Sức khỏe tinh thần của con người hiện đại đang ngày càng được quan tâm hơn khiến ngành Tâm Lý Học được rất nhiều bạn trẻ chú ý đến. Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/03, cùng với những lời chúc ấm áp, đội ngũ Human of Spiderum cùng với podcast Người Trong Muôn Nghề mang tới cuộc trò chuyện đặc biệt giữa host Xuân Quỳnh và khách mời là chị Ngô Thùy Trang (Keira Ngô) về chủ đề tâm lý học và chữa lành bản thân. Với kinh nghiệm thực tập và làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ tâm lý tại Anh, Indonesia và Việt Nam, chị Keira Ngô sẽ mang tới cho khán thính giả những nội dung:
- Con đường bước vào ngành tâm lý học tại Việt Nam.
- Học tập và phát triển như thế nào nếu bạn theo đuổi lĩnh vực tâm lý học.
- Sự gắn liền giữa tâm lý học và niềm hạnh phúc.
- Kỹ năng cần có trong ngành tâm lý.
Khám phá ngay cuộc trò chuyện của host Xuân Quỳnh của chị Keira Ngô tại đây nhé!
Xuân Quỳnh: Câu hỏi đầu tiên trong cuộc trò chuyện lần này đó là cơ duyên nào đã dẫn chị Keira đến với ngành Tâm Lý Học?
Keira Ngô: Hành trình đến với ngành Tâm Lý Học của chị bắt đầu từ năm chị lớp 11. Tại thời điểm đó, đối với chị và những bạn trẻ nói chung khái niệm Tâm Lý Học là một điều gì đó rất mơ hồ. Khi chị đi du học, bên tư vấn du học có gợi ý cho chị theo học các ngành Kinh Tế, các môn học liên quan tới lĩnh vực Kinh Tế… Sau khi học được 3 tháng, chị nhận ra những môn học về Kinh Tế không phải sở thích của chị. Trong thời gian nửa năm, chị rất là buồn và quyết định trở về Việt Nam. Khi quay lại Anh ngay sau đó, chị quyết định chuyển thành phố và theo đuổi những môn học hoàn toàn mới, lắng nghe mô tả các môn học và lựa chọn chuyên ngành để theo đuổi dựa trên sở thích của bản thân. Chị nhận ra Tâm Lý Học là môn học mà mình thích nhất. Nó sở hữu yếu tố văn hóa xã hội, cho phép mình nhào nặn ý tưởng đồng thời yếu tố khoa học của Tâm Lý Học cũng rất lớn. Chị yêu thích Tâm Lý Học và thi đại học về chuyên ngành đó. May mắn rằng đam mê với Tâm Lý Học vô cùng cháy bỏng đối với chị và tính đến nay chị đã gắn bó với lĩnh vực này được 8 năm rồi.
Xuân Quỳnh: Theo em được biết, Tâm Lý Học là một ngành được phân nhánh rất nhiều. Sau khi ra trường, ngoài những công việc chuyên sâu như bác sĩ tâm lý thì sẽ còn rất nhiều ngành nghề khác đúng không ạ?
Keira Ngô: Đúng vậy. Ở đây, hãy cùng giải thích một chút về khái niệm bác sĩ tâm lý. Thực chất, không có khái niệm nào là “bác sĩ tâm lý”. Ở Việt Nam, có 2 vai trò chính đó là “bác sĩ tâm thần” và “chuyên gia tâm lý”.
- Bác sĩ tâm thần là những người học ngành y, họ là bác sĩ và học chuyên khoa tâm thần. Cách chẩn đoán của họ sẽ khác so với chuyên gia tâm lý và sau khi chẩn đoán, họ sẽ kê đơn thuốc cho người bệnh điều trị.
- Chuyên gia tâm lý là những người học ngành Tâm Lý Học giống như chị và chuyên sâu về một phương pháp tâm lý nào đó. Có thể bằng lời nói, chuyển động, cơ thể, nghệ thuật,...
Nhìn vào 2 khái niệm ở trên, chúng ta có thể thấy có rất nhiều công việc khác liên quan tới ngành Tâm Lý Học ngoài việc trị liệu cho bệnh nhân như:
- Tham vấn hướng nghiệp, làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ các cá nhân yếu thế,...
- Sản xuất các sản phẩm truyền thông đa phương tiện về chủ đề tâm lý như podcast, video youtube,...
