3h40’ rạng sáng ngày 31/8/1888, tại phố Buck’s Row thuộc Whitechapel, thành phố London, Anh Quốc, một thi thể nữ đã được tìm thấy. Cổ họng của cô gái xấu số đứt lìa bởi 2 vết cắt sâu, một trong số đó xẻ qua các lớp mô xuống tận đốt sống. Bộ phận sinh dục của nạn nhân bị đâm 2 lần, bụng dưới bị đâm thủng. Có thêm một vài vết rạch khác nữa ở 2 bên bụng, cũng do cùng một hung khí gây nên, và đều là hệ quả của những nhát đâm dứt khoát từ trên xuống. 
Vụ án mạng dã man này trở thành một sự kiện gây chấn động tới toàn Anh Quốc. Nhưng kinh khủng hơn, là số lượng nạn nhân không dừng lại ở một. Trong suốt những năm từ 1888 tới 1891, liên tiếp những vụ giết người dã man như vậy xảy ra. Và hung thủ chưa bao giờ bị tóm. Kẻ sát nhân hàng loạt ấy là cái tên mà sẽ trở thành một biểu tượng trong văn hóa đại chúng tới ngày nay. Hắn tự xưng mình là “Jack the Ripper”. 
Tại sao một kẻ sát nhân ra tay tàn ác và dã man như thế lại có thể để lại ảnh hưởng lớn tới đại chúng đến vậy?
Bối cảnh xã hội
Thế kỷ 19 là thời điểm mà làn sóng nhập cư vào Anh Quốc tăng đáng kể. Chủ yếu bởi dòng người di cư từ Ireland vào, và những người tị nạn Do Thái chạy trốn những cuộc tàn sát diễn ra ở Sa quốc Nga và Đông Âu. Tới năm 1888 thì số lượng dân cư tại Whitechapel đã tăng lên tới 80.000 người, khiến cho điều kiện nhà ở và môi trường làm việc trở nên cực kì tồi tệ. Một nửa số trẻ em sinh ra tại khu East End đều không sống được quá 5 tuổi. Tệ nạn xảy ra ở khắp nơi. Cướp giật, bạo lực xảy ra như cơm bữa, nghèo đói tràn lan, đẩy những người phụ nữ tại đây vào con đường mại dâm để kiếm cơm bỏ bụng cho qua ngày. Thông kê vào tháng 10/1888, riêng khu Whitechapel đã có 62 nhà thổ cùng 1.200 gái mại dâm. 
Với tình trạng an ninh đáng báo động, biểu tình liên tục diễn ra suốt từ năm 1886 tới 1889, trong đó có rất nhiều vụ việc khiến cảnh sát phải can thiệp. Những vụ việc này khiến dân chúng lo ngại tột độ về những tiêu cực xảy ra trong xã hội. Chủ nghĩa bài trừ Do Thái cực đoan, sự hoành hành của giới tội phạm, phân biệt chủng tộc, thiếu thốn vật chất nghiêm trọng, tất cả các yếu tố này gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của công chúng đối với khu vực này. Whitechapel biến thành hang ổ của các hoạt động bất chính. Định kiến càng được củng cố vào mùa thu của năm 1888, khi mà các phương tiện truyền thông bắt đầu đưa tin về hàng loạt những vụ sát hại dã man. Hình mẫu nhân vật sát nhân “Jack the Ripper” bắt đầu được tạo dựng và bị quy trách nhiệm cho tất cả những vụ việc xảy ra tại nơi đây. 
Cơn ác mộng kéo dài
Sở cảnh sát thủ đô London công khai ghi nhận tổng 11 vụ án mạng riêng biệt, kéo dài từ 3/4/1888 tới 13/2/1891. Tất cả được ghi chung vào một danh sách mang tên “Những vụ án Whitechapel”. Tới nay vẫn có rất nhiều nghi vấn, không rõ bao nhiêu trong số tất cả các vụ án đó là tác phẩm của “Jack the Ripper”. Đại chúng ngày nay vẫn cho rằng 5 là con số chính xác. Họ gọi đó là “5 vụ án kinh điển”. Những vụ này có những đặc điểm nổi bật trong phương thức gây án của “Jack the Ripper”, như là cổ họng bị cứa sâu, tùng xẻo diện rộng phần bụng và bộ phận sinh dục, cắt bỏ các cơ quan nội tạng và rạch nát khuôn mặt của nạn nhân. 
Các nạn nhân của Jack the Ripper trong 5 vụ án kinh điển bao gồm Mary Ann Nichols, Annie Chapman, Elizabeth Stride, Catherine Eddowes, và Mary Jane Kelly. 
Nạn nhân xấu số được tôi đề cập phần mở đầu Video là Mary Ann Nichols. Trước khi bị sát hại, cô gái được nhìn thấy lần cuối khi đang đi bộ dọc theo phố Whitechapel. Người nhìn thấy cô là bà Emily Holland, người chung giường với nạn nhân ở một khu nhà trọ tập thể.
Sau vụ việc trên, một tuần sau, 8/9/1888, thi thể của Annie Chapman được phát hiện gần bậc thềm sân sau của căn nhà số 29 thuộc phố Hanbury. Cũng như nạn nhân trước đó, vẫn là 2 vết cắt sâu làm đứt lìa cổ họng. Kèm theo đó là bụng bị mở ra, một phần nội tạng bị vắt lên vai trái, một phần khác bị vắt lên vai phải. Theo kết quả khám nghiệm tử thi, tử cung, âm đạo và các phần bàng quang đều bị cắt bỏ. Theo điều tra, nhân chứng kể lại mình đã nhìn thấy nạn nhân đứng song hành cùng một quý ông với mái tóc đen cùng chiếc mũ mai màu nâu, kèm theo đó là chiếc áo khoác sẫm màu. Dựa trên những lời khai này, tạo hình mà cả thế giới hình dung về Jack the Ripper đã được ra đời. 
2 nạn nhân tiếp theo, Elizabeth Stride và Catherine Eddowes được phát hiện gần như cùng thời điển, vào khoảng 1-2h sáng ngày 30/09/1888. 
Đối với Stride, nguyên nhân tử vong đến từ một nhát rạch dứt khoát, cắt đứt động mạch cảnh trái và khí quản, kết thúc tại hàm phải của nạn nhân. Tuy vậy, không có thêm bất cứ một chấn thương nào khác được phát hiện. Điều này khiến người ta nghi hoặc không rõ ràng đây có phải một tác phẩm do Jack the Ripper thực hiện hay không, hoặc y chỉ đơn thuần là bị gián đoạn khi đang thực hiện hành vi tàn ác. Một số nhân chứng đã báo với cảnh sát rằng Stride có đi cùng một nam giới vào tối ngày 29/9 và rạng sáng ngày 30/9. Nhưng ngoại hình của nghi phạm không được làm rõ bởi đã có rất nhiều mâu thuẫn được chỉ ra trong lời khai của các nhân chứng. 
45 phút sau khi thi thể của Elizabeth được phát hiện. Người dân tìm thấy thi thể của Eddowes tại quảng trường Mitre, London. Vẫn là một nhát chí tử cắt đứt cổ họng, phần bụng mở toang và nội tạng thì vắt trên bờ vai. Thận trái và một phần tử cung cũng bị lấy đi. Khuôn mặt biến dạng do bị xẻo mũi và rạch 2 bên má, với mỗi bên, hung thủ còn khắc thêm một hình tam giác với phần đỉnh hướng về phía mắt. Theo như ý kiến của bác sĩ pháp y phụ trách công việc khám nghiệm tử thi cho Eddowes, “những nhát cắt kể trên phải mất ít nhất năm phút để hoàn thành”. Mảnh tạp dề dính máu của Eddowes đã được tìm thấy ở lối vào của một khu chung cư nằm trên phố Goulston lúc 2h55’ sáng. Ở bức tường phía trên có dòng chữ “người Do Thái không phải những kẻ nằm ngoài vòng buộc tội”. Không rõ lời nhắn này có chủ ý hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những dòng chữ tương tự cũng được tìm thấy khắp nơi tại Whitechapel. Uỷ viên cảnh sát lo sợ chúng nó thể sẽ là ngòi nổ cho các cuộc bạo động bài trừ Do Thái nên đã ra lệnh tẩy sạch toàn bộ dòng thông điệp trước bình minh. Còn 2 vụ sát hại được người dân gọi là “sự kiện kép”. 
Ngày 9/11/1888, thi thể của Mary Jane Kelly được phát hiện là đang nằm trên giường tại phòng số 13, Miller’s Court. Tình trạng của Kelly được mô tả là được tìm thấy với khuôn mặt ở trong trạng thái “như một đống bầy nhầy có răng“. Cổ họng bị rạch, nội tạng thì bị lấy ra ngoài. Tử cung và thận lần này được đặt trên đầu nạn nhân, các phủ tạng thì bị đặt cạnh chân và xung quanh giường. Trái tim của nạn nhân cũng không được tìm thấy ở hiện trường. 
Bên trên chỉ là 5 trong số rất nhiều các vụ án dã man đã được phát hiện, xảy ra trong giai đoạn từ 1988 tới 1891. Các vụ án này thường xảy ra vào ban đêm. Cách thức thi hành gần như tương đồng, nên niềm tin về giả thuyết tất cả vụ án đều bắt nguồn từ một hung thủ bắt đầu được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn những giả thuyết khác, cho rằng Jack the Ripper chỉ là hung thủ của một vài vụ án, những vụ khác là do các cá nhân độc lập thực hiện với sự ảnh hưởng của các vụ hạ sát trước đó. 
Cuộc điều tra và những kẻ tình nghi
Phần lớn hồ sơ liên quan tới những vụ án mạng tại Whitechapel của sở cảnh sát thủ đô London đã bị phát hủy trong cuộc oanh kích năm 1940-1941, khi mà không quân phát xít Đức oanh tạc Anh Quốc trong 57 ngày liên tiếp. Những hồ sơ còn sót lại tới ngày nay chỉ cung cấp góc nhìn chi tiết về quá trình điều tra thời Victoria, tức là từ năm 1901 trở về trước. Theo đó cho biết đã có 2000 người được thẩm vấn, trên 300 người bị điều tra và 80 nghi phạm bị giam giữ. Kể từ sau cái chết của Stride và Eddowes, nhận thấy tính nghiêm trọng của vụ việc, Sir James Fraser, cảnh sát trưởng Sở Cảnh Sát thủ đô London khi đó quyết định trao thưởng số tiền rất lớn lên tới 500 bảng cho ai bắt được kẻ sát nhân Jack The Ripper khét tiếng, tương đương gần 1 tỷ 650 triệu VNĐ hiện nay. 
Những vụ án mạng thường tập trung vào cuối tuần và ngày lễ, khoảng cách giữa các vụ việc tương đối ngắn khiến nhiều người cho rằng “Jack the Ripper” là người có công ăn việc làm và đang sinh sống tại địa phương. Một số khác nghĩ hung thủ là một quý ông thượng lưu, có học thức, có thể là một bác sĩ hoặc một nhà quý tộc. Những nhận định này thường bắt nguồn từ sự sợ hãi vào y học, không tin tưởng vào khoa học hiện đại của bộ phận lớn những người dân vẫn có quan niệm cổ hủ cố hữu. 
Vì đặc điểm chung của các nạn nhân là thường bị mổ bụng và cắt bỏ nội tạng, nên những người bị đưa vào diện tình nghi là những người làm hàng thịt, thợ giết mổ, các bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ y khoa. Theo các ghi chú còn sót lại, những người hàng thịt và hành nghề giết mổ thuộc diện tình nghi đều có chứng cứ ngoại phạm nên đều được loại hết ra khỏi cuộc điều tra. Bác cáo được gửi tới Bộ Nội vụ xác nhận rằng cảnh sát đã khám xét 76 người thợ giết mổ. Cuộc điều tra còn bao gồm các công nhân của những người hành nghề liên quan đến giết mổ trong 6 tháng trước đó. Cũng đã có những nghi vấn rằng thủ phạm là người hàng thịt hoặc chăn thả gia súc trên những chiếc thuyền chuyên vận chuyển gia súc ra vào liên tục giữa London và các lục địa khác thuộc châu Âu. Whitechapel gần với bến tàu London, các con thuyền thường cập bến vào thứ 5 hoặc thứ 6, rồi khởi hành vào thứ 7 hoặc Chủ Nhật. Các thuyền gia súc luôn được kiểm tra, nhưng những ngày xảy ra án mạng lại không phù hợp với hoạt động của một chiếc thuyền đơn lẻ nào cả, khả năng thuyền viên có thể là hung thủ cũng đã bị loại trừ. Cuộc điều tra gần như bị đi vào bế tắc. 
Những bức thư trêu tức của thủ phạm
Trong thời điểm các vụ án mạng liên tục diễn ra, cảnh sát, cánh báo chí và một vài cá nhân có thế lực đã nhận được hàng trăm lá thư liên quan đến vụ việc. Có những lá thư mang chủ đích tốt về cách truy bắt hung thủ, cung cấp thông tin,... Nhưng phần lớn cũng chỉ là những trò lừa bịp, hoặc là những đầu mối vô dụng. Tuy nhiên trong số đó, có hàng trăm lá thư được cho là do chính hung thủ viết. Nổi bật nhất có 3 bức thư, lần lượt có tên là “Dear Boss”, “Saucy Jacky”, và “From Hell”. Tạm dịch lần lượt là “Thưa sếp”, Jacky xấc xược”, và “Từ địa ngục”. 
Lá thư “Dear Boss” đề ngày 25/9 và đóng dấu bưu điện vào ngày 27/9, được chuyển tới Sở cảnh sát Thủ Đô Scotland Yard 2 ngày sau đó. Bức thư có nội dung báo trước là “sẽ cắt bỏ tai của quý cô”. 3 ngày sau, thi thể của Eddowes bị phát hiện với một phần tai bị cắt ra khỏi cơ thể. Không rõ có phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, nhưng chắc chắn cảnh sát đã phải nhìn nhận nghiêm túc những bức thư từ lúc này, những bức thư được ký tên “Jack the Ripper”. Sau này, bức thư đã được xuất bản công khai và cái tên Jack Đồ Tể bắt đầu được công chúng biết tới và nổi tiếng cho tới tận ngày nay. 
Mặt trước của tờ bưu thiếp "Saucy Jacky"
Mặt trước của tờ bưu thiếp "Saucy Jacky"
Hầu hết những bức thư sau đó đều là dạng sao chép của bức thư đầu tiên. Đa phần các chuyên gia đều tin trong số đó có rất nhiều các bức thư giả lồng vào hồ sơ của cảnh sát tại thế kỷ 20. Cơ quan Thông tấn Trung Ương tiếp nhận tờ bưu thiếp “Jacky Xác Xược” vào ngày 1/10/1888 và đóng dấu bưu điện ngay hôm đó. Bưu thiếp này được viết tay tương tự bức thư đầu tiên và có đề cập tới vụ án kép xảy ra vào ngày 30/9. Có khả năng rất cao rằng tấm bưu thiếp đã được gửi đi từ trước khi vụ giết người được công khai. Một kẻ giả mạo không thể nắm rõ về thông tin vụ án đến vậy để viết về nó trong tấm bưu thiếp từ trước các khi các thông tin này được cánh nhà báo công khai trên các phương tiện truyền thông. Ngay lập tức, nội dung trong bức thư đã rúng động cư dân vùng Whitechapel. 
Mặt sau của tờ bưu thiếp "Saucy Jacky"
Mặt sau của tờ bưu thiếp "Saucy Jacky"
Ngày 16/10/1888, bức thư “From Hell” đã được gửi tới lãnh đạo của Ủy ban Cảnh Giác Whitechapel, kèm theo lá thư là một chiếc hộp nhỏ. Chữ viết tay và văn phong không giống với 2 lá thư đầu tiên. Nhưng trong chiếc hộp nhỏ đó chứa nửa quả thận tẩm etanol. Nửa quả thận đó được xác nhận thuộc về Eddowes, nạn nhân của vụ án trước đó. Trong bức thư, “Jack the Ripper” cho rằng mình đã “rán và ăn” nửa quả thận còn lại. 
Lá thư "From Hell"
Lá thư "From Hell"
Scotland Yard xuất bản các bản sao của bức thư “Dear Boss” và tấm bưu thiếp “Saucy Jacky” vào ngày 3/10 với hy vọng rằng có thể tìm ra được ai đó nhận ra chữ viết tay trong những lá thư. Nhưng tất nhiên, chẳng thu lại được điều gì có thể giúp tìm ra hung thủ cả.  
Phản ứng của truyền thông
Sự kém cỏi của lực lượng cảnh sát gây ra một làn sóng phẫn nộ lớn trong dân chúng. Điều này thể hiện rất rõ thông qua vô số những bài báo bày tỏ sự lo ngại về sự an toàn của dân chúng thuộc khu Whitechapel nói riêng và toàn London nói chung. Thậm chí, họa sĩ John Tenniel của tạp chí Punch đã vẽ hẳn một bức tranh biếm họa tên là “Blind man’s Buff”, thể hiện hình ảnh một viên cảnh sát bị bịt mắt đang cố bắt lấy những kẻ sát nhân xung quanh trong sự cười cợt của dân chúng. 
Trong hoàn cảnh thủ phạm vẫn đang nhởn nhơ ngoài thành phố và có thể ra tay bất cứ khi nào, tháng 9/1888, một nhóm công dân tình nguyện đã thành lập Ủy Ban cảnh giác Whitechapel. Họ tuần tra trên đường phố nhằm tìm kiếm những người khả nghi, một phần khác vì họ bất mãn với việc cảnh sát không thể bắt được hung thủ. Những cuộc hạ sát dã màn ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp trong khu vực, những hành động đề phòng có hiệu lực ngay lập tức là điều cần thiết. Ủy ban này cũng kiến nghị lên chính phủ về việc tăng thưởng cho những nỗ lực nhằm phát triển việc điều tra, như là tặng riêng 50 bảng cho bất cứ ai tìm ra thông tin hữu ích. Đồng thời kiến nghị thuê thêm thám tử tư để thẩm vấn các nhân chứng một cách độc lập. Bất chấp những nỗ lực này, danh tính của hung thủ vẫn là một dấu hỏi to đùng cho tới tận hiện tại.
Những vụ án do “Jack the Ripper” gây ra đánh dấu bước ngoặt vô cùng lớn đối với cánh nhà báo. Jack Đồ Tể không phải là kẻ giết người hàng loạt đầu tiên trong lịch sử, nhưng hắn là kẻ đầu tiên khiến truyền thông toàn thế giới có một pha rúng động. Dân chúng lúc đó có khả năng tiếp cận với những tờ báo giá rẻ, chỉ với nửa xu, và nhờ vào đạo luật cải cách giáo dục năm 1880 cũng đã giúp cho hầu hết những người thuộc tầng lớp lao động Anh và xứ Wales đã biết chữ. Cả những tờ báo uy tín nhất như “The Illustrated Police News” lẫn những tờ báo nhỏ và lá cải cũng đưa tin về Jack Đồ Tể. Bởi vậy mà danh tiếng của “Jack the Ripper” cùng với những tội ác hắn gây ra được lan rộng tới toàn đất nước
Trong những bài báo về các vụ án, đa phần là có tính chất giật gân và phỏng đoán, các thông tin sai lệch được in ra và lan truyền rộng rãi. Mà dân chúng thời đó chưa hề có khái niệm “tin chuẩn chưa anh”. Từ đó mà câu chuyện về Jack the Ripper đã được tam sao thất bản với vô số những phần hư cấu đã được dựng lên, khiến một kẻ giết người tàn bạo không ghê tay dần trở thành một biểu tượng nổi tiếng có ảnh hưởng tới nền văn hóa đại chúng, thậm chí cho tới tận ngày nay. 
Di sản và ảnh hưởng tới đại chúng
Những vụ án ở Whitechapel thu hút công chúng chú ý tới sự xuống cấp nghiêm trọng trong điều kiện sinh sống tồi tàn ở khu East End, dư luận dậy sóng khiến chính phủ phải giải quyết tình trạng ngay lập tức. Trong vòng 2 thập kỷ kể từ những vụ án mạng do “Jack the Ripper” xảy ra, nhiều khu ổ chuột đã bị dọn sạch và phá bỏ. 
Huyền thoại về Jack Đồ Tể vẫn được kể lại và quảng bá trong rất nhiều các tour tham quan có hướng dẫn viên tới các địa điểm đã từng xảy ra vụ án. Danh tiếng kẻ sát nhân chưa từng bị tóm gọn lại càng vang xa. Tới cả những câu chuyện mà bố mẹ thường kể hàng đêm cho những đứa trẻ để chúng nghe lời và không trốn ra ngoài đi chơi. Hình mẫu của “Jack the Ripper” được phủ lên màu sắc ma mị và kỳ bí. Trong thập niên 20-30 của thế kỷ trước, Jack được miêu tả trong phim ảnh như là người đàn ông mặc thường phục, chuyên săn tìm những cô gái trẻ thiếu cảnh giác. Đến thập niên 60, Jack the Ripper trở thành “biểu tượng của tầng lớp quý tộc man rợ”, ăn mặc như một quý ông lịch thiệp với mũ chóp và bộ vest bảnh bao, nhưng ẩn sâu trong đó là một con quỷ có sở thích tàn ác. Khi ấy, giới uy quyền và Jack the Ripper thường được đi đôi với nhau để làm nổi bật thông điệp phân biệt giai cấp và sự bóc lột của giới thượng lưu với tầng lớp thấp hơn. Hình ảnh của Jack the Ripper khi này thường được kết hợp và vay mượn từ những biểu tượng kinh dị nổi tiếng như áo choàng của bá tước Dracula xứ Transylvania, hay là Victor Frankenstein chuyên mổ bụng lấy nội tạng. Thậm chí, còn có cả một bảo tàng riêng về sát nhân Jack Đồ Tể.
Jack the Ripper đã là niềm cảm hứng cho hàng trăm các tác phẩm khác nhau, hầu hết các sản phẩm này đều nằm ở ranh giới giữa thực tế và hư cấu. Chỉ tính riêng tới các tác phẩm phi hư cấu viết về các án mạng do Jack the Ripper gây nên cũng đã có hơn 100 tác phẩm, khiến hắn trở thành kẻ sát nhân có thật được khai thác nhiều nhất. Thậm chí, đã có hẳn một thuật ngữ mô tả việc nghiên cứu của các chuyên gia về hiện tượng Jack the Ripper, gọi là “Ripperology”, do Colin Wilson tạo ra vào những năm 1970. Những bộ phim hay nhất về Jack Đồ Tể có thể kể tới như TV Series “Ripper Street”, “Whitechapel”. Các bộ phim chiếu rạp như “Jack the Ripper” năm 1988, “The Lodger: A story of the London Fog” năm 1927, “Murder by Decree” năm 1979.
Riêng về các trò chơi điện tử, những tựa Game hay nhất về kẻ sát nhân hàng loạt nổi bật nhất có “Sherlock Holmes versus Jack the Ripper”. Game này khá hay, tôi rất khuyến khích bạn chơi thử. Các nhân vật Game lấy hình mẫu của Jack the Ripper cũng xuất hiện khá nhiều, tiêu biểu trong đó có “The Ripper” của Identity V, “Jack the Ripper” của Fate/Grand Order, … 
Jack the Ripper của Fate/Grand Order
Jack the Ripper của Fate/Grand Order
Jack the Ripper, sát nhân vùng Whitechapel là một trong những kẻ sát nhân tàn ác nhất từng tồn tại trong lịch sử. Mặc dù những vụ sát hại của hắn bằng một cách nào đó lại trở nên có ích khi khiến chính phủ Anh Quốc phải thực sự quan tâm tới đời sống của người dân Whitechapel, nhưng vẫn là một nghịch lý khi một gã giết người hàng loạt lại trở thành huyền thoại bất tử và sống mãi với thời gian. Nó là hệ quả của một nền truyền thông báo chí bất chấp những vụ hạ sát, những sinh mạng ra đi một cách oan uổng để câu kéo và thu lợi từ sự sửng sốt của xã hội. Tình trạng này cho tới nay vẫn chưa được giải quyết, ngay cả ở Việt Nam, những vụ giết người, ra tay tàn độc vẫn được người ta quan tâm và chú ý hơn hẳn những thông tin khác. Còn tôi, cũng như cảnh sát của Anh Quốc lúc đó, vẫn đang bị che mắt và chưa thể tìm ra được hướng đi đúng đắn để giải quyết triệt để vấn đề này. Nhưng dù sao, tôi cũng chỉ hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ được chứng kiến sự khai sinh của một Jack the Ripper tiếp theo.