[Chuyện phỏng vấn] Nói dài - nói dai - thành ra nói dại!
Thực ra thì kinh nghiệm phỏng vấn - đi làm của 9 người thì 10 chuyện khác nhau, muôn hình muôn vẻ. Bản thân chị khi quyết định viết...
Thực ra thì kinh nghiệm phỏng vấn - đi làm của 9 người thì 10 chuyện khác nhau, muôn hình muôn vẻ. Bản thân chị khi quyết định viết chuỗi bài chia sẻ này, không phải là muốn đặt ra nguyên tắc hay chuẩn mực gì để các em làm theo, chỉ là hy vọng những trải nghiệm của chị (đa phần là những sự ngu si và thất bại), những bài học chị tự rút ra, sẽ phần nào giúp các em có thêm một góc nhìn về một cuộc sống "sau thời sinh viên, bước vào sự vùi dập của cuộc đời". Vì chúng ta ai cũng không tránh được sai lầm; nhưng ít nhất biết được những sai lầm không nên mắc phải mà người đi trước chia sẻ, thì con đường dẫn tới "sự không sai lầm" sẽ phần nào đỡ vất vả hơn.
Tiếp nối hai câu chuyện trước về "Chuyện viết CV" và "Chuyện đi phỏng vấn", chị dành thời gian viết thêm một bài về "kinh nghiệm trao đổi/giao tiếp với nhà tuyển dụng" - câu chuyện mà khá nhiều em đang băn khoăn thắc mắc.
Bản thân chị nhận thấy, có một điều tiêu cực mà chị (cũng như nhiều bạn khác) mắc phải, đó là sự tự ti. Chị đã từng nghĩ rằng, "giao tiếp tốt" là một năng khiếu - tức là có những người sinh ra đã nói chuyện có duyên, rồi có khiếu hài hước; còn bản thân mình là một người "hướng nội", cho nên cứ tự chui vào một góc sống một mình không giao tiếp được với ai. Ây, thực sự là sai lầm hết cả các em ạ. Chị đồng ý là có những bạn rất hoạt ngôn, nói câu nào là vào tai câu đấy, ai cũng hứng thú. Nhưng "giao tiếp tốt" lại là một kỹ năng cần rèn luyện mà thành - cũng là điều mà chúng ta chỉ cần nghiêm túc thực hành, trau dồi là có thể giỏi được.
Bản thân mỗi chúng ta là một cá thể đặc biệt không ai giống ai (cái này nói rồi nhưng lại nói lại lần nữa cho các em nhớ), thế nên các em không cần phải cố gắng bọc lên mình lớp vỏ ... hmm ... kiểu như là "thảo mai" để được coi là khéo ăn nói hay abc xyz gì đó. Các em chỉ cần thể hiện đúng bản sắc của các em, cách dùng từ của em, cách diễn đạt của em; và hoàn thiện dần để tốt hơn bản thân của ngày hôm qua.
Bàn về giao tiếp, thì là cả một câu chuyện dài; nên hôm nay chị chỉ viết một bài ngắn về kinh nghiệm giao tiếp với nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn để các em có thể tham khảo và thêm tự tin sau khi pass qua vòng CV và nhận được email mời phỏng vấn. Về vấn đề này, chúng ta có thể chia ra làm 3 phần chính:
1. Trước khi phỏng vấnChị tin 500 anh em dù có tài năng kiệt xuất đến đâu, nếu không có một sự chuẩn bị tốt thì kiểu gì cũng sẽ dính một vài (cho đến một tỷ) lỗi sai ngớ ngẩn nào đó. Vậy nên, lời khuyên của chị là "hãy chuẩn bị một tinh thần vững vàng để có một buổi phỏng vấn thành công" bằng cách:
- Nắm chắc thông tin về công việc mà mình ứng tuyển : chị xin đảm bảo một điều, những câu hỏi quan trọng nhất trong buổi phỏng vấn đều sẽ xoay quanh kinh nghiệm/kỹ năng của em, rồi về công việc em ứng tuyển ... -> tất cả để trả lời cho câu hỏi "em có phù hợp với vị trí mà công ty đang cần không?". Vậy nên, không cần tốn thời gian Google về "những câu hỏi trong lúc phỏng vấn" em cũng sẽ biết được câu hỏi chính nhà tuyển dụng sẽ hỏi chỉ tương tự như: "Em có thể chia sẻ chi tiết hơn về kinh nghiệm của em ở công ty A ko?", "Chị thấy trong CV của em có ghi là..., em có thể nói rõ hơn không?", "Em ghi là em có kinh nghiệm bán hàng/kinh doanh... em có thể chia sẻ cụ thể về những việc em đã làm/những bước em đã làm/lợi nhuận - doanh thu em đạt được..." ....
- Tìm hiểu trước về những kỹ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng yêu cầu: điều này dựa vào vị trí mà em ứng tuyển yêu cầu có kỹ năng gì. Ví dụ như em ứng tuyển vị trí kế toán - thì sẽ có một số câu hỏi kiểm tra chuyên môn của em (như là: em hiểu thế nào về nguyên lý kế toán dồn tích ... - hỏi về lý thuyết; hoặc nghiệp vụ ABC phát sinh chi phí XYZ thì sẽ định khoản như nào - hỏi tình huống thực tế); ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, sẽ có một số thử thách thực tế (như là: công ty đang có 1 sản phẩm X, giả sử chị là khách hàng đang quan tâm, em hãy tư vấn và thuyết phục chị mua sản phẩm); ứng tuyển vị trí Digital Marketing sẽ hỏi về kinh nghiệm chạy/tối ưu...
- Tìm hiểu một số thông tin về công ty: bên cạnh việc đánh giá năng lực, nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đến việc "liệu em có phù hợp với môi trường làm việc và văn hoá công ty không". Vậy nên em có thể tìm hiểu trước về công ty - vừa để tự tin là em sẽ thích nghi được nếu pass, vừa thể hiện em thực sự nghiêm túc và mong muốn được nhận. Và biết nơi nào để em tìm mấy thông tin này ko - ừ đúng rồi - chính là website công ty.
- Đọc kỹ và xác nhận email tham gia phỏng vấn: đảm bảo là em đã nắm rõ THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM phỏng vấn để chắc chắn em sẽ đến đúng giờ.
2. Trong khi phỏng vấnLời khuyên quan trọng nhất trong khi phỏng vấn cho các em là "Hãy tập trung vào điểm mạnh của bản thân".
Giả sử em ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh, điểm mạnh của em là giao tiếp tốt nhưng điểm yếu là không cẩn thận; thì khi được hỏi về vị trí đó, hãy tập trung nói về việc em đã đàm phán và ký được bao nhiêu hợp đồng, đã duy trì quan hệ tốt đẹp với bao nhiêu khách hàng ... thay vì kể về một lần ngớ ngẩn viết sai hợp đồng nhưng khách hàng dễ tính nên vẫn được ký.
Và, có một kinh nghiệm nhỏ của bản thân chị mỗi khi đi phỏng vấn, đó là mỗi công việc chị từng làm đều sẽ gắn với một câu chuyện. Đó là cách chị biến buổi phỏng vấn trở nên gần gũi - lại kể được về những thành tựu của bản thân - đồng thời tự khiến những kinh nghiệm được ghi trên giấy trở nên thực tế và đáng tin hơn. Ví dụ, em ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh mà CV của em ghi em từng làm trợ giảng ở một trung tâm Tiếng Anh; khi được hỏi chi tiết về công việc, em có thể chia sẻ một số thông tin chung (em chuẩn bị bài giảng, chữa bài cho các bạn học viên, hỗ trợ abc trong buổi học ...), em có thể lồng ghép và chia sẻ thêm một câu chuyện đáng nhớ của em (ví dụ như: thời gian đầu em chỉ hỗ trợ và giúp đỡ các bạn, nhưng trong mỗi buổi học em dành thời gian để trò chuyện nhiều hơn với các bạn học viên, rồi nhận ra mỗi bạn đều có những câu chuyện nhiều cảm hứng về mục tiêu/định hướng.. điều đó truyền động lực cho em rất nhiều; và qua đó em cũng nhận ra hứng thú/ưu điểm của em trong việc giao tiếp/trao đổi với mọi người -> phù hợp với vị trí nv kinh doanh -> nên em quyết định ứng tuyển ... ) Thấy không, một mũi tên trúng hai đích. "Hãy thông minh, tỉnh táo và nắm thế chủ động."
Điểm cuối cùng các em nên chú ý, đó là cách diễn đạt. Đừng nói vòng vo dài dòng kể lể làm gì (tốn thời gian, nhàm chán); hãy đi thẳng vào vấn đề, nhấn mạnh những thứ cần nhấn. Ví dụ như câu chuyện bên trên, ứng tuyển làm nhân viên kinh doanh thì đừng kể lể em cẩn thận tỉ mỉ soạn bài như nào, đi làm đúng giờ ra sao; mà hãy tập trung vào việc em có khả năng giao tiếp với mọi người, khơi dậy những câu chuyện và tạo sự gắn kết với những người em mới gặp. Bên cạnh đó, đừng dông dài, hãy trình bày ngắn gọn - đủ ý - có đầu có cuối.
Nói chung thì câu chuyện phỏng vấn thì có cả tỉ vấn đề, có cả trăm trường hợp mà đến tận khi thực tế gặp phải thì tự em, bằng kinh nghiệm và bản lĩnh cá nhân, sẽ biết phải trả lời sao cho hợp lý.
3. Sau khi phỏng vấn Thường thì câu cuối cùng của buổi phỏng vấn sẽ là "Em có còn câu hỏi gì không??". Và đó là lúc để em chốt và kết thúc buổi phỏng vấn của em. Đừng quan trọng câu hỏi này quá; vì chị tin những gì quan trọng thì ở phần bên trên đã thể hiện đủ rồi; đối với câu này, em cứ bình thường trả lời về điều gì em còn băn khoăn (ví dụ như một thắc mắc nhỏ xinh về công ty - em thấy rất slogan của công ty là ..., em hiểu là ... không biết có đúng ko chị nhỉ?, ... hoặc ko có câu hỏi nào thì thôi, em chốt luôn là, qua buổi trao đổi vừa rồi cùng với những gì em tự tìm hiểu thì em cũng đã hình dung được về công việc và hiểu hơn về công ty, em chỉ muốn cảm ơn anh/chị đã dành thời gian trao đổi thêm với em ... ), đừng phức tạp quá làm gì, mất vui!!
Và để kết thúc sự chuyên nghiệp của bản thân, đừng quên về nhà và trả lời lại email mời phỏng vấn của bộ phận nhân sự để bày tỏ sự cảm ơn của em. (chỉ cần email lại ngắn gọn, nội dung là cảm ơn anh/chị/công ty đã dành thời gian trao đổi để em hiểu rõ hơn về công việc; hy vọng sẽ có cơ hội được trở thành một thành viên của công ty; chúc công ty luôn thành công abc...)
Bên trên là một số chia sẻ của cá nhân chị về chuyện đi phỏng vấn thôi, với mỗi người/mỗi vị trí sẽ có những kinh nghiệm và cách thể hiện khác nhau.
Hy vọng có thể phần nào giúp các em tự tin hơn, vững vàng hơn để nắm lấy cơ hội và có được một vị trí công việc mà bản thân mong muốn!
Chúc các em luôn thành công!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất