Nếu một kẻ giết một người, hắn là kẻ giết người. Nếu một triệu kẻ giết một người, chẳng ai là kẻ giết người.


Chúng ta là những con người văn minh, có lẽ. Chúng ta biết suy nghĩ, biết trên dưới, biết phải trái đúng sai, biết bảo vệ kẻ yếu, biết tuân theo lẽ phải?
Có lẽ, chỉ khi ta đứng một mình, ta mới là người tốt như thế được.
Khi đứng một mình, ta buộc phải bảo vệ bản thân, buộc phải dựa vào những vỏ bọc đạo đức, để ta tin, hoặc ít nhất, cho người ngoài nhìn vào tin rằng ta là người tốt. Ta chịu trách nhiệm với chính ta, với những gì ta đã làm, đã nói, đã gây ra.
Lòng tốt đôi khi là sự giả tạo, khi con người cố tỏ ra tử tế và tốt bụng để tin rằng mình tốt bụng.
Còn khi trong một đám đông, một tập thể, một cộng đồng, một bầy đàn, thì sao?
Đám đông luôn luôn nguyên thủy, rất hoang dại và đặc biệt tàn nhẫn.


Đọc thêm:

Ta đang sống trong một xã hội, khi cả làng lao vào đánh tới chết một người trộm chó, rồi chẳng ai phải chịu trách nhiệm vì quá nhiều người đã gây ra. 
Ta đang sống trong một xã hội mà người ta luôn cmt hô hào án tử hình. Tử hình nó đi!giết nó đi! án phạt quá nhẹ! treo cổ nó đi!
Một ông thầy giáo dâm ô chắc chắn sẽ bị xử phạt, nhưng tôi sẽ không muốn giết ông ấy đâu. Một tên ăn trộm hay một kẻ côn đồ đánh người, tôi sẽ muốn hắn vào tù, nhưng chắc chắn tôi cũng không muốn giết hắn đâu.
Với tôi, mạng sống này quý giá lắm, và thực tế, theo tôi, chẳng một ai trên đời này có quyền tước đi mạng sống kẻ khác, hay phán xét rằng mạng sống ấy có cần tồn tại hay không. Vì đấy là việc của chúa. Nhưng đám đông lại luôn muốn giết người. Họ nguyên thủy mà, đầy bản năng và đặc biệt dễ bị kích động. 
Đôi khi việc giết người lại không nằm ở sự hô hào, sự gào thét chửi rủa, hay trực tiếp gây ra, mà nằm ở sự miệt thị công khai, sự dẫm đạp nhân phẩm tàn tệ, không hồi kết.

Trâm Anh đã làm gì sai? Ai mà biết được.
Tôi chỉ biết cả một cộng đồng đồng loạt bình phẩm cơ thể cô ấy, hạ nhục những thứ kín đáo nhất của đàn bà. Lan truyền nhau những hình ảnh nhạy cảm của một cô gái tuổi 23, hả hê trước việc hình ảnh của cô ấy đen đi theo cấp số nhân. Kèm theo đó là một loạt quy chụp đạo đức.
Nó làm gái. Nó cướp chồng người khác. Nó cũng chẳng tốt đẹp gì. 
Gái ư? Đĩ ư? Chắc các cậu đang đùa. Vì những gì xảy ra trong clip là hoàn toàn bình thường. Một clip có cảnh quan hệ tình dục. Ai rồi cũng sẽ quan hệ, từ người bình thường nhất, đến người nổi tiếng nhất. Nó chỉ nhạy cảm vì xã hội này còn coi nó là nhạy cảm. Nhưng về bản chất, web đen đầy ra đấy, chuyện này còn có gì lạ lùng sao, để các cậu có thể gọi người ta là đĩ? Cứ quan hệ với ai đấy, bị quay lại, leak ra, thì người đó là gái?
Chậc.
Đám đông đôi khi cũng hài hước lắm. Trâm Anh đang bị hủy hoại, và tôi chắc chắn rằng cô ấy đang phải đối mặt một áp lực khủng khiếp. Nhưng ai nghĩ cho cô ta?
Người ta cứ thi nhau share, cười cợt, châm biếm ra vẻ hài hước, mà chẳng ai mảy may nghĩ rằng việc ấy sẽ giết chết một cô gái mới 23 tuổi. Gần như tất cả page lớn đều tỏ thái độ châm biếm, tất cả những người bạn của tôi đều share, kể cả những thầy giáo - những người muốn tỏ ra là mình thân thiện với giới trẻ và bắt kịp thời đại - cũng thi nhau share kèm dăm ba câu bình luận khinh thường.


Đọc thêm:

Ai sẽ bảo vệ Trâm Anh? Những page bảo vệ quyền con người đâu? À, họ đang bận bảo vệ một cô bé con miền sâu miền xa, bận chăm sóc một đứa trẻ mồ côi ăn xin nào đó, một kẻ nghèo đói, rách rưới nào đó. Thật công bằng!
Đừng hiểu nhầm ý tôi. Tất nhiên những người đó cần được bảo vệ. Nhưng vấn đề là đa phần chúng ta chỉ nhìn thấy người bị hại với những thứ kèm theo sự nghèo đói và túng quẫn. Thế còn thứ áp lực đen của mạng xã hội này thì sao? Ai sẽ bảo vệ chúng ta khỏi nó?
Đau khổ ở thế gian này đều được chia đều, ai bảo kẻ giàu thì sướng còn kẻ nghèo thì khổ? Ta cần nhìn rộng hơn, mở lòng mình ra, và thấy một điều hiển nhiên rằng: Trâm Anh đang bị cả cộng đồng chúng ta bắt nạt.
Các cậu cho rằng Trâm Anh phải chịu trách nhiệm cho sự khủng hoảng này sao? Không có lửa làm sao có khói, hoặc là không quay lại làm sao bị phát tán lên?
Bọn ấu trĩ!
2019 rồi, vẫn rất nhiều người lập luận kiểu: (một phần) vì nó ăn mặc hở hang nên nó mới bị hiếp. Những kẻ nêu ra lập luận ấy là những kẻ áp đặt, thiếu cái nhìn bình đẳng và tôi cũng chẳng cần nói tại sao ở đây làm gì.
Trâm Anh có chủ đích phát tán chúng ra không. Tôi nghĩ là không đâu. Vậy ai làm, ai phát tán, ai lan truyền. Các cậu đừng quan tâm người đầu tiên lan truyền nó ra làm gì. Mà phải nhìn lại chính cộng đồng chúng ta đi.
Phát tán sản phẩm nhạy cảm của người khác thì 15 năm tù à. Luật vớ vẩn! Các ông cùng lắm có thể tống giam mấy thằng phát tán đầu tiên nhưng tôi đố các ông cho cả cộng đồng vào gông cùm đấy. Dù nó đáng bị thế thật đấy.
Chúng ta chẳng phải chịu trách nhiệm với bố con thằng nào. Chúng ta núp sau cái bóng của số lượng. Chẳng việc gì phải tỏ ra đạo đức và tốt bụng làm gì. Vì ai cũng khốn nạn hết mà. Khi tất cả đều khốn nạn hết, thì ai cũng tốt bụng cả thôi. Chúng ta chẳng việc gì phải đặt mình vào vị trí con bé đấy. Chúng ta chẳng nợ Trâm Anh điều gì, và đấy là chúng ta nghĩ thế thôi!
Nhỉ?

Đám đông luôn nguy hiểm, vì đôi khi đám đông là công lý. Công lý số đông mà.
Đám đông luôn nguy hiểm, vì nó rất khó hoặc gần như không thể thay đổi bản chất, dù rất dễ dắt mũi.
Đám đông luôn nguy hiểm, vì nó luôn tồn tại.
Nói tóm lại, tôi có ghét đám đông không? À có, ghét, ghét chứ. Nhưng tôi đau lòng nhận ra tôi không đủ dũng cảm tách ra và sẽ luôn là một phần của nó!