Bốn giờ sáng và đang cố ru ngủ bản thân. “Biết đâu đọc sách sẽ giúp ích” - tôi nghĩ vậy, bèn giở cái gối trùm mặt, trở sang bên, vơ lấy cuốn sách mới mua tuần trước.
Mạch ý chắc chắn, giọng văn dễ chịu, chủ đề hứng thú, các ý tưởng và những cái tên quen thuộc bắt đầu xuất hiện, tôi biết đây sẽ là một cuốn sách hay. Có khi tôi sẽ đọc một mạch tới sáng, không được 200 thì cũng 100 trang, khi mà hai con mắt không còn mở được nữa, rồi sau đó thỏa mãn chìm vào giấc ngủ. Dù sao cũng thức, thôi thì làm cái gì có ích vậy.
Nhưng rồi những cái tên ít quen thuộc hơn được nhắc đến và những ý tưởng được phát triển đến cái mức làm tôi bắt đầu cảm thấy ngậm ngùi. Nhịp tim tôi tăng cao, tâm trạng trùng xuống, nhận thức về thế giới lung lay. Để tránh bản thân khởi những suy nghĩ tiêu cực*, tôi đi xuống bếp pha một ly trà, mở điện thoại ra chơi vài ván cờ vua, hy vọng đánh lạc hướng được tâm trí.
Không biết là do thiếu ngủ, do Covid hay là do cuốn sách, mà chơi ván nào thua ván đó. Sau ba ván, tôi bỏ điện thoại xuống và nằm suy nghĩ.
À không. Đừng hiểu nhầm. Tôi không tưởng vợ mình là chiếc mũ. Đúng hơn là tôi chưa có vợ. Tôi có người yêu. Nhưng tôi không tưởng cô ấy là chiếc mũ. Tôi cũng không tưởng nhầm chiếc mũ với bất kỳ ai hết.
Sự thật thì tôi chẳng bao giờ đội mũ, trừ mũ bảo hiểm; Mà bạn biết đấy, chỉ có những kẻ nghiệp dư mới xếp mũ bảo hiểm vào danh mục những chiếc mũ. Tuy có chung chữ “mũ” và có cùng cơ chế sử dụng - đều là để một người nào đó đội trên đầu - nhưng một cái có mục đích tự thân là bảo vệ hộp sọ của người đội và bị cưỡng chế bởi một đạo luật thông qua năm 2007, cái còn lại có mục đích tự thân là làm đẹp và được đội tùy nghi theo sở thích, ưu tiên, giá trị và sự tự do ý chí (nếu nó tồn tại) của cá nhân.
Nói chung không phải vì tìm thấy bản thân trong câu chuyện mà làm tôi ngậm ngùi. Tôi ngậm ngùi vì những thứ bên ngoài câu chuyện, là những gì tôi mang đến khi đọc cuốn sách và sự tương tác ngược lại của cuốn sách làm tôi nhận ra vài điều.
Đó là một cảm giác thường xuất hiện khi tôi chứng kiến một người làm được thứ mà tôi khao khát. Không chỉ làm được mà còn làm một cách xuất sắc. Một khoảng cách quá xa cho những điều tôi tưởng rất gần.
***
Cuốn sách viết về tâm lý học thần kinh, một trong những chủ đề mà tôi quan tâm nhất.
Hồi học môn này ở bậc cử nhân (văn bằng 2), tôi dừng gần hết các hoạt động khác chỉ để tối ngày đọc tài liệu. Mặc dù cuốn sách giáo trình của thầy (mà thầy không giới thiệu, tôi mò ra được trên mạng) gồm 500 trang tiếng Anh, chữ nhỏ li ti với những thuật ngữ chuyên ngành nhìn muốn phát khóc, tôi đọc được kha khá trong số đó.
Quá tải thông tin, tôi bắt đầu có một vài ý tưởng kỳ lạ. Đến ngày thi, mặc dù các câu hỏi đều đã được giảng kỹ, nhưng kiến thức của tôi hẳn phải vượt quá những gì thầy tiết lộ trên lớp. Tôi tự tin viết những điều mà tôi cho là thiên tài vào trong tờ giấy trả lời.
Bạn biết đấy, khi con người phá vỡ giới hạn bản thân, anh ta cũng phá vỡ giới hạn hiện thực. Điểm cuối kỳ của tôi vượt quá con số 10 mà người khác cho là giới hạn. Tại đây, một hiện tượng thú vị xảy ra - khi điểm số thoát khỏi giới hạn, nó tự ánh xạ chính mình bằng một phép xoay qua gốc tọa độ. Tôi vượt mốc 10 tới tận 2 điểm, hai điểm này trở thành hai điểm âm, cuối cùng trở thành 8 điểm.
Ý là tôi làm sai hai câu nên bị trừ hai điểm. Một câu là liệt kê tên thuốc, câu còn lại là miêu tả chu trình thần kinh của trí nhớ làm việc (working memory).
Ai học ngành tâm lý (hoặc đọc một vài bài viết trên mạng) cũng sẽ biết rằng trí nhớ làm việc diễn ra ở vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex). Nhưng bằng một cách nào đó, tôi bỏ qua luôn thùy trán mà miêu tả con đường V1, V2 quái quỉ gì đó đi từ thùy chẩm lên thùy đỉnh và đi từ thùy chẩm xuống thùy thái dương; hai con đường mà tôi nhớ mình có ghi là “không bền vững, chỉ xuất hiện khi có kích thích”.
Rất kỳ lạ. Nhưng thôi không sao. Dù gì thì tôi cũng quen với việc này rồi. Đúng như cách tôi gọi nó, phá vỡ giới hạn là luôn để rủi ro cao hơn mức tối ưu, mặc dù việc này đồng nghĩa với việc làm lợi nhuận (điểm số) kỳ vọng giảm xuống. Có thể sẽ bị trừ điểm không đáng, nhưng tôi sẽ luôn học được nhiều hơn và luôn mang đến bất ngờ cho thầy cô. Nếu không bất ngờ vì kiến thức thì ít nhất cũng bất ngờ về cái sự khùng.
***
Không chỉ nói về chủ đề mà tôi thích, cách tiếp cận của tác giả cũng là cách tiếp cận mà tôi xem là chân lý cuộc đời: phân tích trường hợp.
Không phải phân tích trường hợp thông thường. Mà phân tích trường hợp kết hợp cùng lối kể chuyện hài hước nhẹ nhàng, pha một chút hiểu biết liên ngành.
Chủ đề tôi thích được kể bằng cách tiếp cận tôi thích, có lẽ vậy mà tim tôi hụt vài nhịp. (Thật ra là hụt hơi do Covid. Nhưng đôi khi não bộ khá ngốc nghếch, nó nhận thấy tôi bị hụt hơi và nó biết tôi đang đọc sách, tiểu não tự động xảy ra cơ chế ghép cặp hành vi với môi trường, kết quả là quy gán sai lầm nguyên nhân cảm thấy choáng ngợp.)
Nhưng mà dù sao, điều khiến tôi cảm thấy tệ nhất là tôi học được quá nhiều trong cuốn sách mang một chủ đề mà đáng ra tôi không nên học được nhiều như vậy.
Học tập là một trải nghiệm kinh hoàng. Một người chỉ thực học khi nhận thấy (ý thức hoặc vô thức) có thứ gì đó trong hệ thống niềm tin của mình là sai lầm, cần thay thế bằng một niềm tin khác.
Khi một viên gạch trong hệ thống niềm tin bị phá vỡ, không chỉ có viên gạch đó bị phá vỡ. Từ viên gạch đó trở lên, tất cả đều lung lay. Từ viên gạch đó trở xuống, tất cả đều trở thành đối tượng tình nghi gây ra tình trạng bất ổn định hiện tại. Một thứ gì đó rất nền tảng cần được thách thức.
Dưới sức ép khổng lồ, tôi buộc phải thừa nhận với chính mình: Tôi chưa bao giờ giỏi tâm lý học thần kinh. “Chưa bao giờ”, mặc dù tôi muốn nghĩ như vậy.
***
Tôi nằm nhìn trần nhà, tự hỏi mình đang làm cái quái gì với cuộc đời: “Nếu tôi còn cách quá xa với so với hình mẫu lý tưởng đến vậy, thì đáng ra bây giờ tôi phải đọc cuốn sách nào đó của Sigmund Freud, Erik Erikson hay tuyệt hơn nữa là cuốn sách gì về thần kinh như The Strange Order of Things của Antonio Damasio chứ? Vậy tại sao mấy tuần nay tôi lại ngồi mòn đít làm bài tập đại số tuyến tính, rồi vật vã nhớ mấy cái công thức biến đổi ma trận?”
Chuyện là cách đây mấy tháng, tôi khởi phát một cơn tò mò cường độ cao và dai dẳng về cái thứ mà người ta gọi là “khoa học dữ liệu”. Bằng cách nào đó, tôi tin khoa học dữ liệu có thể tạo ra một làn sóng mới trong tâm lý học, giống như cái cách kinh tế học đã làm được thông qua các công trình “kinh tế học hành vi” đạt giải Nobel của Daniel Kahneman năm 2012. Tôi muốn dự phần vào làn sóng mới này. Cho dù đó có là một cơn sóng thần dữ dội hay chỉ là một gợn sóng nhỏ lăn tăn.
Ba tháng sau sự kiện “thức tỉnh”, tôi đăng ký chương trình thạc sĩ khoa học dữ liệu ở một trường đại học. Quyết đoán là vậy chứ tôi còn chưa biết mình sẽ học cái gì và đầu ra chính xác sẽ làm được gì. Mà thôi, dù sao cũng rảnh buổi tối.
Căn bản là tôi đang ôn tập toán “cơ bản” và tin “cơ bản” để thi đầu vào. Nghe lại những khái niệm đã 10 năm không còn nghe: “thuật giải”. Thật là một từ đầy hoài niệm.
Tôi nhớ lại lý do hồi xưa tại sao mình lại trở nên ghét lập trình đến vậy, mỉa mai thay đó cũng là lý do tôi thích lập trình từ ban đầu. Mọi thứ gói gọn trong một khung logic đẹp đẽ và đóng kín. Tôi có cảm giác kiểm soát được mọi thứ, biết được mục tiêu hướng tới, biết khi nào mình đi đúng hướng, mọi thứ thật rõ ràng và cụ thể. Nhưng cũng chỉ có vậy. Mọi thứ gói gọn trong cái khung logic đẹp đẽ và đóng kín. Thoát ra khỏi chương trình, quay trở về cuộc sống thực, tôi trở lại với sự không chắc chắn.
Khoảng 10 giờ sáng, cuối cùng tôi cũng ngủ được.
***
Tôi ngủ một mạch đến 5 giờ chiều. Cơn sốt quay trở lại, nhưng tâm trạng bây giờ đã tốt hơn rất nhiều. Tôi lấy lại cảm hứng và ngồi giải ma trận.
Không hẳn là tôi không biết ứng dụng của mấy cái khỉ gió này. Ma trận là cấu trúc dữ liệu chủ yếu của máy tính; vì vậy, để xử lý một bộ dữ liệu khổng lồ cần thiết nắm được các phép biến đổi ma trận tổng quát. Ví dụ như để tách người ra khỏi nền, việc cần làm đầu tiên là dữ liệu hóa tất cả những điểm ảnh dưới dạng ma trận, sau đó đưa ma trận này vào một thuật toán gọi là “phát hiện vật thể nổi bật” (salient object detection) để biến đổi ma trận, cuối cùng lấy ma trận sau biến đổi để chuyển lại thành hình ảnh bình thường; kết quả thu về sẽ là ảnh người đã tách khỏi nền. Tôi có một người bạn làm một cái ứng dụng như này nên học ké được chút ít. Dù gì thì mọi thứ đều bắt đầu từ toán mà ra.
Mà bạn biết không, càng học toán thì tôi thấy càng giống học tiếng Anh. Nếu so sánh “khái niệm” toán học với “từ vựng” tiếng Anh và “định lý” toán học với “ngữ pháp” tiếng Anh, thì cơ chế tư duy không có gì khác biệt. Tất cả đều là quá trình “xử lý thông tin thông qua đa bộ nhớ” (xem thêm).
Nếu có bất kỳ khác biệt nào giữa việc học toán với học tiếng Anh thì đó là sự khác biệt giữa vai trò của các bộ nhớ trong hai quá trình. Ngữ pháp trong tiếng Anh không nhiều như các định lý trong toán học, nhưng từ vựng trong tiếng Anh nhiều hơn rất nhiều các khái niệm trong toán học. Như vậy khi học tiếng Anh thì vai trò của trí nhớ dài hạn là đáng kể hơn, còn khi học toán thì vai trò của trí nhớ làm việc là đáng kể hơn: bạn sẽ phải “giữ” một lượng rất nhiều các định lý trong tâm trí và đảm bảo sắp xếp các dữ kiện hiện tại sao cho thỏa mãn đồng thời các định lý đó. Việc giữ được bao nhiêu định lý và dữ kiện trong tâm trí cùng một lúc sẽ quyết định khả năng học toán của một người. Điều này phù hợp với nhận xét: “Để học tốt toán cần thông minh.”, bởi các quan sát thống kê cho thấy dung lượng của trí nhớ ngắn hạn tương quan đồng biến với chỉ số thông minh. Tuy nhiên, cũng đừng quên còn có bộ nhớ đệm theo chu kỳ: nếu học đủ lâu thì bạn có thể sử dụng trí nhớ dài hạn cho việc xử lý thông tin ngắn hạn; điều này có nghĩa là nếu bạn sống đủ lâu và học toán đủ lâu thì hoàn toàn có thể bắt kịp Terence Tao bây giờ.
Bỏ qua toán, chuyển sự tập trung vào khái niệm “tư duy”. Với lập luận phía trên có thể thấy rằng bản chất của “tư duy” không có gì màu nhiệm. Nó chỉ là quá trình sắp xếp các định kiến trong đầu, sao cho rút ra được một kết luận thỏa mãn đồng thời tất cả các định kiến đang được mang ra so sánh. Nếu vậy, có thể thấy bản chất của tư duy cũng không khác gì bản chất của các quá trình “cảm tính” khác. Đều là lôi dữ kiện từ trí nhớ dài hạn vào trong trí nhớ ngắn hạn để sắp xếp, dữ kiện này có thể là công thức toán học, cảm xúc, giá trị hay bất cứ thứ gì.
Monster Box từng có một bài về chủ đề này, theo đó thì đây là “thuyết cảm giác” của Spinoza. Tôi thì biết đến cách tiếp cận này thông qua nhánh nghiên cứu về “tri giác cơ thể” (interoception)/“thuyết hiện thân” (embodiment) trong tâm lý học, với đại diện tiêu biểu hiện nay là Antonio Damasio. Nhìn chung thì với cách tiếp cận này, mọi thứ đều bắt đầu từ việc ý thức được cảm giác của cơ thể mà ra, từ cảm xúc vui buồn cho đến cộng trừ ma trận.
Ôi trời, đáng lẽ phải đọc The Strange Order of Things.
***
Dù sao thì để cam kết với ngành học mới này, tôi phải tự đi tìm cảm hứng cho bản thân.
Chiến lược thứ nhất là buôn dưa lê. Tôi có khá nhiều bạn bè làm trong ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật. Mặc dù chẳng đứa nào trong số tụi nó hứng thú với toán (tất nhiên thì tôi cũng vậy), nhưng tôi có khả năng đặc biệt trong việc quấy rầy người khác. Một người không hứng thú với một thứ gì đó không có nghĩa là tôi không thể khủng bố tin nhắn, bắt nó ôn lại và giảng bài cho tôi.
Song song với việc hỏi bài, tôi cũng sử dụng mọi thủ đoạn học được trong ngành quản trị và kiến thức tâm lý học để dụ dỗ càng nhiều đứa đi học chung với tôi càng tốt. Phần lớn trong các thủ đoạn này là năn nỉ.
Cuối cùng thì không ai rơi vào cái bẫy tinh vi của tôi. Tôi vẫn phải đi học một mình. Nhưng bạn biết đấy, mục đích của việc giao tiếp đôi khi chỉ là để cảm thấy kết nối với người khác chứ không nhất thiết phải đạt được cái gì hữu hình. Cảm giác kết nối và thuộc về một ngành nào đó là đủ để mang lại ý nghĩa trong công việc mình làm hằng ngày.
Chiến lược thứ hai là giả bộ có một tầm nhìn về cái thứ tôi sẽ đạt được sau khi học. Cái này thì dễ. Đầu tiên có thể thấy ngay rằng tôi sẽ bất khả chiến bại trong mọi trận múa phím trên mạng. Khi gặp đối thủ thích trích triết học, logic thuần túy hay phân tâm khỉ gì đó, tôi chỉ cần chụp mũ ngay là họ đang nói linh tinh, đồng thời yêu cầu đưa ra số liệu cùng mô hình khoa học để kiểm chứng. Ngược lại, khi gặp đối thủ thích đưa ra số liệu, tôi chỉ cần chụp mũ rằng họ đang sử dụng cơ chế phòng vệ “trí tuệ hóa” hoặc đánh vào điểm yếu “giản lược luận” của khoa học và dữ liệu. Đằng nào thì tôi cũng thắng. Một tương lai tươi sáng đang chờ đón tôi trên không gian mạng.
Thôi, nghiêm túc một chút thì tôi có ý tưởng về một mô hình hỗ trợ tuyển dụng. Để lên được mô hình đó, trước hết phải lên được một mô hình đánh giá kết quả làm việc của nhân viên. Hiện nay, người ta thường sử dụng 3 yếu tố mức lương, chức vụ, đánh giá từ cấp trên (và đồng nghiệp) để đánh giá nhân viên; nhưng vấn đề là không yếu tố nào trong 3 yếu tố này thật sự đo lường được kết quả công việc. Nếu không có tầm nhìn rõ ràng về người nhân sự như nào mang lại kết quả tốt nhất cho công ty thì cũng không thể tuyển được người nhân sự như vậy.
Sự chênh lệch giữa đánh giá của cấp trên (thầy cô) và kết quả thực tế là một chủ đề mà tôi quan tâm từ khá lâu, từ lúc còn là học sinh; rồi sau này học quản trị kinh doanh và sau này nữa học tâm lý (các chủ đề về tổ chức-nhân sự) cũng đều động chạm đến. Vì vậy, tôi nghĩ đây sẽ là một hướng đi tận dụng được bộ kết hợp kiến thức của tôi, có thể thương mại hóa được và cũng khá tiện - sếp của tôi sở hữu một chuỗi bán lẻ gần 100 cửa hàng, dữ liệu về tuyển dụng và đánh giá nhân viên khá lớn, có thể ngỏ lời nhờ làm thực nghiệm nếu cần.
Một ý tưởng khác mà tôi quan tâm là giải quyết vấn đề “personality-career fit” phục vụ cho hướng nghiệp. Hiện nay người ta hay sử dụng Holland hay MBTI, đôi khi là Big-5; tuy nhiên, theo cảm nhận chủ quan của tôi thì ngay cả Big-5 cũng không thể nào đủ để thực sự hướng nghiệp được ai đó. Có khi tôi sẽ lên một mô hình hướng nghiệp dựa trên phân tích các bài viết của cá nhân đó chẳng hạn.
Nhưng mà. Mơ thì mơ vậy thôi, chứ chắc chắn tôi không thể giải quyết được các vấn đề trên chỉ trong vòng 2 năm. Đây đều là những “trò chơi mở” - khi mà trạng thái cuối cùng lẫn các luật lệ đều chưa được xác định (để lên mô hình đánh giá kết quả công việc, trước hết phải định nghĩa được “kết quả công việc” là gồm những cái gì). Thế nên, khả thi hơn là tôi sẽ hướng đến những “trò chơi đóng” để hoàn thành chương trình học, nghĩa là giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật hơn.
Thằng bạn ở trên đã nhận lời giúp đỡ nếu tôi chọn đề tài xử lý hình ảnh (vẫn là thằng bạn chở tôi đi tập gym trong câu chuyện hồi trước). Có lẽ tôi sẽ chọn đề tài này. Nếu không ra được cái gì đó thực tế thì cũng hy vọng có thể mang lại thông tin gì đó có ích cho thằng bạn mình. Chỉ cần nghĩ như vậy cũng có thêm chút động lực rồi.
Mà nói gì thì nói, trước hết lo giải ma trận để thi đầu vào đã. Chắc gì đã đậu đâu mà.
* Tiêu cực: một trong hai khái niệm thuộc cặp nhị phân “tiêu cực - tích cực”, một diễn ngôn không có nền tảng thực.
P/s1: Tôi có lập một tài khoản mới, tên là @data-driven bitch. Trong 2-3 năm tới tôi định ghi chép lại những gì mình học được lên tài khoản này (cố gắng sử dụng ngôn ngữ trực giác nhất có thể).
Xem thêm:
P/s2: Trong thời gian ở nhà do Covid, tôi đã hoàn thiện được kỹ năng đập trứng bằng một tay, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của cuộc đời.