lòng và quyết tâm đánh Ngụy của mình. “Hậu xuất sư biểu” cũng xuất hiện câu nói có lẽ là nổi tiếng nhất của Gia Cát Lượng:
“Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi, còn như việc thành bại được mất, chẳng phải là điều mà thần có thể sáng suốt đoán biết được vậy.”
Còn chưa xuất quân, Thục Hán tiếp tục tổn thất khi lão tướng Triệu Vân bệnh mất ở Hán Trung. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng vẫn kiên định ra quân. Lần này, ông quyết định tiến theo đường Trần Thương. Không may là đại tướng Tào Chân bên Ngụy đã đoán được trước nên giao cho Hác Chiêu cố thủ cửa ải. Quân Ngụy kiên cường phòng thủ, Gia Cát Lượng tìm cách dụ hàng Hác Chiêu nhưng không thành. Mấy vạn quân Thục vây đánh ải Trần Thương chỉ có 1000 quân Ngụy hơn 20 ngày mà không xong, cuối cùng Gia Cát Lượng buộc phải cho lui quân khi biết tin Trương Cáp đem viện binh tới. Tướng Vương Song bên Ngụy thấy thế, bèn mở cổng thành đem quân truy kích, nhưng trúng phục binh mà chết.
Mấy tháng sau, Gia Cát Lượng lại tiếp tục xuất quân bắc phạt lần thứ ba. Ông phái tướng Trần Thức đem quân đi gấp đánh lấy được hai quận Vũ Đô và Âm Bình. Quách Hoài biết tin vội mang quân đến cứu, nhưng nghe tin đại quân Thục Hán đã tới, bèn rút lui. Gia Cát Lượng chiếm được hai quận liền thu quân, báo tin thắng trận về Thành Đô. Nhờ đó, ông được Lưu Thiện phục chức Thừa tướng như cũ.
Đến năm 230, nhà Ngụy muốn thay đổi tình thế từ bị động sang chủ động tấn công. Đại tư mã Tào Chân xin được đem quân đi theo đường Tà Cốc vào đánh Thục. Tào Duệ nghe theo, cử Tào Chân và Tư Mã Ý đem quân ngược sông Hán từ Tây Thành tiến vào tấn công Hán Trung. Gia Cát Lượng biết tin, bèn đem quân tới đóng ở Thành Cố, Xích Phản đợi quân Ngụy. Ông lại cử Lý Nghiêm đem 2 vạn quân tới trước trấn thủ Hán Trung. Tuy nhiên chiến dịch này của quân Ngụy thất bại, do trời mưa lớn liên tục hơn 30 ngày, đường núi bị đứt đoạn. Tào Duệ buộc phải hạ lệnh thu quân, Gia Cát Lượng thấy thế cũng không đuổi theo, hai bên không giao tranh gì.
Tháng 9 năm 231, Gia Cát Lượng lại tiếp tục xuất quân bắc phạt lần thứ tư, lần này ông tiến quân ra Kỳ Sơn. Bấy giờ Tào Chân đang bệnh nên nhà Ngụy cử Tư Mã Ý làm thống soái, chỉ huy các tướng Trương Cáp, Phí Diệu, Đái Lăng, Quách Hoài mang quân chống cự. Tư Mã Ý giao cho hai người Phí Diệu và Đái Lăng 4000 quân canh giữ Thượng Nhai, còn lại đều đến Kỳ Sơn. Gia Cát Lượng chia quân ở lại Kỳ Sơn, còn ông đem người đến Thiên Thủy lén gặt lúa. Tư Mã Ý cũng dẫn quân đến đối địch, Gia Cát Lượng không chủ quan khinh địch, ra lệnh cho quân lính chiếm cứ vùng rừng núi hiểm trở, bố trí trận địa sẵn sàng. Đại quân hai bên đối mặt nhau nhưng vẫn chưa xảy ra giao tranh.
Gia Cát Lượng rút lui về phía Kỳ Sơn nhằm lôi kéo quân Ngụy ra đánh. Tư Mã Ý cho quân đuổi theo nhưng vẫn đề phòng cẩn thận, khi quân Thục dừng lại thì ông cũng cho quân dừng lại. Lúc này nhiều tướng Ngụy cho rằng Tư Mã Ý nhát gan. Bị các tướng thúc ép, Tư Mã Ý buộc phải tung quân giao chiến. Ông đích thân chỉ huy trung quân, giao cho Trương Cáp đánh vào phía nam của quân Thục ở Kỳ Sơn. Gia Cát Lượng sai Ngụy Diên, Ngô Ban, Cao Tường ra nghênh địch. Quân Ngụy thua to, hơn 3000 quân bị giết; quân Thục còn thu được 5000 bộ giáp và 3000 bộ cung tên. Tư Mã Ý thua trận, buộc phải rút quân về Thiên Thủy, cố thủ không ra đánh.
Lần bắc phạt này ra quân thuận lợi, đẩy lui được quân Ngụy, nhưng cuối cùng vẫn vì hết lương thảo mà Gia Cát Lượng phải lui quân. Tư Mã Ý thấy thế, bèn cử Trương Cáp đem quân truy kích. Trương Cáp đem quân đuổi tới Mộc Môn thì trúng phục binh, bị quân Thục bắn chết. Theo sử sách ghi lại, lần bắc phạt thất bại này còn dẫn đến một sự kiện là Lý Nghiêm bị phế chức. Cụ thể, lần này ra quân, Gia Cát Lượng để Lý Nghiêm thay Thừa tướng lo việc ở tướng phủ, trong đó có việc vận chuyển lương thảo. Tuy nhiên bấy giờ gần hết hạ sang thu, mưa to gió lớn, lương thực khó có thể được đem ra Kỳ Sơn đúng hạn. Vì thế Lý Nghiêm cử người ra nói rõ tình hình và mong Gia Cát Lượng lui binh. Không còn cách nào khác, ông buộc phải làm theo, dù vừa thắng quân Ngụy. Ấy thế nhưng khi có tin Gia Cát Lượng lui quân, Lý Nghiêm lại vờ kinh ngạc mà nói rằng: “Quân lương đầy đủ, vì sao tự tiện quay về!”, rồi muốn giết người đưa tin để trút bỏ trách nhiệm. Lý Nghiêm sau đó còn dâng biểu lên Lưu Thiện, nói là Gia Cát Lượng lui quân nhằm dụ địch. Tất nhiên toàn là lời sai sự thực, khiến quần thần hoài nghi. Gia Cát Lượng chỉ còn cách bỏ hết thư tín, bút tích trước sau của Lý Nghiêm ra cho mọi người xem. Lý Nghiêm không thể cãi được nữa, bèn cúi đầu nhận tội. Gia Cát Lượng vì thế dâng biểu kể hết lỗi lầm trước sau, cách chức quan và tước đất phong, đày Lý Nghiêm đến quận Tử Đồng, nhưng vẫn giữ con Lý Nghiêm là Lý Phong làm Trung lang tướng.
Bốn lần liên tiếp bắc phạt thất bại, một trong những vấn đề trọng yếu nhất của quân Thục vẫn nằm ở chuyện cung ứng lương thảo. Tuy vậy, Thục Hán vẫn thu được một số thành quả nhất định, như thu được dân của 3 quận Lũng Hữu, lại chiếm được 2 quận Vũ Đô và Âm Bình. Khi đối đầu trực diện quân Ngụy, Gia Cát Lượng vẫn có thể giành được thắng lợi, đẩy lui được Tư Mã Ý, giết được Trương Cáp, còn Tào Chân thì đã bệnh mất. Do đó, Gia Cát Lượng vẫn hạ quyết tâm tiếp tục bắc phạt. Nhưng lần này ông không tiếp tục xuất quân ngay, mà dành ra hơn 2 năm để chuẩn bị. Suốt thời gian này, ông ở lại Hán Trung luyện binh, cho khai khẩn mở rộng cày cấy, tích trữ lương thảo. Sử sách còn ghi rằng để cải thiện vấn đề tải lương, Gia Cát Lượng đã chế ra trâu gỗ ngựa máy làm công cụ vận chuyển, nhưng thực hư chuyện này ra sao khó mà kiểm chứng được.
Đầu năm 234, Gia Cát Lượng xuất quân bắc phạt lần thứ 5, lại phái sứ giả sang ước hẹn với Đông Ngô cất quân hưởng ứng. Ông đem 10 vạn đại quân tiến theo lối Tà Cốc đến huyện My, dựng trại ở đồng bằng Ngũ Trượng ở phía nam sông Vị. Tào Duệ tiếp tục cử Tư Mã Ý đem quân đến chống cự. Ngũ Trượng vốn là một vùng gò đồi thấp, chất đất phì nhiêu thích hợp trồng trọt lương thực. Gia Cát Lượng lựa chọn vùng đất này là nhằm có thể trồng cấy lương thực tại chỗ, dự liệu cho việc tác chiến trường kỳ. Ông cũng giữ nghiêm quân kỷ, tuyệt đối cấm việc chiếm đoạt của cải và thóc lúa của dân chúng. Vì vậy quân Thục và dân cày trong vùng tương đối hòa thuận, không xảy ra xung đột nào.
Quân Ngụy chiếm ưu thế về quân số, nhưng sau mấy lần giao tranh trực diện gặp bất lợi, Tư Mã Ý quyết định chỉ cố thủ không ra đánh. Ông biết rõ quân Thục sớm muộn cũng gặp vấn đề về vận chuyển lương thảo, cho nên kiên quyết tránh giao chiến, mặc cho Gia Cát Lượng khiêu khích. Nhiều lần bị khiêu khích, các tướng Ngụy tức giận xin ra đánh. Để yên lòng tướng sĩ, Tư Mã Ý giả vờ dâng biểu về triều xin Tào Duệ cho ra đánh. Tào Duệ biết được kế của Tư Mã Ý là cố thủ chứ không đánh, bèn phái người đến doanh trại nghiêm cấm tự ý xuất quân. Với lần bắc phạt này, tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” hư cấu việc Gia Cát Lượng dùng kế lừa Tư Mã Ý và hai con Tư Mã Sư - Tư Mã Chiêu vào Thượng Phương Cốc rồi cho quân ném rơm rạ, củi lửa chặn bít hai đầu phóng hỏa. Trong lúc Tư Mã Ý tuyệt vọng ôm hai con khóc lóc thì trời bỗng đổ mưa lớn, dập tắt hết ngọn lửa, giúp cho cha con Tư Mã Ý chạy thoát khỏi hang. Kỳ thực suốt mấy tháng liền, hai quân Thục - Ngụy không giao tranh trận nào. Tháng 7 năm 234, quân Đông Ngô sang đánh Ngụy lại bị thất bại lui về Giang Đông. Gia Cát Lượng nghe tin, lo lắng vì quân Ngụy không chịu xuất trận, lại làm việc rất vất vả, dậy sớm thức khuya, công việc lớn nhỏ đều tự mình tra xét, do đó sức khỏe ngày càng kém.
Qua đời và nhận định
Tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng ốm nặng trong doanh trại. Lưu Thiện ở Thành Đô nghe tin, cấp tốc sai Thượng thư Lý Phúc đến Ngũ Trượng thăm hỏi bệnh tình. Gia Cát Lượng tự biết bệnh nặng, ngày tháng không còn bao nhiêu, bèn dặn dò Lý Phúc: trước mắt sự nghiệp bắc phạt chưa thành công, hy vọng đại thần triều đình vẫn một lòng như cũ, tận tâm phò tá Lưu Thiện, kế tục hoàn thành sự nghiệp phục hưng nhà Hán mà mình chưa hoàn thành được. Lại yêu cầu Lý Phúc chuyển lời cho nhà vua rằng: sau khi ông mất không cần đưa về Thành Đô chôn cất, cứ an táng ở núi Định Quân tại tiền tuyến là được, để tượng trưng chí hướng "da ngựa bọc thây chết ở sa trường". Lý Phúc thảy đều ghi nhớ, lại hỏi rằng sau khi Gia Cát Lượng qua đời, ai có thể thay ông đảm đương trọng trách; Gia Cát Lượng bèn đáp rằng sau ông thì nên giao trọng trách cho Tưởng Uyển, sau Tưởng Uyển thì là Phí Y.
Cuối tháng 8 năm 234, Gia Cát Lượng qua đời trong doanh trại, thọ 54 tuổi. Trước khi qua đời, ông có dặn giao việc đoạn hậu cho Dương Nghi, sau đó là Khương Duy. Còn về phần Ngụy Diên, nếu không chịu lui quân, thì cứ để mặc. Quả nhiên sau khi biết tin, Ngụy Diên vốn bất hòa với Dương Nghi nên nhất quyết không chịu rút mà đòi cầm quân ở lại đánh Ngụy. Vì thế mới dẫn đến việc Ngụy Diên bị Dương Nghi tố làm phản, phải chạy trốn rồi cuối cùng bị Mã Đại giết chết, tru di tam tộc. Về nghi án “Ngụy Diên làm phản thật hay không?” còn nhiều vấn đề và uẩn khúc, và sẽ là chủ đề trong một bài viết khác, tạm không nói sâu thêm ở đây.
Tư Mã Ý nghe tin Gia Cát Lượng đã mất, bèn cho quân đuổi theo. Tuy nhiên Dương Nghi đã làm theo mưu kế của Gia Cát Lượng là quay cờ về phía sau, dóng chuông đánh trống đàng hoàng tiến quân. Tư Mã Ý thấy thế, lại ngờ rằng Gia Cát Lượng chưa chết, bèn rút quân không đuổi nữa. Quân Thục vì thế an toàn lui được về Hán Trung. Việc Tư Mã Ý phải rút quân trước Gia Cát Lượng đã mất khiến nhiều người truyền tụng câu nói rằng: “Gia Cát chết vẫn đuổi được Trọng Đạt sống.” (biểu tự của Tư Mã Ý là Trọng Đạt). Khi nghe câu này, Tư Mã Ý cũng chỉ cười mà nói rằng: “Ta chỉ có thể liệu được việc sống, chứ chẳng liệu được việc chết vậy!” Rồi sau khi quân Thục đã rút hết, Tư Mã Ý có đến xem xét doanh trại do Gia Cát Lượng thiết lập, than rằng: “Thật là kỳ tài thiên hạ vậy!”
Khi quân mã về tới Thành Đô, Lưu Thiện cho đại xá thiên hạ, ban thụy cho Gia Cát Lượng là Trung Vũ hầu. Ông được chôn cất ngay tại núi Định Quân ở vùng Hán Trung theo đúng di nguyện. Mộ phần tựa vào núi, chỉ đủ chứa quan tài, liệm bằng quần áo bình thường, không chôn theo tài sản gì. Dân chúng trong Thục xin lập miếu thờ Gia Cát Lượng, nhưng Lưu Thiện không cho phép. Người dân các nơi vì thế phải tự tìm cách thờ phụng. Mãi sau quần thần xin được lập miếu thờ Gia Cát Lượng ngay tại mộ phần của ông tại núi Định Quân, Lưu Thiện mới đồng ý.
Gia Cát Lượng rời núi phò tá Lưu Bị năm 27 tuổi, đến năm 54 tuổi thì bệnh mất tại doanh trại trong khi bắc phạt đánh Ngụy. Có thể nói là ông dành trọn nửa đời vất vả vì lý tưởng phục hưng Hán thất của mình vậy. Tuy rằng bắc phạt thất bại, không thể thực hiện mộng tưởng là về lại cựu đô, phục hưng Hán thất; nhưng nếu xét mục đích của bắc phạt là “lấy công làm thủ”, thì Gia Cát Lượng cũng đã thành công. Chính quyền Thục Hán vẫn ổn định và được giữ vững, dù nhiều năm liền xuất quân nhưng kinh tế trong nước vẫn giữ được sự phát triển. Ông trị Thục bằng pháp luật nghiêm minh, công bằng đến mức không ai oán thán được, chỉ biết oán vì pháp luật nghiêm quá không buông tuồng dễ dãi được, quả thực đáng nể.
Vì ảnh hưởng từ các tích truyện dân gian và nhất là bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” nên nhiều người vẫn thường có ấn tượng rằng Gia Cát Lượng là nhân vật gần như toàn năng, thiên tài quân sự, thậm chí có thể hô phong hoán vũ, sai khiến quỷ thần. Cũng chính vì ấn tượng sai lệch đó nên lại dẫn đến việc nhiều người sau khi biết về hình tượng Gia Cát Lượng trong thực tế, đã tỏ ý chê bai rằng ông thực chất không tài giỏi đến vậy. Đánh giá với góc nhìn như vậy quả thực sai lầm và thiếu công bằng với Gia Cát Lượng.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Gia Cát Lượng là một nhà chính trị có tài năng kiệt xuất. Và quả thực điều khiến ông được đánh giá cao nhất chính là năng lực trị quốc. Gia Cát Lượng trị quốc theo phép, hành lệnh nghiêm chỉnh, chấp pháp như sơn. Dù là công khanh đại thần nếu phạm tội cũng đều bị trừng phạt nặng nề. Những người cậy có uy thế mà hành động tranh quyền đoạt lợi, nhất là việc gây rối loạn quan hệ nội bộ, Gia Cát Lượng đặc biệt xử lý nghiêm khắc. Đối với gia quyến người phạm tội, Gia Cát Lượng không truy bức mà sẵn sàng bổ dụng nếu có tài. Đối với những người có năng lực làm việc nhưng tính cách có tật xấu thì Gia Cát Lượng chọn cách nhắc nhở và cải tạo, cho cơ hội chuộc tội. Đối với một chính quyền nhiều rối rắm và mâu thuẫn phe phái như Thục Hán mà Gia Cát Lượng vẫn có thể điều tiết, khiến quần thần đồng lòng ra sức, rõ ràng đó là một việc không hề dễ dàng. Hơn 10 năm cầm giữ đại quyền, Thục Hán vẫn ổn định vững vàng, mọi mặt đều phát triển dù liên tục nhiều năm bắc phạt; việc đó chẳng dễ dàng gì, và rõ ràng là minh chứng cho khả năng trị quốc của ông.
Bởi vì chí công vô tư, cho nên những đại thần như Liêu Lập, Lý Nghiêm bị Gia Cát Lượng cách chức, phế làm dân thường nhưng vẫn không oán hận. Lý Nghiêm ngày thường vẫn hay nói sẽ có ngày được Gia Cát Lượng xá tội và trọng dụng lại, khi nghe tin Gia Cát Lượng chết thì cũng đau buồn sinh bệnh mà qua đời. Còn về Liêu Lập, nghe tin dữ khi đang bị đày ở Vấn Sơn đã khóc mà nói rằng: “Ta trọn đời làm kẻ mọi rợ mất thôi!” Người được coi là “Thiên cổ nhất đế” ở Trung Quốc là Đường Thái tông về sau cũng khen ngợi rằng ông trị Thục hơn 10 năm không một lần đại xá mà dân chúng vẫn được cảm hóa sâu xa và nhớ ơn, chính là nhờ tài năng trị quốc của Gia Cát Lượng. Ông cũng luôn làm gương cho quan lại bằng việc sống giản dị, liêm khiết. Gia Cát Lượng từng dâng biểu lên Lưu Thiện rằng:
“Nhà của thần ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, ruộng xấu mười lăm khoảng, việc ăn mặc của con cháu xem ra đầy đủ. Đến như thần gánh vác việc ở bên ngoài, cũng chẳng có gì khác người, cái ăn cái mặc đều trông vào cửa quan, chẳng chút tơ hào cho riêng mình, ấy là để lâu dài thước tấc vậy. Đến ngày thần mất, trong nhà chẳng có gấm vóc dư thừa, bên ngoài không có điền sản dôi dư, chính là để khỏi phụ lòng tin tưởng của bệ hạ vậy"
Sau này Gia Cát Lượng qua đời, quả đúng như lời đã nói. Sự giản dị của ông cũng tạo gương cho các quan lại Thục Hán. Tưởng Uyển thường xuyên nhắc nhở người nhà “nên ăn chay, mặc áo vải thô, ra ngoài không dùng xe ngựa". Phí Y thì nhã nhặn khiêm nhường, trong nhà giản dị không khác dân thường. Khương Duy nhà cửa cũng rất giản đơn, "trong nhà không có thiếp hầu, sau sân chẳng hề nghe thấy tiếng đàn hát".
So với tài năng chính trị, thì quả thực khả năng quân sự của Gia Cát Lượng có phần khiêm tốn hơn hẳn. “Long Trung sách” được xem là kế sách nổi tiếng nhất của ông, nhưng về bản chất nó giống phương hướng và sách lược phát triển hơn là một loại mưu kế cụ thể.
Thực chất quân sự rõ ràng không phải sở trường của ông, vì từ khi xuống núi phò tá Lưu Bị, trọng trách của Gia Cát Lượng hầu như luôn là quản lý và xây dựng hậu phương. Ông rất ít khi tham chiến khi Lưu Bị còn sống, cũng ít khi bày mưu tính kế trên chiến trường. Đến khi Lưu Bị qua đời, thì lúc ấy Gia Cát Lượng dần bắt đầu phải xử lý cả về mảng quân sự, do các mưu sĩ sở trường chiến trận hơn như Bàng Thống và Pháp Chính đều đã mất. Dù vậy, Gia Cát Lượng vẫn cho thấy khả năng cầm quân ở một mức độ nhất định, đặc biệt là ông vẫn có thể đánh bại quân Ngụy khi giao tranh trực diện trong những lần bắc phạt. Đem sở đoản ra dùng mà vẫn thu được thắng lợi, thì rõ ràng không thể chê rằng Gia Cát Lượng kém tài trong mặt quân sự được. Tất nhiên, Gia Cát Lượng cũng có sai sót, mà dễ thấy nhất là việc dùng Mã Tắc dẫn đến mất Nhai Đình khiến bắc phạt lần đầu thất bại. Nhiều người cũng đánh giá rằng ông cầm quân đánh trận quá cẩn trọng, lắm mưu nhưng có phần thiếu quyết đoán, sợ mạo hiểm. Những điểm yếu đó thực ra cũng vì Gia Cát Lượng ít thực chiến và không quá thông thạo việc quân sự.
Có một số quan điểm dựa vào việc Gia Cát Lượng bắc phạt 5 lần vẫn không thành công để chê trách, cho rằng ông kém về mặt quân sự. Những quan điểm như vậy có phần không xác đáng, vì không xét đến hàng loạt những bất lợi rất lớn mà Gia Cát Lượng phải đối mặt. Quân Ngụy đông hơn gấp 2-3 lần, có lợi thế về kỵ binh, lại thủ sẵn trong thành lũy vững chắc, quân Thục Hán phải hành quân đường xa hiểm trở, thường bị thiếu lương do việc vận chuyển khó khăn. Với những khó khăn như vậy, những gì Gia Cát Lượng làm được đã là rất thành công, và thực hiện được mục đích lớn nhất của bắc phạt là “lấy công làm thủ”. Đánh giá về khả năng quân sự của Gia Cát Lượng, có lẽ công bằng nhất là nói ông biết dùng binh, nhưng không xuất sắc.
Lòng trung thành và lý tưởng phục hưng Hán thất của ông cũng là một điểm khiến nhiều người cảm phục và ca ngợi. Câu nói nổi tiếng của ông là “thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” đã trở thành biểu tượng của lòng trung thành son sắt. Dù không thành công trong mục tiêu cuối cùng là thống nhất Trung Nguyên, khôi phục nhà Hán; nhưng công trạng trị quốc của ông vẫn khiến người Thục ghi nhớ. Sau khi Gia Cát Lượng mất, dân Thục rất đỗi thương tiếc, trăm họ tế cúng trong ngõ, đến cả người Nhung, Di cũng tế cúng ngoài đồng nội. Tình hình này kéo dài suốt mấy chục năm không thôi, đến cả khi Thục Hán đã mất, dân chúng vẫn còn nhớ về ông. Thậm chí sau này nhà Đông Tấn còn truy phong cho Gia Cát Lượng là Võ Hưng Vương, nước Tiền Thục sau cũng truy phong ông là An Quốc Vương. Như vậy đủ thấy danh tiếng của Gia Cát Lượng được đề cao ra sao.
Gia Cát Lượng nửa đời vất vả giúp Lưu Bị lập Thục Hán, rồi sau đó lại khổ công trị quốc, giữ vững được triều đình còn non trẻ và đầy chia rẽ, quả thực đó là điều không phải ai cũng có thể làm được. Tuy rằng bắc phạt thất bại khiến ông không thể đạt được lý tưởng phục hưng Hán thất của mình, nhưng những nỗ lực của ông thì không thể không ghi nhận. Nói rằng “Khổng Minh tuyệt trí” có lẽ hơi quá mức, nhưng luận về khả năng chính trị và cáng đáng trọng trách lèo lái quốc gia, Gia Cát Lượng tuyệt nhiên là một nhân vật kiệt xuất. Về khả năng quân sự, ông có thành công và thất bại, cũng có sai sót, nhưng nếu nói rằng Gia Cát Lượng dùng binh kém cỏi thì lại quá khắt khe. Với vô vàn bất lợi khi bắc phạt, nhưng ông vẫn thu được một số thành quả nhất định, giữ yên được bờ cõi Thục Hán, chúng ta đương nhiên cũng phải ghi nhận điều đó. Có thể nói là Gia Cát Lượng đã nỗ lực hết mình để thực hiện lý tưởng, nhưng đáng tiếc, có nhiều lúc sức người dù lớn đến đâu, cũng không thể chống lại ý trời.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất