Trong suốt hành trình đi làm gần 4 năm, mình nhận ra việc Sếp (trực tiếp) của mình nhìn nhận mình làm việc tốt quan trọng không thua gì việc mình thấy mình làm tốt (có khi hơn).
Không chỉ từ câu chuyện đi làm của mình, mình còn thấy ở câu chuyện của những người bạn xung quanh. Cho dù những việc mình làm là phù hợp với định hướng và mục tiêu của Công ty, nhưng Sếp không nhìn nhận được điều đó, thì tất cả gần như “công cốc”.
Đó là lý do mình muốn viết bài viết này.
Có thể nói từ khi mình nhận ra được điều này và được chỉ dạy từ những đồng nghiệp, người Sếp có tâm, góc nhìn và cách làm của mình cũng khác để có thể làm việc trực tiếp với các sếp “high level” hơn.
(💭: Hiện tại mình đang làm Marketing ở 1 công ty mà ở đó chỉ có mỗi mình đang làm Marketing).
Tại sao lại là “làm tốt trong mắt Sếp”?
Làm đi đừng học nữa :)
Mình là 1 đứa thích học. Và lúc nào mình cũng trân trọng việc được phát triển bản thân. Cho đến khi có người nói với mình: Công ty không trả tiền cho bạn để học, Công ty trả tiền cho bạn để làm! Làm đi đừng học nữa :)
Một câu nói làm mình bị chột dạ…, nhưng về sau, nhìn lại, mình thấy nó đúng.
Công ty trả tiền để mình làm cho công ty. Họ thấy mình có thể đóng góp được gì cho họ thì họ mới tuyển mình vào.
Điều này vẫn phụ thuộc vào cách vận hành của Công ty.
Có những nơi đã có sẵn quy trình, việc của bạn là vào làm thật tốt cái quy trình ấy. Có những nơi “chả ra cái thể thống gì cả”, thì bạn sẽ là người xây dựng nó.
Từ đó dẫn đến văn hóa tổ chức mỗi nơi cũng khác nhau.
Hãy chọn môi trường nào để vừa “làm” vừa tốt cho định hướng phát triển của bạn.
Làm sao để mọi thứ mình làm đúng với định hướng của Công ty?
Mỗi công ty sẽ những người “Sếp” khác nhau, cách vận hành khác nhau, mục tiêu khác nhau. Công ty/Sếp của bạn cũng sẽ có những thước đo riêng để đảm bảo bạn không “đi lạc” và cùng chí hướng đạt những mục tiêu đó.
Sếp ở đây là người trực tiếp quản lý và đánh giá performance của bạn.
Bạn biết đấy, khi làm cho “tư bản”, nếu Sếp trực tiếp của mình không công nhận năng lực của mình hoặc nếu có mình và 1 người khác có năng lực như nhau, mà người kia lại phối hợp ăn ý với Sếp hơn, thì cơ hội được Sếp công nhận (hay lên lương, lên chức) của mình cũng ít đi.
(Ngoại trừ khi Sếp của bạn nghỉ việc / bị đuổi việc và bạn được công ty công nhận và cân nhắc lên lương, lên chức)
❗Disclaimer: Bài viết này mình sẽ không viết về việc làm sao để "lấy lòng" Sếp.
4 cách mình đang áp dụng khi làm việc với Sếp
1. Làm chủ công việc của mình
Trước khi làm được gì cho Sếp thì bản thân mình “nói được làm được” và làm tốt công việc của mình trước đã.
🔵“Nói được làm được” đơn giản là mình hứa hẹn gì, làm xong task khi nào thì đến ngày đến giờ mình gửi task.
Trong trường hợp mình đã làm và dự trù sẽ không kịp thời gian, thì chủ động báo trước, nêu lý do, đề xuất 1 deadline mới hợp lý hơn và làm đúng với cam kết mới đó.
Khi mà mình đảm bảo được mọi việc theo đúng deadline đã đề ra, tôn trọng lịch trình của bản thân và của người khác, thì hẳn người khác cũng sẽ tôn trọng lịch trình của mình.
🔵 Tiếp theo là đảm bảo kết quả đầu ra của mình, mà Sếp có thể mang toàn bộ “thành phẩm” của mình để làm việc với các bên hoặc nếu cần điều chỉnh thì chỉ ở mức độ ít nhất có thể.
Điều này thật ra sẽ hơi khó cho các bạn mới đi làm và sẽ cần bạn có 1 quá trình quan sát cách làm của những người senior hơn.

Khi task của bạn đạt yêu cầu hoặc giúp cho việc phối hợp giữa các bên dễ dàng hơn, công việc hanh thông khi có sự “nhúng tay” của bạn thì bạn cũng sẽ dễ dàng được ghi nhận và giao cho công việc, trách nhiệm khó hơn.
2. Trở thành 1 người chuyên gia trong lĩnh vực mình làm
Nếu bạn có thể dùng kiến thức và kinh nghiệm của mình để tư vấn giải pháp, cách làm phù hợp cho team/khách hàng/tổ chức, thì bạn đang thể hiện rất rõ giá trị của mình trong team/tổ chức đó.
Bởi vì, trong tổ chức, mỗi người có 1 vai trò, chuyên môn riêng. Có thể Sếp trực tiếp của bạn định hướng chiến lược giỏi, lên kế hoạch giỏi, quản lý giỏi; còn bạn thì giỏi về mặt thực thi và chuyên môn công việc của mình, làm sao để làm 1 công việc nào đó nhanh nhất, tạo ra kết quả lớn nhất và đánh giá được công việc nào khả thi.
Người ở khác bộ phận hay những người cấp cao hơn (như CEO), họ sẽ có chuyên môn của riêng họ. Khi làm việc với những người này, bạn cũng phải làm với tư cách là người hiểu rõ chuyên môn thuộc về vị trí của mình nhất.
Tư vấn ở đây không phải là đưa ra cách làm tốt nhất, mà là đưa ra được các cách có thể làm và đề xuất cho cấp trên/Công ty nên làm theo cách nào.
Bạn phải là người hiểu rõ nhất những giải pháp này hơn ai hết.

Cách mình hay làm khi gửi 1 đề xuất nào đó với cấp trên
Việc research và cung cấp thông tin của mình sẽ làm giảm năng lượng khi ra 1 quyết định của Sếp. Sếp chỉ cần thêm vào những “input” khác mà Sếp có được để đưa ra quyết định phù hợp nhất.
3. Ưu tiên những cái Sếp muốn làm và thực thi tốt ý tưởng của Sếp
Lúc trước mình cũng hay khó chịu mỗi khi tự dưng đang làm việc của mình thì task của Sếp ở đâu “trên trời rớt xuống”, trong khi mình cũng đang làm việc của team, của Công ty.
Thật ra Sếp sẽ có góc nhìn rộng hơn và biết công việc nào quan trọng cần ưu tiên.
Khi hiểu được điều đó, (vẫn khó chịu 😅) mình có 2 hướng xử lý:
1️⃣ Nếu mình có thể sắp xếp làm task của mình sau để làm task Sếp giao trước, thì mình sẽ ưu tiên task của Sếp, với điều kiện là việc này là việc của team mình hoặc nó giúp ích cho mục tiêu Công ty.
2️⃣ Cho Sếp biết mình đang làm gì và liệt kê hết những thứ mình dự định làm sắp tới (kèm theo deadline nếu có). Sau đó, nhờ Sếp sắp xếp thứ tự ưu tiên giúp mình kèm theo deadline mới. Đây cũng là cách để Sếp “bảo kê” cho bạn.
4. Cho Sếp biết performance / kết quả mình làm được
Không cần phải làm điều này qua những chiếc báo cáo hay những đợt đánh giá performance hằng năm, bạn có thể “khoe” một cách khéo léo với Sếp mỗi khi bạn có 1 cách làm hiệu quả, 1 ý tưởng nào đó đã được thực thi và mang lại kết quả tốt, nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng,...
Chọn bạn mà chơi, chọn môi trường mà sống
Trong trường hợp này là chọn Sếp.
Có 1 thứ quan trọng trong chủ đề này nhưng mình không hề viết, đó là xây dựng mối quan hệ với Sếp.
Mỗi người sẽ có suy nghĩ, quan điểm khác nhau, cho nên ở đây mình không thể đưa ra được “công thức”.
Việc mình có phối hợp tốt với người khác (kể cả Sếp) hay không còn phụ thuộc vào tính cách, định hướng và nhiều yếu tố khác nữa.
Với mình thì mình sẽ ưu tiên công việc trước. Mình mang lại kết quả tốt cho công việc, phối hợp tốt với mọi người thì mình sẽ có được sự tin tưởng và xây dựng mối quan hệ tốt với người khác và với Sếp cũng vậy.
(Mà điểm này cũng không phải phù hợp với tất cả các loại văn hóa tổ chức đâu)
Còn lỡ mình không tìm được môi trường phù hợp, thì mình…làm chủ 🤣
---
Nếu bạn muốn ủng hộ cho blog của mình, gửi mình 1 “ly cà phê” tại đây ☕
Subscribe mình để nhận bài viết mới nhất, sớm nhất của mình tại: https://thekeytakeaways.substack.com/
---

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này