- Các công việc liên quan tới viết sách, dịch sách cũng là những công việc mà người học Tâm Lý Học có thể thực hiện bởi ngôn ngữ khoa học của ngành tâm lý sẽ có khái niệm khác với ngôn ngữ chúng ta sử dụng hàng ngày.
- Vận hành, xây dựng các hệ thống hỗ trợ tâm lý trong các trường học, công ty.
- Cố vấn, xây dựng và đào tạo các môn về Tâm Lý Học, các kỹ năng mềm.
- Nghiên cứu chuyên sâu về Tâm Lý Học.
- Ngoài những công việc trong ngành tâm lý, bạn vẫn có thể ứng dụng các kỹ năng trong lĩnh vực tâm lý học vào các công việc như sale, truyền thông copywriter hay thậm chí là các công việc thuộc lĩnh vực quản trị nhân sự…
Xuân Quỳnh: Chị Keira Ngô đã từng có thời gian học tập và làm việc trong lĩnh vực Tâm Lý Học ở cả nước ngoài và Việt Nam. Chị có thể giúp bọn em so sánh về hai môi trường học tập và làm việc này được không ạ?
Keira Ngô: Đầu tiên chị sẽ đi vào cơ hội học tập. Ở các nước phát triển và ngành Tâm Lý Học đã tồn tại từ rất lâu, môi trường học tập ở đó có nhiều sự khác biệt:
- Các giảng viên ở các sẽ có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Đồng thời, họ cũng đến đến từ nhiều mảng khác nhau trong Tâm Lý Học. Tại Việt Nam, Tâm Lý Học vẫn là một ngành còn khá mới các thầy cô, giảng viên cũng chủ yếu làm trong các lĩnh vực Tâm Bệnh Học, Tâm Lý Học Xã Hội, Tâm Lý Học Kinh Doanh… chứ chưa mở rộng và đi sâu vào các lĩnh vực lớn khác như Thần Kinh, Truyền Thông,... như các giảng viên Tâm Lý Học ở nước ngoài.
- Cơ sở giáo dục tâm lý ở các nước phát triển có đầy đủ cơ sở vật chất. Các bạn có thể thử nghiệm với nhiều loại máy móc hiện đại khác nhau.
- Dễ dàng tiếp xúc với các loại sách chuyên ngành hơn. Ở Việt Nam, khi tìm kiếm các nghiên cứu hay cuốn sách về tâm lý thì đa phần các bạn phải đọc lậu và tải lậu.
- Cơ hội tiếp cận với nhiều góc nhìn đa chiều và đa văn hóa bởi sinh viên quốc tế rất nhiều. Ở Việt Nam, điều đó sẽ bị hạn chế hơn.
- Có rất nhiều nơi thú vị để tham quan, tìm hiểu. Chị đã từng may mắn được tham quan căn nhà của Sigmund Freud, một trong những “ông tổ” của ngành Tâm Lý Học. Qua những tương tác thực tế như vậy, bản thân mình sẽ cảm thấy hứng thú hơn khi có sự kết nối giữa những gì mình đang học tập.
- Hàng năm có rất nhiều các nghiên cứu về Tâm Lý Học cho nên nếu bạn không có Tiếng Anh đủ tốt thì bạn sẽ rất dễ bị thụt lùi so với kiến thức Tâm Lý Học nói chung.
Về cơ hội việc làm:
- Ở nước ngoài, em sẽ có nhiều cơ hội làm việc cho các tổ chức, công ty và không phải lo nghĩ quá nhiều về vấn đề quy trình để có thể tập trung vào phát triển chuyên môn. Các bạn làm nghiên cứu cũng dễ dàng xin tài trợ hơn. Ở Việt Nam, các dự án tâm lý đều xuất phát từ Startup nên đôi khi họ sẽ có nhiều vấn đề và khó khăn nảy sinh.
- Ở Việt Nam rất khó có nhân sự đáp ứng được nhiều tiêu chí ví dụ như vừa phải hiểu biết về tâm lý cũng như am hiểu về truyền thông.
- Tuy nhiên, ở môi trường Việt Nam có cực kỳ nhiều đề tài để nghiên cứu.
Xuân Quỳnh: Đối với chị Keira, trong quá trình học tập và làm việc, đâu là kỹ năng hay giá trị mà chị cho là quý giá và quan trọng nhất?
Keira Ngô: Điều đầu tiên chị luôn trân trọng đó là “sự tò mò”. Khi chị học tâm lý, trí tò mò của chị được thỏa mãn bởi ngành Tâm Lý Học có vô vàn những thứ khác nhau để tìm hiểu. Cùng với “tò mò”, khả năng tư duy nhằm đưa ra giải pháp, nhận định sao cho phù hợp cũng là một kỹ năng chị rất trân trọng.
Tiếp đến, kỹ năng lắng nghe, khả năng thể hiện cảm xúc, nhu cầu, kỹ năng phản hồi. Chị học được những kỹ năng đó từ mong muốn hiểu về con người, tò mò về họ.
Cuối cùng, điều mà bản thân chị trân trọng nhất và hiện tại nó vẫn là một tiến trình tiếp diễn đó là hiểu bản thân mình. Kể cả có mình có không hiểu bản thân thì mình cũng không ngại tìm hiểu, không ngại đối diện với những mặt xấu. Đồng thời mình có nhiều công cụ để có thể khám phá bản thân. Chị cảm thấy vô cùng biết ơn và trân trọng những kỹ năng mà chị đã có trong Tâm Lý Học. Chị có cơ hội chữa lành cho bản thân mình cũng như hàn gắn những mối quan hệ.
Xuân Quỳnh: Quay ngược một chút thời gian ở thời điểm đầu tiên của cuộc hành trình, chị Keira nghĩ những người như thế nào sẽ phù hợp để theo đuổi ngành Tâm Lý Học?
Keira Ngô: Sau quá trình làm nghề, chị nhận ra tố chất đầu tiên để làm việc trong lĩnh vực tâm lý là sự tò mò, không ngại tư duy, thách thức quan điểm của bản thân, không ngại làm việc với các con số, cẩn thận khi xử lý thông tin. Tổng hợp lại, những điều kể trên là những kỹ năng về tư duy. Trí tò mò và kỹ năng phản biện luôn là sự bắt đầu tốt nhất khi các bạn tiếp cận với kiến thức và thông tin mới.
Thứ hai, sở hữu sự sáng tạo nhất định. Khi bản thân có cái nhìn mở, mình có thể nhìn thấy những cái mà người khác không thể thấy được. Từ đó, khai thác cho thân chủ, khai thác những đề tài cần nghiên cứu thêm.
Thứ ba, mong muốn hiểu hơn về cách vận hành của con người và xã hội. Cho dù bạn là một người hướng nội, ngại giao tiếp nhưng bạn mong muốn tìm hiểu về con người bạn vẫn có thể theo đuổi ngành Tâm Lý Học ở các công việc như nghiên cứu, các vị trí hỗ trợ,...
Thứ tư, thông hiểu và trân trọng sự khác biệt giữa các cá nhân, các nhóm và các nền văn hóa. Chính vì sự thấu hiểu đó, mình mới có thể áp dụng vào các bối cảnh khác nhau và hạn chế sự đánh giá khi gặp gỡ những con người mới.
Thứ năm, năng lực ngôn ngữ cả Tiếng Việt và Tiếng Anh. Nếu ngôn ngữ tốt, cách sắp xếp thông tin sẽ logic và khi đưa thông tin ra ngoài cũng sẽ dễ hiểu. Tiếng Anh cũng là phương tiện để cập nhật các thông tin về Tâm Lý Học trên thế giới.
Xuân Quỳnh: Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện, chị Keira có lời nhắn nhủ nào gửi tới độc giả và khán thính giả không?
Keira Ngô: Chị mong mọi người luôn tìm được sự bình an trong tâm hồn, bình tâm, trân trọng những điều bình dị nhất trong cuộc sống. Chị tin rằng, sự bình an luôn có ở trong mỗi chúng ta và quan trọng là chúng ta vượt qua được những sự sân si của cuộc sống để tìm về sự bình an trong thâm tâm mình. Và đừng ngại tìm hiểu về tâm lý học. Thoạt đầu, nghe tâm lý học có vẻ khá mông lung nhưng đảm bảo khi mọi người tiếp cận với bất kỳ kiến thức tâm lý nào, mọi người sẽ lập tức bị cuốn vào đó.
Lắng nghe đầy đủ cuộc trò chuyện của host Xuân Quỳnh và chị Keira Ngô về lĩnh vực Tâm Lý Học trong podcast Người Trong Muôn Nghề TẠI ĐÂY: https://b.link/NTMN-KeiraNgo-TamLyHoc
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast Người Trong Muôn Nghề mới nhất, bạn có thể theo dõi tại:
- Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
- Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe
- Spotify: https://b.link/spotify-NTMN
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions
Đọc thêm:
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất