Lời tựa:
Trong Z-lab, một trang nghiên cứu giới trẻ của Kênh 14, có 1 dòng khiến mình rất chú ý, đó là:
Gen Z bước vào thế giới việc làm với tư duy bất an về tài chính
Cái này làm mình cảm thấy khá tò mò, không biết thực trạng hiện nay đã đến mức độ như thế nào, đâu là những nguyên nhân cốt lõi, và có chăng một vài biện pháp thiết thực để có thể cải thiện tình hình. Vậy nên series 3 phần này sẽ tập trung vào những nội dung chính ấy.
Rất mong bạn sẽ ủng hộ, cho ý kiến và tiếp tục theo dõi series nhé!
Phần 2: Những nguyên nhân chính
1. Biến động kinh tế và những đe dọa nghề nghiệp
Có lẽ không quá khi cho rằng chúng ta đang phải đối mặt với một giai đoạn chuyển giao của nền kinh tế thế giới. Không chỉ vì những đợt cho nghỉ việc hàng loạt của các công ty lớn, hay AI đang ngày càng xâm nhập sâu hơn vào công việc của con người.
Mà thậm chí, thực tế cho thấy hầu hết các nước vẫn chưa thực sự phục hồi một cách hoàn toàn sau đại dịch. Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng vẫn treo trước mắt, khiến các công ty và ngân hàng không những hạn chế tối đa việc tuyển dụng nhân viên mới, mà thậm chí còn tìm cách cắt giảm thêm để tiết kiệm chi phí nhiều nhất có thể.
Cụ thể, khi nói chuyện với một vài người bạn trong ngành ngân hàng ở UK, mình được biết là số lượng vị trí mới đã giảm đi đến quá nửa trong vài năm gần đây.
Con số này thậm chí còn đáng báo động hơn trong ngành công nghệ thông tin. Một cậu em đang làm trong ngành ở Canada chia sẻ với mình rằng giờ đây AI đã có thể cover hầu hết các nhiệm vụ của một sinh viên CNTT khi ra trường, vậy nên số lượng vị trí mới trong ngành đã giảm đến 70 80% so với thời cách đây 5 7 năm khi cậu bắt đầu đi xin việc.
2. Áp lực từ chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao
Thêm vào đó, lạm phát gia tăng trong khoảng 2 năm trở lại đây khiến chi phí sinh hoạt trở nên vô cùng đắt đỏ. Trong báo cáo được công bố cuối năm ngoái ở UK, gần 50% sinh viên được hỏi thừa nhận gặp phải khó khăn về tài chính trong quá trình học. Tương tự, ở Mỹ trong một nghiên cứu vào đầu năm 2023, 55% số sinh viên đại học tham gia nói rằng lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của họ vì những lo âu liên quan đến chi phí sinh hoạt.
Tất cả những biến động bên ngoài ấy, hiển nhiên đang ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của các bạn trẻ, những người chưa có đủ kinh nghiệm và kỹ năng để xây cho mình một vị trí vững chắc trong nghề, trong công ty.
Thậm chí, khi mà số lượng vị trí mới ngày càng ít, đẩy mức cạnh tranh lên rất cao, cùng với áp lực từ chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao, sẽ khiến rất nhiều người trẻ không thể kiên nhẫn chờ đợi một vị trí phù hợp. Thay vào đó, họ sẽ buộc phải chấp nhận những công việc lương thấp hơn, như những việc chân tay chạy bàn rửa chén, hoặc đi chạy xe công nghệ. Những công việc này có chung đặc điểm dễ nhận thấy là lương không cao, chỉ đủ cover chi phí, không thể tiết kiệm, và vì vậy càng hạn chế hơn khả năng chủ động của họ.
3. Kiến thức quản lý tài chính cá nhân
Theo những nghiên cứu về vấn đề này, thì người trẻ là một trong số những bộ phận yếu nhất về kiến thức quản lý tài chính. Điều này không quá khó hiểu, khi chúng ta không được học về quản lý tài chính cá nhân trên trường lớp hay giảng đường đại học. Thực trạng có thể dễ dàng quan sát thấy là chỉ khi đến tuổi trung niên và có một số vốn nhỏ thì nhiều người mới tìm đến và học về quản lý tài chính cá nhân.
Tất nhiên không thể phủ nhận là giờ đây các bạn trẻ cũng đã quan tâm hơn về vấn đề này. Tuy nhiên nhu cầu thường đến từ cảm xúc lo âu, thay vì là một tâm thế bình tâm để tiếp cận, học về quản lý tài chính cá nhân một cách nghiêm túc và kiên trì. Chính tâm lý lo âu này lại ảnh hưởng đến các quyết định như lựa chọn kênh kiến thức, và dễ khiến cho các bạn trẻ trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo, các khóa học dạy làm giàu nhanh, tiền ảo, vv.
---
4. Hành vi mua sắm và nỗi sợ FOMO trong thời đại chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi và công nghệ lấn sâu vào đời sống cá nhân
Nhưng, một vấn đề sâu hơn mà mình muốn chỉ ra, đó là công nghệ đang khiến chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) có thể đánh thẳng đến tâm lý từng cá nhân, khiến mọi người rất khó để kiểm soát chi tiêu. Và đây là một cuộc chiến thực sự không cân sức cho các bạn trẻ.
Công cụ hữu hiệu nhất mà chủ nghĩa tiêu dùng sử dụng trong thời đại mới là các algorithm, thứ dựa trên dữ liệu cá nhân để đưa ra các suggestion hấp dẫn, đặc biệt là vào những thời điểm trong ngày mà chủ thể khó kiểm soát hành vi tiêu dùng của mình (như khi quá mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, hoặc thậm chí khi đầu óc đang bị phân tâm trong thời gian làm việc). Các algorithm này, cùng hệ thống thanh toán chỉ trong một nốt nhạc, đã khiến rất nhiều người trẻ rơi vào vòng xoáy chi tiêu quá đà, hoặc thậm chí nợ nần với thẻ tín dụng (rất phổ biến ở các nước phát triển như US UK).
Thêm vào đó, một vấn đề tâm lý đặc trưng của người trẻ khi mới ra trường đi làm, là họ cực kỳ khao khát thể hiện mình. Nỗi sợ bị bỏ lại (FOMO), hiệu ứng khoe khoang mọi thứ trên MXH, cùng khao khát khiến mình nổi bật, khiến nhiều bạn rơi vào cuộc chạy đua tiền bạc không điểm dừng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dù lo lắng về tiền bạc, nhưng có đến hơn 1/4 số người được hỏi (26%) trả lời rằng họ cảm thấy buộc phải đến dự những sự kiện cực kỳ tốn kém (tiền vé, tiền rượu, đồ ăn, vv.) do nỗi sợ FOMO.
Kết:
Dù những tổng hợp này có thể là chưa đầy đủ, người viết hy vọng nó có thể chỉ ra rằng mọi thứ đang liên kết với nhau một cách cực kỳ khăng khít, để đưa bạn vào một vòng xoáy của chi tiêu vô thức + không có khả năng tiết kiệm + luôn lo lắng về tiền bạc, và vì lo lắng nên lại càng không tỉnh táo trong các quyết định mua hàng, hay dễ bị lừa bởi các kênh tư vấn tài chính không minh bạch.
Chỉ khi có thể nhìn thẳng vào vòng xoáy này, thì có lẽ mọi người mới có thể tỉnh thức hơn một chút, để bình thản hơn, và để có thể thực sự tiếp cận kiến thức về quản lý tài chính một cách hệ thống và sáng suốt.
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai)
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782 Ngân hàng: Vietbank Chủ TK: Lương Minh Hoàng
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất