Lập kế hoạch, thiết lập mục tiêu hiệu quả cho năm mới không còn là một chủ đề quá xa lạ. Nhưng trong podcast Người Trong Muôn Nghề, host Isa và khách mời là anh BeP sẽ mang tới cho khán thính giả một góc nhìn mới lạ về chủ đề này.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta nên bắt đầu từ câu chuyện hiểu mình, thay đổi bản thân từ những thói quen hàng ngày.”
Hãy cùng Human Of Spiderum khám phá cuộc trò chuyện đầy thú vị này để tìm hiểu phương pháp hoàn thành mục tiêu đề ra một cách hiệu quả, thấu hiểu được sự cân bằng mà mỗi người có thể đạt được trong cuộc sống. Từ những chia sẻ gần gũi của chị Isa và anh BeP, mong rằng các độc giả, khán thính giả của Spiderum có một năm 2022 hoàn thành được những kế hoạch mà bản thân đã đề ra.
Isa: Ngày trước em có học Quản trị kinh doanh có một môn học về phát triển bản thân và phát triển nghề nghiệp. Bài tập cuối khóa của bọn em là lên một cái kế hoạch vô cùng chi tiết, đặt ra những mục tiêu cho cá nhân và sự nghiệp. Em mất kha khá thời gian để hoàn thành bảng kế hoạch này bao gồm rất nhiều đầu mục và các bước thực hiện khác nhau. Theo anh, lập kế hoạch cần mức độ chi tiết như thế nào để mỗi người có đủ khả năng đạt được mục tiêu mà mình để ra?
Anh BeP: Nhiều khi mình ngồi lên kế hoạch, tạo dựng kế hoạch rất là chi tiết như vậy nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, mọi thứ lại trượt đi bởi những thói quen, công việc mà cần sự tập trung lớn. Và thế là mình lại quên bẵng đi cái kế hoạch mà mình mất công lập ra. Mà điều này không chỉ xảy ra một vài lần mà đôi khi là rất nhiều lần. Anh nghĩ rằng mọi người cần phải tiếp cận với mục tiêu đề ra khác đi một chút. Bản thân anh thì việc đặt mục tiêu hay lập kế hoạch anh thường điều chỉnh nó thành những khoản đầu tư. Mình phải đầu tư thời gian, tâm sức, có sự hy sinh. 
Lấy ví dụ như em mong muốn có một thể hình đẹp hơn. Mình phải đầu tư thời gian để tập luyện. Mình phải vạch ra những kế hoạch rõ ràng như tuần này mình tập vào những buổi nào? Luyện những bài tập nào? Tập luyện với cường độ ra sao? Khi mình đã có địch đến là một thể hình đẹp, mình chia nhỏ được ra các kế hoạch như trên, từng bước nối tiếp nhau, mình sẽ đến đích. Và sự hy sinh ở đây sẽ là em không còn được ăn uống thoải mái như trước, khi mình đi tập mình sẽ không có thời gian đi chơi.
Isa: Vẫn về việc chi tiết hóa mục tiêu, nhiều khi chi tiết hóa quá mức khiến mọi người dễ nản và mất động lực. Anh đã bao giờ rơi vào trạng thái đó bao giờ chưa?
Anh BeP: Tất nhiên là có chứ. Làm sao mình có thể tránh khỏi sự chán nản và mất động lực. Có một điều rất hay mà anh đọc được đó chính là mình nên thay đổi thói quen hàng ngày của mình. Những thói quen hàng ngày như buổi sáng thức dậy đánh răng, mặc quần áo… nó như là “luật bất thành văn” cho dù khỏe mạnh hay ốm đau thì em vẫn sẽ thực hiện nó trong một ngày. Những thói quen này chiếm rất nhiều thời gian trong cuộc đời của một con người. Theo anh, chúng ta nên thay đổi những thói quen này, bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất.
Khi đó, em sẽ bắt đầu cân chỉnh từng thói quen của em trong cuộc sống hàng ngày, sử dụng thời gian trong một ngày sao cho hiệu quả nhất. Em lặp đi lặp lại những điều đó khiến nó trở thành bản năng. Đó là điều anh nghĩ mọi người hãy cùng suy ngẫm. Mình mất rất nhiều thời gian để lặp đi lặp lại các thói quen hàng ngày, liệu mình đã làm những hoạt động đó hiệu quả chưa? Mình có cần thay đổi gì không? Khán thính giả của podcast Người Trong Muôn Nghề cũng là những bạn rất trẻ. Đôi khi chúng ta đều sẽ phải trải qua những giai đoạn, những thói quen có vẻ là xấu chúng ta mới hiểu được vấn đề nằm ở đâu từ đó mà mỗi người sẽ có thể tự cân chỉnh sao cho phù hợp.
Hãy thử suy nghĩ một chút về những điều trên. Những thứ nhỏ mình còn không thay đổi được thì những thứ lớn mình có thay đổi được không. Đầu tư vào mục tiêu là chính xác. Nhưng chia mục tiêu thành những thói quen. 
Isa: Một ngày chỉ có 24h những mỗi người lại có rất nhiều dự định khác nhau. Từ đó sẽ dẫn tới vấn đề làm sao để cân bằng những thứ này. Đây cũng mà thắc mắc của một bạn khán thính giả gửi tới Người Trong Muôn Nghề Confessions: “Em vừa muốn làm tốt công việc, vừa học thêm ngoại ngữ hay kỹ năng mới. Dù vậy, các ngày trong tuần công việc đều chiếm rất nhiều thời gian của em, cộng với thời gian sinh hoạt. Đến khi ngồi vào bàn học em cảm thấy gần như mất hết năng lượng. Em lo lắng rằng không biết làm cách nào để có thể cân đối thời gian giữa công việc, học tập, gia đình và bạn bè hiệu quả hơn ạ.”
Anh BeP: Tìm được điểm cân bằng ở trong cuộc sống rất khó. Như anh đã chia sẻ ở phần trước, bất cứ thứ gì chúng ta lựa chọn đều gắn với sự hy sinh. Em chọn công việc, em sẽ mất đi thời gian dành cho bạn bè, sở thích cá nhân… Em chọn chơi, em sẽ mất đi thời gian học đi những thứ mới, mất đi thời gian xây dựng mối quan hệ…
Điểm cân bằng thực sự là điều vô cùng khó tìm và phải những người quyết tâm lắm, họ hiểu được mình phải hy sinh thời gian, đánh đổi những thứ gì thì mới có thể làm được. Không ai có thể đạt tới mức có được tất cả mọi thứ đều tốt được. Mình phải có bù trừ, phải có những thứ lùi xuống để đẩy những thứ khác cần thiết đi lên.
Như bản thân anh, khi anh làm công việc ở tập đoàn, anh rất bận, anh phải hy sinh rất là nhiều thời gian. Ngày trước, khi anh làm freelance, mở quán cafe thì anh có rất nhiều thời gian cho bạn bè, cho việc viết lách hay những dự án cá nhân. Nhưng cuộc sống khi anh làm việc tại tập đoàn thì anh hoàn toàn bị cuốn vào guồng quay của công việc, của những bản báo cáo,… và gần như anh không còn thời gian cho việc gì khác. Về sau, mọi người hỏi anh rằng anh có tiếc những năm tháng mà đã bỏ quá nhiều thời gian cho công việc như thế không thì anh trả lời rằng anh không tiếc. Anh kiếm được thêm thu nhập tốt, anh được làm việc với những cá nhân rất giỏi, được làm quen với môi trường có trên dưới, có kỷ luật… 
Từ câu chuyện trên, anh muốn gửi tới bạn đã đặt câu hỏi ở Người Trong Muôn Nghề Confessions rằng mình không thể muốn tất cả, phải hy sinh thời gian. Nếu em muốn học tốt, em sẽ phải đầu tư rất nhiều thời gian vào việc học, em phải lên kế hoạch học tập nghiêm túc. Nếu em muốn đi làm, em cần những gì để hoàn thiện công việc này, em còn thiếu kỹ năng nào cần phải trau dồi để trở thành một nhân viên tốt. Khi còn quá trẻ tìm đến cân bằng thực sự là rất khó.
Nhìn chung, câu chuyện cuối cùng mà mỗi người chúng ta cần rút ra đó là hiểu bản thân mình. Em có điểm mạnh gì, điểm yếu gì. Theo quan điểm của anh, sẽ đến một độ tuổi mà mình thực sự cần hiểu bản thân, mình có thói quen gì, thói quen nào là xấu, thói quen nào là tốt và mình sử dụng thời gian trong ngày của mình như thế nào. Dành thời gian để nhìn sâu vào bản thân là một khám phá tuyệt vời. Chúng ta cứ đi tìm những câu trả lời ở phía ngoài nhưng nhìn vào bên trong mình mới có thể tìm được thứ gì làm cho mình hạnh phúc, mình làm cái gì giỏi nhất, mình còn thiếu những gì… Khi em hiểu được bản thân em và gắn nó với việc quản lý thời gian, nó sẽ cộng hưởng và tạo ra kết quả rất lớn.
Isa: Ở trên là một bạn trẻ đặt câu hỏi xung quanh những vấn đề về học tập và làm việc. Em nghĩ rằng khi đã có gia đình thì việc cân bằng này thậm chí sẽ còn khó hơn nữa. Không biết anh có chia sẻ gì về câu chuyện cân bằng giữa gia đình và công việc hay không?
Anh BeP: Mọi người thường hay nói rằng “Gia đình là ưu tiên số 1”. Nhưng anh lại nghĩ rằng trong giai đoạn từ 20 - 25 tuổi, công việc lúc này lại là ưu tiên số 1. Khi có có gia đình, thế giới quan của em sẽ dần thay đổi, em sẽ vướng bận rất nhiều thứ. Ngay cả khi em chỉ mới có người yêu thôi, em cũng đã phải suy nghĩ tới những việc như sau khi đi làm xong, làm thế nào để có thể đi ăn với người yêu mình, sắp xếp công việc ra sao để có thể đi chuyến du lịch này cùng với người yêu… Có một điều em sẽ nhận ra rằng sự phát triển trong mối quan hệ đi kèm với sự phát triển ở trong bản thân em. Khi em có gia đình, có người yêu, đây sẽ là động lực để mình tiến lên.
Hãy biết cân đối, yêu có phải thứ chính bây giờ không hay thời điểm này là dành cho công việc. Vẫn sẽ có sự đánh đổi khi em ở trong một mối quan hệ. Nhưng đến một lúc nào đó, em sẽ có sự khéo léo trong việc điều chỉnh, thương lượng để đi đến kết quả tốt nhất. Nếu may mắn, em sẽ gặp được một người hiểu mình, thông cảm cho những khó khăn mà em phải đối mặt. Những cái rắc rối trong một mối quan hệ có lẽ xuất phát từ vấn đề mình không bao giờ dám trao đổi một cách rõ ràng. Mình phải có sự khéo léo, mềm mỏng để chạm tới cái mục tiêu mà mình đặt ra.
Chung quy lại để tìm ra điểm cân bằng giữa công việc và gia đình, mình phải có sự trao đổi, đặt ra những câu hỏi để hiểu bản thân mình, kiểm soát thời gian cá nhân, cái nào nên và không nên trong từng thời điểm nhất định. Nhưng anh vẫn mong mọi người hay đặt gia đình lên trên một chút. Có vẻ thời gian của bản thân dành cho gia đình sẽ rất là nhiều nhưng sự thật thì không nhiều đến thế. Phải có sự dũng cảm, tiếp tục, từ bỏ hay thêm hoặc bớt để có thể thực sự trọn vẹn.
Isa: Cuối cùng, để khép lại buổi trò chuyện lần này, không biết anh BeP có lời nào nhắn nhủ tới các bạn không?
Anh BeP: Anh cũng có một vài lời tóm gọn lại như này. Chúng ta đang ở thời đại 4.0, mọi người đang hướng về phần vật chất nhiều hơn là tập trung cho phần tinh thần, phần hồn của mình. Anh rất là mong trong dịp đầu năm, mọi người nên dành một chút ít thời gian để suy nghĩ sâu về phần bên trong. Khi mà mình tìm hiểu bản thân mình kỹ lưỡng, hiểu được nét tính cách, những điều mình còn thiếu hụt… thì thế giới mình nhìn sẽ rất khác. Anh tin rằng mỗi người đều có điểm đặc biệt riêng và mọi người cần biết trân trọng bản thân mình. Hãy hướng tới những phần đó để cân bằng với phần vật chất ở bên ngoài. Nếu mình biết cân bằng được những điều này, mình sẽ tiến rất xa.
Điều thứ hai là hãy đầu tư rất nhiều vào sức khỏe. Khi con người rơi vào tình trạng mệt mỏi, áp lực… mà sức khỏe cũng rớt thê thảm thì mọi người sẽ thấy nó kinh khủng như thế nào. Lúc đó chúng ta mới thấy sức khỏe quý giá đến đâu.
Thứ ba, nếu lập kế hoạch mà chúng ta không quyết tâm. không hy sinh để theo đuổi nó thì kế hoạch mãi mãi sẽ ở trên giấy và ở trong đầu thôi. Hãy vạch ra những kế hoạch, những mục tiêu hiệu quả, rõ ràng để có thể đo đếm và cải thiện sao cho tốt nhất.
Ai cũng sẽ có những hoang mang ở độ tuổi nhất định. Phải dũng cảm đối mặt với nó và vượt qua nó. Đừng nghĩ rằng nếu thay đổi cá nhân sẽ chỉ tốt cho bản thân mình. Khi mình tốt lên, những người xung quanh nhìn vào họ sẽ thấy được sự phát triển của mình và đôi khi sẽ thay đổi được họ. Trước khi mong muốn những gì đó lớn lao, hãy làm những việc nhỏ cho bản thân, làm tốt những điều đó. Hãy xem mình sẽ tiến xa tới đâu.
Chúc mọi người sức khỏe, bình an và có những quyết định sáng suốt cho mình.
Khám phá ngay podcast Người Trong Muôn Nghề chủ đề lập kế hoạch, thiết lập mục tiêu trong năm mới TẠI ĐÂY: https://b.link/NTMN-AnhBep
Đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề tại:
- Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
- Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe
- Spotify:https://b.link/spotify-NTMN
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions