Khi nhắc tới dế thì bạn nghĩ tới điều gì đâu tiên, có phải là những tiếng kêu rả rích mỗi cuối chiều hè lộng gió trên những cánh đồng xanh bát ngát thơm ngào ngạt hương lúa, hay là món dế chiên giòn rụm được bày trên chiếc đĩa trắng phau nhắm cùng với một cốc bia mát rượi bên những homie của mình sau một ngày dài làm việc vất vả, không thì là những lần đi bắt dế về để chọi nhau với dế của lũ quỷ bạn... Với mình thì khi mình nhớ tới dế thì đó lại không phải là một con dế vật lý mà có thể cầm được trên tay mà là chú dế mèn nằm trên những trang sách của nhà văn Tô Hoài.
Sao mình lại nhớ tới chú dế mèn này ư?
Lộn ngược lại thời điểm mình học lớp 6, tác phẩm của nhà văn Tô Hoài được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn. Cô giáo đã mang tác phẩm đến lớp, cho lớp trưởng của bọn mình đọc diễn cảm cho cả lớp nghe trong suốt buổi học hôm ấy. Mình thì cũng chỉ là cậu học sinh bình thường, thích được chém gió bốc phét với mấy thằng bạn hơn là ngồi nghe lớp trưởng đọc vì nếu nghe là kiểu gì cũng ngáp ngắn ngáp dài ngay, mà khổ nỗi ngủ là kiểu gì cũng bị ăn mắng. Thế nên những áng văn ấy cứ trôi đi mà chẳng đọng lại trong đầu óc mình tí gì. Nhưng mình chẳng nhớ nổi vì lí do gì mà khi về đến nhà lại cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được quyển ấy về đọc. Mẹ không mua mà lại đi xin lại của một người chị họ của mình. Mình dỗi vì nó không phải là quyển sách mới mà là quyển sách đi xin, đã thế lại còn bé đúng bằng quyển sổ a6, nhìn cái chữ bé tí xíu là hết hứng đọc. Vậy là quyển sách ấy đường hoàng đặt một chân vào trong gầm bàn học của mình, nhưng là góc của những quyển sách mình chả bao giờ thèm động đến. Nó cứ ở đấy mãi cho đến khi nó biết mất lúc nào mình cũng không hề biết.
Khi lên Đại học, mình có dịp đi chơi hội sách và mình bất ngờ thấy nó được bày bán trong quầy sách của NXB Kim Đồng, mở phần giới thiệu sách ra đọc thì đập ngay vào mắt đó là thông tin tác phẩm này được dịch ra hơn 15 thứ tiếng, vượt ra khỏi biên giới quốc gia để đến làm bạn với thiếu nhi của gần 40 quốc gia, chính nhà văn Tô Hoài còn thừa nhận rằng bản thân ông cũng chưa đi được bằng ấy nước. Lúc đó mình thật sự đã đứng hình một vài giây vì không tin được rằng trên đất nước nhỏ bé của mình lại tồn tại một kiệt tác văn học kinh điển như vậy mà giá của nó còn chưa bằng hai tô phở. Và sau đó chắc các bạn biết mình làm gì rồi đấy.
Về nhà mình trèo ngay lên giường, lật mở từng trang sách ra, dành toàn bộ sự tập trung để khám phá xem bên trong cuốn sách ấy có thứ ma lực gì khiến nó trở nên nổi tiếng như vậy. Và sau đó thì chỉ biết nói là giá như mình biết tới nó sớm hơn. Mình xin chia sẻ một vài thứ mà mình đặc biệt ấn tượng về cuốn sách này, mình sẽ chia sẻ dựa trên tiêu chí gợi mở, cố gắng tiết lộ ít thông tin nhất vì mình mong rằng các bạn của mình sẽ thực sự bớt chút thời gian để đọc tác phẩm này.
Cốt truyện của tác phẩm này thì là một cốt truyện giống với mọi thể chuyện phiêu lưu đó là dế mèn muốn được khám phá thế giới bên ngoài kia rộng lớn thế nào, rủ bạn bè lên đường ngao du, nhưng trên chặng đường ngao du ấy cậu gặp rất nhiều rắc rối do cái tính cách ngông cuồn kiêu căng của mình dẫn đến rất nhiều lần đến suýt mất mạng nhưng cứ mỗi khi vượt qua những rắc rối ấy thì cậu lại càng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, kết giao thêm được rất nhiều bạn đồng hành mới. Nhưng đặc biệt cậu luôn nhớ rằng dù có đi trăm sông, ngàn núi thì chỉ có một nơi duy nhất để về đó là nhà.
Cái hay mà người đọc dễ dàng nhận ra nhất đó là cách ông thổi hồn vào những loài vật nhỏ bé như dế mèn, dế choắt, dế chúi, ếch, bọ ngưa vv và vv. Ông cho chúng ta thấy rõ rằng chúng cũng mang những tính cách giống như con người, có đầy đủ sự kiêu căng, ngạo mạn, hào hiệp, trượng nghĩa, biết vui, biết buồn, biết sợ hãi, biết khóc và biết hạnh phúc là gì. Bên cạnh đó là cách ông tả đồng quê Việt Nam thật sự quá tuyệt vời, khiến ai đọc cũng tưởng tượng ra một thế lung linh đầy màu sắc. Đây có lẽ cũng là một trong những yếu tố thu hút trẻ em hay kể cả những người lớn đã từng là bé con phải mê mẩn tác phẩm này.
<i>Tác phẩm ra đời năm 1941, tính tới nay lầ đã hơn 80 năm</i>
Tác phẩm ra đời năm 1941, tính tới nay lầ đã hơn 80 năm
Nhưng mình nhận ra ẩn đằng sau những con vật được ông thổi hồn ấy còn là một tầng ý nghĩa nữa sâu sắc hơn. Các bạn nếu ngẫm nghĩ kĩ lại sẽ nhận ra rằng hành trình này rất giống với hành trình của những người trẻ. Những cô cậu thanh niên tuổi mười tám đôi mươi hừng hực khí thế muốn lao ra khỏi vòng tay kìm kẹp của gia đình để khám phá xem thế giới ngoài kia có gì. Và rồi với những trải nghiệm sống ít ỏi, ta gặp muôn vàn rắc rối với việc sống tự lập, chăm sóc sức khỏe bản thân, lao đao về thành tích học tập trên trường, kết giao bạn bè bừa bãi dẫn đến việc rất dễ sa lầy vào những tệ nạn xã hội. Ai đó may mắn thì có thể sẽ chỉ gặp phải những cám dỗ không quá lớn hoặc gặp phải cám dỗ lớn nhưng được thức tỉnh kịp thời để không lún quá sâu vào nữa nhưng cũng có ai đó ngoài kia cũng đã lún rất sâu vào những tệ nạn ấy để rồi sau đó gây ra những hậu quả vô cùng thương tâm. Các cụ ngày xưa đã dạy rằng “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” và chúng ta- những người bạn của tôi vẫn đang ngồi đây đọc những dòng này chắc chắn rất thấm thía lời dạy ấy, chỉ khi chúng ta đi qua những khó khăn thử thách của cuộc đời này thì chúng ta mới xứng đáng được hưởng những trái ngọt mà cuộc sống này ban tặng cho mỗi chúng ta.
Khi viết tới đây thì trong đầu mình nảy ra một rap của rapper GONZO đó là ”Ta trưởng thành hơn khi xa rời vòng tay quen” nhưng chúng ta dù có đi xa đến đâu đi nữa thì cũng chỉ có một nơi duy nhất để về đó là nhà; ta có ngủ ở đâu đi nữa thì nơi ta được ngủ ngon nhất vẫn là chiếc giường trong ngôi nhà của chúng ta; ta có yêu bao nhiêu cô gái, kết giao bao nhiêu bạn bè thì vẫn chỉ có cha mẹ ở bên ta lúc ta đau ốm, yêu thương ta vô điều kiện và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm của ta.  
Tôi đã từng đánh mất đi những người rất yêu thương tôi và bây giờ tôi nhận ra một điều là:
 “Hãy trân trọng tất cả những người yêu thương bạn thật sự vì bất chợt vào một lúc nào đó họ sẽ không còn xuất hiện trong tầm mắt của bạn đâu.”
HẾT.