Bản chất môi giới-tư vấn chứng khoán là nghề đáng quý. Lý do đôi khi nó bị coi rẻ là do một số CTCK sẵn sàng thuê cả những bạn trẻ tầm tuổi đôi mươi, thậm chí là sinh viên mới tốt nghiệp vào làm bởi họ có thể thuê nhiều người ở độ tuổi này với mức thù lao thấp, ít ràng buộc. Đây là bài toán về quản trị khi mà thị trường lao động luôn sẵn có nguồn lực tươi trẻ này.

Ở GÓC ĐỘ KHÁCH HÀNG
Là một khách hàng, đừng bao giờ phụ thuộc vào người tư vấn của bạn, tiền của bạn bạn tự bảo vệ nó. Vai trò đúng đắn nhất của người tư vấn là làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn, phần còn lại bạn phải tự làm lấy. Không có bất cứ ai làm giàu cho bạn được. Bạn cũng đừng liên tục hỏi điểm mua điểm bán, đừng hỏi những câu hỏi sáo rỗng như mã này mua được không, mã kia có nên chốt lời/cắt lỗ?
Nhiều môi giới tự khoe có những phương pháp dạng robot, nhìn rất chuyên nghiệp song bản thân anh ta cũng không lấy làm hài lòng thực sự với “con robot” của mình, cứ nhìn vào khoản lãi thực sẽ thấy.
Hoặc ngay cả những bài báo cáo phân tích của các CTCK cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không có tác dụng làm tiên tri. Khá nhiều “chuyên gia” có cho mình bộ model dự phóng dòng tiền rất phức tạp trên excel để phân tích, định giá một cổ phiếu song cuối cùng cũng “chết” vì sự phức tạp nhưng lại nhiều yếu tố vô cùng chủ quan, mà họ không biết rằng những phương pháp đó chỉ phù hợp với các mô hình kinh doanh đơn giản, dễ đo đếm chẳng hạn như BĐS KCN…
Về vấn đề nhận định thị trường, thực ra tôi thấy chúng ta luôn có lý do để hợp lý hoá sự tăng giảm của thị trường, thị trường tăng cũng có lời giải thích cho việc tăng, thị trường giảm cũng có lời giải thích cho việc giảm và lời giải thích nào cũng có vẻ logic. Hầu như chẳng ai nhận ra rằng không thể biết trước xu hướng ngắn hạn tiếp theo của thị trường và việc cố phán đoán sẽ chỉ là tốn kém thời gian & tinh thần. Tốt hơn hết, hãy bỏ qua dăm ba cái nhận định thị trường hàng ngày để nhìn vào tất cả những yếu tố tốt xấu đan xen, bù trừ của thực trạng nền kinh tế, từ đó đánh giá và kết luận xu hướng chính của vĩ mô cho đến TTCK. Tất nhiên phải bỏ thời gian để tìm hiểu.
Tóm lại, nếu thấy người tư vấn liên tục đưa ra những gợi ý thiếu nhất quán thì hãy nghi ngờ năng lực của họ. Kể cả thị trường chứng khoán luôn thay đổi từng ngày thì góc nhìn chung vẫn phải được đảm bảo. Bạn phải kiểm tra xem liệu người tư vấn có còn nhớ những gì họ nói hay không. Thật khó để làm việc với người không chịu trách nhiệm với lời nói của mình. Thông tin, nhận định hay khuyến nghị mua bán không bao giờ đáng giá bằng sự cung cấp về mặt tư duy. Đó mới thực sự là người tư vấn có tâm.
Nếu bạn không nắm được những điều này, hoặc người tư vấn của bạn không nói cho bạn biết điều này, thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải rời bỏ họ sau một thời gian đầu tư kém hiệu quả.
Ở GÓC ĐỘ MÔI GIỚI
Nhà văn Nam Cao đã viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề nào cũng là sự bất lương”.
Như đã nói, sự thật thì việc bạn được tuyển vào làm vị trí chuyên viên tư vấn hay nói nhanh là môi giới chứng khoán trong khi mới chân ướt chân ráo, kiến thức kinh nghiệm còn chưa nhiều thì thực ra bạn cũng chỉ mang lợi ích cho CTCK là chính, lúc này giá trị của bạn cho khách hàng chưa có là mấy. Nếu bạn không quan tâm đến những thứ đại loại như giá trị đạo đức, lợi ích đóng góp cho xã hội hay cân bằng lợi ích cho khách hàng,… thì khỏi cần đọc tiếp. Còn nếu bạn đang định hình cho bản thân một con đường trong lĩnh vực làm nghề này, trước hết xin đừng để bị sa vào cuộc chơi của họ (các CTCK) mà hãy tích luỹ cho mình thật nhiều kinh nghiệm trước khi làm cố vấn cho người khác. Lý do vì sao thì hãy đọc nốt phần dưới đây:
Qua thời gian, tôi thấy rõ những diễn biến tâm lý khi NĐT tham gia vào đây, sẽ có những lúc bạn chỉ muốn all-in cho nhanh, có lúc thì muốn bán hết danh mục đi để “reset” lại từ đầu khi cảm thấy danh mục quá lan man, dàn trải,… tất cả mọi hành vi giống như là thử nghiệm vậy, và rồi sau nhiều năm kết quả nhìn lại không khả quan hơn tiền gửi tiết kiệm là bao nhiêu.
Lỗi ở đâu? Lỗi ở chỗ:
– khách hàng quan sát quá nhiều cơ hội khác nhau dẫn đến mất kiên nhẫn với khoản đầu tư hiện tại
– khách hàng không làm theo như những gì đã nhận định, tâm lý họ nhạy cảm và giao động theo biến động của thị trường hàng ngày
– khách hàng không biết kỳ vọng như thế nào là hợp lý
– khách hàng không biết mình mua và bán vì cái gì…
Để rồi sau tất cả những hiểu biết non kém đó, khách hàng sẽ có những câu hỏi khiến cho người môi giới rất khó trả lời. Một câu hỏi tưởng chừng đơn giản như “Hôm nay mua gì được em?” thôi cũng thể hiện rất nhiều thứ. Ở góc độ trung lập, tôi cũng nhận thấy, chính sự ngây thơ của đa phần NĐT F0 khi tham gia vào TTCK cũng làm cho người tư vấn gặp khó khăn trong cách đưa ra những lời khuyên phù hợp. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà càng cần phải có sự kiên nhẫn, chín chắn của người tư vấn.
Suy cho cùng, khách hàng vẫn phải tự có góc nhìn riêng, khi xác định rõ nguyên tắc cho bản thân mình thì mới thể hiện được vai trò là NĐT-khách hàng thông minh. Còn đứng ở vai trò là người tư vấn, bạn cần cho khách hàng hiểu được điều đó. Đồng thời, bạn phải biết chắt lọc thông tin, sau đó đưa ra ý kiến, quan điểm của bản thân với những thông tin đó, đặc biệt là trong thời đại ma trận nhiễu loạn thông tin này. Có như vậy thì vai trò của người tư vấn mới thực sự phát huy, chứ đừng nghĩ mình chỉ cần spam tin tức là đủ.
Chốt lại, nếu bạn đang ở độ tuổi 20, cho dù kiến thức bạn có được là nhiều đến mấy, thì những trải nghiệm quan trọng trong cuộc sống mới giúp bạn định hình phong cách tư vấn của một người trưởng thành, bao gồm cả trí tuệ cảm xúc, sự khiêm tốn, cách ứng xử hay tất cả những gì cần thiết và những kinh nghiệm đáng giá khác mà chỉ có thời gian mới cho bạn thấy rõ. Đừng đánh đổi đồng lương cho tất cả những gì mà chỉ có thời gian mới lấy lại được. Người thành công trên thị trường chứng khoán là người có được thành công ở nhiều lĩnh vực. Nếu nghiêm túc suy nghĩ về những gì tôi viết ở trên thì bạn sẽ không chỉ dừng chân ở vị trí môi giới tư vấn thôi đâu.
Link gốc: https://minhtran.blog/chia-se-goc-nhin/nhan-thuc-dung-dan-ve-nghe-moi-gioi-chung-khoan