- Bước chân vào ngành Quảng Cáo nên làm việc tại đâu? Lựa chọn client hay agency?
- Kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm thực chiến? Đâu là yếu tố quan trọng hơn?
- Những kỹ năng gì cần phải trang bị khi làm việc trong lĩnh vực Quảng Cáo?
- Thế nào là “Sáng tạo trong quảng cáo”? Làm thế nào để tạo ra những quảng cáo tràn ngập sự sáng tạo?
Hãy cùng đội ngũ Human of Spiderum giải đáp những thắc mắc trên trong số podcast Người Trong Muôn Nghề với chủ đề ngành Quảng Cáo cùng khách mời Trọng Nguyễn. Anh Trọng Nguyễn hiện đang là Creative Director tại Dinosaur Vietnam, agency thực hiện nhiều chiến dịch quảng cáo có sức lan tỏa lớn, nổi bật như “Không tạo thống khổ ấy là cứu độ”.
Nhớ lại giai điệu bắt tai của những đoạn quảng cáo quen thuộc trên truyền hình và cùng “mổ xẻ” tất tần tận quy trình sáng tạo và hoàn thiện một sản phẩm quảng cáo cùng host Andy và anh Trọng Nguyễn trong số podcast của Người Trong Muôn Nghề nhé!
Andy: Trong cuốn sách “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Sáng Tạo & Nghệ Thuật có gì?”, anh Trọng Nguyễn có chia sẻ rằng mặc dù ở trong ngành Quảng Cáo gần 15 năm nhưng anh khá là khó khăn khi giải thích cho gia đình, họ hàng,... quảng cáo nghĩa là gì? Vậy với anh Trọng, theo anh cụ thể quảng cáo là gì?
Trọng Nguyễn: Đây thực sự là một câu hỏi rất thú vị. Mọi người tưởng rằng câu hỏi này sẽ dễ dàng với người có kinh nghiệm trong ngành Quảng Cáo như anh nhưng sự thật đây là câu hỏi rất khó. Anh có thể chia sẻ với mọi người rằng:
“Quảng cáo là đưa ra những ý tưởng sáng tạo, giải pháp sáng tạo trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau để giúp cho các thương hiệu bán được sản phẩm/dịch vụ cho người tiêu dùng.”
Nói nôm na, quảng cáo giống như một tam giác cân với ba đỉnh chóp tượng trưng cho ba yếu tố: Sản phẩm/Thương hiệu - Người tiêu dùng - Người làm quảng cáo. Người làm quảng cáo sẽ là yếu tố kết nối Sản phẩm/Thương hiệu với Người tiêu dùng. Đấy chính là công việc hiện tại mà anh đang làm. Như vậy, mình phải hiểu được sản phẩm có những ưu điểm nào. Đồng thời mình cũng phải tìm hiểu Người tiêu dùng đang cần những gì để từ đó kết nối hai yếu tố này lại cùng nhau.
Andy: Nếu bản thân em mong muốn được làm việc trong lĩnh vực Quảng Cáo, anh có thể gợi ý cho em về những nơi em có thể làm việc được không?
Trọng Nguyễn: Trong ngành Quảng Cáo có rất nhiều loại công ty khác nhau. Với Agency quảng cáo như Dinosaur, đây là công ty có tích chất tích hợp. Bên anh làm những công việc từ chiến lược cho tới lên ý tưởng, sản xuất,... Còn rất nhiều công ty vẫn thuộc lĩnh vực Quảng Cáo nhưng đứng ở phương diện khác như:
- Công ty Media: Chạy quảng cáo trên các kênh truyền thông
- Production House: Những nơi quay phim, chụp ảnh, sản xuất ra những thành phẩm trong ngành.
Có rất nhiều loại agency khác nhau, tùy theo sở thích và chuyên môn để các bạn có thể làm việc. Làm quảng cáo không nhất thiết lúc nào cũng phải làm việc cho một công ty quảng cáo sáng tạo.
Với anh, khoảng 15 năm trước khi quảng cáo vẫn còn mới, rất nhiều global agency của nước ngoài bắt đầu tới Việt Nam và mở chi nhánh của họ. Số phận đã đưa anh tới Lowe Vietnam và anh làm việc ở đó trong ba năm. Tiếp đó, anh chuyển sang làm việc cho VMLY&R. Những công ty như trên họ đã chỉ dẫn, huấn luyện cách làm quảng cáo cho người Việt Nam. Ở hiện tại, đã có nhiều agency ở Việt Nam làm quảng cáo và họ được gọi là local agency. Từ đó, quy mô của global agency đã giảm dần và local agency đã phát triển lớn mạnh.
Anh không đưa ra lời khuyên nào giữa việc lựa chọn global agency hay local agency. Mỗi mô hình lại có ưu điểm và khuyết điểm khác nhau. Tuy nhiên với những bạn mới bước chân vào ngành, nếu vào được các công ty có những người lãnh đạo truyền đạt lại cho bạn những kiến thức về quảng cáo, đó mới là điều quan trọng nhất.
Andy: Có một quan niệm cho rằng ngành Quảng Cáo cần có kinh nghiệm, kiến thức trong trường học không áp dụng được nhiều. Theo anh Trọng Nguyễn thì quan niệm trên có đúng không anh?
Trọng Nguyễn: Đúng là không có nhiều trường dậy bạn làm quảng cáo. Khi bắt đầu bước chân vào agency quảng cáo, các bạn mới có cơ hội học tập nhiều hơn, vừa học vừa thực hành. Với anh thì quan niệm trên không nên dùng từ “kinh nghiệm” mà thay vào đó là từ “trải nghiệm”. Càng có nhiều trải nghiệm các bạn sẽ càng có nhiều ý tưởng sáng tạo để giải quyết bài toán mà nhãn hàng đưa ra.
Làm sáng tạo theo bản thân anh là những gì rất gần gũi với cuộc sống cho nên trải nghiệm là rất cần thiết. Anh sẽ kể cho mọi người một câu chuyện để thấy rằng “trải nghiệm” quan trọng như thế nào đối với sự sáng tạo.
Cách đây hơn 10 năm, những bà mẹ Việt Nam mới sinh con phải hứng chịu một áp lực đó là phải mua sữa ngoại để cho con uống. Niềm tin của người Việt Nam ở thời điểm đấy đều cho rằng sản phẩm của nước ngoài sẽ tốt hơn sản phẩm nội địa. Họ cho rằng phải mua sữa ngoại mới là thương yêu con cái. Câu hỏi đặt ra cho những hãng sữa nội đó là “Làm thế nào để sữa nội chứng minh được chất lượng sản phẩm cửa mình cũng tốt không kém gì sữa ngoại?” Bạn không phải một người phụ nữ có con, không chịu những áp lực kia thì bạn cần làm gì để hiểu được suy nghĩ của những người phụ nữ ấy? Mình sẽ phải đi nói chuyện với càng nhiều người càng tốt thậm chí là bỏ tiền để làm những cuộc khảo sát thị trường nhằm tìm ra vấn đề ở đâu. Kết quả thu về sau những cuộc nói chuyện, những lần khảo sát đó là rất nhiều người tin vào sữa nội nhưng bởi vì áp lực của xã hội, áp lực trong gia đình chồng nên họ không biết phải làm thế nào. Anh còn gặp một câu chuyện về người mẹ mua sữa ngoại về cho con nhưng đứa con lại không thích hợp với sữa ngoại. Sau đó, người mẹ ấy đã chuyển qua dùng sữa nội, sử dụng bao bì sữa ngoại nhưng bên trong là sữa nội để tránh bị áp lực từ gia đình chồng. Sau 1 năm, đứa trẻ phát triển hoàn toàn bình thường, người mẹ ấy lúc đó mới thú nhận sự thật là đã sử dụng sữa nội cho người con suốt thời gian qua. Đó là những câu chuyện, những trải nghiệm trong cuộc sống và mình bưng nguyên si câu chuyện đó vào quảng cáo. Đó là lý do vì sao trải nghiệm vô cùng quan trọng và nó tác động lớn như thế nào tới những ý tưởng sáng tạo trong quảng cáo.
Andy: Anh có thể chia sẻ thêm một chút về quy trình xử lý một sản phẩm quảng cáo của anh có được không?
Trọng Nguyễn: Khi nhận được yêu cầu từ phía khách hàng, điều đầu tiên mình cần phải thực hiện đó là tìm hiểu kỹ sản phẩm của mình. Người ta hay nói đùa rằng “Quảng cáo nói láo ăn tiền!” Nhưng việc mình làm là khai thác càng nhiều sự thật về sản phẩm của mình càng tốt, mang cái những giá trị thực sự đến với người tiêu dùng. Từ đó, mình đem tới cái ý tưởng sáng tạo có thể bắc cầu nối giữa nhãn hàng và người tiêu dùng. 
Rất nhiều năm làm quảng cáo, anh phải thú thật rằng hầu như các sản phẩm đều được anh mua thử và dùng thử. Kể cả sau khi làm ra sản phẩm quảng cáo, anh vẫn dùng những sản phẩm anh đã quảng cáo bởi mình có lòng tin vào sản phẩm. Mình phải yêu thích sản phẩm, tò mò về sản phẩm thì đó mới là khởi đầu của một chiến dịch quảng cáo thành công.
Andy: Có một từ khóa xuyên suốt cuộc trò chuyện vừa rồi đó chính là “sáng tạo”. Tuy nhiên em nhận thấy đây là một yếu tố rất khó để có thể đong đếm được. Là một người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Quảng Cáo, anh nghĩ sao về tầm quan trọng của chữ “sáng tạo”, “sáng tạo” quan trọng như thế nào trong ngành này?
Trọng Nguyễn: Nhiều người coi sáng tạo là tạo ra cái mới. Nhưng với anh, tạo ra cái mới rất là khó. Chỉ cần mình biết kết nối những thứ sẵn có, nhìn nhận sự vật sự việc theo một góc nhìn mới. Đó là sáng tạo.
Sáng tạo trong quảng cáo cũng khá khác biệt so với sáng tạo trong nghệ thuật hay văn chương. Sáng tạo trong ngành Quảng Cáo là đưa ra giải pháp nhằm bán được hàng hoặc giải quyết vấn đề của người tiêu dùng bằng những ý tưởng của mình. Đôi khi, sáng tạo trong quảng cáo bạn không được quá thể hiện cái tôi mà mục đích chính là sáng tạo ra ý tưởng nhằm thỏa mãn người tiêu dùng để người tiêu dùng mua sản phẩm của mình.
Chính sự kết nối, giải quyết vấn đề chính là cốt lõi của ngành Quảng Cáo.
Andy: Khi anh tuyển nhân viên, ngoài những điều căn bản về kiến thức, anh còn tìm kiếm điều gì?
Trọng Nguyễn: Nếu bạn muốn chuyên sâu vào ngành Quảng Cáo, các bạn cần có cho mình portfolio.Nó  không chỉ nêu lên kinh nghiệm mà còn thể hiện tiềm năng và đam mê của bạn. Portfolio cần phải thể hiện được 3 chữ P:
- Profile: Giống như CV. Các bạn có kinh nghiệm, trải nghiệm hay giải thưởng… có thể gắn vào profile của mình.
- Project: Những sản phẩm sáng tạo mà bạn đã làm. Có thể đó là cuộc thi, sản phẩm khi bạn đã làm khi ngồi trên ghế nhà trường…
- Personality: Thể hiện tính cách của bạn qua những câu chuyện, dẫn chứng.
Andy: Câu hỏi cuối cùng dành cho anh Trọng Nguyễn đó là liệu có điều gì mà người trong ngành biết rất rõ, hoặc người vào ngành nào cũng nên biết, nhưng mọi người thường không nói về nó một cách thoải mái/phổ biến, một điều mà mọi người sẽ phải tự ngầm hiểu trong khi làm ngành này không? 
Thứ nhất, người ta hay nói “Quảng Cáo nói láo ăn tiền” hay đang xem phim mà quảng cáo lại hiện lên thì chỉ muốn tắt ngay đi. Đây có thể ví như “nỗi đau khổ” của những người làm việc trong lĩnh vực Quảng Cáo. Nhưng khi tiếp xúc với ngành Quảng Cáo, được làm việc với các nhãn hàng lớn anh mới thấy quảng cáo mà được yêu thích đều nói sự thật. Cách mình nói sự thật như thế nào cho thú vị, thể hiện những ưu điểm của sản phẩm mới là điều quan trọng. Các bạn có thể yên tâm rằng khi làm việc trong ngành Quảng Cáo, không ai trêu các bạn là “nói láo” cả.
Thứ hai, ở trên mạng xã hội hay chia sẻ những cái meme thể hiện mối quan hệ giữa agency và client rất ghét nhau và thậm chí thù hằn nhau. Sự thật, đó chỉ là những sự vui nhộn trong công việc thôi chứ không phải ngành Quảng Cáo lúc nào cũng như vậy. Giữa agency và client luôn luôn là sự hợp tác, song hành để ý tưởng sáng tạo có thể thành công, sản phẩm có thể đạt mức tiêu thụ tốt. Dĩ nhiên bất cứ mối quan hệ nào cũng có khó khăn nhưng không phải lúc nào mối quan hệ này cũng là một bức tranh xám xịt mà các bạn thường thấy.
Khám phá ngay podcast Người Trong Muôn Nghề chủ đề ngành Quảng Cáo TẠI ĐÂY: https://b.link/NTMN-TrongNguyen
Đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề tại:
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions