Làm gì trong tuần đầu tiên nhận việc tại công ty mới?
Hãy tự vẽ lên bức tranh về những điều em đã cảm nhận, trải nghiệm được trong quãng thời gian ở đây. Tự hỏi bản thân xem có muốn trở thành một mảnh ghép của bức tranh này hay không?
Lâu lắm rồi mới lại lên đây viết lan man vài điều cho các "em tôi". Nếu những người em nào từng đọc mấy bài viết trước của chị rồi, thì chắc cũng quen với cách xưng hô này; còn nếu lần đầu đọc thì xin phép anh/chị/bạn cho mình được xưng "chị" cho dễ hành văn ^^
Tiếp nối những bài chia sẻ về viết CV, rồi đi phỏng vấn, nói chuyện với nhà tuyển dụng, chờ đợi kết quả... thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: "Ôi, em nhận được offer rồi, giờ phải làm sao?"
Như bình thường một công ty sẽ thử việc 2 tháng, nhưng bản thân chị đánh giá là một tuần đầu sẽ là mốc thời gian quan trọng nhất để em đưa ra quyết định đây có phải là nơi dừng chân của em trong chặng đường sự nghiệp sắp tới hay không.
Thực ra nhiều người có thể sẽ nhìn ra được những "redflag" ngay trong những ngày đầu nhận việc nhưng sẽ chọn chấp nhận và ở lại vì nhiều suy nghĩ như lo lắng vì không tìm được nơi khác tốt hơn, sợ tốn thời gian cho việc tiếp tục rải CV - đi phỏng vấn - chờ đợi...; nhưng chị lại nghĩ rằng, nếu cứ tiếp tục ở lại một nơi không thuộc về mình - thì đó mới chính là đang phí phạm thời gian của bản thân. Tuy nghiên, nếu tuần đầu tiên trôi qua trong sự hưng phấn và đầy lạc quan, thì chúc mừng em vì có thể em đã tìm được một nơi có thể "tạm" dừng chân để học tập và khám phá.
Anw, xin được phép vào đề luôn cho khỏi lan man.
Tuần đầu tiên nhận việc cần phải làm gì? Cùng trả lời một số câu hỏi sau đây nhé!
1. Công ty này có phải là nơi xứng đáng để em cống hiến?
Chắc hẳn khi ứng tuyển rồi phỏng vấn em cũng tìm hiểu khá nhiều về công ty rồi, vậy thì bây giờ là lúc xác nhận lại những điều kỳ vọng của em về nơi đây có đúng là sự thật hay không.
Đầu tiên là ngày onboarding của em. Thường các công ty sẽ tương đối chú trọng vào thời điểm này, vì nó sẽ là những ấn tượng ban đầu của nhân viên mới và tạo động lực cho suốt quãng thời gian sau này. Có thể chỉ đơn giản là sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của HR vào ngày đầu bỡ ngỡ đi làm, cung cấp cho em những thông tin về nơi làm việc hay trang thiết bị hỗ trợ em làm việc, hay một vài món quà nhỏ xinh khích lệ tinh thần... Tất cả những điều đó thể hiện sự trân trọng của công ty với nhân sự của mình - và đó cũng chính là những thứ em có thể nhìn vào để tự mình cảm nhận về văn hóa công ty.
Tiếp theo sẽ là lộ trình hướng dẫn về "văn hóa công ty" - thường sẽ là bắt buộc đối với một số công ty mới; để em có thể hiểu sâu sắc hơn về những chính sách, đãi ngộ, những hoạt động tập thể của công ty, những giá trị cốt lõi của công ty... Qua những buổi này, em sẽ có cái nhìn tổng quan về những tháng ngày sắp tới của em về nơi này.
Chỉ nhắc nhở nhẹ một chút ở câu hỏi này, sự "xứng đáng" của công ty mà chị nhắc đển - không phải là việc công ty có giàu, có cho em những món quà đẹp, có show cho em những chính sách phúc lợi đỉnh cao hay những hoạt động thú vị hay không - mà là nơi này có hợp với em hay không? Công ty có mang lại những giá trị mà em theo đuổi? Công ty có hướng tới những mục tiêu mà em mong muốn? - Hãy tự trả lời xem nhé!
2. Leader trực tiếp của em là ai?
Nhân vật vô cùng quan trọng trong chặng đường sự nghiệp sau này của em - leader trực tiếp. Đó là người sẽ đào tạo, dẫn dắt, hỗ trợ, định hướng cho em. Vậy làm sao để biết được người ta có "hợp" với mình hay không nhỉ?
Thứ nhất - vẫn là ấn tượng ban đầu. Có thể lúc phỏng vấn em cũng đã được trao đổi với người này rồi, nhưng ấn tượng đầu tiên vào ngày đầu tiên đi làm vẫn là một cái gì rất đặc biệt. Thi thoảng, có thể gọi vui đó là một cái "trực giác" của bản thân - vài thời điểm có thể nó sẽ thể hiện rất rõ ràng. Và nếu những tiếp xúc đầu tiên không đem lại "redflag" gì cả, thì chúc mừng, chúng ta cùng đi đến bước tiếp theo.
Thứ hai - quan sát. Dành thời gian để trao đổi với leader trực tiếp về những điều em cần học, cần làm thời gian tới; một số thứ lặt vặt khác ngoài công việc - đơn giản như giới thiệu về các phòng ban, đồng nghiệp sẽ làm việc cùng; thêm em vào các nhóm chat của team, của công ty hay kể cả việc trưa nay ăn gì? Nó cũng gần giống như "lần hẹn hò" đầu tiên của em vậy - liệu người ta đã dẫn dắt theo đúng những thứ mà em kỳ vọng chưa, thái độ với em như nào...?
Chị nghĩ một người leader "có tâm" sẽ cố gắng dành thời gian để trò chuyện, dẫn dắn thành viên mới và luôn để tâm, tìm cách để em có thể hòa nhập vào một cộng đồng mới.
Bên cạnh đó, em có thể quan sát thêm về cách nói chuyện của leader trong các group chat, hay cách tương tác với đồng nghiệp - vừa để hiểu về tính cách của leader, vừa để hiểu thiên hướng làm việc của team.
Nhắc nhẹ đoạn này một chút đó là không có những hành động Đúng hay Sai, hoặc nhận định một người leader Tốt hay Xấu ở đây nhé! Vẫn là từ "hợp" thôi. Vì chị biết có những người cần một leader tận tâm cầm tay chỉ việc, hướng dẫn chi tiết đường đi nước bước, quan tâm chỉ bảo; nhưng cũng có những người chỉ cần một người chuyên môn tốt để dạy mình, hoặc định hướng một con đường đi cho sự nghiệp sắp tới. Hoặc có những người mong muốn một leader hào sảng, phóng khoáng, vui vẻ - nhưng có những người lại thích một leader nghiêm khắc, quyết liệt.
Tất cả nằm ở câu hỏi "Em cần gì ở những tháng ngày tới? Liệu người này có phải là người có thể giúp em đạt được điều đó hay không?"
3. Công việc và vị trí của em ở đây là làm gì?
Cá nhân chị nghĩ yếu tố này chiếm đến 50% quyết định của chị khi ở lại một công ty. Vì đây là yếu tố ưu tiên của chị - còn của các em thì chị không biết :))))
Vậy làm thế nào nhỉ - để biết được liệu cái công việc này nó có giống như "mô tả công việc" lúc em ứng tuyển, có giống những điều được chia sẻ trong buổi phỏng vấn không?
Trước tiên - tìm đến mục số 2 - leader trực tiếp. Đó chính là người đầu tiên cho em biết được câu trả lời.
Sau đó, bản thân em phải tự "xác nhận" lại những thông tin em tự tìm hiểu hay được biêt, được chia sẻ.
Nhưng bằng cách nào?
3.1. Lộ trình đào tạo của em
Nhìn vào lộ trình đào tạo em sẽ biết em phải học gì, phải làm gì trong khoảng thời gian thử việc (và có thể là thời gian dài phía trước). Những thứ đó có phải là điều em đang tha thiết được trải nghiệm không?
3.2. Tài liệu đào tạo
Dành thời gian đọc thật kỹ những tài liệu đào tạo được cung cấp. Cái này thì quá rõ ràng rồi - đó là những thứ gắn liền với công việc của em.
3.3. Tự đào bới, tìm kiếm tài liệu
Cái này là một chút "tips" nho nhỏ mà chị tự nghĩ ra và làm thôi.
Chị dành thời gian lang thang tất cả các group chị được thêm vào. Nếu được xem lịch sử trò chuyện thì có thể xem lại để hình dung những chủ đề mọi người trao đổi là gì - từ đó sẽ nhìn được nhiều thứ như dự án hiện tại, các issue phát sinh, cách mọi người trao đổi, tương tác với nhau.... Ngoài ra nếu được xem các phần lưu trữ trong các group chat như link, media, file... thì cũng tự ngó nghiêng tải về xem thử xem sao - vu vơ thôi nhưng biết đâu lại tìm được cái gì đó hay ho.
Đào sâu thêm về các tài liệu được chia sẻ - xin thêm các tài liệu liên quan, tìm kiếm các keywords quan trọng....
3.4. Nhìn một cách tổng quan về bộ máy của công ty
Tự tìm hiểu để trả lời cho những câu hỏi: mô hình công ty như thế nào - phòng em đứng ở đâu trong tổ chức - team em đứng ở đâu trong phòng - em đứng vị trí nào trong team? Ngoài ra thì nhìn thêm các yếu tố xung quanh khác như phòng/team em cần tương tác với những phòng/team nào trong công ty, có lưu ý gì trong các tương tác, làm việc không, có quy định gì bắt buộc khi làm việc không
Và cuối cùng...
là tổng hòa của tất cả các yếu tố trên. Hãy tự vẽ lên bức tranh về những điều em đã cảm nhận, trải nghiệm được trong quãng thời gian ở đây.
Tự hỏi bản thân xem có muốn trở thành một mảnh ghép của bức tranh này hay không?
Nếu câu trả lời là CÓ thì hãy cố gắng hoàn thành thật tốt 2 tháng thử việc và cống hiến thật lâu dài nhé.
Chị tin tuần đầu tiên sẽ là một bước đệm thật vững để em tiếp tục bước tiếp hành trình sự nghiệp mà em mong muốn.
Chúc chúng ta sẽ luôn vững bước!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất