Nghe đến các giá trị “nhân văn” trong tiếng Việt, chúng ta đều chuẩn bị sẵn tâm lý để khóc. Còn khi nhìn Nhân văn như một lĩnh vực chuyên ngành, ta vẫn khóc, nhưng không phải do xúc động.
Nguồn: Spiderum
Nguồn: Spiderum
“Làm người có nghĩa là gì?” là câu hỏi nhận được sự quan tâm của hầu hết các ngành nghiên cứu, dù chúng có tự gọi mình là “khoa học” hay không, hay chúng có nhắc đến chữ “con người.” Câu hỏi này vẫn mãi ám ảnh, ngay cả đối với các ngành nghiên cứu về phân tử, vật liệu, động vật, hay toán học. Vì ta cần suy ngẫm, phương pháp của mình có cần và có thể vượt thoát hoàn toàn khỏi nhãn quan này, thân xác này, để hiểu thế giới một cách “khách quan” hay không?
Thời gian và không gian tồn tại trước khi có con người, hay chúng là những quy ước được con người tạo ra nhằm biện minh cho sự tồn tại của chính bản thân mình? Đạo đức là giá trị tuyệt đối hay liên tục thay đổi theo thời gian? V.v. Đó là những câu hỏi mà ngành Nhân văn sẽ trả lời rất khác so với các ngành tự gọi mình là “khoa học.” Bởi lẽ, quan niệm về sự tồn tại khách quan/chủ quan của ngành Nhân văn rất khác so với những gì chúng ta vẫn được dạy, từ môn tự nhiên và xã hội, cho đến Toán, Lý, Hoá.

Nhiều cách để trả lời chung một câu hỏi

Để giải đáp vấn đề làm người, một số câu hỏi đầu tiên chúng ta cần phải trả lời bao gồm:
Con người và thế giới xung quanh họ có tồn tại không? Nếu có thì bản chất của sự tồn tại đó là gì? (Câu hỏi bản thể luận)
Bằng cách nào ta biết thế giới này và bản thân mình tồn tại? Ta có thể nắm bắt bản chất đó bằng tri thức hay không? Nếu có thì giới hạn của tri thức đó là gì? (Câu hỏi nhận thức luận)
Những điều trên, tôi được thúc giục để nghĩ về ngay từ tiết học đầu tiên ở Đại học. Chúng tôi được cô giáo hỏi “Thế nào là sự thật?” Vấn đề này sẽ còn gây ám ảnh đối với mọi sinh viên học Báo chí và Truyền thông, vì nhiệm vụ quen thuộc của ngành này là mô tả sự thật một cách trung thực, khách quan. Nhưng một khi cố gắng trả lời xem bản chất của sự thật là gì, và liệu con người có thể mô tả nó triệt để hay không, thì nhiều khả năng ta sẽ bỏ nghề.
Hình ảnh một nhà báo, một nhà khoa học, hay một thám tử đi tìm sự thật hay được mô tả với một motif cụ thể. Người được trang bị kiến thức chuyên môn quan sát và giải thích một hiện tượng từ phía bên ngoài thông qua phương pháp nghiên cứu. Họ hi vọng rằng tự tiếp xúc không trực tiếp - hay không xỏ chân vào vị trí người trong cuộc - giúp sự quan sát có thể đạt đến trạng thái khách quan tối đa.
Đơn cử, khi là một nhà báo, bạn quan sát hiện tượng từ phía bên ngoài thông qua máy ảnh và nguyên tắc 3 nguồn tin. Bạn là chủ thể tiếp nhận và giải thích khách thể, tức hiện tượng bạn được giao tìm hiểu để viết bài. 
Đó là cách tiêu chuẩn “khách quan” đã luôn được hiểu. Hầu hết những phê phán nhắm vào quan niệm này chỉ dừng lại ở việc, khi nhà báo lựa chọn hiện tượng này và bỏ qua hiện tượng khác, họ dùng góc nhìn chủ quan của mình để quyết định thông tin nào thì quan trọng đối với độc giả hơn. Điều này khiến toàn bộ quá trình tác nghiệp không thể nào khách quan được.
Sự hồi đáp hoàn hảo lúc ấy có thể là, vì sự thật thì nghìn trùng, còn đầu óc con người có giới hạn, suy ra dù cố đến mấy, thứ nhà báo có thể cung cấp là một phiên bản giản lược của sự thật. Sự thật, khi đi qua màng lọc của người viết, bị triệt thoái về mặt nghĩa. Điều này giống với motif nhận xét lẫn nhau trong giáo dục tư duy phản biện ở Việt Nam - “Điều bạn nói đúng nhưng chưa đủ…”
Quan điểm cho rằng nhà báo có thể mô tả dù trọn vẹn hay thiếu sót về một sự thật có sẵn, có xuất phát điểm từ niềm tin rằng con người tồn tại độc lập so với sự thật, nên có thể nhìn và diễn giải sự thật từ phía ngoài thông qua trung gian của công cụ. Điều này giống như dùng máy định tuổi bằng carbon-14 để xác định niên đại của một cổ vật trong địa điểm khảo cổ, hay dùng kính lúp quan sát một cục đá… 
Giá trị của tiết học được tôi kể phía trên không đặt vấn đề như vậy. Chúng tôi tự hỏi, nhỡ bản thân mình và sự thật không tách rời nhau, mình là một phần của sự thật và chỉ có thể mô tả được nó từ phía trong, vậy có gì trên đời này có thể mô tả khách quan hay không, dù là tương đối? Nhận định này có thể khiến ta hoàn toàn tan vỡ khi nhận ra vị trí nhà báo và nhà nghiên cứu đứng để mô tả sự thật không hề trong suốt và phi vụ lợi. Góc nhìn của ta được bồi đắp nên bởi vô vàn yếu tố văn cảnh xã hội. Chúng can thiệp rất nhiều vào cách ta lựa chọn và phân tích vấn đề. 
Khi ấy, quan hệ giữa con người với sự thật không phải là khách quan mô tả từ phía ngoài. Ta đã luôn sắp xếp thế giới mình sống trong theo một trật tự bản thân có thể chấp nhận được, và yêu cầu sự thật phải xảy ra theo dự đoán lý thuyết của mình. 
Vậy là có hai góc nhìn phổ biến, có tính phản biện lẫn nhau khi nói về mối quan hệ giữa con người với sự thật. Các ngành khoa học, trong đó có Khoa học Xã hội, nhìn nhà nghiên cứu như một chủ thể (subject) đi chinh phục hàng loạt các khách thể (object) thông qua trung gian của công cụ đo đạc, thống kê, v.v.
Mô hình Chủ thể-Khách thể | Nguồn: Sweet Talk
Mô hình Chủ thể-Khách thể | Nguồn: Sweet Talk
Mô hình Liên chủ thể (intersubjectivity) | Nguồn: ResearchGate
Mô hình Liên chủ thể (intersubjectivity) | Nguồn: ResearchGate
Đó là góc nhìn từ phía ngoài nhìn vào. Trong lĩnh vực nhân văn, người nghiên cứu không phải nhân vật toàn năng đứng bên ngoài thế giới, mà thuộc về một phần của thế giới. Vì vậy họ sẽ phải giải trình nhiều hơn về vị trí của mình, đồng thời không thể đúc kết tri thức thành những lý luận cứng, khách quan, và tuyệt đối đúng.

“Khoa học Xã hội” và “Nhân văn”

Ở Việt Nam, “Nhân văn” và “Khoa học Xã hội” hay được ghép chung thành một cụm từ. Dù cùng nghiên cứu về trải nghiệm của con người trong xã hội và văn hoá xung quanh họ, song hai lĩnh vực nghiên cứu này rất khác nhau. Cùng xử lý câu hỏi “Làm người có nghĩa là sao?” nhưng câu trả lời và phương pháp đi tìm câu trả lời của hai lĩnh vực này không đồng nhất.
Lý do cho sự khác biệt này là: một ngành muốn khẳng định phương pháp luận của mình có tính “khoa học,” còn một ngành thì không. Ngồi lê đôi mách trong giới nghiên cứu, có thể dễ dàng tìm thấy câu “Nhà khoa học nào cũng là nhà nghiên cứu, nhưng không phải nhà nghiên cứu nào cũng là nhà khoa học.” 
Logic của Khoa học là kiểm sai trong thực tế những giả thuyết, những mô hình về thế giới đã có sẵn trong đầu mình. Lộ trình này có thể phù hợp để nghiên cứu những vấn đề Khoa học Xã hội có dung lượng mẫu rất lớn, như nghiên cứu về nhân khẩu học của một chương trình truyền hình, hoặc tỉ lệ người dân làm kinh tế nông nghiệp tại một tỉnh thành… Nhưng với trường hợp nghiên cứu là từng con người cụ thể, thì lộ trình này không khả thi. 
Với đặc thù nghiên cứu trải nghiệm sống ở đời của con người, nghiên cứu Nhân văn thường lựa chọn dung lượng mẫu (rất) nhỏ. Khác với khảo sát bảng hỏi nhằm thống kê phổ rộng các thói quen của người được nghiên cứu, ngành nhân văn đi vào chiều sâu của trải nghiệm sống từng cá nhân. Từ đó, họ nắm bắt được cách xã hội và hoàn cảnh nhào nặn nên con người ra sao. Đây là điều khiến nghiên cứu nhân văn có giá trị, dù nó không làm nổi bật tính đại diện của chính mình lên toàn thể xã hội.
Để hiểu được trải nghiệm này, những công cụ trung gian giữa người nghiên cứu và người được nghiên cứu về phải bị hạn chế một cách tối đa. Không còn khoảng cách giữa “chủ thể” với “khách thể” hay giữa “khách quan” và “chủ quan,” nhà nghiên cứu ướm mình vào nhân vật nghiên cứu, cố gắng nhìn thế giới từ đôi mắt họ. Tính chất này của nghiên cứu nhân văn được thể hiện rất rõ thông qua phương pháp điền dã dân tộc chí, hay thực địa nhân học (ethnography). Thay vì quan sát ở phía ngoài, nhà nghiên cứu cố gắng được chấp nhận bởi cộng đồng họ nghiên cứu về; nghiên cứu xảy ra khi người nghiên cứu có một phần góc nhìn của người trong cuộc, đi kèm với sự phản tư cá nhân.
Lúc này nghiên cứu trở thành một hành trình rất đỗi cá nhân. Người giảng viên từng quẳng tôi ra biển khơi rồi bắt tôi tự bơi vào bờ qua câu hỏi “Thế nào là sự thật?” giúp tôi thấu hiểu điều này. Trong khi cô nghiên cứu về thực hành làm mẹ bởi vì cô là một người mẹ, thì tôi nghiên cứu về sự hình thành căn tính của học sinh trường chuyên vì tôi đã từng là một phần của cỗ máy giáo dục này. Tôi đã theo đuổi đề tài của mình cho đến nay là năm thứ 5 liên tục, với những cuộc phỏng vấn và theo sát nhân vật dài triền miên nhiều tháng, cũng như đọc những lý thuyết phức tạp đến vô tận. 
Điều đó không có nghĩa, công trình không còn đủ “khách quan” để trở thành nguồn trích dẫn tri thức. Thực tế, trong lĩnh vực Nhân văn, sự phân đôi giữa “chủ thể” và “khách thể” đã bị phản biện mạnh mẽ. Họ cung cấp thuật ngữ “liên chủ thể” (intersubjectivity) để nhấn mạnh, bản thân nhà nghiên cứu và cộng đồng được nghiên cứu về cùng thuộc về, chia sẻ, và đan dệt nên một thực tại. Vì vậy không ai có thể đứng bên ngoài thực tại đó, dùng kính hiển vi vào dao phẫu thuật để “thăm dò” vào sự vật như một đấng toàn tri. Và cũng không ai hoàn toàn bị động như một “đồ vật” (trong tiếng Anh cũng là object) đợi bị diễn giải bởi người khác. 
Nghiên cứu với mẫu hẹp cũng không khiến Nhân văn có ít giá trị tham khảo hơn Khoa học Xã hội. Điều lĩnh vực Nhân văn đặc biệt quan tâm không phải bản thân con người cá nhân, mà là hoàn cảnh, nguồn cơn xã hội đã nhào nặn nên cá nhân. Vì vậy, đào sâu vào trải nghiệm cá nhân cũng đồng nghĩa với đi tìm ánh xạ của toàn bộ thực tại bên trong con người ấy. 
Giá trị lớn nhất mà nghiên cứu nhân văn đem lại là sự phản tư của cả người nghiên cứu và cộng đồng. Chúng ta nhận ra rằng một điều hiển nhiên, như người mẹ thì phải giỏi việc nước, đảm việc nhà, hay học sinh trường chuyên thì dĩ nhiên phải giỏi… thực tế không hề hiển nhiên một tí nào. Ta nhận ra vị trí chính xác của mình bên trong xã hội, nhìn thấy di sản của xã hội nằm bên trong từng suy tư thường nhật của mình, và nhận ra những đặc quyền mình có. Sự phức tạp của việc làm người cứ hiển lộ dần ra, khiến ta thông cảm hơn với người khác, và thông cảm hơn với chính mình.
Không có ngành nhân văn thì có chết người không? Dĩ nhiên là không, thậm chí bạn và tôi có thể chẳng cần phải nghĩ nhiều về thế giới làm gì. Nhưng thế giới thời hậu chiến sẽ vĩnh viễn có trên mình những vết sẹo sâu không bao giờ lành lặn, vì “ta” và “kẻ khác” sẽ không bao giờ có thể thông cảm cho nhau.

Tạm kết

Có thể nói, Nhân văn tìm kiếm những cách đặt vấn đề hay và khác lạ. Đứng trước vấn đề nghiên cứu hệ trọng như “Làm người có nghĩa là sao?” và “Khai thác sự thật của việc làm người kiểu gì?,” lĩnh vực Nhân văn không sử dụng máy scan não để tìm hiểu dòng chảy của hoá chất trong não người. Loài người bé nhỏ và ít quan trọng so với vũ trụ, nhưng điều đó không có nghĩa là đồng loại có thể nghiên cứu về nhau như một đấng tối cao nghiên cứu về món đồ chơi. 
Nghiên cứu Nhân văn cố gắng chỉ ra rằng, tìm hiểu về trải nghiệm nhân sinh sẽ không thể nào đưa ra những kết quả triệt để giống như giải một bài toán. Vì bản thân nhà nghiên cứu cũng là người, cũng có những thiên kiến cá nhân. Họ không thể vượt qua lai lịch cá nhân ấy để mô tả sự thật “như nó vốn là.” Họ nhìn lại bản thân và tự hỏi, tôi có thẩm quyền đến đâu để nói về việc này. 
Dù không có ý so sánh “Nhân văn” và “Khoa học Xã hội” như hai phạm trù đối nghịch, thì hai lĩnh vực này cũng có những mâu thuẫn trên nhiều khía cạnh cơ bản như Bản thể luận, Nhận thức luận, và Đạo đức. Từng khía cạnh sẽ được thảo luận trong những bài viết tiếp theo về lĩnh vực Nhân văn.